Home > Thánh Tăng Truyện > Ngai-Cau-Na-Bat-Da-La-Gunabhadra
Ngài Cầu Na Bạt Đà La (Gunabhadra)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Cầu Na Bạt Đà La (dịch là Công Đức Hiền) người trung Thiên Trúc. Lúc về già do tu học Đại Thừa nên được hiển danh, khiến người người đều xưng gọi là Ma Ha Diễn. Ngài vốn thuộc dòng Bà La Môn. Đối với thiên văn, ngôn ngữ, toán thuật, y học, chú thuật, v.v... các loại học vấn đều uyên bác tinh tường. Lần nọ, xem duyệt tường tận quyển 'A Tỳ Đàm Tạp Tâm Luận', Ngài bèn khâm phục yếu chỉ đại đạo, nên bắt đầu nghiên cứu Phật pháp. Tuy nhiên, vì gia đình tin theo ngoại đạo, nên cấm chỉ việc học Phật pháp. Vì tranh luận với người nhà không được, nên Ngài đành phải bỏ nhà ra đi khắp nơi, để tham tầm minh sư học Phật pháp. Sau này, Ngài xuống tóc xuất gia, chuyên tâm quyết chí nghiên cứu tu học Phật pháp. Lúc thọ giới cụ túc vào năm hai mươi tuổi, Ngài đã thông suốt ba tạng kinh, luật, luận. Khi đối xử với người, Ngài luôn có tâm từ bi nhu hòa, kính cẩn. Đối với thầy bổn sư, Ngài thường tự khởi tâm chân thành hầu hạ. Chẳng bao lâu, Ngài từ biệt thầy bổn sư dạy pháp Tiểu Thừa, và tiếp tục học tập giáo pháp Đại Thừa.

Lần nọ, thầy bổn sư bảo Ngài vào rương chứa kinh để mang kinh điển ra. Ngài bèn đến lấy ra kinh 'Đại Phẩm Hoa Nghiêm', rồi đem đến cho vị thầy. Thầy bổn sư bảo:

- Con cùng pháp Đại Thừa thật có duyên thâm sâu!

Nói xong, bèn khuyến khích Ngài duyệt xem bộ kinh đó. Tụng thuộc xong, Ngài bèn tuyên giảng bộ kinh này, mà không ai có thể chất vấn được.

Thọ giới Bồ Tát xong, Ngài trở về nhà khuyên nhủ cha mẹ quy y Phật pháp:

- Cha mẹ cứ khăng khăng giữ theo ngoại đạo thì Thầy sẽ không trở về nữa, vì chẳng làm được lợi ích gì. Ngược lại, cha mẹ nếu quy y Tam Bảo thì Thầy sẽ thường thường trở về nhà.

Nghe lời này, cha mẹ của Ngài cảm động, mà chấp thuận bỏ tín ngưỡng ngoại đạo để quy y Tam Bảo.

Ngài thường qua các nước như Sư Tử, v.v..., nhưng sau này tự cảm thấy có duyên với đông phương, nên theo thương thuyền đi về hướng đông. Ngày nọ, gió đột nhiên ngừng thổi, khiến thuyền ngưng chạy. Người trên thuyền ưu sầu lo lắng vì nước dự trữ đã hết. Ngài bảo:

- Chúng ta hãy đồng tâm hiệp lực mà chí thành xưng niệm danh hiệu mười phương chư Phật, thì chắc sẽ được cảm ứng.

Nói xong, Ngài cùng người trên thuyền đọc tụng kinh cú không ngừng. Chẳng bao lâu, gió chợt thổi đến, mây đen bay vần vũ kín trên nền trời, rồi mưa đổ xuống ào ạt, khiến mọi người đều có nước uống. Nhờ tâm chân thành của Ngài mới có sự linh ứng như thế.

