Home > Khai Thị Phật Học
Tư Thận
Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản, Việt Dịch


Thiên này có năm phần: Thuật ý, Thận dụng, Thận họa, Thận cảnh, Thận quá.

Thứ nhất PHẦN THUẬT Ý

Suy nghĩ cẩn thận phòng ngừa sai sót là lý đương nhiên không có gì lo sợ, ngậm miệng không nói ngừng một suy tư là nguồn gốc để xa lìa mọi điều ác. Khuyên nhủ cẩn thận từ trước đến sau, là cốt cách của quân tử; cung kính che chở từ đầu đến cuối là đạo lý của đức dưỡng sinh. Ngõ hầu hiểu rõ sự hưng khởi của nhân duyên, xét kỹ lẽ vô thường của sanh diệt, nhận thức lý vô ngã của khổ không, soi chiếu pháp môn vi diệu bình đẳng, mà giữ lại lý lẽ ấy rời bỏ dấu tích kia, ngăn ngừa mọi tai họa tiếp nhận mọi phước thiện, là đạo lý thuận với muôn vật tinh thần hòa với thần linh.

Thứ hai PHẦN THẬN DỤNG (cẩn thận mà sử dụng).

Trong Kinh Tu Hành Đạo Địa nói: Xưa có vị Quốc vương, tuyển chọn người trí tuệ sáng suốt trong cả nước để làm vị quan phụ tá, nhà vua muốn thử họ, muốn biết như thế nào để phân định tội nặng, truyền lệnh cho quan lại, lấy bát chứa đầy dầu mà khiến họ nâng lên, từ cửa Bắc đi đến nơi cửa Nam, cách Kinh thành hai mươi dặm, có khu vườn tên gọi Điều Hý, bảo mang đến nơi ấy, nếu rơi một giọt thì lập tức chém đầu, không cần phải hỏi lý do. Lúc bấy giờ các quan nhận lệnh truyền quan trọng của nhà vua, lấy bát chứa đầy dầu đưa cho người đó, hai tay nâng lên mà lòng thật vô cùng buồn bã lo sợ, cho dù có ngựa xe người xem đầy đường, hoặc thấy điều đúng sai mà chẳng thay đổi, cho dù có vợ con thân quyến đến thúc ép, người ấy vẫn chuyên tâm không nhìn hai bên; cho dù có người xem cả nước nhốn nháo hỗn loạn, người ấy vẫn giữ tâm ngay thẳng không thấy người đông, cho dù có thiếu nữ ngọc ngà tuyệt trần trong nước, có ca nhi vũ nữ đi kèm, người thấy đều ưa thích, mà người ấy vẫn một lòng bưng bát chí hướng không hề lay chuyển, cũng không quán sát vọng khởi trong tâm, chuyên chú tinh thần bưng bát dầu đầy không nghe những lời ca ấy. Thế là tụng rằng:

Phương tiện khéo léo mà khoan thai,
Ca nhi vũ nữ tuyệt vời nhất
Tất cả mọi người đều ham thích,
Ví như Hoàng hậu của loài ma
Luôn luôn lay động tâm ly dục,
Huống gì đối với người thế gian,
Qua lại gần gũi với người ấy,
Bưng bát dầu đầy tâm không nghiêng.

Cho dù có voi gầm ngựa chạy, trong thành lửa cháy thiêu đốt muôn dân, gọi nhau nhốn nháo thông báo tránh lửa chớ rơi vào hầm hố, quan lại binh lính đều đến cùng lúc chữa cháy, người ấy vẫn một lòng bưng bát dầu đầy không rơi một giọt; cho dù có sấm sét chấn động Trời đất, gió mạnh gầm gào quật ngã cây cối, bụi cuốn mịt mù chớp giật nhoang nhoáng, cầm thú ngã nhào người và súc vật kêu gào kinh hãi, chuyên tâm nghĩ đến bát dầu mà người ấy chẳng nghe. Bấy giờ bưng bát dầu đến khu vườn kia nhìn lại không rơi một giọt, các quan thưa trình với nhà vua kể lại đầy đủ việc này, nhà vua nghe mà tấm tắc khen ngợi: Người này khó sánh, là bậc hùng anh giữa mọi người, không để ý đến mọi chuyện! Nhà vua vô cùng hoan hỷ lập làm thần cai quản đất nước. Hành giả đạo chế ngự tâm như vậy, tuy có các ác ma dâm dục nóng giận ngu si đến quấy nhiễu làm loạn các căn, mà trong quán sát ngoài phòng ngừa nhiếp tâm không rời ra, Tam muội định ý cũng lại như vậy. Ngay sau đó tụng rằng:

Giống người bưng bát dầu đầy,
Không lay động không gì vất bỏ
Trí tuệ tuyệt vời ý như biển,
Vẫn chuyên tâm bưng bát dầu đầy
Như người nào mong muốn học đạo,
Nắm giữ tâm tư nên như vậy
Lòng dạ sáng ngời mọi công đức,
Tất cả tỳ vết đều trừ diệt
Tham dục sắc ái biết bao nhiêu,
Mà dấy lên nóng giận ngu si
Người có chí không thể buông thả,
Im lặng mà tự quản thúc mình
Thân người có bệnh tật phát sinh,
Dùng thuốc thang để trừ căn bệnh Bệnh tật trong tâm cũng như vậy, Dùng bốn ý làm cho tiêu tan.

Lại trong Phẩm Tế Long kinh Đại Tập nói: Lúc bấy giờ trong chúng có một con rồng mù, tên gọi là Pha La Lê Xa, cất tiếng khóc to phát ra lời nói như vậy. Bậc Đại Thánh Thế tôn, xin cứu giúp con, xin cứu giúp con, nay trong thân con chịu đựng khổ não vô cùng, ngày đêm luôn luôn bị các loại sâu bọ rúc rỉa làm thức ăn, ở trong nước nóng không lúc nào tạm thời vui được! Đức Phật dạy: Này Lê Xa! Vào đời quá khứ ông ở trong Phật pháp đã từng làm Tỳ kheo phá hủygiới cấm, trong lòng bịp bợm bên ngoài hiện tướng tốt lành, tham nhiều quyến thuộc rất đông đệ tử, danh tiếng vang xa khắp nơi không có ai không nghe biết đến Hòa thượng của mình đắc quả A la hán. Vì nhân duyên này nhận được nhiều sự cúng dường, chỉ một mình hưởng thụ, thấy người trì giới lại nói điều xấu xa, người kia buồn phiền suy nghĩ như vậy: Trong đời đời sanh ra tôi nguyện đi theo ăn thịt thân ông. Ác nghiệp như vậy khi chết sanh trong loài Rồng, là thân trước của ông, chúng sanh nguyện cho nên ăn thịt thân ông, nhân duyên ác nghiệp phải chịu quả báo đui mù này. Lại ở trong vô lượng kiếp quá khứ, ở trong địa ngục Dung Xích Đồng, thừơng bị các loài sâu bọ rúc rỉa ăn thịt. Rồng mù nghe lời này ưu sầu khóc nỉ non, phát ra lời nói như vậy. Chúng con hôm nay thảy đều chí tâm cùng nhau sám hối, nguyện làm cho khổ báo này mau được giải thoát. Trong chúng rồng kia có 26 ức con rồng đói khát, nghĩ đến thân quá khứ thì đều tuôn nước mắt, nghĩ đến thân quá khứ ở trong Phật pháp tuy được xuất gia, mà tạo ra nhiều ác nghiệp trải qua vô lượng thân ở trong ba đường ác, bởi vì dư báo cho nên sanh vào trong loài Rồng nhận chịu khổ đau vô cùng, giống như loài Rồng màu xanh, con cũng như vậy! Bấy giờ Đức Thế tôn bảo với các loài Rồng rằng: Các ông nên mang nước rửa chân Như Lai, khiến cho tai ương tội lỗi của các ông dần dần được trừ diệt. Lúc ấy tất cả loài Rồng dùng tay vốc nước, nước đều hóa ra lửa, biến thành tảng đá lớn, đầy ở trong tay phát ra ngọn lửa lớn, vất rồi lại sanh ra, như vậy đến bảy lần, tất cả loài Rồng thấy sự việc như vậy rồi, kinh sợ buồn phiền tuôn nước mắt khóc òa. Đức Phật dạy cho lập đại thệ nguyện xong thì ngọn lửa đều trừ diệt, cho đến lần thứ tám dùng tay bưng nước rửa chân Như Lai, chí tâm sám hối, Đức Phật thọ ký cho các loài rồng, đến thời Phật Di lặc sẽ được làm thân người gặp Phật và được xuất gia tinh tiến trì giới đạt đến quả vị La hán. Lúc ấy các loài Rồng đạt được túc mạng, tâm tự nghĩ đến nghiệp nhân quá khứ, ở trong Phật pháp hặoc là nhân duyên thân thuộc với người thế tục, hoặc là nhân duyên qua lại nghe pháp, vốn có tín tâm bố thí các loại hoa quả đồ ăn thức uống, cùng với các Tỳ kheo theo thứ tự mà ăn. Hoặc có loài Rồng nói rằng: Tôi đã từng ăn hoa quả và đồ ăn thức uống cúng dường chúng Tăng bốn phương. Hoặc có loài Rồng nói rằng: Tôi đến chùa viện bố thí chúng Tăng, hoặc là lễ bái, ăn uống như vậy. Hoặc lại nói rằng: Tôi từ trong pháp của Tỳ bà thi Như Lai từng làm người thế tục. Thậm chí có người nói: Tôi từng làm người thế tục trong pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hoặc vì nhân duyên gần gũi xưa kia mà thăm hỏi nhau, hoặc là nhân duyên đến để nghe pháp qua lại nơi chùa viện, người có tín tâm cúng dường tăng chúng, bố thí hoa quả và các loại đồ ăn thức uống, Tỳ kheo có được rồi trở lại cho tôi, tôi có được thì ăn, nhân duyên của nghiệp ấy mà ở trong địa ngục trải qua vô lượng kiếp, giữa ngọn lửa nóng bỏng hoặc đốt hoặc nấu, hoặc uống nước đồng sôi, hoặc nuốt viên sắt nóng. Từ địa ngục thoát ra lại rơi vào trong súc sanh, bỏ thân súc sanh lại sanh vào trong ngạ quỷ, các loại như vậy chịu đủ khổ đau mà các nghiệp vẫn không hết, sanh trong loài Rồng này thường nhận chịu mọi sự khổ não. Đức Phật bảo với các loài Rồng: Ác nghiệp loại này cùng với nghiệp trộm cắp đồ vật của Phật như nhau không khác, so với nghiệp ngũ nghịch thì tội lỗi ấy chỉ bằng một phần nửa, nay các ông nên cùng nhau tiếp nhận ba quy ý nhất tâm tu thiện nghiệp, nhờ vào duyên này ở trong Hiền kiếp được gặp vị Phật cuối cùng, danh hiệu là lâu chí, ở thời Đức Phật ấy tội lỗi sẽ được diệt trừ. Lúc ấy các loài Rồng nghe lời này xong, tất cả đều chí tâm thề trọn đời quy kính Tam bảo.

