Home > Khai Thị Niệm Phật > Ngai-Phat-Da-Bat-Da-La-Buddhadhadra
Ngài Phật Đà Bạt Đà La (Buddhadhadra)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ngài Phật Đà Bạt Đà La, Tàu dịch là Giác Hiền, người nước Ca Duy La Vệ (thuộc nước Nepal), vốn là hậu duệ của dòng Thích Ca Cam Lộ Phạn Vương, sinh vào năm 359. Do nội tổ là Đạt Ma Đề Bà (Tàu dịch là Giác Thiên) thường sang bắc Thiên Trúc buôn bán, nên gia đình di cư đến trú tại nước Ca Duy La Vệ. Năm ba tuổi, thân phụ qua đời, rồi năm năm tuổi thân mẫu cũng tạ thế. Do đó, Ngài được gia đình người chú nuôi dưỡng. Sa môn Tổ Cưu Bà Lợi biết ngài Phật Đà Bạt Đà La rất mực thông minh mẫn tiệp, nên xin người chú cho Ngài xuất gia làm sa di. Đến năm mười bảy tuổi, công khóa hằng ngày của Ngài là học thuộc kinh kệ. Những bài kinh kệ mà đồng học phải học trong một tháng, đối với Ngài chỉ cần một ngày là học thuộc.

Thọ giới cụ túc xong, Ngài lại càng tinh tấn tu hành thiền định cùng giới luật, và học rộng thông đạt các kinh điển. Ngài cùng với sa môn Tăng Già Đạt Đa sang du học tại nước Kế Tân. Tuy là đồng lứa tuổi, sa môn Tăng Già Đạt Đa lại rất kính phục tài năng xuất chúng của Ngài, nhưng không biết Ngài đã đạt đến cảnh giới nào. Lần nọ, đang đóng cửa nhập thất ngồi thiền, Tăng Già Đạt Đa chợt thấy Ngài đến, rồi bèn hỏi rằng từ đâu đến. Ngài đáp:

- Tôi vừa lên cung trời Đâu Suất lễ bái Bồ Tát Di Lặc rồi trở lại nơi đây.

Nói xong, ngài Phật Đà Bạt Đà La liền biến mất. Sa môn Tăng Già Đạt Đa mới biết rằng Phật Đà Bạt Đà La là thánh nhân hóa thân, nên không thể nào biết được cảnh giới của Ngài. Sau này, vì thường thấy những hành tung thần dị của Ngài, nên Tăng Già Đạt Đa hỏi ra thì biết là Ngài đã chứng đến quả vị A La Hán 'Bất Hoàn' (tức quả A Na Hàm).

Ngài thường thích đi chu du khắp các nước lân cận, để hoằng dương Phật pháp, cùng quán sát phong tục nhân tình. Đương thời, sa môn người Tàu là Trí Nghiêm, sang nước Kế Tân, thấy tăng chúng nơi đó tu hành thanh tịnh, nên muốn cầu thỉnh thánh tăng sang đất Tàu. Thầy thường nói:

- Tăng chúng đất Tàu có tâm cầu Phật pháp, nhưng chưa từng gặp được các đại sư chân chánh, nên không thể lãnh hội chánh pháp.

Thầy Trí Nghiêm đi đó đây, hỏi han dân chúng ở nước Kế Tân rằng ai là người có đủ oai đức đạo hạnh để hoằng dương Phật pháp ở Đông Độ. Dân chúng bảo:

- Có một sa môn tên là Phật Đà Bạt Đà La, xuất sanh tại Thiên Trúc, gia thế đời đời tín phụng Phật pháp, ấu niên xuất gia, tinh thông kinh luật, lại đã từng thọ nghiệp với đại thiền sư Phật Đại Tiên.

Đương thời, ngài Phật Đại Tiên cũng bảo Trí Nghiêm:

- Có khả năng tuyên dương Phật pháp, cùng khiến tăng chúng miền Đông Độ được cảm hóa, chỉ có Phật Đà Bạt Đà La.

Do Trí Nghiêm thành tâm khẩn ý thỉnh cầu, Ngài ưng thuận sang hoằng pháp tại Trung Thổ. Lễ bái từ tạ ân sư Phật Đại Tiên xong, Ngài bèn vượt ngọn Thông Lĩnh, du hành qua bao núi sông sa mạc, đi ngang qua sáu quốc gia. Các quốc vương nơi đó đều cúng dường thâm hậu sau khi biết được chí nguyện hoằng dương Phật pháp của Ngài. Ba năm sau, Ngài đến Giao Châu (Việt Nam). Kế đến, Ngài lên thuyền, tiếp tục cuộc hành trình. Lần nọ, trên đường đến Thanh Châu, thuyền tới một hòn đảo. Ngài bèn bảo chủ thuyền:

- Có thể dừng lại nơi hòn đảo này.

