Thiên này có 4 phần: Thuật ý, Ngũ nghịch, Phụ nghịch, Khí phụ.
Thứ nhất PHẦN THUẬT Ý
Con người sống mà giữ lòng trung hiếu, cho nên nêu cao tên tuổi ở đời sau; sống mà làm điều trái nghịch, vì vậy thọ báo đau khổ ở tương lai. Hiếu thuận ngỗ nghịch lên cao và xuống thấp, làm thiện làm ác vì cớ gì vượt qua? Vì vậy Đức Đại Từ xót thương cho tính hung bạo của Xà Vương, khen ngợi cho lòng nhân ái của La Vân, mong rằng sợ hãi ngọn lửa dữ bất hiếu không biết cách nào mà dập tắt, bóng tối chập chùng của ác nghịch không có hạn kỳ mở thông, ví như lao ngục vây hãm tù phạm có đủ mọi điều khổ đau, ôm gông mang xiềng nặng nề khốn khổ, còng sắt khóa thép luôn ở trên thân, đánh đập thân thể bầm nát lở loét, khắp nơi hình hài thối rữa xấu xa, mà muốn dùng hình dáng này cầu mong gặp Đức Từ Phụ thì thật là khó nhìn thấy!
Thứ hai PHẦN NGŨ NGHỊCH
Như Trí Độ Luận nói: Đệ tử của Phật là Đề bà đạt đa, là em họ của Đức Phật, xuất gia học đạo tụng được sáu vạn pháp tụ, tinh tiến tu hành tròn mười ba năm, sau đó vì cúng dường cho nên đi đến chỗ Phật cầu học thần thông. Đức Phật bảo rằng: Này Kiều Đàn! Ông quán xét năm ấm vô thường có thể đắc đạo, cũng có được thần thông. Đức Phật không nói cho biết phương pháp đạt được thần thông. Đi đến cầu xin Xá lợi phất Mục kiền liên, ngay cả năm trăm A la hán cũng không nói cho biết, mà chỉ nói rằng: Ông nên quán xét năm ấm vô thường có thể đắc đạo, có thể đạt được thần thông. Lúc ấy A nan chưa đạt được Tha Tâm Trí, như Đức Phật đã dạy, mà trao cho Đề bà đạt đa, Đề bà đạt đa học được pháp luyện thần thông rồi, vào núi tu luyện không bao lâu thì đạt được năm thần thông. Đạt được năm thần thông rồi tự nghĩ rằng: Ai sẽ làm đàn việt cho mình? Như Vương tử A xà thế có tướng mạo Đại vương, muốn qua lại làm cho thân thiết sâu đậm, nên đến cõi Trời lấy thức ăn cõi Trời, trở về cõi Uất Đan Việt lấy gạo canh tự nhiên, đến trong rừng Diêm phù lấy quả Diêm phù, mang cho Vương tử A xà thế, có lúc tự biến hóa thân mình làm voi báu ngựa báu để mê hoặc tâm ấy, có lúc làm trẻ nhỏ với các loại trạng thái không bình thường để kích thích tâm ấy. Ýù của Vương tử đã bị mê hoặc, xây dựng tinh xá to lớn ở trong Nại Viên, cúng dường bốn loại và cung cấp các loại lặt vặt, không có thứ gì không đầy đủ, để tạo điều kiện cho Đề bà đạt đa, ngày ngày dẫn theo các Đại thần, tự mình chuyển đến năm trăm nồi canh và bánh trái. Đề bà đạt đa được cúng dường nhiều, mà đồ chúng chẳng có ai, tự nghĩ rằng mình có ba mươi tướng tốt thua Phật chẳng là bao, dứt khoát bởi vì đệ tử chưa quy tụ, nếu đại chúng vây tròn thì khác gì so với Phật? Tư duy như vậy rồi sanh tâm phá hoại giành được năm trăm đệ tử. Xá lợi phất và Mục kiền liên thuyết pháp giáo hóa Tăng trợ lại hòa hợp. Lúc bấy giờ Đề bà đạt đa liền sanh ác tâm, đẩy núi đè Phật, Kim Cang lực sĩ dùng chày Kim Cang mà từ xa ném đến, đá nát vụn tóe ra làm tổn thương ngón chân của Phật. Tỳ kheo ni Hoa Sắc trách móc, Đề bà đạt Đa lại dùng nắm tay đánh Tỳ kheo ni, Tỳ kheo ni lập tức lồi mắt mà chết. Gây ra ba tội lỗi ngang ngược, cùng với ác tà sư Phú Lan Na ngoại đạo kết giao thân thiết nồng hậu, đoạn các thiện căn mà tâm không hề hối hận. Lại dùng chất độc hiểm ác đặt vào trong móng tay, muốn nhân lúc lễ Phật mà đâm làm tổn thương Phật, muốn đi mà chưa đến, thì đất ở trong thành Vương xá tự nhiên nứt toác, xe lửa ngùn ngụt đến đón sanh vào địa ngục. Đề bà đạt đa thân có ba mươi tướng tốt, mà không có năng lực nhẫn nại điều phục tâm mình, vì lợi ích cúng dường mà gây ra tội lỗi to lớn sanh vào địa ngục.
