Home > Khai Thị Niệm Phật > Phap-Mon-Tinh-Do
Pháp Môn Tịnh Độ
Cư Sĩ Nguyên Phong | Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Thiền nhân Hải Dương từ xa đến Lô Sơn, cầu thọ giới pháp, được pháp danh là Thâm Ngu, rồi dâng hoa cầu pháp: “Đệ tử phát nguyện cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Thế nên, cùng giao kết với cả ngàn pháp lữ, đồng hội tụ một nơi, chuyên tu tịnh nghiệp. Xin nguyện từ bi, dạy bảo pháp yếu”. Lão nhân vì đó mà bảo rằng Phật thuyết pháp tu hành xuất sanh tử, phương tiện tuy có nhiều môn, mà chỉ có pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh là thẳng tắt. Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, pháp môn viên diệu, Phổ Hiền diệu hạnh, rốt ráo chỉ quy Tịnh Độ. Mã Minh, Long Thọ, cùng chư đại tổ sư ở cõi này như Vĩnh Minh, Trung Phong, đều cực lực chủ trương pháp môn Tịnh Độ. Pháp môn này do Phật tự thuyết, vốn bao trùm ba căn, độ khắp bốn chúng, chẳng phải vì kẻ hạ căn mà quyền thiết.

Kinh nói: - Nếu muốn tịnh cõi Phật, thì phải thanh tịnh tự tâm. Ngày nay tu hành tịnh nghiệp, thì phải lấy việc thanh tịnh thân làm gốc. Muốn tịnh tự tâm, trước nhất là phải thanh tịnh giới căn. Vì mười việc ác của thân miệng ý vốn là nhân khổ của ba đường ác, nên nay phải cần trì giới, khiến cho ba nghiệp được thanh tịnh, tức tâm tự tịnh. Nếu thân không giết hại, ăn cắp, tà dâm, nói láo thì thân nghiệp thanh tịnh. Nếu miệng không nói láo, nói lưỡi hai chiều, nói lời ác độc, nói lời thêu dệt thì khẩu nghiệp thanh tịnh. Nếu ý không tham lam, sân hận, si mê, thì ý nghiệp thanh tịnh. Mười việc ác này mãi đoạn dứt, ba nghiệp trong sạch, đó là điều thiết yếu của sự tịnh tâm. Trong lúc thanh tịnh thân tâm, phải dấy khởi tâm chán khổ nơi cõi Ta Bà, mà phát nguyện vãng sanh về miền an dưỡng; lập chánh hạnh niệm Phật; tâm niệm Phật phải thiết tha vì sanh tử. Đầu tiên, ngoài đoạn ngoại duyên. Kế đến, bên trong đơn độc đề khởi nhất niệm. Dùng một câu A Di Đà Phật làm mạng căn. Niệm niệm không quên, tâm tâm chẳng đoạn. Trong mười hai thời, đi đứng nằm ngồi, cử động gân cốt, xoay mình cúi ngửa, động tịnh đều quên. Trong mọi thời, không u mê không ngu muội, lại chẳng làm duyên khác. Dụng tâm như thế, lâu ngày thuần thục, cho đến trong mộng, cũng không quên mất; thức ngủ như nhau, tức là công phu liên tục; dệt thành một phiến, tức là lúc công phu đắc lực. Nếu niệm đến nhất tâm bất loạn, thì lúc lâm chung, cảnh giới Tịnh Độ hiện ra trước mắt; tự nhiên không bị sanh tử trói giữ, bèn cảm Phật A Di Đà phóng quang tiếp dẫn.

Đây là việc chứng nghiệm quyết định vãng sanh. Nhất tâm chuyên niệm đó là chánh hạnh, rồi phải dùng tư lương quán tưởng để xem xét rõ. Xưa kia, Phật vì hoàng hậu Vi Đề Hy mà thuyết ra mười sáu cách quán vi diệu, nên giải quyết xong một đời. Hiện nay Quán Kinh vẫn còn tồn tại. Lúc kết duyên với các tịnh lữ mà đồng tham học, thì dẫu ai có chí nguyện gì, nơi mười sáu cách quán, hãy tùy duyên mà chọn một: Hoặc chỉ quán Phật cùng diệu tướng của Bồ tát, hoặc tùy ý mà quán tưởng cảnh giới cõi Tịnh Độ, giống như kinh Di Đà thuyết về liên hoa bảo địa. Nếu quán tưởng rõ ràng, tức trong mười hai thời, hiện tiền như sống tại cõi Tịnh Độ. Đi đứng nằm ngồi, nhắm mắt mở mắt, như tại trước mặt. Nếu quán tưởng thành tựu như thế, thì lúc lâm chung, nhất niệm bèn vãng sanh. Thế nên bảo rằng sanh tức quyết định sanh, mà đi thật chẳng phải đi. Đây là ý chỉ vi diệu về lý duy tâm Tịnh Độ. Dụng công như thế, cùng tinh nghiêm hành trì giới hạnh, thì sáu căn cùng tâm địa được thanh tịnh, và mãi đoạn trừ ác nghiệp phiền não. Quán niệm tương tục, thì diệu hạnh dễ dàng thành tựu. Hạt nhân chân chánh vãng sanh qua cõi Tịnh Độ không ngoài cách này. Nếu xưng niệm Phật, cầu vãng sanh Tịnh Độ, mà không trì tịnh giới, phiền não không thể đoạn trừ, tâm địa vẫn còn cấu uế, thì Phật bảo người này, mãi chẳng thành tựu.

Vì vậy hành nhân, việc thiết yếu bậc nhất là phải trì giới làm căn bổn; phát nguyện làm nhân duyên phụ trợ; niệm Phật và quán tưởng làm chánh hạnh. Tu hành như thế, nếu không được vãng sanh, thì Phật sẽ đọa vọng ngữ!..