Bấy giờ trong chúng kia có Long Nữ mù mắt, trong miệng thối rữa đầy các loại giòi bọ, giống như nơi nhà xí, thậm chí bẩn thỉu dơ dáy, giống như đồ bất tịnh tanh hôi khó nhìn trong căn của phụ nữ, chảy ra các loại máu mủ, toàn thân thường bị các loại ruồi nhặng sâu kiến giòi bọ rúc rỉa làm thức ăn, thân thể hôi thối thật khó có thể nghe và thấy được. Bấy giờ Đức Thế tôn dùng tâm Đại Bi thấy Long Nữ kia mắt mù khốn khổ như vậy. Ngài mới hỏi rằng: Muội vì duyên gì mà gặp phải thân xấu ác này, ở đời quá khứ đã từng làm nghiệp gì? Long nữ đáp rằng: Thưa Đức Thế tôn! Thân này của con bây giờ nhiều nỗi khốn khổ bức bách không có lúc nào tạm thời được dừng lại, nếu như có muốn nói nhưng mà không làm sao nói được, con nhớ vào ba mươi sáu ức đời quá khứ, ở trăm ngàn năm sanh trong loài Rồng xấu ác nghiệp chịu đau khổ như vậy, thậm chí ngày đêm không dừng lại dù trong sát na, vì con trong chín mươi mốt kiếp xưa kia, ở trong Phật pháp của Đức Phật Tỳ bà thi, làm một Tỳ kheo ni, nghĩ đến chuyện dục vọng còn hơn cả người say, tuy là xuất gia nhưng không thể nào đúng như pháp, ở trong chốn già lam phạm vào pháp luật, luôn luôn nhận chịu ba đường ác và chịu những nỗi khốn khổ của sự thiêu đốt nóng bỏng, nói lời này rồi nguyện xin cứu giúp cho thân con! Lúc bấy giờ Đức Thế tôn nói lời chân thật xong, liền lấy ít nước vào trong miệng Long Nữ, lửa và giòi bọ máu mủ thảy đều diệt hết, miệng Long nữ trong lành phát ra nói lời như vậy. Bậc Đại Thánh Như Lai! con nhớ lại thời Đức Phật Ca diếp ở quá khứ, đã từng làm người thế tục, đang cày đất giữa ruộng, có một Tỳ kheo đi đến nơi con cầu xin năm mươi đồng tiền. Lúc ấy con trả lời rằng: Hãy đợi thóc lúa chín muồi sẽ cho ông ăn. Tỳ kheo lại nói: Nếu như năm mươi đồng không thể có được, thì cầu xin mười đồng cũng được. Con vào lúc ấy nổi giận với Tỳ kheo kia mà nói lời rằng: Thậm chí mười đồng cũng không cho ông đâu. Lúc ấy Tỳ kheo kia tâm sanh buồn phiền. Lại vào lúc khác đến trong chùa viện đi vào sau rừng cây, thì liền lấy trộm mười quả Am la là vật của Tăng hiện tại mà ăn một mình. Vì nhân duyên của nghiệp ấy mà vào trong địa ngục nhận chịu khổ đau, ác nghiệp chưa hết thì sanh vào giữa đầm hoang làm thân rồng đói, thường bị các loài sâu bọ ăn thịt, máu mủ chảy ra càng thêm đói khát khốn khổ, còn Tỳ kheo kia, bởi vì nghiệp duyên xấu ác của tâm giận dữ, chết đi liền làm thân rồng ác độc nhỏ bé, sanh dưới nách con hút máu của con, hơi nóng chạm vào thân không thể nào chịu nổi, vì vậy thân con đầy máu mủ nóng bức. Long nữ thưa với Đức Phật rằng: Đức Thế tôn Đại Bi! Chỉ nguyện xót thương cứu giúp cho con, khiến cho con thoát được rồng ác độc oan gia ấy! Lúc bấy giờ Đức Thế tôn dùng tay khua nước phát ra lời nói chân thành, nói lời như vậy: Ta từng ở đời đói kém xưa kia. Bấy giờ Ta nguyện làm chúng sanh thân hình to lớn, cao rộng vô lượng, dùng sức thần thông ở giữa hư không xướng lời như vậy: Trong đầm hoang kia có loài côn trùng thân lớn, gọi là Bất Sân, các người có thể đến lấy thịt thân đó để làm đồ ăn thức uống, có thể không con đói khát. Lúc ấy người và loài Phi nhân trong đời ấy, nghe tiếng này rồi tất cả đều hướng đến tranh nhau lấy ăn. Lúc nói lời chân thật rất tin tưởng này, thì con rồng nhỏ bé dưới nách Long Nữ kia lập tức rời xa. Lúc này cả hai con rồng cùng thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế tôn! Chúng con lâu mau nữa sẽ được xa lìa thân rồng này và được thoát khỏi tai ương tội lỗi? Đức Phật bào với hai con rồng: Nghiệp này rất nặng xếp sau tội Ngũ Vô Gián, tại vì sao? Bởi vì nếu như có vật của thường trú tăng bốn phương, hoặc là vật của Tăng hiện tiền, đàn việt thành tâm tín ngưỡng đem tâm thiết tha bố thí vật dụng, hoặc là hoa quả vườn cây đồ ăn thức uống cung cấp cho sinh hoạt thường ngày giường chiếu chăn màn thuốc thang chữa trị bệnh tật, tất cả những thứ cần thiết một mình sử dụng lãng phí, hoặc mang đến nơi khác cho bà con bạn bè thân thiết sử dụng, thì tội này nặng nề phải vào địa ngục A Tỳ mà nhận chịu quả báo. Vì vậy các người nên thọ pháp quy y Tam bảo, quy y Tam bảo rồi mới có thể hướng vào trong nước lạnh, như vậy ba lần xưng niệm Tam bảo, thân liền an ổn được tiến vào trong làn nước mát lạnh. Bấy giờ Đức Thế tôn, liền vì các loài Rồng mà thuyết kệ rằng:

