Làm người con Phật có ba điều quan trọng phải làm trong đời sống hàng ngày, không thể làm thiếu được:
1. Thứ nhất là đọc tụng.
Ðọc kinh là cầm kinh trước mặt mà đọc. Khi bạn học thuộc lòng rồi, không cần coi kinh cũng có thể nói ra thì gọi là tụng.
Ðọc và tụng có mục đích gì? Không quên lời dạy của Phật, luôn luôn ghi nhớ lời dạy này trong lòng, nhớ những gì nên làm và những gì không nên làm.
2. Thứ hai là tu hành.
Tu hành là lúc chúng ta khởi tâm động niệm, nếu tâm niệm này Phật không cho thì khi khởi lên chúng ta phải lập tức đem nó đổi trở lại. Tu là sửa đổi, hành là hành vi. Tư tưởng, kiến giải, hành vi, lời nói nếu có lỗi lầm (lỗi lầm này là lấy lời dạy của Phật làm tiêu chuẩn) thì đem những lỗi lầm này sửa đổi lại, đó gọi là tu hành. Cho nên tu hành là tu ở chỗ khởi tâm động niệm, ở trong lời nói hành động, phải thường giác ngộ, phải biết được lỗi lầm của mình.
Trong nhà Phật chúng ta thường nói đến ‘khai ngộ’, có rất nhiều người tưởng khai ngộ là cái gì rất huyền diệu, rất cao siêu, không thể tưởng tượng được. Thiệt ra tất cả đều là gạt người hết. Cái gì gọi là ‘khai ngộ’? Tôi biết lỗi lầm của tôi, biết tật xấu của tôi, tôi giác ngộ (biết được), đó gọi là ‘khai ngộ’. Nếu bạn có rất nhiều lỗi lầm mà tự mình không biết, đó là bạn mê hoặc điên đảo; nếu bạn biết được lỗi lầm của mình thì bạn đã ‘khai ngộ’. Ðem những lỗi lầm này sửa đổi lại gọi là ‘chân tu’, thế mới gọi là ‘tu hành’.
Cung kính người thiện, ưa thích chuyện thiện, ca ngợi chuyện tốt của người, đây gọi là ‘đức’; tâm địa thanh tịnh, bình đẳng, đại từ đại bi, gọi là ‘đắc đạo’. Tất cả đều ở trong đời sống bình thường hàng ngày, đâu có gì huyền diệu và kỳ lạ? Cho nên phải hết sức hiểu rõ, kiểm điểm, và phản tỉnh, sửa đổi lại hành vi, phải làm mỗi ngày, bất cứ lúc nào cũng phải luôn luôn ghi nhớ và làm theo.
3. Thứ ba là diễn thuyết cho mọi người biết
Diễn là biểu diễn, chữ này được dùng rất nhiều trong những buổi nói chuyện của chúng ta. Phật Bồ Tát là gương tốt nhất cho chúng sanh hữu tình trong chín pháp giới. Họ đều là gương tốt nhất cho chúng ta bắt chước theo. Họ biểu diễn cho chúng ta xem; biểu diễn những gì? Ðây không phải là biểu diễn ở trên sân khấu, mà là biểu diễn trong đời sống, trong công việc, trong sự đối đãi tiếp xúc với người và sự việc, trong lời nói và hành vi. Làm gương cho người khác noi theo, để cho người ta nhìn thấy thì sanh tâm cung kính, ngưỡng mộ, và bắt chước theo, đây gọi là ‘diễn’.
‘Thuyết’ là giảng kinh thuyết pháp, sự giảng kinh thuyết pháp này có phạm vi rất rộng lớn. Trong kinh thường nói không phải kêu bạn giảng toàn bộ kinh, bất kể khi gặp người nào thì giảng một câu kinh, nửa bài kệ (hai câu kệ) khuyên người ta; khi thiện căn chín muồi thì khuyên người niệm Phật, nếu thiện căn không đầy đủ thì khuyên người ta dứt ác tu thiện, tự cầu phước đức cho mình (cho người đó).
Thí dụ khi bạn bè gặp nhau, bạn hỏi họ muốn phát tài không? Tôi biết phương pháp để phát tài, bạn muốn nghe không? Phát tài là chuyện ai cũng muốn nghe, mới nói thì ai cũng có hứng thú muốn nghe liền. Làm sao để phát tài? Tu bố thí tài thì được giàu có, phạm vi của bố thí tài rất rộng, không phải kêu bạn đem tiền tài đi quyên cho người khác mới gọi là bố thí tài; đó là hiểu sai rồi. Bố thí tài là dùng tài vật một cách thích đáng để làm lợi ích cho xã hội, cho mọi người, đây là bố thí một cách chân thật.
