Thiên này có 7 phần: Thuật ý, Thí điền, Thập địa, Phước nghiệp, Tội nghiệp, Tạp hành, Phương độ.
Thứ nhất PHẦN THUẬT Ý
Bởi vì nghe: hiểu biết sâu xa một khi suy toán thì ý đồ vượt xa muôn mối, hành nghiệp đã làm đen trắng khác nhau thì thọ báo lên xuống sai biệt, âm địa phương lớn nhỏ khác khu vực sinh ra ngắn dài, phước đức có ẩn hiện tùy theo việc làm có cạn sâu. Vì vậy các bậc Thánh nhân hiện bày dấu tích duyên cảm linh ứng vào đây, có lúc nêu rõ tướng hiện bày kỳ lạ, có lúc giấu hình hài che phủ vết tích, cách thức mẫu mực tuy khác mà đạo mở thông không sai biệt. Nếu không biết so sánh thì hiếm người biết được hơn kém ra sao.
Thứ hai PHẦN THÍ ĐIỀN
Như kinh Bồ tát Bổn Hạnh nói: Đức Phật bảo với Tu Đạt: Vào thời quá khứ có một Bà la môn, tên gọi Tỉ Lam, đoan chánh không ai sánh bằng và có trí tuệ thông minh bậc nhất, giàu có vô lượng không thể nào tính đếm được. Tỉ Lam nói: Tiền của châu báu vốn có thảy đều chẳng phải thường, mình không sử dụng, cần phải bố thí cho người nghèo thiếu. Liền mở hội bố thí lớn, nhân dân quy tụ đều đi đến nơi ấy. Lúc ấy Tỉ Lam muốn rửa tay mình nên nghiêng chiếc bình Quân Trì, mà nước không chảy ra, vì vậy ưu sầu lắm, nghĩ rằng nay mình bố thí nhiều mà có sai lầm gì khiến nước không chảy ra? Tức thì người cõi Trời hư không nói với Tỉ Lam rằng: Ông bố thí rất tốt chứ không có gì sai sót cả, nhưng những người nhận bố thí đều là hạng tà ngụy nhìn nhận trái ngược, không có thể tiếp nhận sự bố thí cung kính của ông, vì nguyên nhân này mà nước không thể nào chảy ra được. Ngay sau khi Tỉ Lam nghe người cõi Trời nói cho biết thì ý liền hiểu thông suốt, lập tức phát lời thề rằng: Nay tôi bố thí là vì đạo Vô thượng Chánh giác, đích xác như lời nguyện thì khiến cho nước sẽ chảy xuống tay tôi. Phát lời thề nguyện rồi thì nghiêng bình rửa tay, nước trong bình lập tức rót xuống tay. Chư Thiên ca ngợi rằng: Như ông đã thề nguyện không bao lâu sẽ thành Phật. Lúc bấy giờ Tỉ Lam bố thí áo quần ăn uống cho người nghèo thiếu, trong 12 năm sử dụng tất cả của cải để bố thí chứ không có gì giữ lại.