Thà lấy dao sắc tự cắt xẻ thân mình,
Tay chân thân thể và tất cả thịt da
Tất cả đồ vật người tín tâm bố thí,
Người thế tục ăn vào thật là tai họa
Thà nuốt viên sắt nóng đỏ rực ghê người,
Mà khiến cho trong miệng sinh ra ánh lửa
Tất cả đồ ăn thức uống của chúng Tăng,
Không nên một mình sử dụng ở nơi khác.
Thà lấy ngọn lửa lớn như núi Tu di,
Dùng tay nắm giữ mà tự mình ăn uống
Vật đó có những người thế tục tại gia,
Không nên vội ăn thức ăn cúng dường Tăng
Thà dùng dao sắt tự cắt xẻ thịt mình,
Thân thể nát tan mà tự mình ăn uống
Vật đó có những người thế tục tại gia,
Không nên lấy dùng thức ăn của chúng Tăng
Thà lấy thân mình nhảy vào trong hố lửa,
Bốn phía rừng rực ngọn lửa dữ bốc cao
Vật đó có những người thế tục tại gia,
Không nên ngồi nằm vào giường chiếu của Tăng
Thà lấy dùi sắt nhọn vô cùng nóng bỏng,
Nắm chặt trong tay khiến cho cháy nát nhừ
Vật đó có những người thế tục tại gia,
Không nên tự mình sử dụng vật của Tăng
Thà dùng dao thớt thật dễ dàng đánh bại,
Mà tự cắt xẻ da thịt của thân mình
Chớ đối với người xuất gia hành thanh tịnh,
Phát khởi một niệm tâm sân giận nóng nảy
Thà dùng đôi tay mình móc lấy hai mắt,
Ném trên mặt đất như vất bỏ vật hư
Nơi nào có người thực hành những thiện pháp,
Không nên dùng tâm căm hận để ngó nhìn

Thà dùng sắt nóng quấn quanh thân thể mình,
Bất cứ hành động đứng đi và ngồi nằm
Không nên đem tâm sân giận và ganh ghét,
Mà mặc y phục sạch bố thí chúng Tăng
Thà uống nước muối mặc đục ngầu bụi đất,
Sôi sùng sục trong miệng giống như bốc lửa.
Không nên ấp ủ tâm tham lam độc ác,
Uống thuốc men thanh tịnh cúng dường chúng Tăng.

Lúc bấy giờ Đức Thế tôn thuyết kệ này xong, một vạn bốn ngàn các loài thuộc chúng rồng đều thọ pháp Tam Quy, trừ diệt tất cả những nỗi khổ trong nghiệp báo quá khứ và hiện tại mà được giải thoát, tin sâu sắc Tam bảo tâm không hề lui sụt, lại có 80 ức các chúng loài Rồng, cũng đối với Tam bảo dấy tâm quy kính vô cùng.

Lại trong kinh Đại Tập nói: Hoặc làm Tỳ kheo mà có được các loại đồ dùng giúp đỡ trong sinh hoạt thường ngày đều là do đàn việt tín tâm đã bố thí, mà chúng sanh này, hoặc tự mình ăn uống hoặc là cho người khác, hoặc cùng mọi người lấy cắp che giấu riêng một nơi để sử dụng một mình, bởi vì nghiệp như vậy, cho nên rơi vào ba đường ác nhận nỗi khổ sở khốn khó lâu dài. Lại có chúng sanh bần cùng hạ tiện không được tự tại, vì vậy mà xuất gia hy vọng được giàu có sung túc giải thoát yên vui, đã xuất gia rồi nhưng lại lười nhác lơi lỏng, không đọc tụng kinh điển, thiền tuệ tinh cần bỏ bê mà không tu tập, thích biết chuyện của Tăng. Lại có Tỳ kheo ngày đêm cần cù tinh tiến, thích tu thiện pháp đọc tụng kinh điển, ngồi thiền tu tuệ không bỏ chốc lát, nhờ vào duyên này mà cảm được sự cúng dường của bốn chúng đệ tử. Lúc ấy người tri sự có được lợi dưỡng rồi, hoặc tự mình lén ăn, hoặc lại trộm cho người thế tục thân thiết trước kia, vì những duyên này mà ở lâu trong đường ác, ra rồi lại vào ngu si mê muội như vậy, không thấy được quả báo nặng nhẹ của tương lai. Nay Ta cảnh giác khuyên nhủ đệ tử Sa môn nghĩ đến pháp trú trì, không được tự xưng mình là người thực hành pháp thật sự của Sa môn, dựa vào chúng Tăng mà thọ nhận đồ vật của người khác tin tưởng giúp cho, hoặc là bánh trái hoặc là rau lá hoa hương, chỉ là vật của chúng Tăng mà ăn, không được tuỳ tiện đem cho tất cả những người thế tục, cũng không được nói đây là vậy của mình tách riêng chúng mà ăn. Lại cũng không được lấy vật của chúng Tăng tích trữ gây dựng sinh ra các loại buôn bán nói là có lợi ích làm cho thế gian mỉa mai hiềm khích. Lại cũng không được đưa ra thì đắt mà thâu vào thì rẻ cùng với thế gian tranh giành lợi nhuận. Lại cũng không được vì nhân duyên đồ ăn thức uống cung cấp cho tăng mà làm cho các chúng sanh rơi vào ba đường ác. Cần phải khuyến khích dẫn dắt an trú trong thiện pháp khiến cho chúng Tỳ kheo thật sự tin tưởng Tam bảo, thâu nhiếp các chúng sanh cho đến cha mẹ, làm cho được an lành ở trong ba pháp giải thoát.

Lại trong kinh Thập Luận nói: Nếu có vật của bốn phương tăng cùng những vật lẫn lộn giúp cho sinh hoạt thường ngày, trì giới hay phá giới những người như vậy đều không giúp cho họ, vì nhân duyên này sau khi mạng chung đều rơi vào địa ngục A Tỳ nhận chịu quả báo.

Lại trong phẩm Tế Long kinh Đại Tập nói: Lúc ấy Sa Già La Long vương thưa với Đức Phật rằng: Mà trong loài Rồng này, hoặc có những hàng rồng thọ nhận vui sướng như loài người, có hạng như ngạ quỷ, có hạng như súc sanh, có hạng như địa ngục nhận chịu đau khổ vô cùng. Nói lời này xong, lúc ấy Vương tử của Sa Già La Đại Long vương tên gọi Thanh Liên Hoa Diện, tiến lên thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế tôn! Con vì nhân duyên tội lỗi ác nghiệp gì mà sanh trong loài Rồng, thân lớn đoan chánh vốn có sắc thân xúc chạm thọ dụng giống như lửa đốt, thường không có y phục để trần thân thể mà đi, như Phụ Vương con thọ nhận vui sướng tốt đẹp nhất, quả báo như Chuyển luân vương không khác? Đức Phật dạy: Này Hoa Diện! Ta sẽ nói cho ông biết, chính là trong ba mươi mốt kiếp quá khứ trước kia, có Đức Phật danh hiệu là Thi Khí, lúc ấy trong đời Đức Phật Thi Khí có vị vua tên gọi là Bồi Đa Phú Sa, vua Phú Sa kia ở trong ba tháng cúng dường Đức Phật, cùng với chúng đại Bồ tát vô lượng trăm ngàn vị đạt được bốn quả Sa môn, dùng các loại y phục đồ ăn thức uống thuốc thang chữa bệnh mà cung cấp đầy đủ, chí tâm nghe pháp rồi lập tức phát tâm Bồ đề, đồng thời tiến hành xây dựng chùa viện cúng dường các loại. Thái tử thứ nhất của nhà vua ấy tên gọi là Bùi Đa Sa Thọ Đế, gặp Phật nghe pháp ở trong vòng lưu chuyền sanh tâm vô cùng sợ hãi đi theo bên cạnh vua cha nguyện cầu xuất gia, nhà vua trả lời tùy ý con. Đã xuất gia rồi lại thưa với vua cha rằng: Con muốn ở lại trong chùa! Nhà vua nói: Cũng tuỳ lúc. Chúng Tăng đệ tử của Đức Phật Thi Khí ở trong chùa ấy thọ dụng đồ ăn thức uống, con của vua Phú Sa là Bùi Đa Sa Thọ Đế, sanh tâm ganh ghét luôn luôn mắng nhiếc giận dữ. Lúc ấy chúng Tăng trong chùa bị Thọ Đế giận dữ mắng nhiếc nhiều đều bỏ chùa mà đi, Thọ Đế thấy tăng đi rồi tâm sanh hoan hỷ, liền nghĩ rằng: Họ đi là tốt, mình thật yên ổn. Thế là tùy tiện sử dụng y phục và đồ ăn thức uống trong chùa, có những người khác đến thì không cho ở lại. Bời vì ác nghiệp vốn có nên sau khi mạng chung sanh vào Đại địa ngục trải qua vô lượng ngàn vạn na do tha năm nhận chịu những quả báo thiêu đốt nóng bỏng, từ địa ngục được thoát ra thì sanh vào trong ngạ quỷ, lại trải qua vô lượng năm nhận chịu khổ đau vô cùng, trong ngạ quỷ chết đi lại rơi vào địa ngục, thoát khỏi địa ngục rồi sanh vào trong ngạ quỷ, như vậy trải qua ba mươi mốt kiếp, ở trong vòng lưu chuyển nhận chịu những nỗi khổ đau đầy đủ như vậy. Đức Phật dạy: Này Hoa Diện, Sa Thọ Đế kia há lại là người nào khác, mà chính là thân ông bây giờ. Bởi vì nhân duyên ác nghiệp quá khư xa xăm, cho nên sanh trong Đại địa ngục ngạ quỷ súc sanh xoay vòng liên tục nhận chịu khổ đau, trải qua trong 31 kiếp này nhận chịu tất cả những nỗi khổ đau, chưa lúc nào ạtm thời ngừng lại, vì nghiệp còn thừa lại cho nên sanh vào trong loài Rồng nhận chịu ác báo này! Lúc ấy rồng Hoa Diện nghe lời nói này xong, òa khóc nức nở toàn thân tự rạp xuống bốn chân sát đất lễ lạy cung kính, thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế tôn! Nay con chí tâm theo Phật sám hối không dám che giấu, nay con chí thành đến tận xương tủy, quy y Phật pháp tăng, cho đến tận cùng thọ mạng nguyện làm Ưu bà tắc. Đức Phật dạy: Lành thay, lành thay! Như vậy quy y Ta thì nghiệp kia được trừ sạch, trong loài này chết rồi được sanh làm thân người gặp Phật Di lặc, ở trong giáo pháp của Phật Di lặc xuất gia chứng quả La hán.

