Home > Linh Cảm Ứng
Đinh Lục Hinh
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Cư sĩ Đinh Lục Hinh người ở huyện Thừa, tỉnh Triết Giang, học giỏi song nhiều phen thi không đỗ, sau làm nghề dạy trẻ để sinh sống. Tánh ông thuần phát chân thành, khi có khách đến viếng thăm đều khăn áo giữ lễ độ cung kính. Tuy nhiều người cười chê là cổ hủ, song vẫn không lưu ý đến. Cư sĩ sống rất đơn giản kiệm ước, dù tấc vải hạt cơm cũng không bỏ phí.

Năm Dân Quốc thứ 10, Lục Hinh mở lớp dạy học nơi nhà Trương Đức Uy. Lúc rảnh rỗi, họ Trương giảng giải về pháp môn Tịnh Độ cho nghe, ông liền Đáp: "Tánh tôi ưa chuyên tu, không thích kiêm tu phiền phức. Song hiện thời còn có đứa con trai mười mấy tuổi, đợi khi hoàn hôn cho nó xong, rồi sẽ tính tới chuyện đó cũng chưa muộn!". Đức Uy bảo: "Một hơi thở chẳng trở vào, tức đã thuộc về kiếp khác. Chúng ta chỉ vì hai chữ "lần lựa", mà chịu vô lượng nỗi thống khổ trong muôn kiếp ngàn đời. Nay đã gặp được pháp môn cứu độ mầu nhiệm của Như Lai, há lại nên để lần qua nữa ư?". Lục Hinh tuy lưu ý chấp nhận, song chưa thể thực hành.

Cuối đông năm ấy, có cư sĩ Mã Khế Từ đến thăm. Sau buổi cơm tối, hai bên trò chuyện dần dà bàn luận đến nỗi khổ ở Ta Bà, sự vui nơi Cực Lạc. Mã Khế Từ nhân đó khuyến khích ông chớ đắm mê cảnh huyễn, hãy sớm dự bị tư lương để về cõi Phật; thoát kiếp luân hồi. Lục Hinh nghe xong, gương mặt tươi tỉnh có sắc vui mừng. Tối hôm đó, ông liền niệm Phật hơn hai ngàn câu. Từ đó trở đi mỗi ngày cư sĩ tụng một quyển kinh A Di Đà, niệm hơn một muôn câu Phật hiệu. Sự hành trì của Lục Hinh rất chuyên thiết, mỗi tâm tưởng về Cực Lạc, mỗi niệm chẳng rời Di Đà, dù gặp hoàn cảnh nào cũng không biếng trễ.

Qua mấy tháng sau, một đêm cư sĩ mộng thấy thần nhơn trao cho tấm thiệp đỏ, trong đó có hiện mấy chữ: "Sang năm vào tháng 5 nhuần sẽ sanh về Tây Phương". Ông đem điềm ấy thuật lại với Trương Đức Uy. Trương bảo: "Chắc là do liên hữu dụng tâm quá chí thiết, nên mới có cảnh tượng ấy". Tháng 5 nhuần năm sau, Lục Hinh cho bãi học, rồi từ Tân Đường trở về quê quán. Vừa tới nhà, ông cảm bịnh nhẹ, gọi gia nhơn bảo: "Thân tôi có ánh sáng, chắc sắp về Phật, hãy đỡ tôi dậy!". Sau khi ngồi kiết già xong, lại nói: "Tất cả nên niệm Phật để giúp đỡ cho sự vãng sanh, đừng khóc lóc làm cho tôi mất chánh niệm bị sa đọa. Sau khi tôi mãn phần, nếu đảnh đầu còn nóng sau rốt, đó là chứng nghiệm vãng sanh!". Kế đó ông yên lặng giây phút rồi tắt hơi, không một lời đề cập tới gia sự, cũng chẳng chút chi lộ vẻ thống khổ.

Cư sĩ về Phật trước giờ ngọ, đến chiều tối nơi đảnh vẫn còn nóng, hưởng dương 48 tuổi.