Lại trong kinh Niết bàn nói: Tỳ kheo Thiện Tinh, tuy là đọc tụng mười hai bộ kinh đạt được Tứ Thiền, mà thậm chí không hiểu được nghĩa của một kệ, một câu, một chữ, gần gũi với bạn ác mà giảm mất Tứ Thiền. Giảm sút Tứ Thiền rồi sanh ra tà kiến xấu ác, dấy lên nói như vậy: Không có Phật không có pháp không có Niết bàn, Sa môn Cù Đàm khéo biết về tướng pháp, vì vậy có thể biết được tâm tư của người khác. Thậm chí lúc bấy giờ Như lai liền cùng với Ca diếp đi đến chỗ Thiện Tinh, Tỳ kheo Thiện Tinh từ xa nhìn thấy Như lai đến, trông thấy rồi liền sanh tâm tà ác, bởi vì ác tâm cho nên thân đang sống mà rơi vào A Tỳ địa ngục.
Lại như Trí Độ Luận nói: Tiên nhân Uất Đà La Già đạt được năm thần thông, ngày này bay đến trong cung của Quốc vương mà ăn uống. Đại phu nhân của nhà vua, như phép tắc của nước mình nắm chân mà lễ lạy, tay phu nhân chạm vào thì mất thần thông, đi theo nhà vua cầu xin cỗ xe để ngồi mà ra ngoài thành. Trở về đất nước của mình, đi vào giữa rừng cây lại cầu được năm thần thông, thậm chí vì chim chóc hót vang mà tán loạn tâm ý, bỏ rừng cây đến bên bờ nước cầu mong an định, lại nghe tiếng cá tôm tranh cãi náo động trong dòng nước. Người này lâu sau tư duy đạt được Định, sanh lên cõi Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng, thọ mạng ở cõi đó đã hết nên sanh xuống làm loài Phi Li, giết hại các loài cá chim gây ra vô lượng tội lỗi, đọa vào 3 đường ác.Lại nói: Có một Tỳ kheo nhờ đạt được Tứ Thiền, sinh tâm tăng thượng mạn nói là đạt được quả vị A la hán, cậy vào điều này mà dừng lại chứ không tiếp tục cầu mong tiến lên. Lúc thọ mạng sắp chấm dứt thấy có tướng Trung ấm Tứ Thiền xuất hiện, liền sanh ra tà kiến, nói là không có Niết bàn, mình bị Phật lừa dối. Bởi vì tà ác sanh ra cho nên lập tức mất đi Trung ấm Tứ Thiền mà thấy tướng Trung ấm Nê Lê ở địa ngục A Tỳ hiện ra, mạng chung liền sanh vào địa ngục A Tỳ. Đức Phật vì vậy mà thuyết kệ rằng:
Đa văn trì giới đạt đến thiền,
Nhưng chưa đạt được pháp vô lậu,
Cho dù có công đức như vậy,
Điều này không thể tin chắc được.
Lại trong kinh Vị Sanh Oán nói: Điều Đạt ganh ghét với đồ chúng của Phật, trở về nói với Thái tử Vị Sanh Oán rằng: Cha ông đem vật báu của đất nước để dâng lên Phật Tăng, kho tàng của đất nước trống rỗng cạn kiệt, nên sớm tìm cách bước lên ngôi vị làm vua, tôi phát động binh lính đến đánh dẹp Phật, ông được làm vua, tôi sẽ làm Phật, hai bên đều có lợi cũng không tốt hay sao? Thế là Thái tử sai cận thần tìm cách đoạt lấy dải lụa đeo ấn của nhà vua, bắt nhà vua giam vào ngục cấm. Ý nhà vua điềm nhiên y theo tai ương đời trước, tâm không sợ hãi gì, tin sâu sắc lời Đức Phật dạy. Nhà vua nói: Ta có lỗi lầm gì mà gán tội cho ta vậy? Hoàng hậu Quý nhân và dân chúng lớn nhỏ không ai là không đau thương. Nhà vua nhìn mọi người khóc mà nói: Đức Phật dạy rằng Trời đất mặt trăng mặt Trời, núi Tu di biển cả, mọi thứ có thành ắt phải có bại, thạnh rồi sẽ suy, tụ hội sẽ có chia lý, có sanh chắc chắn có chết, luân chuyển muôn đời không có gì giới hạn, thân mình còn không bảo đảm, đất nước có gì là thường! Nhà vua nói với Thái tử rằng: Mỗi khi ngươi có bệnh tật thì Ta héo ruột nôn gan vì ngươi, muốn đem thân mạng cứu giúp hiểm nạn thay cho ngươi, ân tình nhân ái của cha mẹ chỉ có Trời là cao nhất, ngươi mang lòng dạ nào mà đành nhẫn tâm làm điều ác nghịch, người giết cha mẹ thì chết đi vào Thái Sơn, Ta là cha ngươi, đem đất nước trao cho ngươi, Ta muốn đến nơi Đức Phật xin làm Sa môn! Thái tử nói: Ông đừng nói nhiều, tôi đạt được nguyện ước xưa kia há có tha cho tôi hay sao? Lệnh cho lính cai ngục rằng: Đoạn tuyệt mọi sự ăn uống để cái đói giết chết ông ta. Bình Sa Vương hướng về nơi Đức Phật cúi đầu lễ lạy thiết tha nói: Con cái gây ra tội ác như Trời đất, làm cha như con không mảy may căm hận. Xõa tóc ngữa mặt lên Trời than rằng: Đau đớn thay, Trời xanh há có đạo lý này