Địa Ngục Vô Gián Và Vua Diêm La
Cư Sĩ Phương Luân | Dịch Giả :Cư Sĩ Hạnh Cơ

Địa ngục, ý nói là lao ngục ở dưới đất, chia làm ba loại: căn bản, cận biên và cô độc. Trong bài học số 24 –và cả trong phần chú thích của nó– đã nói sơ lược về tình trạng của địa ngục; chỉ vì nghiệp ác của chúng sinh quá lớn lao nặng nề, nhân đó mà các hình cụ của địa ngục cũng có quá nhiều loại và rất thảm khốc, không phải chỉ vài lời mà có thể nói hết được; cho nên, có bài này để bổ khuyết là điều cần thiết. Nếu muốn biết tường tận thêm về vấn đế này, xin xem kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, hoặc kinh Trường A Hàm (quyển 19, phẩm “Địa Ngục”).

Tại phía Đông của Diêm phù đề, ở bên dưới núi Thiết vi hoàn toàn tối tăm, không có mặt trời lẫn mặt trăng, có địa ngục lớn gồm mười tám sở, các địa ngục nhỏ phụ thuộc của nó thì có hàng ngàn, hàng trăm, tên gọi đều khác nhau. Thành ngục không có kẽ hở, toàn bằng sắt, chu vi rộng hơn tám ngàn dặm, cao một vạn dặm, trong đó, các ngục nối liền nhau; chỉ riêng có một ngục tên là Vô gián, cũng gọi là A tì. Lửa ở trên cháy xuyên suốt xuống dưới; lửa ở dưới cháy xuyên suốt lên trên, không có chỗ trống; rắn sắt, chó sắt phun lửa đuổi người. Trong ngục có giường, lớn một vạn dặm. Một người chịu tội, tự thấy thân thể của mình nằm đầy khắp chiếc giường đó; mà ngàn vạn người chịu tội, cũng đều tự thấy thân mình nằm đầy trên giường. Quỉ dữ Dạ Xoa, răng miệng như gươm, quăng ném tội nhân, nấu đồng cho chảy ra rồi rót vào miệng, lấy sắt nóng trói người, trải hàng ức kiếp, không có hạn kì nào để mong ra khỏi. Khi thế giới này hủy hoại thì sinh sang ở nhờ thế giới khác; thế giới đó nếu hủy hoại thì lại sinh sang ở nhờ thế giới khác nữa; đến khi thế giới này hình thành thì trở về chịu khổ!

Gọi là “Vô gián”, vì có năm nguyên do: 1) Ngày đêm thọ tội, không có giờ phút nào gián đoạn; 2) Nhiều người cũng đầy, mà một người cũng đầy; 3) Hình cụ gồm rất nhiều loại, tất cả đều là đồng, sắt, lửa, đá; 4) Không phân biệt nam hay nữ, người văn minh hay kẻ man rợ, trời, rồng, thần, quỉ, thảy đều chịu tội; 5) Từ lúc mới vào ngục cho đến trải qua nhiều kiếp dài lâu, mỗi một ngày đêm, muôn lần chết muôn lần sống, mong có một giây lát tạm dừng cũng không có được.

Chỉ cần phạm bất cứ một tội nào trong “năm tội nghịch”(1) (cũng gọi là “năm nghiệp vô gián”), liền bị đọa vào ngục A tì; đó là: 1) giết cha; 2) giết mẹ; 3) giết bậc A la hán; 4) làm cho thân thể của Phật bị chảy máu; 5) phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn – trong đó, tội “phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn” bị coi là nặng nhất.

Người quản lí mọi việc về tội báo ở địa ngục là vua Diêm La (hoặc dịch là “Diễm Ma”), dịch nghĩa là “song thế”, nghĩa là, cả hai hoàn cảnh khổ và vui, đều nhận chịu hết; lại dịch là “song vương”, nghĩa là cả hai người, anh và em gái, đều làm vua –anh thì quán xuyến các việc bên nam, em gái thì quán xuyến các việc bên nữ. Vua Diêm La, ngày xưa, nhân một phút sân hận, muốn trị tội người, khi mạng chung bèn làm vua. Ngày đêm ba lần, có cái vạc đồng lớn, từ trong cung vua hiện ra, vua trông thấy thì sợ lắm. Các viên ngục tốt liền bắt vua nằm trên giường sắt nóng, rồi dùng móc sắt móc miệng vua cho mở ra, lấy nước đồng sôi rót vào, từ miệng cho đến bụng đều phỏng chín. Chịu tội xong, vua lại cùng với các thể nữ chung hưởng thú vui. Tất cả các vị đại thần của vua cũng vậy. Xem thế có thể biết: Trong lúc lòng đang giận dữ mà phát nguyện thì cũng có thể thành tựu, chỉ có điều sau đó, khi đã làm Diêm vương, dù có phán xét công bình, không hề có trường hợp oan uổng, nhưng tự thân cũng phải chịu trọng hình ngày đêm. Người đời mỗi khi khởi tâm, động niệm, há không cẩn thận ư!
CHÚ THÍCH