Năm 435, Ngài đến Quảng Châu. Được sớ do thứ sử Xa Lãng dâng trình, Tống Văn Đế bèn cho sứ giả đến nghinh đón Ngài tới Kiến Khang (tức Nam Kinh). Ngài vừa đến kinh sư, Tống Văn Đế lập tức bảo các danh tăng đương thời như Huệ Quán, Huệ Nghiêm, v.v... tới lui vấn đáp, cùng truyền đạt lời vấn an của ông ta. Thấy tinh thần thanh thoát của Ngài, Huệ Quán và Huệ Nghiêm đều chân thành kính ngưỡng, đến dướI tòa học hỏi. Đến kinh sư, Ngài trú tại chùa Đề Hoàn, rồi bắt tay ngay vào việc hoằng dương Phật pháp, khiến Tống Văn Đế lại càng khâm phục. Đương thời, lãnh tụ văn học là Nhan Duyên Chi, một danh sĩ tài ba, cũng tự thân đến lễ bái Ngài. Tin này vừa lan truyền, thì các danh sĩ ở kinh sư đồng tới tham bái Ngài tấp nập. Đại tướng quân ở Bành Thành là Vương Lưu Nghĩa Khang, và thừa tướng Nam Tiếu Vương Lưu Nghĩa Tuyên đồng tôn Ngài làm bậc thầy. Chẳng bao lâu, tăng chúng thỉnh cầu Ngài phiên dịch kinh điển. Vì vậy, Ngài vân tập các danh tăng bác học dịch kinh Tạp A Hàm tại chùa Đề Hoàn, và kinh Pháp Cổ tại chùa Đông An, cùng kinh Thắng Man Lăng Già tại quận Đan Dương. Ngài vân tập hơn bảy trăm người phụ trợ trong công tác phiên dịch. Bảo Vân chuyên dịch; Huệ Quán chấp bút. Văn nghĩa kinh dịch đều thâm sâu nhưng rất lưu loát, hiển rõ tông chỉ.

Khi Nam Tiếu Vương Lưu Nghĩa Tuyên thuyên chuyển sang trấn nhậm tại Kinh Châu, ông thỉnh mời Ngài đi theo. Đến nơi, ông hỗ trợ Ngài trong việc xây cất tăng phòng, đắp tô tượng Phật, v.v... tại Tân Tự. Nơi đó, Ngài dịch kinh Vô Ưu Vương, kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Nê Hoàn, Uông Ác Ma, Tương Tích Giải Thoát, Ba La Mật Liễu Nghĩa, Hiện Tại Phật Danh, Đệ Nhất Nghĩa Ngũ Tướng Lược, Bát Kiết Tường, v.v... Tổng cộng, Ngài dịch hơn một trăm quyển kinh.

Lúc hóa độ dân chúng, Ngài thường nhờ đệ tử là Pháp Dũng phiên dịch. Nam Tiếu Vương lại muốn thỉnh Ngài giảng kinh Pháp Hoa. Tuy nhiên, Ngài tự nghĩ tiếng Tàu chưa thành thục, khiến hổ thẹn vô ngần, nên ngày đêm lễ bái sám hối, cầu Bồ Tát Quán Âm gia hộ. Đêm nọ, Ngài mơ thấy một vị mặc y phục trắng, lưng đeo kiếm, tay cầm một cái đầu người. Người đó đến trước mặt Ngài hỏi:

- Sao Thầy lại quá ưu sầu?

Trong giấc mộng, Ngài bèn thuật lại việc được thỉnh giảng kinh mà chưa thông thạo tiếng Tàu. Người đó bảo:

- Chẳng có gì phải ưu sầu!

Nói xong, người đó bèn rút gươm ra, chặt đứt đầu của Ngài, rồi thay cái đầu đang cầm trong tay vào cổ. Cái đầu mới bèn tự nhiên chuyển động như thường, rồi hỏi:

- Có đau không?

Ngài đáp:

- Không đau!

Chốc lát sau, Ngài bừng tỉnh dậy, tâm vui mừng vô ngần. Ngày thứ hai, Ngài có thể thông thạo tiếng Tàu, nên thể theo lời thỉnh cầu khi trước của ông Nam Tiếu Vương Lưu mà đăng đàn giảng kinh Pháp Hoa.

Cuối niên hiệu Nguyên Gia, Nam Tiếu Vương Lưu thường thấy những điềm mộng quái dị, nên đến hỏi han. Ngài bảo:

- Kinh sư chắc sẽ có họa loạn phát sanh.

Chưa đầy một năm, quả nhiên thái tử Lưu Thiệu phản loạn, giết Tống Văn Đế. Tống Hiếu Đế (457 464) lên ngôi. Lúc ấy, biết Nam Tiếu Vương Lưu có âm mưu phản loạn, nên Ngài rất lo lắng ưu sầu. Tuy nhiên, Ngài không tìm được cơ hội để cản trở ông ta. Thấy Ngài lộ vẻ ưu sầu khác thường, ông ta bèn đến hỏi nguyên nhân. Ngài trịnh trọng ân cần khuyên nhủ, nhưng Nam Tiếu Vương Lưu vẫn không bỏ mưu đồ phản loạn. Cuối cùng, biết không còn cách nào để cản trở Nam Tiếu Vương Lưu, Ngài rơi lệ, bảo:

- Nếu Ngài không hồi tâm chuyển ý, thì tôi sẽ không ở lại nơi đây nữa.