ư? Già trẻ cả nước không ai không đau thương. Hoàng Hậu nói với Thái tử rằng: Đại vương bị xiềng xích ở trong lao ngục, ngồi nằm cần phải có người, muốn gặp Đại vương há không được ư? Thái tử nói: Được. Hoàng Hậu tắm rửa thân hình sạch sẽ dùng mật trộn với bột gạo rang xoa trên thân thể, đi vào gặp Đại vương, diện mạo gầy gò không nhận ra hình hài vốn có. Hoàng Hậu nói: Đức Phật dạy vinh quang vui sướng không có thường mà tội lỗi khốn khổ luôn luôn có. Nhà vua nói: Lính cai ngục cấm tuyệt ăn uống nên đói khát lâu ngày, thân thể có 80 chỗ, mỗi chỗ có mấy trăm loại sâu bọ, quấy đảo trong bụng tôi, máu thịt tiêu hết thọ mạng lại cạn kiệt, nói năng nấc nghẹn hơi thở ngưng rồi lại tiếp tục. Hoàng hậu nói: Vốn có biết trước gian khổ thế này, thiếp dùng bột rang trộn mật xoa trên thân thể hãy đến ăn đi, nên nghĩ đến lời Phật khuyên nhủ đừng sơ ý để tâm ưu sầu. Nhà vua ăn xong rồi, hướng về nơi Đức Phật nấc nghẹn rập đầu lạy, Đức Phật dạy vinh hoa phước lộc khó giữ được như huyễn hóa như mộng ảo, đích thực như lời dạy tôn quý, con không sợ chết mà chỉ tiếc rằng không trực tiếp nhận được sự giáo hóa rõ ràng của Phật, cùng với Thu Lộ Tử Mục kiền liên Đại Ca diếp giảng về nghĩa lý sâu xa của đạo tôn quý. Nhà vua nói Hoàng hậu rằng: Như Mục kiền liên, mọi phiền não đã trừ sạch đạt được sáu thần thông, hãy còn bị hạng Phạm Chí làm ganh ghét đánh đập, huống hồ là tôi ư? Vì tai ương hiểm ác truy đuổi, cho nên con người hãy còn bị ảnh hưởng, Đức Phật thì khó gặp mà thần thông giáo hóa lại khó nghe, tiếp nhận sự giáo hóa rõ ràng ấy quả thực cũng khó gặp. Nay tôi chết rồi thần thức chuyển đi xa, muốn xây dựng chí nguyện không có gì bằng tôn sùng lời dạy của Đức Phật, Hoàng hậu giữ gìn cẩn thận đề phòng tai họa xảy ra vậy! Hoàng hậu nghe nhà vua khuyên nhủ trong lòng càng thêm đau thương. Bấy giờ Thái tử hỏi vặn lính cai ngục rằng: Cấm tuyệt nhà vua ăn uống đã lâu mà không chết là vì sao? Thưa rằng: Hoàng Hậu đi vào ngục thân thể xoa bột rang trộn mật, dâng lên nhà vua để kéo dài mạng sống. Thái tử nói: Từ nay không để cho Hoàng Hậu tiếp xúc với thân thể nhà vua! Nhà vua đói lả tìm cách đứng hướng về nơi Đức Phật rập đầu lạy, tức thì được no đủ, vào ban đêm lại có ánh sáng. Thái tử nghe chuyện sai đóng chặt cửa sổ, gọt gót chân nhà vua không để cho có thể đứng lên mà nhìn thấy ánh sáng của Phật. Có lệnh lập tức gọt gót chân, đau đớn vô cùng tận, niệm Phật không hề quên, Đức Phật từ xa thuyết kinh cho nhà vua rằng: Làm điều thiện ác thì họa phước quy về nơi thân, có thể không cẩn thận ư? Bình Sa Vương thưa rằng: Nếu như phải cắt xẻ thân thể chặt cụt tay chân thành từng đoạn thì cuối cùng con không nghĩ đến điều ác. Đức Thế tôn lại bảo: Nay Ta làm Phật, cả đại thiên thế giới mặt trăng mặt Trời Trời rồng quỷ thần không có ai không rập đầu lạy, nhưng tai họa còn lại của kiếp trước đến nay không rời được, huống hồ phàm phu chúng sanh vốn có gây ra tai họa từ đời trước. Nhà vua liền vòng tay hướng về Đức Phật từ xa rập đầu lạy, hôm nay mạng chung vĩnh viễn ca ngợi sự thần thông giáo hóa. Uất ức nấc nghẹn hơi thở lúc ấy sắp dừng lại, thần dân cả nước không ai không đau đớn xót xa, gọi Trời làm sao được! Bình Sa Đại vương liền đạt được đạo tích sanh lên cõi Trời, cánh cửa ba đường ác đóng lại các chướng nạn tiêu diệt rồi.
Thuật rằng: Vua A xà thế hối hận thiết tha chân thành sám hối, đầy đủ như kinh Niết bàn nói, không thể ghi chép được. Dựa vào Tích tựa như Thật, dựa theo quyền cùng hóa độ, cho nên y theo kinh Bồ tát Bổn Hạnh nói: Đức Phật bảo với vua A xà thế: Tội lỗi ác nghịch giết cha, bởi vì dụng tâm hướng về Như lai mà hối cải, cho nên ở trong địa ngục phải nhận chịu tội báo thế gian năm trăm ngày, thì sẽ được thoát ra, chỉ nên tự trách móc mình để thay đổi quá khứ tu dưỡng tương lai, đừng vì vậy mà ưu sầu! Nhà vua nghe mà lòng hoan hỷ, không thể nào kìm mình được.