Thứ ba PHẦN THẬN HỌA (cẩn thận với tai họa).

Như trong kinh Cựu Tạp Thí Dụ nói: Xưa có một đất nước, thóc lúa đậu mè tốt tươi nhân dân bình yên không có tật bệnh, ngày đêm ca hát mọi người không có điều gì buồn lo. Nhà vua hỏi quần thần: Ta nghe thiên hạ có tai họa như thế nào? Đáp rằng: Hạ thần cũng không trông thấy. Nhà vua liền sai một vị quan đi đến nước láng giềng tìm kiếm để mua về. Thiên Thần liền hoá thành một người, vào trong chợ bán tai họa như thế nào? Đáp rằng: Hạ thần cũng không trông thấy. Nhà vua liền sai một vị quan đi đến nước láng giềng tìm kiếm để mua về. Thiên Thần liền hóa thành một người, vào trong chợ bán tai họa, hình dáng giống như loài heo, mang xích sắt rằng buộc mà đem bán. Vị quan hỏi: Đây gọi là thứ gì? Đáp rằng: Tai họa mẹ. Vị quan nói: Bán không? Đáp rằng: Bán: Hỏi rằng lấy bao nhiêu tiền? Đáp rằng: Ngàn vạn. Hỏi rằng: vật này ăn thứ gi? Đáp rằng: Ăn một thăng kim nhọn. Vị quan liền ban lệnh cho mọi người tìm kiếm kim nhọn. Như vậy dân chúng tốp năm tốp ba gặp nhau đi tìm kim nhọn, làm cho các quận huyện khắp nơi bị rối loạn, nơi ở của muôn dân đã xuất hiện sự lo lắng tai họa điêu đứng khốn cùng. Vị quan thưa với nhà vua rằng: Tuy có được tai họa mẹ nhưng mà làm cho dân chúng rối ren gái trai thất nghiệp, cần phải giết bỏ vật ấy, không biết nhà vua đồng ý hay không? Nhà vua nói: Rất tốt! Thế là đem ra ngoài thành sắp giết, đâm thì không vào, chém thì không thương tổn, cắt xẻ mà không chết, chất củi đốt thì thân hình đỏ lửa mà chạy mất ra ngoài, đi qua xóm làng đốt cháy xóm làng, đi qua phố chợ thì cháy phố chợ, vào trong thành thì cháy thành, vào trong đất nước thì cháy đất nước, làm cho nhân dân hỗn loạn đói kém khốn khổ vô cùng. Bởi vì chán sự yên vui mua lấy tai họa mà kàm cho khốn khổ như vậy. Đây là dụ cho ngọn lửa tham dục nữ sắc đã bùng cháy, đàn ông con trai ham muốn chất nghiện đến chết cũng không biết khổ là gì.

Thứ tư PHẦN THẬN CẢNH (cẩn thận với cảnh tượng).

Như kinh Chánh Pháp Niệm nói: Bồ tát Khổng Tước bảo với chúng chư Thiên rằng: Nếu có Tỳ kheo sợ hãi đối với tên gọi xấu ác thì xa rời các lỗi lầm, đó gọi là không đi vào nơi của đàn bà con gái đùa nói cười, không đi vào quán rượu; không gần gũi người bán rượu, không qua lại cùng nhau trò chuyện, không gần gũi người ham thích rượu, cũng không chuyện trò qua lại, không gần gũi người làm giặc cướp; không gần gũi người đã từng làm điều đại ác; không gần gũi người thích đấu tranh, không gần gũi người lòng dạ ác hiểm thâm độc; không gần gũi người không luôn luôn nói đến đạo lý bố thí; không gần gũi người ham vui cờ bạc; không gần gũi người đàn ca múa hát; không gần gũi trẻ con; không gần gũi người bị nữ sắc ràng buộc; không gần gũi người nóng nảy tùy tiện; không gần gũi người không giữ miệng, không gần gũi người tham lam, không gần gũi người buôn bán dối gạt; không gần gũi người giả dối mua bán giữa đường đời mà làm giặc cướp xấu xa; không gần gũi người đào bới sông hồ; không gần gũi người nữ hoàng môn (Pêđê) đi chung một con đường; không gần gũi người điều phục voi dữ; không gần gũi người cầm đầu lò mổ; không gần gũi người thuần phục ngựa hoang; không gần gũi người đoạn kiến, không gần gũi người không có giới. Người không tốt như vậy không nên gần gũi thân thiết, gần gũi với người như vậy chắc chắn cùng đi chung một con đường, vì vậy Tỳ kheo nên sợ hãi tai tiếng xấu xa, không nên cùng với người bất tịnh nghiệp này ở chung một chỗ đi chung một con đường. Bèn thuyết kệ rằng:

Nếu gần gũi với người bất thiện,
Thì sẽ trở thành người bất thiện
Vì vậy cần phải xa điều ác,
Đừng làm ra nghiệp hạnh bất thiện
Thuận theo gần gũi người hạng nào,
Nhiều lần gần gũi thân thiết nhau
Gần gũi cho nên chung hạnh nghiệp,

Hoặc là thiện hay là bất thiện
Tất cả những người mong điều thiện,
Nên gần gũi với những người thiện
Như vậy có thể được yên vui,
Thiện thì không phải nhân của khổ
Gần điều thiện tăng thêm công đức,
Gần điều ác tăng thêm lầm lỗi
Tướng của công đức và tội ác,
Nay sơ lược trình bày như vậy
Nếu như gần gũi với người thiện,
Thì có được tên gọi tốt lành
Nếu như gần gũi người bất thiện,
Khiến người ta mau chóng khinh rẻ
Thường thuận theo thân thiết người thiện,
Lìa xa những bạn bè xấu ác.
Bởi vì gần gũi với người thiện,
Có thể trừ bỏ những ác nghiệp,

Thứ năm PHẦN THẬN QUÁ (cẩn thận với lỗi lầm)