Chủ thuyền nói:

- Thuyền đang thuận gió chạy trên biển, không thể dễ dàng dừng lại nơi đây được, vì thời giờ của hành khách rất quan trọng.

Nói xong, chủ thuyền vẫn cho thuyền chạy. Sau hai trăm dặm, chợt gặp cơn giông bão, thuyền bi thổi trở lại hòn đảo đó. Chúng nhơn trên thuyền mới biết tài năng thần dị của Ngài, bèn lễ bái cúng dường, nghe lời chỉ dẫn. Lúc gió thuận thổi đến, chủ thuyền định cho thuyền chạy. Ngài bảo:

- Không thể xuất phát!

Chủ thuyền vì biết thần dị của Ngài, nên bèn nghe theo, chẳng dám khinh xuất khởi hành. Chẳng bao lâu, có tin tức bảo rằng các chiếc thuyền xuất phát ra khơi khi trước, đều bị đắm chìm. Đêm nọ, Ngài chợt bảo chủ thuyền nên khởi hành ra khơi, nhưng ông chẳng chịu nghe lời. Không còn biện pháp nào, một mình Ngài tự trương buồm, cho thuyền chạy ra khơi. Chốc lát sau, những con thuyền trú lại hòn đảo đó đều bị hải tặc đến cướp bóc. Chẳng bao lâu, thuyền đến Thanh Châu, phía đông Lai Quận ở Trung Thổ. Nghe tin ngài Cưu Ma La Thập đã đến Trường An, Ngài bèn tức tốc đến đó bái kiến. Vừa gặp được ngài Phật Đà Bạt Đà La, ngài Cưu Ma La Thập rất vui mừng, rồi cùng nhau đàm luận. Ngài Phật Đà Bạt Đà La hỏi ngài Cưu Ma La Thập:

- Sự giải thích kinh điển của Ngài chẳng có gì là đặc sắc, mà sao lại thu hút được nhiều người, khiến thanh danh vang lừng khắp chốn?

Ngài Cưu Ma La Thập đáp:

- Vì họ có duyên sâu dầy với tôi, nên khiến tôi được cung kính. Tuy nhiên, tài đức của tôi, thật chẳng tương xứng với thanh danh đó.

Mỗi khi có chỗ nghi ngờ nào, ngài Cưu Ma La Thập đều cùng với ngài Phật Đà Bạt Đà La thảo luận giải quyết. Tuy vậy, vì sở tu học uyên thâm sâu cạn bất đồng, và tư tưởng của hai ngài Phật Đà Bạt Đà La và Cưu Ma La Thập cũng khác nhau, khiến thường phát sanh những cuộc tranh luận. Lần nọ, thái tử Hậu Tần là Dao Hoằng thỉnh Ngài thuyết pháp. Tăng chúng hội tụ tại Đông cung để nghe kinh và thảo luận. Bấy giờ, hai ngài Phật Đà Bạt Đà La và Cưu Ma La Thập cùng thảo luận vấn đề 'Cực Vi'. Ngài Cưu Ma La Thập hỏi:

- Tại sao thuyết rằng các pháp vốn là không?

Ngài Phật Đà Bạt Đà La nói:

- Vật chất do vô số cực vi trần (hạt bụi vi tế) hợp thành, mà không có tự tánh, nên đều là không.

- Nếu dùng vô số cực vi trần mà hợp thành vật chất, rồi bảo nó vốn là không, thì làm sao chứng minh là một hạt cực vi trần vốn không có tồn tại?

- Nhiều người trong chúng ta thường thuyết để phá bỏ hạt cực vi trần. Tuy nhiên, tôi không dùng bằng cách đó.

- Thế thì hạt cực vi trần có bất diệt chăng?

- Nhìn về phương diện của một hạt cực vi trần thì thấy nhiều hạt vi trần đều sẽ bị tiêu diệt. Nhìn về phương diện của nhiều hạt cực vi trần thì thấy một hạt vi trần cũng sẽ bị tiêu diệt.

Vài ngày sau, tăng chúng tại Trường An lại thỉnh Ngài thuyết pháp. Ngài bảo:

- Muôn sự muôn vật đều không có tự tánh. Duyên đủ thì chúng mới phát sanh. Vì có một hạt cực vi trần, nên mới có nhiều hạt cực vi trần. Hạt cực vi trần vốn không có tự tánh độc lập, nên đều là không.