Đức Phật bảo với Tu Đạt: Bà la môn Tỉ Lam lúc bấy giờ nay chính là thân Ta, mà Ta đã bố thí cũng tốt tâm tư đó cũng tốt. Nhưng người tiếp nhận không tốt, được bố thí tuy nhiều nhưng được cảm báo rất ít. Ngày nay giáo pháp của Ta thật sự vi diệu thanh tịnh, đệ tử của Ta thật sự chính đáng, được bố thí tuy ít mà cảm được báo rất nhiều, đối với hạnh bố thí đã làm trong mười hai năm, và tất cả nhân dân trong cõi Diêm phù đề, tính ra công đức ấy không bằng công đức bố thì cho một người đạt đến địa vị Tu đà hoàn, phước ấy rất nhiều vượt xa phước trước kia. Bố thí cho một trăm Tu đà hoàn cùng với phước báo trước kia, không bằng bố thí cho một người đạt đến địa vị Tư đà hàm. Bố thí cho một trăm Tư đà hàm cùng với phước báo trước kia, không bằng bố thí cho một người đạt đến địa vị A na hàm. Bố thí cho một trăm A na hàm cùng với phước báo trước kia, không bằng bố thí cho một vị A la hán. Bố thí cho một trăm A la hán cùng với công đức trước kia, không bằng bố thí cho một vị Bích chi Phật. Bố thí cho một trăm vị Bích chi Phật một trăm vị A la hán một trăm vị A na hàm một trăm vị Tư đà hàm một trăm vị Tu đà hoàn, cùng với công đức đã bố thí cho tất cả nhân dân cõi Diêm phù đề, không bằng xây dựng tháp thờ Tăng phòng tinh xá cơm áo để cúng dường cung cấp những nhu cầu cần thiết cho chúng Tăng khắp bốn phương trong quá khứ hiện tại vị lại, tính ra công đức ấy vượt xa công đức đã làm trước kia. Đem phước đức đã làm trước kia, so sánh thì không bằng công đức bố thí cho một người đã thành Phật, công đức ấy rất nhiều không thể nào tính kể được. Tuy cúng dường Đức Phật cùng với công đức bố thí trước kia, nhưng không bằng có người trong một ngày tiếp nhận ba pháp quy y tám quan trai giới hoặc là giữ năm giới căn bản, công đức đã đạt được vượt xa công đức trước kia, gấp trăm ngàn vạn lần không thể ví dụ được. Lại lấy phước đức trì giới, cùng với tất cả công đức trước đây kết hợp lại, không bằng trải qua thời gian một bữa ăn ngồi thiền thương nghĩ cho chúng sanh, công đức đã đạt được vượt quá công đức trước kia gấp trăm ngàn vạn lần. Lại kết hợp công đức trước kia, không bằng nghe pháp giữ lại ở trong lòng tư duy về bốn chân lý, công đức ngày to lớn bậc nhất không có gì cao xa hơn được. Ngay lúc ấy Tu Đạt nghe pháp vui sướng vô cùng, thân tâm thanh tịnh đạt được quả vị A na hàm.
Thứ ba THẬP ĐỊA
Như kinh Kim Cang Tam Muội Bất Hoại Bất Diệt nói: Đức Phật bảo với Bồ tát Di lặc: Nay Ta vì ông nói về pháp công đức đã thực hành của Thập Địa Bồ tát. Bồ tát Địa thứ nhất giống như trăng đầu tháng ánh sáng chưa hiển bày, nhưng mà tướng sáng ấy thảy đều đầy đủ. Bồ tát Địa thứ hai như trăng ngày mồng năm. Bồ tát Địa thứ ba như trăng ngày mồng tám. Bồ tát Địa thứ tư như trăng ngày mồng chín. Bồ tát Địa thứ năm như trăng ngày mồng mười. Bồ tát Địa thứ sáu như trăng ngày mười một. Bồ tát Địa thứ bảy như trăng ngày mười hai. Bồ tát Địa thứ tám như trăng ngày mười ba. Bồ tát Địa thứ chín như trăng ngày mười bốn. Bồ tát Địa thứ mười như trăng như trăng ngày mười lăm tròn vành vạch đáng ngắm và tướng sáng vằng vặc đầy đủ. Tâm tư thanh bạch an trú bất động, không ẩn chìm thối lui, trú trong Tam Muội Thủ Lăng Nghiêm.
Lại trong Vô Tánh Nhiếp Luận Thích rằng: 'Nghĩa là lúc ở Địa thứ nhất thông hiểu pháp giới; có năng lực thông đạt khắp nơi tất cả các Địa. Nếu ở Địa thứ nhất đang lúc thông đạt, có năng lực nhanh chóng thông đạt tất cả các Địa sau. Bởi vì chủng loại này, như có bài tụng rằng:
Như thân tre phá toạc lóng đầu,
Lóng còn lại dễ dàng phá toạc,
Đạt được chân Trí địa thứ nhất,
Các Địa nhanh chóng sẽ đạt được.