Như kinh Tạp A hàm nói: Bấy giờ Đức Thế tôn bảo với Tỳ kheo: Ví như viện sắt ném vào trong lửa cùng chung màu sắc với ngọn lửa, lấy đặt vào giữa đống tơ mềm mại, các Tỳ kheo nói thế nào, có thể lập tức đốt cháy hay không? Tỳ kheo thưa với Đức Phật: thưa Đức Thế tôn, như vậy lập tức sẽ cháy. Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Người ngu si dựa vào làng xóm mà cư trú, sáng sớm khoác y ôm bát đi vào thôn xóm khất thực, không cố gắng giữ gìn thân tướng, không canh giữ cánh cửa các căn tâm không giữ chặt ý niệm, nếu trông thấy người nữ trẻ tuổi thì tư duy không đứng đắn, giữ lấy sắc tướng của họ khởi tâm tham dục, lửa dục vọng cháy bỏng trong tâm, lửa dục vọng đốt cháy thân hình, thân tâm cháy bỏng đã xả giới làm cho giảm sút, người ngu si này trong đêm dài sẽ được nhiều ích lợi phi nghĩa. Vì vậy Tỳ kheo nên học như vậy, cố gắng giữ gìn thân mình canh giữ cửa ngõ các căn giữ chặt ý niệm khi vào thôn xóm! Lúc bấy giờ Đức Thế tôn bảo với các Tỳ kheo: Vào đời quá khứ có một con cáo đói khát gầy ốm, ở trong lỗ hổng rình bắt con chuột, nếu con chuột xuất hiện thì sẽ tóm lấy thức ăn. Có lúc con chuột ra ngoài chơi đùa, thì con kia nhanh chóng túm lấy nuốt chửng. Thân con chuột bé nhỏ còn sống đi vào trong bụng, vào trong bụng rồi ăn nội tạng của con cáo, lúc ấy nội tạng thì con cáo cảm thấy mê man khó chịu nên chạy từ chỗ này đến chỗ kia như điên cuồng, nhà trống mồ hoang không biết nơi nào dừng lại, thế là dẫn đến cái chết. Tỳ kheo như vậy, có người ngu si dựa vào làng xóm mà cư trú, sáng sớm khoác y ôm bát đi vào thôn xóm khất thực, không cố gắng giữ gìn thân tướng, không canh giữ cửa ngõ các căn, tâm không giữ chặt ý niệm, trông thấy những người nữ dấy lên tư duy bất chính, mà giữ lấy sắc tướng làm cho tâm tham dục bùng lên rồi, lửa dục vọng hừng hực đốt cháy thân tâm của mình rồi, rong ruỗi khắp nơi mặc sức buông thả không thích ở trong tinh xá mà xả giới làm cho giảm sút. Người ngu si này trong đêm dài thường gặp phải khổ đau không lợi ích gì hơn. Vì vậy Tỳ kheo, nên học như vậy, cố gắng giữ gìn thân mình canh giữ cửa ngõ các căn giữ chặt tâm vào trong chánh niệm đi đến thôn xóm khất thực!

Lại trong kinh Tạp A hàm nói: Bấy giờ Đức Thế tôn bảo với các Tỳ kheo: Ví như chày gõ thường xuyên sử dụng không nghĩ, ngày đêm sẽ tiêu hao dần đi, như vậy Tỳ kheo từ xưa đến nay không khép chặt cánh cửa các căn ăn uống không biết mức độ, đầu đêm cuối đêm không chịu khó giác ngộ tu tập thiện pháp, nên biết rằng hạng này suốt ngày làm giảm sút chứ không tăng thêm thiện pháp, như chày gỗ kia vậy.

Lại trong kinh Tự Ái nói: Đức Phật dạy: Người ứng xử giữa đời, tâm ôm ấp ý niệm hiểm độc, miệng phát ra lời nói hiểm độc, thân thực hiện việc làm hiểm độc, ba điều này phát xuất từ tâm thân và miệng, xướng lên thành điều ác hiểm để làm hại chúng sanh, chúng sanh bị độc hại thì kết thành oán hận, tâm thề phải báo thù, hoặc đời hiện tại chuốc lấy quả báo, hoặc sau khi thân mạng kết thúc linh hồn lên trên cõi Trời, thì nhận chịu quả báo. Con người là Thái sơn giữa súc sanh và quỷ thần lại càng khắc chế làm hại lẫn nhau, đều là do túc mạng chứ không phải tự nhiên sanh ra. Đức Phật thuyết kệ rằng:

Tâm là trung tâm của pháp,
Tâm là cao quý trong lòng
Dùng tâm gây ra điều ác,
Ngay nơi lời nói việc làm
Tội khổ tự mình chuốc lấy,
Xe lăn theo vết bánh xe
Tâm là gốc rễ của pháp,
Tâm cao quý tâm sai sử
Trong lòng nghĩ đến điều thiện,
Ngay nơi lời nói việc làm
Phước lạc tự nhiên tìm đến,
Giống như bóng đi theo hình.

Lại trong Thập Trú Tỳ Bà Sa Luận nói: Bồ tát tại gia nếu thấy người phá giới thì không nên sinh tâm giận dữ coi khinh, nên sinh tâm thương xót làm lợi ích cho họ, phương tiện khuyên nhủ ngăn lại làm cho phát sinh thiện tâm, hết sức can ngăn không thể thay đổi mà sanh ra phỉ báng, cũng không được giận dữ nhìn nhận xằng bậy lỗi lầm của họ. Vốn là trong Hiền Kiếp này nghe có Bồ tát, phỉ báng Đức Phật Câu Lâu Tôn rằng: Sao có người trọc đầu mà sẽ đắc đạo, như vậy chúng sanh khó có thể biết được, tự làm tự chịu đâu can hệ gì với tôi, nếu muốn biết người ta hoặc tự mình làm tổn thương, thì hãy tính toán với chúng sanh, Đức Phật vốn không cho phép. (Như trong kinh nói).

Đức Phật bảo với A nan: Nếu người tính toán đối với người khác thì tự làm tổn hại mình, như kệ nói rằng:

Có bình mà nắp cũng không,
Không có nắp lại cũng rỗng không
Có bình mà nắp cũng đầy đủ,
Không có nắp cũng lại đầy đủ
Nên biết rằng giữa các thế gian,
Có đầy đủ bốn loại người này
Từ oai nghi cho đến công đức,
Có và không có cũng như vậy
Nếu như chẳng phải Nhất Thiết Trí,
Sao có năng lực biết rõ người
Lẽ nào vì nhìn thấy oai nghi,
Mà biết được công đức của họ?
Đích thực biết là có thiện tâm,
Gọi là tướng của người tài đức
Chỉ trông thấy oai nghi bên ngoài,
Dựa vào đâu biết được trong lòng?
Nếu lấy bên ngoài lường bên trong,
Mà sinh ra tâm niệm khinh thường
Thì làm hỏng thân và thiện căn, Mạng chung rơi vào trong đường ác. Bên ngoài giả hiện rõ oai nghi,
Đi khắp nơi theo người hiền thiện Chỉ có miệng nói lời hoa mỹ, Như sấm động mà không có mưa.

Vì vậy trong kinh nói: Đừng khinh thường không học, kính sự học như Phật, chỉ có trí tuệ có thể phá tan phiền não. Nếu như so sánh tính toán thì tự làm tổn hại mình, chỉ có trí tuệ của Phật mới có năng lực hiểu rõ. Như việc này không phải cái biết của mình, thì ở giữa những người phá giới không nên sanh tâm giận dữ coi khinh.

Lại trong kinh Cựu Tạp Thí Dụ nói: Xưa có một con ba ba gặp phải lúc khô cạn ao đầm cạn nước, không thể nào tự mình đến được hồ nước có thức ăn, lúc ấy có con Hạc lớn bay đến bên cạnh con ba ba, con ba ba bắt đầu cầu xin thương xót giúp đỡ nhau, con Hạc ngậm trong miệng bay ngang qua làng mạc, con ba ba không im lặng mà lên tiếng, hỏi đây là nơi nào, có những gì, cứ như vậy hỏi mãi không thôi. Con Hạc đành phải trả lời, miệng há ra nên con ba ba rơi xuống, người ta bắt được mổ thịt ăn. Người ngu si gàn bướng không cẩn thận miệng mồm nói năng, ví dụ cũng như vậy.

Lại trong kinh Pháp Cú Dụ nói: Đức Phật bảo với Bà la môn: Thế gian có bốn điều mà con người không thể nào làm được, người thực hành được phước không đến nổi nghèo túng như vậy. Những gì gọi là bốn điều? Đó là: 1. Tuổi trẻ sức lực mạnh mẽ cẩn thận không kiêu mạn; 2. Tuổi già tinh tiến không tham lam dâm dật quá mức, 3. Có tiền bạc châu báu luôn luôn nghĩ đến bố thí, 4. Tìm thầy học lắng nghe tiếp nhận lời nói thẳng thắn. Như ông lão này không thực hành bốn điều như vậy, nghĩa là có người luôn luôn không nghĩ đến sự thành bại một khi phải ly tán, ví như con Hạc già giữ lấy hồ nước trống rỗng này vĩnh viễn không có gì đạt được. Ngay sau đó Đức Thế tôn liền thuyết kệ rằng:

Ngày đêm khinh mạn lười nhác,

Tuổi già không ngừng tham dâm

Có tiền bạc không bố thí,

Không tiếp nhận lời Phật dạy

Có bốn điều tệ hại này,

Là tự làm tổn hại mình

Một khi già yếu đến nơi,

Hình sắc đổi thay lảo đảo

Chẳng mấy chốc được như ý,

Già thấy bước chân run rẩy

Không thể tu dưỡng phạm hạnh,

Lại không giàu sang sung túc

Tuổi già như con Hạc trắng,

Canh giữ hồ nước rỗng không

Đã không giữ gìn giới cấm,

Lại không tích lũy tiền tài

Già yếu sức lực cạn rồi,

Suy nghĩ làm sao kịp nữa

Tuổi già như lá mùa Thu,

Hành nghiệp rách rưới dơ bẩn

Mạng sống phút chốc rời ra,

Hối hận không còn kịp nữa.