Nói xong, Ngài định rời nơi đó. Tuy nhiên, thấy có mặt của ngài Cầu Na Bạt Đà La thì việc xuất binh mới danh chánh ngôn thuận, nên Nam Tiếu Vương Lưu bức bách Ngài phải theo quân binh mà phản loạn. Sau này, tại núi Lương Sơn, quân của Nam Tiếu Vương Lưu bị đại bại, và thuyền của Ngài cũng bị cháy rụi. Bấy giờ, thuyền ở giữa dòng sông, rất cách xa bờ, nên Ngài tưởng chắc là khó thoát khỏi đại kiếp. Ngài chỉ một lòng nhất tâm xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Âm, và cầm một cây trúc, nhảy xuống dòng sông, rồi trôi theo dòng nước. Bấy giờ, Ngài chợt xoay lại, thấy một đứa bé đang kéo mình vào bờ. Ngài bảo:

- Ngươi chỉ là một đứa bé, sao giúp Ta vượt sông được!

Nói vừa dứt lời thì thấy thân mình đã đến bờ sông, Ngài bèn cởi áo choàng tặng cho đứa bé đó, để đền ơn cứu mạng. Tuy nhiên, xoay qua lại bốn bên, Ngài chẳng thấy ai cả, nên biết rằng mình được thần linh cứu mạng.

Sau trận chiến tại núi Lương Sơn, Tống Hiếu Đế ra lịnh cho Vương Huyền Mô (đại tướng giết được Nam Tiếu Vương Lưu tại núi Lương Sơn) rằng nếu bắt được Ma Ha Diễn, thì phải dâng chiếu báo tin, rồi giải về kinh đô lập tức. Tìm bắt được Ngài, Vương Huyền Mô bèn y theo lịnh mà giải về kinh sư. Vừa vào triều, Tống Hiếu Đế liền đến vấn an, ân cần hỏi han, biểu lộ tâm tình ngưỡng mộ, bảo:

- Trẫm ngưỡng mộ đã lâu, nay mới được tương kiến.

Ngài nói:

- Thân tôi bị nạn binh đao. Đáng lẽ đã bị phanh thây nát tủy, mà Điện Hạ lại không hiềm nghi, lại còn ân cần tiếp đón. Thật là ân tái tạo.

- Vậy thì ai là tham mưu phản loạn?

- Người xuất gia vốn không thể tham dự vào những cuộc binh biến, nên tôi không biết những người đồng mưu phản loạn. Song, tôi và Trương Sương, Tống Linh Tú, v.v... đều bị ép bức tham gia phản loạn. Thật không ngờ do túc duyên chủ định, nên mới gặp nạn này.

- Chớ có lo sợ. Trẫm không bắt tội Ngài đâu.

Hôm đó, Tống Hiếu Đế sai người đưa Ngài trú ở tại hậu đường, rồi cung cấp y phục thức ăn, cùng người ngựa hầu hạ.

Sau khi quân của Nam Tiếu Vương Lưu bị đại bại, quân của Tống Hiếu Đế tìm được một lá thơ của Ngài gởi đến Nam Tiếu Vương Lưu khi trước. Mở ra xem, Tống Hiếu Đế chẳng thấy có lời nào dính dấp với việc quân binh, nên lại càng tin tưởng Ngài. Sau này, trong lúc đàm luận, Tống Hiếu Đế hỏi đùa:

- Ngài có nhớ đến Nam Tiếu Vương Lưu chăng?

Ngài đáp:

- Tôi thọ sự cúng dường của ông ta trong mười năm, sao lại quên được ân đức đó? Xin Điện Hạ cho phép tôi được dâng hương cầu siêu độ cho ông ta trong ba năm.

Nghe lời này, Tống Hiếu Đế bèn ưng thuận.

Chùa Trung Hưng vừa được xây xong, Tống Hiếu Đế bèn cho vời Ngài sang nơi đó cư trú.