Ba thứ trên đây là chuyện Phật thường hay nói đến trong kinh điển: ‘thọ trì, đọc tụng, diễn thuyết cho người khác biết’, chúng ta phải hiểu được ý của Phật, phải biết làm cách nào mới có thể đạt được lợi ích chân thật của Phật pháp. Còn một chuyện quan trọng mà trong kinh thường nói, đó là ‘chúng vụ’, lỗi lầm liên quan đến việc này cũng rất lớn.
‘Chúng vụ’ là gì? Thích làm việc, thích kinh doanh và tạo ra thật nhiều sự nghiệp, Phật nói đó là lỗi lầm. Trong kinh Phật đã từng nói qua, Phật cử ra một thí dụ ‘Nếu có Bồ Tát’, Bồ Tát này là Bồ Tát không có trí huệ, kinh doanh rất nhiều sự nghiệp, tôi cử ra một thí dụ, thí dụ như làm ra bảo tháp, điều này có ý giống sự xây dựng đạo tràng; Người xưa thường nói tạo tháp cúng Phật thì phước báo vô biên; đức Phật nói người này tu phước cho dù tạo ra tháp bằng bảy báu ở khắp tam thiên đại thiên thế giới, Thế Tôn nói: ‘Ta gặp vị Bồ Tát này sẽ không sanh tâm hoan hỷ, đó không phải là chân chánh cúng dường ta, và cũng không phải là cung kính đối với ta’.
Xem đoạn kinh này, chúng ta nhớ đến việc vua Lương Võ Ðế gặp Bồ Ðề Ðạt Ma, vị Tổ thứ nhất của Thiền Tông Trung Quốc. Vua Lương Võ Ðế là đệ tử tại gia và đã thọ giới Bồ Tát. Vua đã xây tổng cộng 480 ngôi chùa rất lớn và thích khuyên người đi xuất gia, vua đã độ tổng cộng đến mười vạn người xuất gia. Vua dùng oai quyền và tài lực của một ông vua để xây dựng chùa và cúng dường người xuất gia.
Vua Lương Võ Ðế cảm thấy rất tự hào về chuyện này, muốn khoe với Tổ Ðạt Ma và hỏi ‘Công đức của tôi lớn không?’. Tổ Ðạt Ma là người thật thà, giống như trong kinh nói: ‘tâm thanh tịnh vì chúng sanh thuyết pháp’, nên trả lời rằng: ‘Không có công đức gì hết!’. Vua Lương Võ Ðế nghe xong câu này thì không được vui, như bị tạt thau nước lạnh lên đầu, rất thất vọng nên nói: ‘Ðược rồi, tôi sẽ không hộ pháp cho ông’. Vì thế Sơ Tổ Ðạt Ma phải lên chùa Thiếu Lâm ngồi đối mặt vào tường hết chín năm mới truyền y bát cho Tổ Huệ Khả!
Giả sử năm xưa nếu Tổ Ðạt Ma có thể tùy thuận theo nhân tình và nói với vua Lương Võ Ðế: ‘Công đức của nhà vua rất lớn’ thì chẳng lẽ vua Lương Võ Ðế không hộ pháp cho Tổ Sư sao? Nhưng một người chân chánh tu hành tuyệt đối không vì danh văn lợi dưỡng mà nói ngược lại chánh pháp. Chuyện ngài nói là chánh pháp, cho nên vua Lương Võ Ðế xây 480 ngôi chùa mà không có công đức. Trong kinh đức Phật nói nếu bạn xây tháp bảy báu khắp hết tam thiên đại thiên thế giới thì cũng không có công đức.
Ðạo lý ở chỗ nào? Ðây là như phía trước có nói ‘Không phải là lợi ích chân thật’. Ðây không phải là lợi ích chân thật, không như pháp, không thể liễu sanh tử, và cũng không thể chứng niết bàn, đối với những chuyện này không liên can! Những chuyện này nói dễ nghe một chút thì là phước đức, phước đức hữu lậu của lục độ chúng sanh, không có dính líu gì với công đức hết. Cho nên những pháp mà Thế Tôn dạy cho Bồ Tát đều nhất định phải phù hợp và tương ứng với ‘ba la mật’ (nghĩa của ba la mật là đến bờ bên kia, viên mãn, hoàn hảo). Việc xây bảo tháp khắp tam thiên đại thiên thế giới cũng không bằng giảng cho người khác nghe bốn câu kệ, như trong kinh Kim Cang có nói: ‘Cho đến thọ trì bốn câu kệ’, trong kinh Kim Cang có rất nhiều thí dụ như vậy.
Kinh Vô Lượng Thọ nói còn hay hơn nữa:
‘Giả linh cúng dường Hằng sa thánh. Bất như kiên dũng cầu Chánh giác’,
(‘Nếu như cúng dường chư thánh nhiều như cát sông Hằng, cũng không bằng kiên quyết dũng mãnh cầu thành Phật’).