Lại trong kinh Tạp Bảo Tạng nói: Xưa kia trong thôn Cưu Đà Phiến thuộc nước Ca Mặc có một bà cụ, chỉ có một người con. Người con ấy ngang ngược hung tàn không tu dưỡng nhân ái hiếu thảo, vì giận mẹ cho nên đưa tay hướng về phía mẹ, đánh mẹ một cái. Ngay hôm ấy đi ra ngoài, gặp phải giặc cướp chặt gãy một cánh tay. Tội lỗi bất hiếu lập tức nhận lấy báo ứng hiện tại, khổ đau như vậy; sau vào địa ngục thì khổ đau không thể nào nói hết.
Lại trong kinh Bách Duyên nói: Thời Đức Phật tại thế, trong thành Xá Vệ có một Trưởng giả Bà la môn, người vợ sanh ra một cậu con trai, dung mạo xấu xí mà thân thể hôi hám dơ bẩn. Lúc bú sữa mẹ thường làm cho sữa bị hư hoại, nếu uống các thứ khác thì cũng làm cho hư hoại, chỉ dùng mật sữa bôi vào ngón tay cho liếm, mới giúp được cho thân mạng tồn tại, vì vậy đặt tên là Đắc Bảo. Sau dần lớn lên cầu xin Đức Phật xuất gia, Đức Phật bảo rằng hãy cố gắng Tỳ kheo! Ngay lúc ấy râu tóc tự nhiên rụng hết, thân khoác pháp phục, liền trở thành Sa môn, tinh cần tu tập đạt được quả vị A la hán, mà đi khất thực cũng không có được gì, liền tự mình hối hận trách móc, đi vào trong tòa tháp ấy thấy có chút bụi bẩn, lập tức quét sạch, lúc đến khất thực thì có được đầy đủ, trong lòng hoan hỷ thưa với chúng Tăng rằng: Từ nay trở đi xin chúng Tăng cho phép tôi quét dọn chùa tháp. Chúng Tăng đồng ý. Sau đó vào một hôm ngủ quên không biết Trời sáng, Xá lợi phất thấy trong tháp Phật có chút bụi bẩn, liền thuận tay quét sạch. Lúc ấy Lê Quân Chi thì từ giấc ngủ tỉnh dậy, thấy Xá lợi phất quét sạch rồi, trong lòng sầu hận nói với Xá lợi phất: Ông quét chỗ của tôi khiến hôm nay tôi đói khát khốn khổ một ngày. Lúc ấy Xá lợi phất nghe lời này rồi, mà nói cho biết rằng: Nay tôi tự mình sẽ cùng với ông đi vào thành dự trai cúng dường, có thể được no đủ nên ông đừng lo buồn! Nghe rồi trong lòng bình yên. Lúc thọ thỉnh đến cùng với Xá lợi phất đi vào thành thọ thỉnh, đúng lúc gặp vợ chồng đàn việt đánh nhau nên cuối cùng không được ăn, đói bụng mà trở về. Lúc ấy Xá lợi phất vào ngày thứ hai lại đến nói rằng: Sáng nay tôi sẽ tự mời ông thọ trai ở nhà Trưởng giả để cho ông được no đủ. Đến lúc sắp xong, tất cả mọi người nơi ấy thảy đều được ăn, chỉ riêng một người này là không được ăn, cao tiếng nói to rằng: Tôi không được ăn. Lúc bấy giờ chủ nhân cũng không có ai nghe, đành đói bụng mệt mõi trở về. Bấy giờ A nan nghe chuyện rồi hết sức thương cảm, vào ngày thứ ba nói rằng: Sáng hôm nay tôi đi theo Đức Phật thọ thỉnh, lấy đủ thức ăn cho ông khiến được no đủ. Nhưng A nan thọ trì tám vạn bốn ngàn pháp môn của Như lai chưa hề thiếu sót, nay bởi vì lấy đồ ăn thức uống cho Tỳ kheo Lê Quân Chi này, bỗng nhiên không nhớ gì mà ôm bát không quay về. Vào ngày thứ tư A nan lại lấy thức ăn cho vị này trở về nơi cư trú, giữa đường gặp chó dữ đuổi cắn, đồ ăn thức uống thả xuống đất ôm bát không mà trở về. Vào ngày thứ năm Đại Mục kiền liên lại lấy thức ăn cho vị này, giữa đường bị chim chúa cánh vàng trông thấy mà cắp đi mất tất cả bình bát mang đi đặt trong biển lớn, lại không được ăn. Vào ngày thứ sáu thì Xá lợi phất lại lấy thức ăn cho vị này, đến cửa phòng ấy thì cửa tự nhiên đóng lại, lại dùng thần lực đi vào trong phòng ấy mà nhảy ra phía trước, sơ suất nên bát rơi xuống đất đến ranh giới Kim Cang, tiếp tục dùng thần lực thò tay lấy bát, lỗ hổng ấy lại khép mất, cuối cùng không thể ăn được, thời gian đã đi qua thì lỗ hổng ấy tự nhiên mở ra. Vào ngày thứ bảy cuối cùng không được ăn, sinh tâm hổ thẹn vô cùng, ở trước bốn chúng ăn cát uống nước, lập tức đi vào Niết bàn. Lúc ấy các Tỳ kheo thấy sự việc này rồi cảm thấy quái lạ về nguyên nhân điều ấy, thỉnh cầu Đức Phật cho biết nguyên nhân vốn có. Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Trong vô lượng đời kiếp quá khứ trước đây có Đức Phật xuất thế, danh hiệu là Đế Tràng, dẫn các Tỳ kheo đi giáo hóa khắp nơi. Lúc ấy có Trưởng giả, tên gọi Cù Di, thấy Phật và Tăng sanh lòng tín kính vô cùng, thỉnh đến cúng dường ngày nay như vậy. Trải qua thời gian người cha mất, người mẹ vốn có bố thí, người con keo kiệt không nghe theo, thậm chí tính toán phần ăn cho mẹ. Người mẹ vì vậy chia bớt để cúng dường Phật và Tăng. Người con nghe chuyện mà giận dữ, liền bắt mẹ giam vào phòng trống khóa cửa bỏ đi, đến bảy ngày thì đầu mẹ vô cùng mệt mỏi vì đói khát, đòi cơm ăn từ người con. Người con trả lời mẹ rằng: Chi bằng ăn cát uống nước đủ sống, hôm nay vì sao đòi cơm ăn? Nói xong bỏ mẹ mà đi. Cuối cùng không được ăn, mẹ liền qua đời. Người con ấy mạng chung rơi vào địa ngục A Tỳ, nhận chịu khổ báo xong rồi trở lại sanh trong loài người đói khát khốn khổ như vậy. Nhưng nhờ vào xưa kia vốn có cúng dường Phật, cho nên nay được gặp Ta xuất gia đắc đạo. Các Tỳ kheo nghe xong hoan hỷ vâng mạng thực hành.
Lại trong Tân Bà Sa Luận nói: Xưa có người bạo ác, khiến mẹ cầm đồ dùng tự vắt sữa trâu, vắt đã quá mức, mẹ dừng lại nói: Còn lại nên để dành sữa cho con nghé. Người đó đã gnhe bỗng nhiên sanh ra giận dữ, dùng tay vốc sữa vẩy vào mặt mẹ, rơi dính vào thân mẹ. Vì sức mạnh của ác nghiệp, cho nên bao nhiêu giọt sữa, lập tức khiến cho trên thân người ấy trở lại phát sinh những mụn nhọt lở loét như vậy.
Thứ ba PHẦN PHỤ NGHỊCH (Nàng dâu ác nghịch).
Như kinh Tạp Bảo Tạng nói: Xưa có một người vợ, bẩm tính ngang ngược tàn ác không thuận theo lễ độ phép tắc, cứ mỗi lần đã nói là thường trái ngược với mẹ chồng. Về sau tìm phương kế bày cho chồng mình tự giết mẹ chồng, người chồng ngu si đần độn liền làm theo lời vợ, thế là dẫn mẹ mình đến giữa cánh đồng hoang vắng, trói chặt tay chân sắp muốn làm hại. Tội lỗi ác nghịch thật cảm thấu Trời cao, mây mù bốn phía tụ lại sau đó sấm rét nổi lên đánh chết người con. Người mẹ liền trở về nhà, người vợ mở cửa nói là chồng mình, bèn hỏi rằng: Giết chưa? Bà mẹ chồng đáp: Đã giết. Cho đến ngày mai mới biết là chồng mình chết. Tội lỗi bất hiếu nhận chịu báo ứng hiện tại như vậy, sau đi vào địa ngục phải nhận chịu vô lượng khổ đau.
Thứ tư PHẦN KHÍ PHỤ (Bỏ mặc người cha).
Như kinh Tạp Bảo tạng nói: Lúc bấy giờ Đức Thế tôn bảo rằng: Cung kính người lớn tuổi có lợi ích to lớn, mà luôn luôn ca ngợi cung kính cha mẹ các bậc trưởng thượng kỳ túc, không những ngày nay mà Ta ở thời quá khứ lâu xa, có đất nước gọi là nước Khí Lão, trong lãnh thổ nước ấy có những người già, đều bị đuổi đi xa. Có một vị Đại thần, cha mình tuổi cao, theo như phép nước nên phải bị đuổi đi. Vị Đại thần hiếu thuận nên tâm mình không đành lòng đuổi cha đi, bèn đào sâu vào đất làm một cái hầm bí mật, đưa cha vào trong hầm thường xuyên hiếu dưỡng cung kính.
