Thích Chánh Thành họ Châu, người ở Dực Dương tỉnh Giang Tây. Ông nhà nghèo, đã có chí xuất trần từ lâu. Trước tiên được nghe Mẫn Giác đại sư, vị hóa chủ ở chùa núi Tây T hiên Mục, dạy pháp thức niệm Phật cầu sanh Tây Phương, ông liền tin chắc và từ đó thường hành trì theo. Nhân có người bà con bên ngoại nghèo khổ không nơi nương tựa, nên cha con ông đem về nhà ủng hộ, tìm cách sanh nhai để phụng dưỡng . Ô ng thường bảo con rằng: "Chờ khi người này thọ chung, chôn cất xong xuôi, cha con ta sẽ đồng xuất gia".
Quả nhiên, đến năm 68 tuổi, lo liệu việc tẩn táng cho kẻ ngoại thân xong, ông đem con đến chùa núi Phong Đảnh thuộc huyện Duyên Sơn cầu xin thế độ. Người con trở thành đồ đệ, pháp danh là Minh Trí. Sau khi xuất gia,
Chánh Thành càng gắng sức tu trì. Trong phòng có hai tòa bằng trúc và gỗ, mùa hạ sư ngồi tòa trúc, mùa đông ngồi tòa gỗ mà niệm Phật. Sư ở núi trọn 13 năm, chưa từng đặt lưng nằm xuống chiếu. Khi niệm Phật cất cao tiếng, thường lúc niệm đến cả mình xuất hạn mới thôi. Mấy vị ở gần bên hiềm là huyên náo hằng khiển trách, lại có những bạn đồng giới khuyên nên nhỏ tiếng một chút để cho mọi người khỏi chán nhàm. Chánh Thành tuy mỉm cười cho là phải, song đến khi niệm được chừng một lúc lại dường như quên hẳn, vẫn y nhiên cao tiếng như cũ. Có lẽ sư niệm Phật rất chuyên thiết, nên đã đến cảnh giới nhứt tâm. Lúc niệm chỉ biết có Phật, không còn tưởng nghĩ chi khác, cũng chẳng biết mình niệm to hay nhỏ, có làm phiền rộn người cùng chăng, nên mới như vậy.
Gần chùa có ngôi tịnh thất do sư Cổ Hoa cư trụ tu hành , Chánh Thành thường ngồi nơi phiến đá dưới cội thông to bên tịnh thất, hướng về chót núi phía Tây mà niệm Phật. Sư hằng mục kích Phật hiện thân đứng trên đỉnh núi, tướng tốt trang nghiêm, đã hai ba phen gọi thầy Cổ Hoa ra xem, nhưng Cổ sư vẫn không thấy được.
Ngày mùng 3 tháng 6 năm Nhâm Tuất thời Dân Quốc, Chánh Thành đến chợ huyện mua một vuông vải trắng, nhờ người may thành đ ãy , bảo để đựng linh cốt sau khi thiêu hóa sắc thân. Kế đó lại nói bốn câu kệ, thỉnh thầy Cổ Hoa biên dùm tr ên mặt đãy. Vài người thấy sư không đau bịnh chi, tiết trời lại nóng, bảo đó là việc chưa cấp thiết hãy nên chậm lại. Nhưng Chánh Thành tự biết đã tới kỳ quy Tây, thôi thúc làm gấp. Quả nhiên, sang ngày mùng 4, sư ngồi kiết già niệm Phật mà hóa. Lúc đó chiếc đãy vừa mới may xong. Còn Cổ sư thì thờ ơ quên sót bốn câu kệ, nên vẫn không biên ra được.
Tới ngày mùng 7 khi làm lễ trà tỳ, vừa đúng thông lệ hàng năm trong chùa đem tạng kinh ra phiên duyệt và phơi, nên hàng Phật tử tụ đến đông nhiều. Lúc cử hỏa bốn chúng vây quanh đứng xem, có kẻ thấy ánh lửa như hoa sen, có người thấy kim quang rực rỡ, có vị thấy hiện thành hoa lạ màu xanh. Mọi người than thở ngợi khen là điềm lành hy hữu, đều tụng kinh niệm Phật hoặc lễ bái. Đây cũng là việc ít có của hàng tăng già thời mạt pháp vậy.