Home > Linh Cảm Ứng > Dao-Can
Đạo Càn
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Tỳ kheo ni Đạo Càn, tự Thế Thiền, con nhà họ Trần ở Song Khê tại Gia Hòa. Năm 17 tuổi cô xuất gia vào La Am ở Tú Châu. Tánh cô ưa thanh vắng, thích tịnh cư một mình. Duyệt xem cơ duyên của cổ đức, cô phát chí hướng thượng, hôm sớm chuyên cần tham cứu câu thoại đầu.

Sau khi thọ giới cụ túc, sư cô đến chùa Quốc Thanh ở non Thiên Thai, tham phỏng với ngài Bảo Lâm Trân. Lúc vào bái yết xong, liền Hỏi: "Bạch tôn đức! Thế nào là tướng đại nhơn?" Trân Công Đáp: "Đợi chừng nào ngươi trừ hết ngũ chướng, tới đây ta sẽ nói cho!" Đạo Càn thưa: "Phải đến như thế sao? Vậy thì đã che lầm Hòa Thượng rồi đấy!" Bảo Lâm Trân nói: "Ngươi học ở đâu được cái hư đầu thiền như thế?". Sư cô nghe nói, bất giác xuất hạn đầm mình, liền cúi xuống đảnh lễ. Trân Công lại Hỏi: "Thế nào là tướng đại nhơn?" Đạo Càn liền đứng giăng tay ra. Ngài Bảo Lâm Trân gật đầu ấn khả, kế đó truyền cho y pháp.

Khi đắc tâm ấn rồi, ni sư về ở nơi thảo am tại Nam Hồ. Ngôi am đã hư mục, song Đạo Càn vẫn thản nhiên, cứ giữ một mực chân thật tu hành, gặp cảnh thuận nghịch lòng không dao động. Ni sư lễ toàn bộ kinh Hoa Nghiêm trải qua 3 lượt, cứ mỗi chữ 1 lạy. Ngoài ra còn khóa tụng kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển đến vài mươi bộ. Do đó đạo phong vang xa, của cúng thí hội về, ngôi am được kiến thiết lại thành cảnh điện lầu tráng lệ. Ni sư từng có bài kệ an cư rằng:

Năm tháng ân cần học đạo chuyên,

Có, không chẳng chấp, vượt trung, biên(1).

Về nhà chi nỡ ngồi yên nghỉ,

Vì chúng cày gieo kiếp ngoại điền(2).

Trong am, ni sư lại lập ra Niệm Phật Đường, ngày đêm dẫn chúng tu hành, câu Phật tiếng mõ không dứt tuyệt. Gần 40 năm hóa độ như thế, vào mùa đông niên hiệu Gia Khánh thứ 25, ni sư cảm bịnh nhẹ. Đến ngày 11 tháng 11, gọi đồ chúng tới bảo: "Rạng mai vào giờ Dần, ta sẽ về Tây Phương!" Đến thời, lưu kệ rằng:

Tám mươi tám năm,

Không tham không luyến.

Nay trở về nhà,

Nước trong trăng hiện!

Rồi dạy chúng đồng thanh niệm Phật. Được một lát, ngồi an lành mà hóa.

Lời bình:

Từ xưa đến nay, bậc có thiền có tịnh trong hàng nữ chúng rất ít người. Như ni sư Đạo Càn, ở không cầu an, siêng cần tu tập, nghiễm nhiên đã đầy đủ tướng đại nhơn rồi. Nếu chẳng phải bậc chân thật thấu suốt muôn pháp như huyễn, làm sao có thể thản nhiên được như thế ư?

 

Ghi chú:

(1)Trung biên: tức là trung đạo và nhị biên. Ý nói thể nhập môn Bất nhị, không lạc vào hai bên cho đến chính giữa.

(2).Kiếp ngoại điền: Ruộng công đức vượt ngoài thời gian, tức chỉ cho chân tâm. Ý nói vì người mà mở lối vào chân tâm.