Bấy giờ Thiên Thần mang đến hai con rắn, đặt trên Đại tiện trước mặt nhà vua mà bảo rằng: Nếu phân biệt được trống mái thì đất nước ông được yên lành, nếu không phân biệt được thì thân ông và đất nước, sau bảy ngày đều sẽ bị tiêu diệt. Nhà vua nghe điều kiện này rồi trong lòng thật áo não, liền cùng với quần thần bàn luận tìm hiểu sự việc này, tất cả đều tự trình bày xin thứ tội là không thể phân biệt được. Liền chiêu mộ khắp nơi trong nước, ai có thể phân biệt được, thì sẽ ban thưởng hậu hĩnh. Vị Đại thần trở về nhà đến hỏi cha mình, cha trả lời con rằng: Việc này dễ dàng phân biệt, lấy đồ vật mền mại đặt rắn vào trong đó, con nào không ngừng uốn lượn nên biết là con trống, con nào nằm yên không nhúc nhích nên biết là con mái. (Do đó trong Luật nói: Vải bông trắng thử rắn đi đứng khác nhau vậy). Liền giống như lời cha nói, quả nhiên phân biệt được trống mái. Thiên thần lại hỏi rằng: Người nào đối với giấc ngủ mà gọi đó là thức, người nào trong lúc tỉnh giấc mà gọi đó là ngủ? Nhà vua cùng với quần thần lại không thể nào phân biệt được. Vị Đại thần hỏi cha điều này nói sao? Cha nói: Đây gọi là người học, đối với những phàm phu thì gọi là người tỉnh, đối với các La hán thì gọi là người ngủ. Liền như lời cha nói để trả lời Thiên Thần. Lại tiếp tục hỏi rằng: Con voi trắng to lớn này có bao nhiêu cân? Quần thần cùng nhau bàn bạc nhưng không có cách nào biết được. Vị Đại Thần hỏi cha, cha nói: Đặt con voi trên thuyền đưa vào trong hồ lớn, đánh dấu mức nước ngang mạn thuyền, mức độ bao nhiêu, sau đó lấy đá đặt vào trong thuyền này, nước ngập bằng dấu đã đánh thì biết số cân của con voi. Thế là dùng trí này, để trả lời Thiên Thần. Lại tiếp tục hỏi rằng: Lấy một vốc nước nhiều hơn biển lớn, ai có thể biết được điều ấy? Quần thần cùng nhau bàn bạc lại không thể nào hiểu được. Vị Đại Thần hỏi cha, đây là nói về cái gì? Cha nói: Điều này dễ hiểu, nếu có người hiểu được tín tâm thanh tịnh, lấy một vốc nước cúng dường Phật Tăng và cha mẹ cùng những người bệnh gặp hoàn cảnh khốn khó, nhờ công đức này mà mấy ngàn vạn kiếp thọ phước vô cùng tận, nước biển rất nhiều chẳng qua chỉ một kiếp, từ điều này suy ra, một vốc nước nhiều hơn nước biển lớn gấp trăm ngàn vạn lần. Liền dùng lời này để trả lời Thiên Thần. Thiên Thần lại hóa làm người đói khát, chỉ còn da bọc xương mà đến hỏi rằng: Thế gian có thể có người nào đói khát cùng cực gầy gò khốn khổ hơn tôi chăng? Quần thần suy nghĩ lại không thể nào trả lời được. Lại đem cảnh tượng này hỏi cha, cha trả lời con rằng: Thế gian có người tham lẫn ganh ghét không tin Tam bảo, không luôn luôn cung dưỡng cha mẹ thầy dạy, đời tương lai rơi vào trong đường ngạ quỷ, trăm ngàn vạn năm không nghe đến tên gọi của nước và thóc lúa đậu mè, thân như núi lớn bụng như hang rộng, cổ như kim nhỏ tóc như dao nhọn, từ đầu đến chân luôn bị trói buộc, lúc cử động thì các khớp xương đều bốc lửa. Người như vậy đói khát khốn khổ hơn người kia gấp trăm ngàn vạn lần. Liền dùng lời này để trả lời Thiên Thần. Thiên Thần lại hóa làm một người, tay chân bị xiềng xích cổ lại mang gông, lửa trong thân phát ra toàn thân thể cháy đen, mà lại hỏi rằng: Thế gian có thể có người khốn khổ hơn tôi chăng? Quần thần bất chợt không biết trả lời sao cả. Vị Đại thần lại hỏi cha mình, cha liền trả lời rằng: Thế gian có người, bất hiếu với cha mẹ, nghịch hại với thầy dạy, phản bội với chồng chủ, phỉ báng Tam Tôn, đời tương lai đọa vào địa ngục núi dao, cây kiếm, xe lửa, lò than, sông tro, hầm sôi, đường dao, đường lửa, những khổ đau như vậy vô lượng vô biên không thể tính đếm, vì vậy người ở nơi này khốn khổ hơn người kia gấp trăm ngàn vạn lần. Liền như lời cha nói để trả lời Thiên Thần. Thiên Thần lại hóa làm một người con gái, đoan chánh xinh đẹp lạ thường khác xa người thế gian, mà lại hỏi rằng: Thế gian có thể có người đoan chánh giống như tôi hay không? Quần thần im lặng không thể nào trả lời được. Vị Đại thần lại hỏi cha, cha liền trả lời rằng: Thế gian có người tín kính Tam bảo hiếu thuận với cha mẹ, thích bố thí nhẫn nhục tinh cần trì giới, được sanh lên cõi Trời đoan chánh xinh đẹp vô cùng, hơn xa