Hàng thánh của Tiểu thừa là A La Hán, của Ðại thừa là từ hàng ‘Ðịa’ Bồ Tát trở lên, Ðẳng giác Bồ Tát, và chư Phật Như Lai; bạn cúng dường những vị thánh nhân này số nhiều như cát sông Hằng, Phật nói không bằng niệm Phật cầu sanh tây phương Cực Lạc thế giới. Tại sao vậy? Tại vì niệm Phật cầu sanh tây phương Cực Lạc thế giới là lợi ích chân thật, lợi ích vĩnh viễn, khi sanh đến Cực Lạc thế giới viên chứng tam bất thoái trong một đời sẽ thành Phật.
Cho dù nói là không thành Phật, thời gian ở Cực Lạc thế giới làm Bồ Tát, bạn sẽ là A Duy Việt Trí Bồ Tát, bạn sẽ có trí huệ, thần thông, và năng lực để độ tận tất cả chúng sanh có duyên với bạn trong khắp hư không pháp giới, bạn sẽ có thể giúp đỡ họ; nếu bạn cúng dường Hằng sa thánh thì cũng chỉ là tu được một chút phước thôi, trí huệ và đức năng của bạn không thể hiện ra, bạn không những không thể độ chúng sanh, mà tự mình cũng không độ được; chuyện này Lục Tổ Huệ Năng nói rất hay: ‘Sanh tử đại sự, phước không thể cứu được’. Cho dù phước lớn hơn nữa cũng không thể liễu sanh tử, bạn cũng không thể ra khỏi luân hồi.
Muốn liễu sanh tử thoát khỏi luân hồi thì phải tu và tích lũy công đức mới được; trong các thứ công đức không có gì sánh bằng niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Tại sao tâm nguyện thù thắng của mình phát không được? Phiền não tập khí còn rất nặng vẫn là đoạn dứt không đuợc; tâm vẫn không thể tịnh được, đây là vì nghiệp chướng tập khí của chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay quá nặng và gây ra chướng ngại cho chúng ta.
Chúng ta rất muốn tâm được thanh tịnh, rất muốn tương ứng với Phật, nhưng làm không được; làm không được tại sao gặp được pháp môn này? Tại sao gặp được bộ kinh này? Nói một cách khác, chúng ta có thể gặp được pháp môn này và bộ kinh này, thiện căn, phước đức, nhân duyên của chúng ta đã thành thục (chín muồi). Sau khi gặp được, muốn làm mà làm không được, đây là tại vì nghiệp chướng sâu nặng, tuy là có đầy đủ nhân duyên nhưng còn một số chướng ngại, chỉ cần chúng ta dẹp xong chướng ngại này thì chúng ta sẽ thành công.
Dùng phương pháp gì để dẹp tan chướng ngại? Ðọc tụng. Nếu có vài người bạn có cùng chung chí hướng khi gặp nhau nên thường nghiên cứu thảo luận; nhất định đừng có tự ái, hãy đem lỗi lầm của mình nói ra, phát lộ sám hối. Hai ba người bạn cùng chung kiểm điểm thật tình để tìm ra sự sai lầm, tất cả cùng nhau nghiên cứu thảo luận để khắc phục những tập khí phiền não này.
Thiện căn, phước đức, và nhân duyên của chúng ta trong đời này vừa đúng lúc đã chín muồi, chỉ tại một chút chướng ngại này cản trở; đem dẹp chướng ngại này đi thì chúng ta sẽ thành công, quan trọng là ở chỗ này. Cho nên phải ghi nhớ thật kỹ ba điều: ‘Thọ trì, đọc tụng, diễn thuyết cho người khác biết’. Công đức này không biết lớn hơn gấp bao nhiêu lần việc vua Lương Võ Ðế xây dựng 480 ngôi chùa. Ðức Phật nói nếu có người xây tháp bằng bảy báu đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới thì cũng không sánh bằng bạn đâu.
Mỗi lời nói của đức Phật đều là chân thật; chúng ta kể cả cá nhân của tôi mỗi người đều có rất nhiều tập khí và phiền não, muốn sửa đổi mà sửa không hết. Tôi có một lợi điểm là mỗi ngày giảng kinh cho đại chúng, có rất nhiều cơ hội để phản tỉnh. Nếu không diễn thuyết cho người khác, cơ hội để phản tỉnh của bạn ít đi; nếu thường khuyên người khác đương nhiên cũng là khuyên mình, đây có đạo lý nhất định. Hy vọng là chúng ta nhắm vào phương hướng này, mục đích này, nỗ lực gắng sức thì ba ngày họp mặt này sẽ rất có ý nghĩa và có thể giúp chúng ta tiêu trừ rất nhiều chướng duyên ở trước mặt. Biết phải tu hành như thế nào mới là công đức chân thật, mới là lời chân thật của Phật đã dạy cho chúng ta.
Trong quá trình chuyển ngữ chắc không tránh khỏi thiếu sót, xin các bậc thức giả hoan hỷ phủ chính cho. Xin thành thật cám ơn.
Một nhóm Diệu Âm cư sĩ, 6 15 2003