Home > Linh Cảm Ứng
Lý Cần
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Cư sĩ Lý Cần tự Hương Đài, người đời Thanh, nhà ở Nhơn Hòa. Tánh ông thuần hậu không hay chống trái với người, lại đĩnh ngộ ham học. Những kinh sách của đạo Nho cùng Bách gia chư tử thảy đều thông thuộc. Tuy hoài bão tài năng, Lý Cần lại lạnh nhạt với lợi danh, không có niệm tiến thủ. Ý chí ông thanh khiết hằng nghĩ cách thoát trần, nên theo tu Tiên với các nhà huyền học.

Qua tuổi trung niên, Lý Cần chuyển sang t í n hướng Phật thừa, thọ tam quy n gũ giới, được pháp danh là Diệu Tịnh. Từ đó ông hằng dụng công tiến tu, đối với Thiền tông có phần lãnh ngộ sâu sắc, nhưng lại lấy Tịnh Độ làm chỗ nương về. Cư sĩ thường bảo: "Một đôi chút hiểu biết về tông hoặc giáo, cũng không giúp ích được chi. Tôi thà giữ pháp vững chắc là thiết thật niệm Phật, ngoài ra không dám nói cao xa lớn lối, để tự dối khi mình!" . Ông gia tư vốn chẳng dư giả lắm, song gặp chuyện cần bố thí tất không tiếc, lại thường điềm đạm ẩn danh. Đối với việc Tam Bảo, cư sĩ hết lòng tôn trọng, từng chạm tượng Phật bằng gỗ chiên đàn và tháp để kinh Kim Cang. Lại cho khắc hai tấm bia tuyên dương Phật pháp, dựng nơi chùa Hải Triều. Kế tiếp, ông mướn thợ chạm một bảng Cực Lạc Thế Giới Toàn Đồ, để tiêu biểu chí tín nguyện. Một hôm nhân thiết lễ trai tăng, cư sĩ nghỉ lại nơi chùa, ở nhà bọn trộm thừa cơ vượt tường lẻn vào, mở toang cả cửa lớn nhỏ, sáng ra mới biết. Gia nhơn kinh hãi , kiểm soát kỹ lại, song chẳng thấy mất vật chi. Người xung quanh đều bảo, do ông thành tín tu hành, nên có chư thần ủng hộ.

Thời đó, Giám Đường hòa thượng là bậc kiệt xuất trong tòng lâm, khi viên tịch có để lại một tập di cảo. Lý Cần nghe nói thâu nhập đem ra in truyền bá, song vẫn chưa từng quen biết với Giám công. Mùa hạ năm Đạo Quang thứ 12, đứa cháu gái là Hạnh Cô đau nặng sắp mãn phần, cư sĩ hôm sớm ở gần bên khuyến tấn và xưng hồng danh để giúp phần chánh niệm. Kết cuộc Hạnh Cô gắng niệm Phật đến hơi thở cuối cùng và an lành mà thoát hóa. Không bao lâu Lý Cần cũng vương bịnh, thầy thuốc đến chẩn trị rồi dặn: "Đây là do bởi sự tổn nhọc dồn chứa nên sanh ra chứng thương khí, cần phải yên lặng tĩnh dưỡng. Nếu chẳng thế, thì bịnh càng thêm nặng!" . Sau khi y sĩ ra về, ông ôn tồn bảo: "Lời đó tuy đúng, nhưng là trách vụ của một lương y, cũng là quan niệm theo tình đời. Riêng mình, ta xét thân này như huyễn, nên không muốn vì giữ việc nhỏ mà làm tổn thất điều lớn". Rồi lại càng tinh tấn gia công niệm Phật, và lo kết thúc tất cả việc công đức làm còn dở dang.

Đến tháng 10, bịnh tăng thêm nặng. Giữa đêm ngày 11, cư sĩ ngồi kiết già niệm Phật rồi yên ổn mà vãng sanh. Trước đó ba ngày, Lý Cần đòi một chiếc tăng mạo, thân quyến vội sắm đem trao cho. Ông tiếp lấy đội lên đầu rồi mừng rỡ bảo: "Mạn y ta đã có, chỉ còn thiếu thứ này thôi. Nay được đội để ra mắt đức A Di Đà, thì lòng mong ước đã đủ. Nên dùng hai món này thành liệm, để toại chút ý nguyện thuở sanh bình!".

Ngày 12, lúc sắp nhập quan, các liên hữu thử dở mũ để dò thăm, thì thấy hơi nóng từ đảnh xông lên như giở nắp chiếc nồi đang sôi. Cư sĩ hưởng dương được 47 tuổi.