Thứ tư PHẦN PHƯỚC NGHIỆP
Y theo kinh Tăng Nhất A hàm nói: Phước đức của người trong một cõi Diêm phù đề ngang bằng phước đức của một Chuyển Luân Thánh Vương. Phước đức của một Chuyển Luân Thánh Vương ngang bằng phước đức của người trong một cõi Đông Phất Vu Đãi. Phước đức của một người trong cõi Đông Phất Vu Đãi ngang bằng phước đức của người trong một cõi Câu da ni. Phước đức của một người trong cõi Câu da ni ngang bằng phước đức của người trong một cõi Uất Đan Việt. Phước đức của một người trong cõi Uất Đan Việt ngang bằng phước đức của một Tứ Thiên Vương. Phước đức của một Tứ Thiên Vương ngang bằng phước đức của một Thiên Vương cai quản ba mươi ba tầng Trời. Phước đức của một Thiên Vương cai quản ba mươi ba tầng Trời ngang bằng phước đức của một Đế Thích. Phước đức của một Đế Thích ngang bằng phước đức của một Diệm Ma Thiên. Như vậy lầm lượt thay nhau so sánh cho đến phước đức của Phi Tưởng Thiên, không thể suy nghĩ được.
Lại trong kinh Chánh Pháp Niệm nói: Như cõi Trời thứ ba mươi ba hưởng thụ năm thứ dục lạc dụ như niềm vui của Kim Luân Vương hưởng thụ, đối với niềm vui cõi Trời trong mười sáu phần không bằng được một phần. Đã thọ nhận thân thể loài Trời không có thịt xương, cũng không có gì dơ bẩn, không sanh tâm ganh ghét. Ánh mắt không mù lòa, quần áo không vương bụi bẩn, không hề có khói sương, cũng không có nỗi lo của sự đại tiện tiểu tiện. Ánh sáng nơi thân ấy luôn luôn phát ra soi chiếu rất xa. Bậc Chuyển Luân Thánh Vương cũng không có chuyện này, đối với vợ con của mình không nhiếp thọ thiên lệch, xa rời tâm lý ganh ghét, ăn uống không bị ràng buộc, không có những nỗi khổ do ngủ nghỉ, mệt mỏi quá sức Bậc Chuyển Luân Thánh Vương cũng không có chuyện này. Lúc chư Thiên này mới sanh ra, ca múa âm nhạc không có người dạy, không học hỏi từ người khác, bởi vì thiện nghiệp cho nên tự nhiên đều biết. Lúc thiện nghiệp giảm hết cho nên tất cả đều quên. Từ cõi Đạo Lợi trở xuống các Trời hãy còn có niềm vui to lớn, huống là niềm vui của cõi Trời trên cao thì khó có thể ví dụ được. Như vậy lần lượt thay nhau so sánh từ dưới lên trên, cho đến cõi Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng thì không thể nào ví dụ được.
Thứ năm PHẦN TỘI NGHIỆP
Như Kinh Thập Luân nói: Đức Phật dạy: Nếu có hàng Sát Lợi vua chúa Chiên đà la, đối với Tam bảo mà khởi lên ác tâm, thì tất cả chư Phật cũng không làm sao cứu được. Ví như ép dầu, trong mỗi một hạt vừng đều sanh ra các loại sâu bọ, dùng vòng tròn ép dầu mà ép lấy, thì có dầu chảy ra. Người ép dầu này ở trong ngày đêm, làm phép tính xác định bao nhiêu chúng sanh bị giết hại. Nếu lại có người dùng mười vòng tròn này mà ép lấy dầu, một vòng tròn trong một ngày một đêm ép được một ngàn Hộc dầu, như vậy cho đến đủ số một ngàn năm, thì người ép dầu này nhận chịu bao nhiêu tội lỗi? Bồ tát Địa Tạng thưa rằng: Thưa Đức Thế tôn, rất nhiều! Không ai có thể biết rõ số lượng tội lỗi của người này, số lượng ấy bao nhiêu chỉ có Đức Phật biét rõ. Đức Phật dạy: Ví như tội lỗi của mười vòng tròn bằng tội lỗi của một nhà dâm nữ, nhà ấy có một ngàn người nữ đều vì mong cầu dục vọng, như vậy mười nhà dâm nữ thì tội ấy bằng một quán rượu, mười quán rượu như vậy bằng tội lỗi của một người giết mổ, tội lỗi của mười người giết mổ như vậy bằng tội lỗi của một sư sĩ Sát Lợi Chiên đà la. Trong tội lỗi mười Luân của Chiên đà la bằng tội lỗi của một Vương Luân trong một ngày một đêm. Lúc bấy giờ Đức Thế tôn bèn thuyết kệ rằng:
Tội của mười luân bằng một nhà dâm nữ,
Tội mười nhà dâm nữ bằng một quán rượu,
Tội mười quán rượu bằng một lò giết mổ,
Tội mười lò mổ bằng tội một vị vua.