Lần nọ, Tống Hiếu Đế mở một buổi yến tiệc, và thỉnh Ngài đến. Bấy giờ, trong buổi tiệc, các vương công, đại thần đều hội tụ đầy đủ. Lúc ấy, Ngài chưa kịp cạo tóc, nên vẫn còn để tóc trắng y nhiên mà đến. Tống Hiếu Đế ngước nhìn xa xa rồi xoay lại bảo quan thượng thơ Tạ Trang:

- Vị Ma Ha Diễn này thật là thông minh tài trí. Tuy nhiên, việc sanh tử của Ngài không xa. Trẫm sẽ thử thách. Nhất định Ngài sẽ biết ý Trẫm.

Ngài vừa bước lên các bậc thang của cung điện thì Tống Hiếu Đế bèn bước ra nghinh đón, bảo:

- Ngài Ma Ha Diễn không cô phụ phí sức từ xa đến, nhưng còn một việc chưa làm xong.

Ngài nói:

- Tôi từ xa đến kinh đô của đất Tàu đã gần ba mươi năm. Thiên Tử đối đãi với tôi thật rất ân cần thâm hậu. Tôi thật xấu hổ không đáng để thọ ân trọng. Hiện nay tôi đã bảy mươi tuổi, lại có bịnh tật. Bây giờ chỉ còn có cái chết, chính là việc chưa làm xong!

Thấy Ngài biện tài vô ngại, Tống Hiếu Đế lại thêm khâm phục, và ra lịnh cho Ngài ngồi kế ông ta. Quần thần trong cung đều ghé mắt trông nhìn.

Chùa Tây Khởi ở lầu Phụng Hoàng tại Mạt Lăng, vào mỗi giữa đêm, cánh cửa chùa thường phát ra âm thanh, mà không có thấy hình bóng người nào. Vài tăng sĩ cũng thường bị giựt mình thức dậy, khiến họ bất an, nên đến cầu Ngài. Ngài bèn dâng hương khấn nguyện:

- Túc duyên của quý vị vốn ở nơi đây. Hôm nay chúng tôi xây cất chùa tại nơi này, cũng thường thay mặt quý vị mà hành đạo lễ bái. Quý vị nếu muốn trụ nơi đây, thì phải trở thành thiện thần hộ pháp. Nếu không trụ được ở đây, thì xin hãy mau đi nơi khác.

Tối hôm đó đạo tục hơn mười người đồng mộng thấy quỷ thần đều bay mất lên trời. Từ đó, tăng chúng không còn bị quỷ thần quấy nhiễu nữa.

Niên hiệu Đại Minh thứ sáu (462), khắp nơi đều bị nạn hạn hán. Tuy trải qua vài tháng mà cầu không được một giọt mưa nào. Tống Hiếu Đế bèn thỉnh Ngài cầu mưa, và ra lịnh rằng nếu cầu không được mưa thì đừng gặp mặt ông ta. Ngài bảo:

- Nương tựa Phật pháp, lại nhờ oai thần của Điện Hạ, thì nhất định trời sẽ tuôn nước cam lồ. Nếu không thành công, thì tôi cũng không còn mặt mũi nào để gặp Điện Hạ!

Ngài bèn đến Điếu Đài ở Bắc Hồ, chẳng màng ăn uống, dâng hương cầu mưa, âm thầm tụng kinh, đọc thần chú không ngừng. Sáng ngày thứ hai, vào giờ thân, từ phía tây bắc, quả nhiên có mây hội tụ, rồi trong khoảnh khắc gió thổi đến, khiến mưa đổ ào ạt. Hôm sau, các công khanh đại quan đều đến chúc mừng. Tống Hiếu Đế cũng triệu Ngài vào cung tưởng thưởng không ngừng.

Từ nhỏ đến cuối đời Ngài đều trường chay. Tay thường cầm theo bình hương. Mỗi lần dùng trai xong, bèn lấy thức ăn dư thừa phân phát cho chim chóc. Chim chóc cũng thường đậu trên tay của Ngài, không có chút gì là sợ hãi.

Vào tháng giêng năm 468, cảm thấy thân thể bất an, nên Ngài bèn cáo từ Tống Minh Đế và chư đại quan công khanh. Ngày lâm chung, Ngài đứng ngắm nhìn thánh tượng thiên hoa. Gần đến giờ ngọ thì thị tịch, thọ bảy mươi lăm tuổi. Tống Minh Đế đau lòng vô ngần, nên phúng điếu thâm hậu. Các đại quan công khanh cũng buồn thương ai điếu.