Tụng rằng:

Suy nghĩ cận thận trước sau,

Cốt phải giữ mình ngay thẳng

Miệng không nói lời khác nhau,

Tâm không dấy niệm xằng bậy

Ít ham muốn biết vừa đủ,

Quên lòng phân biệt này kia

Rụt rè thận trọng giữ mình,

Nhắc như buồn vui cố gắng!

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG

Sơ lược dẫn ra 11 chuyện: 1. Chu Thức ở Hạ Phì thời Hán; 2. Người ở Câu Chương Cối Kê thời Hán; 3. Ngô Tường quan huyện Chư Ký thời Hán; 4. Người họ Chu ở Nghĩa Hưng thời Tấn; 5. Hồ Mậu Hồi ở Hoài Nam thời Tấn; 6. Hồ Tí Chi ở Dự Chương thời Tống; 7. Trương Ất trong thời Tống Thái Thỉ; 8. Lý Di ở Tương Thành thời Tống; 9. Vũ Vân thời Chu Tuyên Đế; 10. Thích Tuệ Dự ở chốn kinh sư thời Tề; 11. Cao Pháp Nhãn tự mình bảo vệ thời Đường.

1. Chu Thức ở vùng Hạ Phì thời nhà Hán, đã từng đến Đông Hải giữa đường gặp một quan lại, cầm một quyển sách nhờ vả chở đi hơn mười dặm nói với Chu Thức rằng: Tôi tạm thời có những sai lầm, để sách lại gởi trong thuyền ông, cần thận đừng mở ra! Sau đó Chu Thức trộm mở ra xem, đều ghi lại những người chết, phía dưới có tên của Chu Thức. Trong chốc lát vị quan trở về, Chu Thức thú tội coi trộm sách, vị quan giận dữ nói: Trước đây đã nói cho nhau biết là đừng xem. Chu Thức rập đầu chảy máu. Rất lâu vị quan nói: Cảm ơn ông chở nhau đi xa, sách này không thể ngoại trừ ông, hôm nay trở đi về nhà suốt trong ba năm, đừng rời nhà đi xa thì có thể vượt qua được, đừng nói là trông thấy sách của tôi! Chu Thức trở về không đi ra ngoài đã hai năm, người người khác đều cảm thấy kỳ lạ. Người láng giềng qua đời, cha tức giận sai đi đến thăm viếng phúng điếu, Chu Thức không thể nào tránh được, vừa đi ra ngoài cổng thì vị quan này nói: Tôi bảo với ông trong ba năm đừng đi ra ngoài, mà bây giờ đi ra khỏi cổng, biết làm thế nào được, tôi cầu mong không gặp, làm ảnh hưởng đến nhau phải bị gậy đánh, nay đã gặp ông không biết làm sao, buổi trưa ba ngày sau sẽ tìm gặp nhau. Chu Thức trở về nước mắt nói lại đầy đủ như vậy, người cha vốn không tin, người mẹ ngày đêm đau lòng rơi nước mắt cùng giữ lấy nhau. Đến buổi trưa ngày thứ ba thì thấy đến tìm liền chết.

Câu chuyện trên đây trích từ Sưu Thần Ký.

2. Người ở vùng Câu Chương Cối Kế thời nhà Hán, đến vùng Đông Dã trở về, Trời chiều không kịp về nhà, thấy ngôi nhà nhỏ bên đường có ánh lửa, nhân đó bước vào ở lại qua đêm . Có một thiếu nữ không muốn chung đêm với đàn ông gọi con gái nhà người hàng xóm tự bầu bạn trong đêm cùng nhau đánh đàn ca hát đùa vui rằng:

Cây sắn nối liền trên mây,
Một kéo dài lại một dây to
Ông muốn biết tên gọi của tôi,
Họ Trần tên gọi là A Đăng.

Sáng sớm đến ngoài vùng Đông Quách, có bà mẹ bán đồ ăn ở trong quán, người này ngồi nhờ một lát nhân đó nói chuyện đã thấy đêm qua. Bà mẹ nghe đến A Đăng, kinh ngạc nói: đây là con gái tôi, chết cách đây không lâu và mai táng ở ngoài huyện Quách.

3. Ngô Tường là quan lại nhỏ ở huyện Chư Ký thời nhà Hán, sợ chiến tranh hung tàn nên tránh đi, muốn tìm vào ở trong núi sâu, đi đến một dòng suối, ngày sắp tối thì gặp một người con gái xiêm y đẹp đẽ rất đoan chánh. Cô gái nói: Tôi ở đây chỉ một mình, lại không có người cùng quê, chỉ có một bà lão cô độc, cách nhau hơn mười bước mà thôi! Ngô Tường nghe nói rất vui, liền đi theo cô gái, đi hơn một dặm thì đến nhà cô gái, nhà rất sơ sài nghèo túng, cô gái làm đồ ăn cho Ngô Tường, đến canh một mới xong. Nghe một bà lão gọi rằng: Cô Trương ơi! Cô gái đáp lại: Dạ. Ngô Tường hỏi là ai vậy? Đáp rằng: Bà lão cô độc trước đây đã nói ấy mà! Hai người cùng ngủ chung với nhau, đến khi gà gáy sáng, Ngô Tường ra đi, tình cảm đôi bên lưu luyến nhau, cô gái lấy chiếc khăn tím đưa tặng Ngô Tường, Ngô Tường lấy chiếc khăn tay bằng vải lụa trao lại. Đi đến chỗ hôm qua theo nơi vượt suối trước đó, đêm ấy nước bất ngờ dâng tràn lên cao, sâu lắm nên không thể lội qua được, bèn quay trở lại nhà cô gái, nhìn không thấy chỗ đêm qua, chỉ có một ngôi mộ mà thôi!

4. Người họ Chu ở Vùng Nghĩa Hưng thời nhà Tấn, giữa niên hiệu Vĩnh Hòa đi ra ngoài kinh đô, cưỡi ngựa đi theo hai người, chưa đến thôn xóm thì Trời tối, bên đường có một căn nhà tranh nhỏ mới làm, thấy một cô gái đi ra ngóng nhìn, tuổi khoảng chừng 16.17, dung mạo đoan chánh xiêm y đẹp đẽ, thấy họ Chu đi qua bèn nói rằng: Trời đã tối, thôn xóm phía trước hãy còn xa, Lâm hạ có lẽ nào đến được! Họ Chu bèn xin ở nhờ. Cô gái này vì thế nhóm lửa làm cơm, đến canh một nghe bên ngoài có tiếng trẻ con gọi. A Hưng ơi! Cô gái đáp lại: Vâng. Lại nói: Quan cho gọi cô đi đẩy xe chở sấm. Cô gái bèn chào từ biệt trước khi đi rằng: Nay có công việc phải đi! Đêm khuya liền nổi dông tố ào ào, đến sáng cô gái trở về, họ Chu đã lên ngựa, nhìn nơi ở lại hôm qua, chỉ thấy một ngôi mộ mới làm, cửa ngôi mộ có dấu chân ngựa và rơm cỏ còn lại, họ chu kinh hãi than thở tiếc thương. Đến năm năm sau quả nhiên làm Thái Thú Lâm Hạ.

Ba chuyện trên đây trích từ Tục Sưu Thần Ký.

5. Hồ Mậu Hồi ở vùng Hoài Nam thời nhà Tấn. Người này có thể trông thấy quỷ tuy rằng không thích gặp nhưng mà không thể dừng lại được. Sau khi đi đến Dương Châu trở về thành Lịch Dương, phía Đông có miếu thờ thần công minh chính trực, gặp dân chúng mời thầy mo cúng tế cầu nguyện trong miếu. Vừa đến trong chốc lát, có đám quỷ quát mắng nhau rằng: Quan trên đến tất cả hãy tránh ra ngoài miếu thờ! Quay đầu nhìn lại thấy hai vị Sa môn đang đi vào trong miếu thờ, các quỷ tốp năm tốp ba ôm chặt lấy nhau ở trong lùm cỏ cạnh miếu nhìn vào, trộm nhìn Sa môn đều có vẻ sợt sệt vô cùng. Chốc lát Sa môn ra đi, sau đó các quỷ đều trở lại trong miếu. Mậu Hồi thế là tin theo Đức Phật, liền hết sức chân thành thờ phụng Đức Phật.

Câu chuyện trên đây trích từ Tục Sưu Thần Ký.