thân hình người kia gấp trăm ngàn vạn lần, bởi vì người ở nơi này giống như loài vượn khỉ mù mắt. Lại dùng lời này để trả lời Thiên Thần. Thiên Thần lại lấy một cây gỗ chiên đàn vuông vức bằng phẳng, lại tiếp tục hỏi rằng: Nơi nào là đầu? Trí lực của quần thần không thể nào trả lời được. Vị Đại thần lại hỏi cha, cha trả lời rằng: Dễ dàng biết được, đặt khúc cây vào trong nước, gốc thì chắc chắn chìm xuống, ngọn thì nhất định nổi lên. Liền dùng lời này để trả lời Thiên Thần. Thiên Thần lại lấy hai con ngựa trắng hình sắc không khác gì nhau, mà lại hỏi rằng: Con nào là mẹ con nào là con? Quần thần cũng lại không thể nào trả lời. Lại về hỏi cha mình, cha trả lời rằng: Mang cỏ cho ăn, nếu là mẹ thì nhất định nhường cỏ cho con. Những câu hỏi như vậy thảy đều trả lời được, Thiên Thần rất hoan hỷ, để lại cho nhà vua nhiều tiền của châu báu quý hiếm, mà nói với nhà vua rằng: Nay Ta sẽ ủng hộ đất nước của ông, khiến cho các kẻ địch bên ngoài không có thể xâm hại được. Nhà vua nghe nói như vậy vô cùng vui mừng, mà hỏi vị Đại thần rằng: Đây là khanh tự mình biết hay là có người dạy cho khanh, nhờ Đại trí của khanh mà đất nước được yên lành, đã có được châu báu quý hiếm lại còn hứa sẻ ủng hộ, là nhờ công sức của khanh. Vị Đại thần trả lời nhà vua rằng: Không phải trí lực của hạ thần, mong ban cho sự vô úy, mới dám bày tỏ đầy đủ! Nhà vua nói: Giả sử bây giờ khanh có tội lỗi đáng chết vạn lần thì Trẫm hãy còn không hỏi đến, huống gì là lỗi lầm nhỏ. Vị Đại thần thưa với nhà vua rằng: Phép nước có chế định không cho phép nuôi dưỡng người già, hạ thần có cha già không đành lòng đuổi đi, dẫn đến phạm vào Vương pháp mà giấu trong hầm kín dưới đất, hạ thần đến trả lời những câu hỏi, đều là trí tuệ của cha, chứ không phải trí lực của hạ thần, chỉ mong Đại vương cho phép tất cả mọi người trong nước lại được nuôi dưỡng người già! Nhà vua liền khen ngợi mà lòng dạ vui sướng vô cùng, phụng dưỡng người cha của vị Đại thần của tôn làm bậc thầy, cứu giúp tính mạng của Trẫm và quốc gia cùng tất cả dân chúng, lợi ích như vậy không phải mình Trẫm biết được. Ngay lập tức truyền lệnh tuyên bố khắp thiên hạ: Không được bỏ mặc người già, dựa theo lệnh trong phải hết lòng hiếu dưỡng, nếu như có ai bất hiếu với cha mẹ bất kính với thầy dạy, thì phải nhận chịu tội nặng.
Đức Phật bảo rằng: Người cha lúc bấy giờ nay chính là thân Ta, vị Đại thần lúc bấy giờ nay chính là Xá lợi phất, nhà vua lúc bấy giờ nay chính là A xà thế, Thiên Thần lúc bấy giờ nay chính là A nan. (Vì vậy tục ngữ nói: Nuôi dưỡng người già cả cầu xin lời vàng ngọc, chính là như vậy).
Lại trong kinh Tạp Bảo Tạng nói: Xưa kia Đức Phật Thế tôn bảo các Tỳ kheo rằng: nên biết rằng trước kia trong nước Ba la nại, có pháp bất thiện lưu hành ở thế gian, cha tuổi sáu mươi mang trải tấm thảm len khiến ngồi canh cửa ngõ. Bấy giờ có hai anh em, người anh nói với người em rằng: Em mang tấm thảm len trải cho cha khiến cha ngồi giữ cửa. Trong nhà chỉ có một tấm thảm len, người em liền cắt một nửa mang cho cha mà thưa với cha rằng: Anh cả cho cha chứ không phải của con cho cha đâu, anh cả bảo cha làm người giữ cửa nhà. Người anh đến gần người em nói rằng: Sao không mang cả tấm cho cha mà cắt một nửa làm gì? Người em trả lời anh rằng: Chỉ có một tấm thảm len không cắt nửa cho cha, sau này lại làm sao có được? Người anh hỏi em rằng: Lại muốn cho ai nữa? Người em nói: Lẽ nào có thể không cần giữ lại cho anh sao? Người anh nói: Vì sao để cho anh? Người em nói: Anh sẽgià đi, con anh cũng sẽ đặt anh ngồi yên ở trong cửa. Người anh nghe nói vậy thì kinh ngạc hỏi: Anh cũng sẽ như vậy ư? Người em nói: Ai sẽ thay thế anh được? Liền nói với người anh rằng: Ác pháp như vậy nên cùng nhau trừ bỏ! Hai anh em cùng dắt nhau đi đến chỗ quan Phụ Tướng, đem lời này bàn luận, hướng về quan Phụ Tướng nói rõ sự việc. Quan Phụ Tướng trả lời rằng: Thật sự như vậy, chúng ta cũng cùng có lúc tuổi già. Quan Phụ Tướng thưa với nhà vua, nhà vua đồng ý với lời này, lập tức truyền lệnh trong phạm vi quốc gia, con cái phải hiếu dưỡng cha mẹ, chấm dứt phép tắc sai trái trước đây, không đồng ý tiếp tục như vậy.