01. Chúng tăng hòa hợp để tu tập và thực hiện các Phật sự. Nếu dùng thủ đoạn để li gián, khiến cho họ phải phân tán, rối loạn mà bỏ phế Phật sự; hoặc cưỡng chiếm chùa miếu, áp bức họ phải hoàn tục, đều là phá sự hòa hợp của tăng đoàn. Vì cắt đứt tuệ mạng của người, dứt tuyệt duyên lành giải thoát của người, cho nên tội rất nặng, và quả báo cũng cực kì thảm khốc.

02. Ngày xưa có một nước kia, đánh nhau với nước láng giềng và bị bại trận. Vị quốc vương quá giận dữ, đã cùng với các đại thần và binh lính, đều phát nguyện rằng: “Nguyện sau khi chết sẽ làm vua địa ngục, đem bọn người ác của nước láng giềng kia bỏ hết vào địa ngục mới hả giận.” Về sau, vị quốc vương kia, sau khi chết thì làm vua Diêm La, các đại thần và binh lính của ông cũng đều làm quan, binh ở địa ngục.

03. Cái vạc là một thứ đồ dùng để nấu nướng. Trong vạc này chứa đầy nước đồng sôi, chuẩn bị rót vào miệng vua.
PHỤ CHÚ

(01) Năm tội nghịch (ngũ nghịch tội) Năm nghiệp vô gián (ngũ vô gián nghiệp): Đây là năm hành động xấu xa nhất, độc ác nhất, tội lỗi nặng nề nhất mà con người có thể làm. Chỉ cần gây một trong năm loại tội lỗi này cũng đủ để đọa vào địa ngục Vô gián. Có hai loại “năm tội nghịch”:

a) Theo tiểu thừa giáo, năm tội nghịch gồm có: giết cha, giết mẹ, giết bậc A la hán, có ác ý làm cho thân Phật chảy máu, và phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn. Cần chú ý đến tội thứ tư, “có ác ý làm cho thân Phật chảy máu”. Trong tiểu sử của đức Phật Thích Ca, chúng ta thấy có hai trường hợp thân Phật bị làm cho chảy máu được ghi lại: Trường hợp thứ nhất, đại đức Đề Bà Đạt Đa khởi ác tâm hại Phật, đã xô đá từ trên đỉnh núi Linh thứu cho lăn xuống chân núi, một mảnh đá bể văng trúng, làm chân Phật chảy máu. Trường hợp thứ hai, y sĩ Kì Bà, vì chữa trị vết thương cho Phật, phải mổ vết thương làm thân Phật chảy máu. Trong hai trường hợp ấy, Đề Bà Đạt Đa làm thân Phật chảy máu do ác tâm, phạm một trong năm tội nghịch; Kì Bà làm thân Phật chảy máu do thiện tâm, đã không phạm tội còn được phước báo. Lại nữa, đời nay không có Phật tại thế thì không có trường hợp phạm tội này sao? Chúng tôi nghĩ, dù không có Phật tại thế, nhưng những biểu tượng về Phật (tức tất cả các loại tượng, hình Phật) cũng tức là thân Phật. Nếu có ác ý phỉ báng, chà đạp, đập phá, hủy hoại các biểu tượng ấy, đều được coi là phạm tội “có ác ý làm cho thân Phật chảy máu”. Trong Thiền tông, câu “Xuất Phật thân huyết” chuyên được dùng để chỉ cho ý niệm chấp trước vào thân thanh tịnh của Phật; bởi vì, Phật tánh vốn thanh tịnh, nhưng kẻ phàm phu lại mê muội vọng chấp, bám dính vào đó, cuồng si không sáng suốt, bị coi như làm thân Phật bị chảy máu.

Về tội “phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn” có hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất, tách khỏi tăng đoàn mà mình đang sinh hoạt để thành lập tăng đoàn mới, thực hành các pháp bố tát, yết ma v.v... riêng, gọi là phá “yết ma tăng”. Trường hợp thứ hai, tách khỏi tăng đoàn để lập tăng đoàn mới, tự mình xưng làm giáo chủ (hoặc thờ một nhân vật tà đạo khác làm giáo chủ), đề xướng học thuyết mới sai trái với chánh pháp, gọi là phá “pháp luân tăng”. Ngoài ra, những trường hợp khác như dùng thủ đoạn để li gián những người trong tăng đoàn, làm cho họ lập phe phái chống đối nhau; làm cho người này nghi kị, hiềm khích người kia; làm cho một hay nhiều người chán nản, thối chí trên bước đường tu học, thậm chí phải hoàn tục; v.v..., nói chung, tất cả những trường hợp làm mất cái không khí thanh tịnh, hòa hợp, gây rối loạn, bất an trong tăng đoàn, đêu được coi là phạm tội “phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn”.