Thứ sáu PHẦN TẠP HÀNH
Như kệ trong kinh Thọ Đề Già nói:
Vật gì cao hơn cả hư không? Ngã mạn cao hơn cả hư không.
Vật gì nặng hơn cả mặt đất? Giới đức nặng hơn cả mặt đất.
Vật gì nhiều giống như cỏ cây? Loạn tưởng nhiều hơn cả cỏ cây.Vật gì nhanh chóng như làn gió? Ý niệm còn nhanh hơn làn gió.
Vật gì được sanh lên cõi Trời? Mười thiện được sanh lên cõi Trời.
Vật gì được trở lại thân người? Năm giới được làm lại thân người.
Vật gì rơi vào trong địa ngục? Mười ác rơi vào trong địa ngục.
Vật gì phải chịu kiếp súc sanh? Đâm thọc phải chịu kiếp súc sanh.
Vật gì cứng rắn như Kim Cang? Vô trước cứng rắn tựa Kim Cang.
Vật gì mền mại tựa lông Hạc? Tâm mền mại giống như lông Hạc.
Vật gì thơm ngát như Chiên Đàn? Hương thơm trì giới như Chiên Đàn.
Vật gì sáng ngời như nhật nguyệt? Ánh sáng của Phật như nhật nguyệt.
Vật gì yên ổn như núi lớn? Ngồi thiền yên ồn như núi lớn.
Vật gì lay động hơn mặt đất? Ba cõi lay động hơn mặt đất.
Vật gì thanh tịnh yên lặng nhất? Niết bàn thanh tịnh yên lặng nhất.
Vật gì uế trược hỗn loạn nhất? Sanh tử uế trược hỗn loạn nhất.
Vật gì là cao đẹp bậc nhất? Gia đình hòa thuận là cao nhất. Núi gì là sáng tỏ bậc nhất? Núi Tu di là sáng tỏ nhất. Nước nào là nước yên vui nhất? Nước Xá Vệ là yên vui nhất.
Nước nào dân chúng thật khoan dung? Người nước Ca di thật khoan dung.
Vật gì đùa vui trong núi sâu? Hươu Nai đùa vui trong núi sâu. Vật gì thích ở giữa rừng cây? Cáo chốn thích ở giữa rừng cây.
Vật gì rơi giữa nơi gió bụi? Cát sỏi rơi giữa nơi gió bụi.
Vật gì đùa vui trong vực sâu? Cá chép đùa vui trong vực sâu.
Lại trong kinh Tạp A hàm nói: Có Thiên Tử nói kệ thưa hỏi Đức Phật rằng: Sao là giới sao là oai nghi? Sao là được sao là nghiệp hạnh?
Người trí tuệ an trú thế nào? Thế nào là sanh đến cõi Trời?
Lúc bấy giờ Đức Thế tôn thuyết kệ trả lời rằng:
Xa lìa đối với nghiệp sát sanh, trì giới tự mình nên phòng ngự,
Tâm làm hại không phát sanh thêm, đây là con đường sanh cõi Trời.
Xa lìa nghiệp không cho mà lấy, cho mà lấy tâm được vui vẻ,
Đoạn trừ tâm trộm cắp bất chính, đây là con đường sanh cõi Trời.
Không làm cho người khác say mê, xa lìa đối với nghịêp tà dâm,
Tự tôn trọng mình biết dừng chân, đây là con đường sanh cõi Trời.
Tự vì mình và vì người khác, vì tiền của và vì cười đùa, Lời nói xằng bậy mà không làm, đây là con đường sanh cõi Trời.
Đoạn trừ đối với nghiệp hai lưỡi, không chia lìa bạn thân người khác,
Thường nghĩ hòa hợp cả hai bên, đây là con đường sanh cõi Trời. Xa lìa lời thành thực chất phác, đây là con đường sanh cõi Trời.
Không làm không thành tựu lời nói, không nghĩa lý khôngnhiều lợi ích,
Thường nói lời thuận theo giáo pháp, đây là con đường sanh cõi Trời.
