Home > Khai Thị Niệm Phật
Ba Cương Lãnh Chánh Của Hành Môn
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Trong kinh Vô Lượng Thọ đức Phật có dạy chúng ta ba cương lãnh chánh của hành môn (phương pháp tu hành):

1. Thiện hộ khẩu nghiệp, bất kế tha quá (Giữ gìn khẩu nghiệp, đừng để ý và nói đến lỗi của người khác).

Ðiều này bao hàm ý nghĩa vô cùng sâu rộng. Trong ba nghiệp: thân, khẩu, và ý, đức Phật đem khẩu nghiệp để hàng đầu; tại sao vậy? Tất cả chúng sanh tạo nghiệp dễ nhất là khẩu nghiệp. Chúng ta nên biết khẩu nghiệp, trong đoạn trước có kể cho quý vị câu chuyện về người kiếm chuyện nói xấu pháp sư giảng kinh, ly gián thính chúng và pháp sư, phải đọa 18 triệu năm trong địa ngục A Tỳ; từ địa ngục ra phải trải qua năm trăm đời mù lòa, và còn không biết bao nhiêu đời phải chịu bần cùng hạ tiện, rồi mới khôi phục lại được thân người bình thường, cho nên mới biết tội báo của sự tạo khẩu nghiệp dễ sợ như thế nào.

2. Thiện hộ thân nghiệp, bất thất luật nghi (Giữ gìn thân nghiệp, đừng vi phạm luật lệ và mất tác phong)

3. Thiện hộ ý nghiệp, thanh tịnh vô nhiễm (Giữ gìn ý nghiệp, phải luôn thanh tịnh không nhiễm ô)

Ba câu trên là ba cương lãnh chánh của hành môn, chúng ta phải nhớ nằm lòng, những gì tất cả kinh luận nói đến đều là để giải thích rõ ba điều này, để dạy chúng ta phải luôn làm theo ba cương lãnh này trong đời sống, trong công việc, trong sự giao tế hàng ngày.

Phong trào tư tưởng của người hiện nay là phải mới hơn, phải thay đổi luôn, và phải mau chóng hoài. Tư tưởng này trong Phật pháp có không? Trong Ðại thừa Phật pháp có, nhưng rất khó, nếu sơ học Bồ Tát cũng có quan niệm này, yêu cầu mới, thay đổi, và tốc độ nhanh, nhiều khi đi lạc đường hướng cũng không biết. Nếu vậy loại người nào mới có thể làm được? Phật có nói Huệ Hạnh Bồ Tát, Pháp Thân Ðại Sĩ mới được, những vị này tâm thanh tịnh, trí huệ đã khai mở mới làm được.

Tâm không thanh tịnh, trí huệ chưa khai mở, sanh hoạt trong phiền não mà đòi mới, đòi thay đổi không ngừng và nhanh chóng, những quan niệm này tuyệt đối có hại. Cho nên Bồ Tát sơ cấp (sơ học) tốt nhất là phải đi theo con đường của những vị đại đức thời xưa đã đi qua; bạn nên biết Phật giáo truyền đến Trung Quốc được hai ngàn năm, hai ngàn năm trước ở Ấn Ðộ đã truyền hết một ngàn năm. Trong ba ngàn năm này, phàm những ai đi theo con đường cũ, những ai thiệt thà ở trong khuôn phép cũ không ai là không thành tựu; nghĩ ra những điều tân kỳ mới lạ, chúng ta không thấy người nào thành tựu cả; điều này đích thực đáng cho chúng ta suy nghĩ và phản tỉnh.

Phật pháp và thế gian pháp không giống nhau, lý luận và phương pháp đều không giống nhau, chúng ta có thiệt là muốn thoát ly sanh tử luân hồi ngay trong đời này không? Ðây là điểm trọng yếu trong sự tu hành của chúng ta. Nếu thiệt là muốn liễu sanh tử, thoát ra khỏi lục đạo luân hồi, chúng ta phải coi trọng lời dạy của đức Phật; phải cầu giải (hiểu rõ), phải thực hành, phải nỗ lực gắng hết sức để làm, như vậy đời này ta mới có hy vọng thành công được.

Phật dạy ta làm những gì ta phải hết lòng đi làm; Phật dạy chúng ta những gì không nên làm, chúng ta nhất định không làm, như vậy mới đáng là người con Phật, học trò giỏi của Phật; đừng nên làm một người chỉ mang danh là Phật tử mà không có thực chất của người Phật tử chân chánh.