Có người cân phân tính nặng nhẹ của năm tội nghịch trên, và cho rằng, tội “phá hòa hiệp tăng” là nặng nhất, thứ đến là “xuất Phật thân huyết”, nhẹ hơn là “sát A la hán”, kế đó là “sát mẫu”, nhẹ nhất là “sát phụ”. Nhưng sự cân phân này xét ra vô ích; bởi vì, phạm bất cứ tội nào trong năm tội trên cũng đều sa vào địa ngục vô gián, thì cân phân làm gì!

b) Năm tội nghịch theo đại thừa gồm có: phá hoại chùa tháp, thiêu hủy kinh tượng, cưỡng đoạt của cải của thường trụ; hủy báng giáo pháp cùng các bậc thánh đức; làm trở ngại sự tu hành của người xuất gia, hoặc sát hại những người xuất gia; phạm một trong năm tội nghịch của tiểu thừa (nói trên); chủ trương không có nhân quả nghiệp báo rồi mặc tình gây tội ác, và sai sử người khác gây tội ác.
BÀI TẬP

1) Hãy nói về tình trạng của địa ngục Vô gián.

Địa ngục Vô gián có quá nhiều hình phạt cực kì thảm khốc, như lửa ở trên cháy xuyên suốt xuống dưới, lửa ở dưới cháy xuyên suốt lên trên, không có chỗ nào trống; rắn sắt, chó sắt phun lửa đuổi người; trong ngục có giường, lớn một vạn dặm, một người chịu tội, tự thấy thân thể của mình nằm đầy khắp chiếc giường đó, mà ngàn vạn người chịu tội, cũng đều tự thấy mình nằm đầy trên giường; quỉ Dạ Xoa răng miệng như gươm, quăng ném tội nhân, nấu đồng cho chảy ra rồi rót vào miệng, lấy dây sắt nóng trói người; v.v..., trải hàng ức kiếp không mong ra khỏi. Khi thế giới này hủy hoại thì sinh sang ở nhờ thế giới khác; nếu thế giới đó hủy hoại thì lại sinh sang ở nhờ thế giới khác nữa; đến khi thế giới này hình thành lại thì trở về chịu khổ tiếp.

2) Gọi là “Vô gián” vì năm nguyên do; đó là những nguyên do gì?

Gọi là địa ngục “Vô gián”, vì có năm nguyên do: 1) Ngày đêm chịu hình phạt, không có giây phút nào gián đoạn; 2) Nhiều người cũng đầy ngục, mà một người cũng đầy ngục; 3) Có rất nhiều loại hình cụ ghê rợn, và toàn bằng đồng, sắt, lửa, đá; 4) Không phân biệt nam hay nữ, người văn minh hay kẻ man rợ, tất cả chúng sinh trong sáu đường đều có lúc chịu tội; 5) Từ lúc vào ngục cho đến trải qua nhiều kiếp dài lâu, mỗi một ngày đêm muôn lần chết muôn lần sống, mong có một giây lát tạm dừng cũng không có được!

3) Năm nghiệp vô gián là những gì?

Năm nghiệp vô gián cũng gọi là năm tội nghịch, gồm có: giết cha, giết mẹ, giết bậc A la hán, làm cho thân Phật bị chảy máu, và phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn. 4) Diễm Ma vương được dịch thành hai nghĩa. Hãy giải thích hai nghĩa ấy.

Diễm Ma vương được dịch làm hai nghĩa: Song thế: cả hai hoàn cảnh khổ và vui đều nhận chịu hết. Song vương: cả hai người, anh và em gái, đều làm vua Diêm La; anh thì quán xuyến các việc bên nam, em thì quán xuyến các việc bên nữ.

5) Vua Diêm La vừa chịu tội khổ lại vừa hưởng thú vui. Hãy diễn tả sự việc ấy.

Vua Diêm La vừa chịu tội khổ lại vừa hưởng thú vui. Ngày đêm ba lần, có cái vạc đồng lớn, đựng đầy nước đồng sôi, hiện ra trong cung, vua trông thấy thì sợ lắm. Các viên ngục tốt liền bắt vua nằm trên giường sắt nóng, dùng móc sắt móc miệng vua cho mở ra, lấy nước đồng sôi rót vào, từ miệng đến bụng đều phỏng chín. Chịu tội xong, vua lại cùng với các thể nữ chung hưởng thú vui.
Trích từ: Giáo Khoa Phật Học - Cấp Một
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Thiền Tịnh Quyết Nghi
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang

Tự Lực và Tha Lực
Đại Sư Thiện Đạo Đời Đường

Phương pháp niệm 10 danh hiệu A Di Đà Phật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không