Thôn xóm như vàng đất trốùng không, nhìn thấy lời nói rằng mình có,
Không dấy lên ý tưởng tham lam, đây là con đường sanh cõi Trời.
Từ tâm không ý tưởng làm hại, không làm hại đối với chúng sanh,
Tâm luôn luôn không có oán kết, đây là con đường sanh cõi Trời.
Nghiệp lực khổ đau và quả báo, cả hai cùng sanh Tín thanh tịnh,
Tiếp nhận giữ gìn bởi Chánh kiến, đây là con đường sanh cõi Trời,
Tất cả các thiện pháp như vậy, dấu tích mười loại nghiệp thanh tịnh,
Đều tiếp nhận giữ gìn vững chắc, đây là con đường sanh coi Trời.
Lúc ấy Thích Đề Hoàn Nhân nói kệ thưa hỏi Đức Phật rằng:
Pháp nào thân mạng không thể biết, pháp nào thân mạng không thể hiểu,
Pháp nào rằng buộc vào thân mạng, pháp nào bị thân mạng ràng buộc?
Luc bấy giờ Đức Thế tôn thuyết kệ trả lời rằng:
Sắc là thân mạng không thể biết, các hành thân mạng khôngthể hiểu,
Thân ràng buộc đối với tính mạng, ái dục trói chặt vào mạng sống.
Lại trong kinh Tạp A hàm nói: Lúc bấy giờ Đức Thế tôn tự tay nắm hòn đất lớn bằng trái lê, nói với các Tỳ kheo: Thế nào? Hòn đất trong tay Ta là nhiều, hay là đất đá giữa núi Tuyết to lớn này nhiều hơn? Các Tỳ kheo thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế tôn! Đất trong tay chỉ một ít mà thôi, đất đá giữa núi Tuyết ấy rất nhiều, thậm chí toán số không thể nào ví dụ được. Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Như vậy chúng sanh biết về khổ tập diệt đạo, như hòn đất mà Ta nắm, không biết như thật, thì như đất đá giữa núi Tuyết to lớn này. Bấy giờ Đức Thế tôn dùng móng tay đưa đất lên nói với các Tỳ kheo: Ý các Thầy nghĩ thế nào? Đất trong móng tay Ta là nhiều, hay là đất trên mặt đất này nhiều? Các Tỳ kheo thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế tôn! Đất trong móng tay Thế tôn rất ít mà thôi, đất trên mặt đất này rất nhiều, thâïm chí toán số không thể làm ví dụ được. Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Giống như hình hài của chúng sanh có thể nhìn thấy, thì như đất trong móng tay, hình hài vi tế không thể nào nhìn thấy, thì như đất trên mặt đất này. Chúng sanh trên đất liền như vậy, chúng sanh ở dưới nước cũng như vậy, loài được sanh vào loài người ít ỏi như đất trong móng tay, loài rơi vào loài chẳng phải người thì nhiều như đất trên mặt đất. Như vậy người sanh vào nơi trung tâm thì ít ỏi như đất trong móng tay, người sanh vào nơi xa xôi hẻo lánh thì nhiều như đất trên mặt đất. Như vậy người thành tựu Tuệ nhãn bậc Thánh thì ít ỏi như đất trong móng tay, người không thể thành tựu địa vị bậc Thánh thì nhiều như đất trên mặt đất. Như vậy người biết pháp luật thì ít ỏi như đất trong móng tay, người không biết pháp luật thì nhiều như đất trên mặt đất. Như vậy người biết có cha mẹ thì ít ỏi như đất trong móng tay, người không biết là có cha mẹ thì nhiều như đất trên mặt đất. Như vậy người biết tiếp nhận trai giới thì ít ỏi như đất trong móng tay, người không biết tiếp nhận trai giới thì nhiều như đất trên mặt đất. Như vậy chúng sanh từ địa ngục ngạ quỷ súc sanh mạng chung trong loài người thì ít ỏi như đất trong móng tay, từ địa ngục ngạ quỷ súc sanh mạng chung vẫn sanh vào địa ngục ngạ quỷ súc sanh thì nhiều như đất trên mặt đất. Như vậy chúng sanh từ địa ngục ngạ quỷ súc sanh mạng chung sanh lên cõi Trời thì ít ỏi như đất trong móng tay, vẫn sanh vào lại địa ngục ngạ quỷ súc sanh thì nhiều như đất trên mặt đất. Như vậy chúng sanh từ cõi Trời mạng chung sanh trở lại cõi Trời thì ít ỏi như đất trong móng tay, từ cõi Trời mạng chung sanh trở lại địa ngục ngạ quỷ súc sanh thì nhiều như đất trên mặt đất.