Lại trong kinh Ưu Bà Tắc Giới nói: Điều là tội ngũ nghịch, nhưng giết cha thì nhẹ, giết mẹ thì nặng, giết A la hán nặng hơn giết mẹ, làm thân Phật chảy máu nặng hơn giết A la hán, phá hòa hợp Tăng lại nặng hơn làm thân Phật chảy máu.
Tụng rằng:
Vua quý trọng trung thần,
Cha thương con hiếu thảo,
Huống gì Phật Đại Từ bi,
Luôn luôn ban vui cứu khổ,
Không mang nặng ân đức ấy,
Hại cha mẹ giữ cho mình,
Một khi rơi vào đường dữ,
Bao đời kiếp chịu khổ đau!
NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG
Tội lỗi ngũ nghịch và ác tâm như vậy hướng về Tam bảo thì hiện tại gặp phải tai họa quả thật vô lượng, đồng thời phân tán ở trong các Thiện, nay sơ lược kể lại một vài chuyện báo ứng hiện tại của tội bất hiếu: 1. Vương Ngạn Vĩ thời nhà chu; 2. Hà quân Bình thời nhà Tề; 3. Con dâu nuôi cha mẹ chồng thời nhà Tùy.
1. Thời nhà Chu có người họ Vương tự là Ngạn Vĩ, người vùng Hà Nam, vì tánh tình hung ác thích đi lại săn bắn, cha mẹ hết lòng nuôi dưỡng thương yêu rất thiết tha, đã từng can ngăn không cho phép du cùng với người ác, nhưng lại không nghe mà mặc ý săn bắn, sợ rằng tổn hại thân mạng không còn ai nối dõi. Ngạn Vĩ không nghe theo lời cha dạy bảo mà luôn luôn săn bắn không ngừng, và đi theo người ác luôn luôn gây ra lỗi lầm tai hại. Cha mẹ đã thấy không dừng lại những việc làm hung ác, bèn phạt năm mươi roi, thân bị vết thương không ra ngoài được. Vì căm hận cha mẹ, nên đợi đêm đến sau khi cha mẹ ngủ, bí mật lấy túi đất đè miệng cha mẹ, lại thêm thân mình ngồi lên trên mong hơi thở không lọt ra được, ý làm cho phải chết mà không có vết thương để lại, lúc đã chết đi không ai ngờ vực gì đến mình. Bỗng nhiên thấy có quỷ đi vào trong nhà làm chấn động cả nhà, lớn nhỏ đều thức dậy trông thấy Ngạn Vĩ trước giường, Ngạn Vĩ nằm ngữa, túi đất đã ở trên bụng Ngạn Vĩ. Cha mẹ tỉnh lại, liền kéo túi đất trên bụng con, nhưng không thể nào rời thân được. Ngạn Vĩ lại thấy quỷ đè trên túi đất, vô cùng mệt mỏi gần chết, gọi to lên cứu mạng tôi. Cả nhà lớn bé và người hàng xóm, hợp sức kéo ra mà không thể nào di chuyển được. Ngạn Vĩ nói không ra tiếng, chỉ có thể dùng tay cúi rập đầu, hai tay chắp lại mà chết.
2. Thời nhà Tề có Hà Quân Bình, người vùng Tương Châu, mẹ là Bùi Thị, tuổi trẻ sinh được Quân Bình sau đó lại không có thai. Cha mẹ yêu thương giống như đôi mắt của mình. Cha mẹ thương yêu vô cùng, nên Quân Bình lớn lên không được dạy dỗ học hỏi bao nhiêu, mạc sức tự nhiên đi lại tung hoành. Đến tuổi 20, cha mẹ thương yêu không cho phép ở nhà riêng. Cha vì công việc phải đi ra ngoài, suốt năm mới trở về. Sau khi cha đi rồi, mẹ thương yêu nên cùng nhau vụng trộm. Cha trở về đến nhà thì cùng với mẹ giết cha, chôn ở sau vườn, nói dối với người ta là cha đi chưa về. Trời nổi sấm sét bày thi thể cha ra, sau đó sét đánh chết Quân Bình, trên thân ghi lại đầy đủ nguyên nhân. Bà con xóm giềng tố cáo lên quan, tin đồn vang dậy khắp nơi, truyền lệnh giết Bùi Thị, thây xác phơi bày không cho phép nhận về mai táng.
Hai chuyện trên đây xem trong Lý Quy Tâm Lục.
3. Trong thời Đại Nghiệp nhà Tùy có người ở vùng Hà Nam, là con dâu nuôi dưỡng mẹ chồng mà bất hiếu, mẹ chồng bị mù hai mắt, nàng dâu lấy giun đất nấu canh cho mẹ chồng ăn. Mẹ chồng cảm thấy quái lạ với mùi vị đó, lén cất lại một mẩu để đưa con trai xem rõ. Người con trở về trông thấy, muốn đem vợ đến huyện quan, chưa kịp đem đi mà mưa tuôn sấm sét chấn động cuốn mất người vợ. Trong chốc lát người vợ từ hư không rơi xuống, mình mặc áo chư cũ, mà đầu thay bằng đầu con chó trắng, nói năng không đổi khác, hỏi về nguyên cớ ấy, đáp rằng: Bởi vì bất hiếu với mẹ chồng mà bị Thiên Thần trừng phạt. Người chồng đem giao cho quan phủ, lúc ấy xin ăn nơi phố chợ, về sau không biết ở nơi nào.
Câu chuyện trên đây trích từ Minh Báo Ký.