6. Hồ Tí Chi ở vùng Dự chương thời nhà Tống, đã từng làm quan giúp việc quận Vũ Xương. Tống Nguyên Gia năm thứ 26 đi vào trong công đường, thì có quỷ quái xuất hình dáng tựa như trẻ con, cửa khép lại thì nghe tiếng người đi, như tiếng chân mang quốc mộc, nhìn xem thì không thấy gì, như vậy rất nhiều lần. Tháng ba năm thứ hai mươi tám thì cả nhà đều mắc bệnh, giữa hư không nghe nói ném gạch đá, hoặc là đấy khô. Giữa mùa hạ người bệnh đều bị ném trúng, mà nói là ném càng mạnh hơn, bèn mời đạo sĩ trai giới tụng kinh suốt đến nhưng lại ném như mưa, chỉ có điều là không nhằm vào đạo sĩ và quyển kinh mà thôi. Đến mùa Thu và mùa Đông dần dần có âm thanh, người bị gạch đá ném trúng, da thịt đều tím đen mà không đau lắm. Tí Chi có một bà vú già, hay mắng nhiếc mọi người, quỷ ở bên cạnh hay hù dọa, Tí Chi nhiều lần đem rượu cúng tế làm bùa chú đuổi đi, dần dần ngưng hẳn. Đến năm thứ hai mươi chín quỷ lại xuất hiện dữ dằn hơn trước, năm sau tiếp theo công đường liên tiếp xảy ra bốn lần hỏa hoạn, tả tơi thảm hại đến mức khốn cùng. Cứ mỗi lần quỷ phát ra tiếng giống như chó, người trong nhà cứ gọi đến cho ăn. Sau đó bỗng nhiên nói mà tiếng nói tựa như trâu. Canh ba gõ cửa, Tí Chi hỏi ai vậy? Đáp rằng: Trình Thiệu Lăng. Cầm đèn ra xem hoàn toàn không trông thấy gì cả. Mấy ngày giữa canh hai lại ở ngoài cửa đập tay, Tí Chi liền mắng lại. Đáp rằng: Ông đừng mắng tôi, tôi là thiện thần chứ không phải là người đã đến trước đây. Đào Ngự Sử trông thấy sai đến bán cho ông biết. Tí Chi nói: Tôi không biết Đào Ngự Sử. Quỷ nói rằng: Là ông Đào Kính Huyền, xưa cùng nhau qua lại thân quen ấy mà. Tí Chi nói: Tôi cùng với ông ấy ngày ở kinh đô nhận công việc tại Hoành Dương lại không hề làm Ngự Sử. Quỷ nói: Ông Đào này ở nơi phước thiện, làm ngự sử trên cõi Trời trước sau tiếp cận với nhau, công đường này là nơi Thẩm Công đã làm vốn là nhà của Thẩm Công vì vậy đến thăm nhà cũ, có chút nói năng vất ném gạch đá bỡn cợt, bất ngờ ông bài trừ thái quá mới đến mắng nhiếc khiến cho tôi tớ phải vô lễ, gần đây lại khiến đem rượu cúng tế làm bùa chú đuổi đi thật là khốn khổ, tội tar5ng của việc này lên đến Thiên Tào, Thẩm Công nay trên cõi Trời nói rằng: Ông là đệ tử Tam Quy của Phật sao không thuận theo nhà Phật mà cầu phước, lại khiến đem rượu cúng tế làm bùa chú đuổi đi, từ nay về sau xin nguyện chuyên tâm tôn thờ theo pháp, không cần phải cùng với ác quỷ khốn đốn cho nhau! Tý Chi cầu thỉnh các Ni cô tụng kinh, vẫn trai giới hoàn tất trải qua một đêm, sau đó lại nghe ngoài cửa Ngự Sử cùng nhau nghe trình bày rõ ràng Hồ Tí chi tiếp tục gặp Thẩm Công tranh cãi nhau rất khổ sở. Nếu như lời đã nói, ông thật là vô lý, nếu có thể chân thành quy y bậc

Chánh giác học tập kinh điển giữ đúng giới luật thì đã ma ngăn chặn không còn, lưu chuyển tình cảm xưa kia cho nên bày tỏ với nhau vậy.

7. Trong thời Tống Thái Thỉ có Trương Ất, bị roi đánh lở loét đau đớn không chịu nổi, người ta bày cho lấy xương người chết đốt vụn để bôi vào vết lở sẽ lành. Trương Ất mướn trẻ nhỏ trong họ hàng leo lên đồi hoang lấy một chiếc đầu lâu, đốt nghiền vụn để bôi vào vết thương. Đêm ấy trong nhà đốt một lò lửa, đứa trẻ này ngồi canh lò lửa, giữa hư không có vật gì đó, ấn đầu đứa trẻ vào trong lửa mắng rằng: Tại sao ngươi lấy đầu ta đốt cháy, nay ta dùng lửa này trả lại cho ngươi! Đứa trẻ la lớn rằng: Trương Ất đốt mà thôi. Đáp rằng: Ngươi không lấy cho Trương Ất, Trương Ất sao có thể đốt được? Ấn đầu đứa trẻ rất lâu làm cho tóc cháy hết trụi, da thịt chín nhừ sau đó mới thả ra. Trương Ất vô cùng sợ hãi đem xương còn lại chôn vào chỗ cũ, dùng rượu thịt cúng tế không còn tai họa gì xảy ra nữa.

Hai chuyện trên đây trích từ Thuật Dị Ký.

8. Thời nhà Tống ở Tương Thành có Lý Di, cha của Lý Di là người không tin tà ma yêu quái. Có một ngôi nhà từ lúc làm ra cho đến bây giờ thường xảy ra tai họa không thể ở được, ở đó thì nhất định phải chết. Cha của Lý Di liền mua sống qua nhiều năm vẫn bình an tốt lành, con cháu hưng thịnh làm ăn phát đạt, nên nhiều người được làm quan, lúc sắp đi nhận chức mở tiệc mời thân thích nội ngoại, cơm rượu đã xong cha của Lý Di mới nói rằng: Thiên hạ cuối cùng có tốt xấu lành dữ hay không, ngôi nhà này từ trước tới giờ nói là bất hạnh vô cùng, từ lúc ở qua nhiều năm nay vẫn bình an tốt lành, mới được chuyển đi làm quan, quỷ quái ở nơi nào, từ nay về sau trở thành ngôi nhà tốt lành, người ở nơi này lòng dạ không có gì chế trách. Nói xong giống như nhà xí, chốc lát thấy trong tường nhà có một vật, như cuộn chiếu lớn, cao hơn năm thước có màu trắng đích thực, liền trở lại lấy đao chặt đứt ở giữa. Tức thì hóa thành hai người, lại chém đứt ngang, tiếp tục hóa ra bốn người, liền giật lấy đao trở lại chém chết cha của Lý Di, cầm đao đến trên chỗ ngồi chém chết con cháu trong nhà, hễ là người họ Lý thì phải chết, nhưng không có người khác họ bị giết hại. Lý Di hãy còn bé đang ẳm trên tay, trong nhà biết có tai họa xảy ra, mẹ vú ẳm ra cửa sau trốn trong nhà người khác, chỉ có một mình Lý Di được thoát nạn. Lý Di tự là Cảnh Chân, làm quan đến chức Thái Thú vùng tương Đông.

Câu chuyện trên đây trích từ Tục Sưu Thần Ký.

9. Vũ Văn Vân là Chu Tuyên đế, lúc ở Đông Cung, Vũ Đế dốc lòng dạy bảo rất nghiêm khắc, luôn luôn sai các quan giám sát thật cẩn thận, nếu có một sai sót nhỏ mà che giấu không tâu bày, thì Thành Thận phải chịu tội chết. Thành Thận chịu trách nhiệm giám sát nên phải thường xuyên tâu bày việc làm sai phạm của Thái tử, Vũ Đế phạt gậy Thái tử hơn một trăm lần, đến khi lên ngôi quay đầu nhìn lại thấy vết sẹo bị gậy đánh trên cánh tay, mới hỏi Thành Thận về vết sẹo đó. Thành Thận lúc ấy đã đi nhậm chức ở quận khác, liền truyền lệnh truy tìm, đến nơi thì ban cho cái chết. Thành Thận nghiêm khắc nói rằng: Đây là do vua cha của ông làm ra, Thành Thận có tội gì? Kẻ phản nghịch còn lại lạm dụng để trông thấy đến lúc chết, nếu có biết kết thúc như vậy thì không để yên cho nhau! Lúc ấy nơi ở của các cung nữ kiêng kỵ gặp gỡ nhau, chỉ dùng mắt trao đổi chứ nhất định không được cùng nhau nói cười, bố trí các quan theo dõi ghi chép lại những lỗi lầm. Dưới quyền của Tả Hoàng hậu có một cung nữ, ngáp và vườn vai chảy nước mắt, vì vậy bị tâu bày vạch trần tội trạng, nói là người ấy đã suy nghĩ nhớ lại, liền truyền lệnh đối diện trước nhà vua để kiểm tra từ đầu đến cuối. Mới đánh vào đầu thử xem, nhà vua liền bị đau đầu. Tiếp đó đánh vào gáy thử xem, thì nhà vua lại đau gáy. Liền nổi giận đùng đùng nói rằn: Đây là oan gia của ta. Thế là sai kéo ra đánh gãy ngang hông, nhà vua lập tức đau ngang hông. Đêm ấy đi ra cung phía Nam, bệnh liền dần dần tăng thêm, sáng sớm trở về hông đau không thể cưỡi ngựa được, ngồi xe mà vào cung. Nơi cung nữ bị giết có quầng đen như hình người, lúc ấy nói là máu nên thuận theo quét sạch đi, phút chốc trở lại như cũ, nhiều lần như vậy, có người đào nỏ đất cũ lấy đất mới lấp vào, trong một đêm cũng trở lại như ban đầu. Vì thế suốt bảy, tám ngày toàn thân lở loét mà chết. Đến khi bắt đầu đưa thi hài tẩm liệm thì các giường đều cong lại, không sao kéo ra được, chỉ có chiếc giường của cung nữ bị giết chết này đã nằm, thì hoàn toàn duỗi thẳng chân được, liền lấy để sử dụng. Có lẽ cũng là ý của quỷ thần vậy. Nhà Vua chết cách nhau với chết của Thành Thận chỉ trong vòng hai mươi ngày.