Thứ bảy PHẦN PHƯƠNG ĐỘ
Như Kinh Khởi Thế nói: Châu Diêm phù đề có năm sự hơn hẳn các nơi như Cù Đà Ni Phất Bà Đề Uất Đan Việt Diệm Ma La tất cả loài rồng và chim cánh vàng cùng A tu la. Những gì là năm sự? Đó là: 1. Rất dũng cảm; 2. Chánh niệm; 3. Nơi Đức Phật xuất thế; 4. Là: nơi tu nghiệp; 5. Nơi thực hành phạm hạnh. Châu Cù Đà Ni có ba sự hơn hẳn Châu Diêm phù đề: 1. Nhiều trâu; 2. Nhiều dê; 3. Nhiều vật quý ma ni. Châu Phất Bà Đề có ba sự hơn hẳn: 1. Châu rộng lớn; 2. Rộng rãi bao gồm nhiều đảo; châu rất đẹp đẽ tuyệt vời. Châu Uất Đan Việt có ba sự hơn hẳn: 1. Người ở châu kia không có Ngã và Ngã sở; 2. Thọ mạng thù thắng nhất; 3. Có hành nghiệp thù thắng cao nhất. Trong cõi Diệm Ma La có ba sự hơn hẳn: 1. Thọ mạng dài lâu; 2. Thân hình to lớn; 3. Có cơm ăn áo mặc tự nhiên. Tất cả loài rồng và chim cánh vàng có ba sự hơn hẳn: 1. Thọ mạng lâu dài; 2. Thân hình to lớn; 3. Cung điện rộng lớn. Trong loài A tu la có ba sự hơn hẳn: 1. Thọ mạng dài lâu; 2. Hình sắc đẹp đẽ; 3. Hưởng thụ nhiều niềm vui. Tứ Thiên Vương Thiên có ba sự hơn hẳn: 1. Cung điện cao rộng; 2. Cung điện tráng lệ; 3. Cung điện có ánh sáng đẹp đẽ. Tam Thập Tam Thiên có ba sự hơn hẳn: 1. Thọ mạng lâu dài; 2. Sắc thân xinh đẹp; 3. Nhiều niềm vui. Ngoài ra 4 cõi Trời phía trên và cõi Ma thân Thiên đều giống như cõi Trời thứ ba mươi ba, có ba sự hơn hẳn như trước. Cõi Diêm phù đề có năm sự hơn hẳn, các cõi Trời còn lại đã nói như trên.
Tụng rằng:
Ác nhiều khó mà tính được,
Thiện ít có thể trình bày,
Trời người vì thế ít lại,
Nẻo đường tăm tối nhiều lên.
Sang hèn thay đổi qua lại,
Giàu nghèo có nhân sai khác.
So sánh giữa hơn và kém,
Biết rõ khổ vui lên xuống.
** Phước của người trong hai Đại Châu bằng phước của một Đồng Luân Vương. Phước của một Đồng Luân Vương bằng phước của người cõi Câu da ni. Phước của người trong ba Đại Châu bằng phước của một Ngân Luân Vương. Phước của một Ngân Luân Vương bằng phước của người một cõi Uất Đan Việt. Phước của người trong bốn Đại Châu bằng phước của một Kim Luân Vương. Phước của một Kim Luân Vương bằng phước của người cả cõi Tứ Thiên Vương Thiên. Phước của người cả cõi Tứ Thiên Vương Thiên bằng phước của một Thiên Vương. Phước của một Thiên Vương bằng phước của người một cõi Tam Thập Tam Thiên. Phước của người một cõi Tam Thập Tam Thiên bằng phước của một Đế Thích. Phước của một Đế Thích bằng phước của người một cõi Diệm Ma Thiên. Phước của người một cõi Diệm Ma Thiên bằng phước của một Thiên Vương.