Câu chuyện trên đây trích từ Minh Tường Ký.

10. Chùa Linh Căn ở chốn Kinh sư thời nhà Tề có Sa môn Thích Tuệ Dự, người ở vùng Hoàng Long, đế dạo chơi chốn kinh sư dừng lại trong chùa Linh Căn, trẻ tuổi mà theo đuổi sự học tìm hiểu các thầy khắp nơi, khéo bàn luận về những phép tắc phong cách tốt đẹp. Mỗi khi nghe bình luận về nhân vật nào đó thì nhất định bịt tại không nghe. Trước kia tụng kinh đại Niết bàn Pháp Hoa Thập Địa, lại tu tập thiền định tinh thông cả năm môn, đã từng ngủ trông thấy có ba người đến canh cửa, cùng mặc áo đội mũ sáng ngời tay cầm tán hoa che mát, Tuệ Dự hỏi tìm ai? Đáp rằng: Pháp sư sắp chết cho nên đến đón về. Tuệ Dự nói nhỏ: Việc nhỏ chưa xong có thể kéo dài một năm nữa được không? Đáp rằng Có thể như vậy. Đến năm sau vừa tròn một năm mà qua đời, năm ấy là năm thứ bảy niên hiệu Vĩnh Minh thời nhà Tề, hưởng thọ 57 tuổi.

Câu chuyện trên đây trích từ Lương Cao Tăng Truyện.

11. Cao Pháp Nhãn ở huyện Trường An Uy Châu thời nhà Đường, là cháu năm đời (Huyền tôn) của Bộc Xạ Cao Dĩnh thời nhà Tùy. Vào ngày hai mươi lăm tháng Giêng năm thứ ba niên hiệu Long Sóc nhà Đường, hướng đến Trung đài tham dự tuyển chọn, giữa trưa trở về nhà. Nhà ở phía Đông Nam phường Nghĩa Ninh, mở cổng hướng ra đường lớn, phía Đông chùa Hóa độ chính là nhà của Cao Pháp Nhãn. Muốn đi ra thành con (Tử thành) phải theo cửa Thuận nghĩa ở phía Tây. Trong thành gặp hai kỵ mã đuổi theo sau, đã ra khỏi thành rồi dần dần kề sát sau lưng. Ra ngoài cửa thành, đường phía Bắc là chùa Phổ Quang, một người nói với người cưỡi ngựa rằng: Ông chạy đến bắt giữ trước cổng chùa Phổ Quang, đừng để cho người này đi vào chùa! Sợ rằng khó bắt được nên người này y theo lời chạy nhanh đến giữ cổng. Pháp Nhãn sợ không vào chùa được, bèn hướng về phía Tây mà chạy lại đến phường Kim Thành ở đường phía Tây. Đường phía Tây ở cửa Nam có chùa Hội Xương, lại thêm bốn người cưỡi ngựa, lại nói với hai người cưỡi ngựa trước đó rằng: Nhanh chóng giữ cổng chùa Hội Xương! Người này y theo lời chạy đi giữ trước cổng chùa. Pháp Nhãn sợ hãi, vội vàng nói với người cưỡi ngựa rằng: Ông là người nào mà dám bức bách với tôi? Người cưỡi ngựa nói: Nhà vua sai tôi đi bắt lấy ông. Pháp Nhãn nói rằng: Vua nào sai đi bắt? Người cưỡi ngựa nói: Vua Diêm La sai đi bắt. Pháp Nhãn đã nghe vua Diêm Lai sai đến, biết đích xác là quỷ, liền cùng chống cự với nhau. Quỷ thì vô cùng tức giận nói: Mau cắt đầu tóc đi! Một con quỷ cầm dao lập tức cắt hai búi tóc Pháp Nhãn, kèm theo mảng thịt rơi xuống đất, thì đến đường phía Tây tắt hơi rơi xuống ngựa mê man bất tỉnh, đã đến con đường chính giữa phố lớn, trong lúc chần chừ thấy người hơn ngàn, có người tuần tra đường phố quả nhiên kiên quyết trợt mắt nhìn người giữ đường, đi sao tụ tập đông đảo? Người giữ đường trình bày đầy đủ về nguyên nhân tắt nghẽn đường sá. Tiếp đó đầu đường phía Tây chính là nhà của Cao Pháp Nhãn, liền gọi người nhà mang xe đến chở về nhà. Đến sáng mới tỉnh lại thì nói với người trong nhà rằng: Tôi đi vào địa ngục thấy vua Diêm La, ngồi trên cao trợn mắt trách mắng tôi rằng: TaÏi sao ông đến chùa Hóa Độ vào trong phòng của thầy Minh Tạng ăn trái cây của thường trú tăng, phải nuốt bốn viên sắt nóng, lệnh trong bốn năm phải nuốt hết, một ngày giữa cõi người là một năm trong địa ngục, bốn ngày thì kết thúc, từ ngày 26 tháng giêng đến ngày 29 thì hết. Hoặc ngày nuốt một trăm viên, vào ngày 26 lúc đã tỉnh táo, lại có các quỷ đến bắt Pháp Nhãn, lại cùng với các quỷ đánh nhau nhân lúc lực cạn kiệt không đánh lại nổi, lại tắt hơi đột ngột chết đi đến địa ngục khiến nuốt viên sắt nóng, lúc đang nuốt vào thì cổ họng đóng lại, thân thể cháy khô biến thành màu đỏ, nuốt hết mới tỉnh lại. Tỉnh rồi nhà vua lại nói rằng: Tại sao ông không tôn kính Tam bảo, nói sai lầm tệ hại của tăng, ông nuốt hết viên sắt nóng rồi, phải chịu cày sắt cày lưỡi trong một năm. Đến ngàgy 29 đã nuốt xong viên sắt nóng. Đến rạng sáng ngày 30 tháng Giêng lại chết đi vào trong địa ngục, lại chịu nỗi khổ cày sắt cày lưỡi, tự nhiên thấy lưỡi mình dài mấy dặm, người bên cạnh nhìn thấy nhả ra dài hơn một thước. Nhà vua lại nói với ngục tốt: Người này đã nói về đúng sai xấu tốt của Tam bảo, dùng rìu sắt lớn chặt đứt cuống lưỡi. Ngục tốt chặt không đứt! Nhà vua lại nói rằng: Lấy rìu nhỏ giũa lưỡi của người đó, đem bỏ vào vạc nóng nấu chín, Nấu cũng không nhừ được. Nhà vua lại cảm thấy quái lạ bèn hỏi nguyên do thế nào. Pháp Nhãn thưa với nhà vua rằng: Hạ thần đã từng tụng kinh Pháp Hoa. Nhà vua ban đầu không tin, truyền lệnh kiềm tra trong phần công đức, thấy trong văn bản có tụng một bộ kinh Pháp Hoa. Nhà vua kiềm tra biết là thật mới thả ra. Người đó sống lại tỉnh táo như xưa, người xem đông như chợ người thấy đều phát tâm. Cả nhà tin tưởng cung kính khích lệ cố gắng tinh cần, bố thí nhẫn nhục không thiếu sót khuyên nhủ chân thành không mệt mỏi, đạo tục chốn kinh thành cùng biết không phiền đến dẫn chứng rườm rà.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Tư Thận