Vua Dao Tần thường cúng dường hơn ba ngàn tăng chúng, nên những vị đó có thế lực rất mạnh. Ngược lại, Ngài an phận tịch tĩnh, sống đạm bạc, khác với những tăng sĩ thường phan duyên ra vào nơi chốn quyền quý. Lần nọ, Ngài bảo đồ chúng:

- Ta thấy có năm chiếc thuyền, đồng xuất phát từ Thiên Trúc, mà sẽ đến đây.

Tin này được đồ chúng truyền ra ngoài, khiến tăng chúng ở Trường An đều bảo rằng Ngài nói những lời mê hoặc quần chúng. Tại Trường An, Ngài hoằng dương pháp thiền rộng rãi, khiến các thiền gia khắp nơi nghe thanh danh đều tìm đến tu học. Căn cơ tu học và sở chứng trong các đệ tử của Ngài có sự phân biệt cao thấp, sâu cạn rõ ràng; một số đệ tử dối trá, giả danh của Ngài mà làm những điều xằng bậy. Lần nọ, có một người đệ tử tự bảo rằng đã chứng quả A Na Hàm, mà chưa từng được Ngài ấn chứng. Việc này khiến cho tăng chúng tại Trường An cùng nhau hủy báng Ngài không ngừng. Do sợ tai nạn đến thân, nên đồ chúng của Ngài phải bỏ trốn, phân tán đi hết. Tuy nhiên, Ngài vẫn ung dung tự tại, không chút động tâm. Môn hạ của ngài Cưu Ma La Thập là Đạo Hằng gởi thơ đến cho Ngài, viết:

- Phật chưa từng thuyết pháp mình chứng đắc. Đầu tiên, Ngài tự bảo có năm chiếc thuyền sắp đến nơi đây; thật là điều hư vọng giả dối. Kế đến, đồ chúng lại điên đảo làm mê hoặc quần chúng. Đó là phạm giới đại vọng ngữ, nên không thể lưu lại nơi đây. Xin Ngài hãy mau đi nơi khác.

Ngài bảo:

- Thân Ta nhỏ như bọt bèo, đến đi đều tự tại dễ dàng. Tuy nhiên, chỉ tiếc rằng chí nguyện hoằng dương Phật pháp chưa hoàn thành.

Cùng với hơn bốn mươi người đệ tử là Huệ Quán, v.v..., Ngài rời Trường An, nhưng thần thái vẫn an nhiên tự tại, không chút buồn bã. Người biết tài năng của Ngài đều luyến tiếc, tiễn đưa có trên cả ngàn người.

Nghe Ngài rời khỏi Trường An, vua Dao Hưng hối tiếc không nguôi, nên bảo Đạo Hằng:

- Ngài Phật Đà Bạt Đà La vì nhận trọng trách hoằng dương Phật pháp mà đến Trung Thổ. Lời dạy bảo của Ngài khiến cho người người đều cảm kích, tán thán. Sao chỉ vì một câu nói sai lầm mà khiến quần chúng Phật tử mất đi một đấng tôn sư?

Nói xong, vua Dao Hưng bèn sai sứ giả chạy đuổi theo Ngài, thỉnh cầu trở lại Trường An. Ngài bảo sứ giả:

- Tôi biết rõ ân tình của nhà vua, nhưng tiếc thay không thể tuân theo mạng lịnh.

Ngài bèn dẫn đồ chúng vào nam, đến núi Lô Sơn. Lâu nay đã nghe thanh danh của ngài Phật Đà Bạt Đà La, nên Huệ Viễn bèn vui mừng ra tiếp rước. Huệ Viễn biết rằng chỉ do lỗi ở các môn đệ, mà ngài Phật Đà Bạt Đà La bị bài báng. Bàn về năm chiếc thuyền sẽ đến Trung Thổ, đó chỉ là ý kiến cá nhân chứ không phạm giới luật. Vì vậy, Huệ Viễn bèn viết thơ gởi đến vua Dao Hưng cùng tăng chúng ở Trường An mà giải oan cho Phật Đà Bạt Đà La, rồi cầu thỉnh Ngài vào núi phiên dịch kinh điển thiền pháp. Vốn có chí nguyện hoằng pháp tại miền tây, và không muốn sống ẩn dật một nơi, nên chẳng bao lâu Ngài qua Giang Lăng. Trên đường gặp một chủ thuyền người ngoại quốc, đệ tử của Ngài bèn hỏi han, và biết rõ có năm chiếc thuyền từ Thiên Trúc sang Trung Thổ. Lời này tương hợp với điềm tiên đoán của Ngài khi xưa. Ngài vừa đến Giang Lăng, toàn thể tăng ni sĩ thứ đều canh cánh đua nhau đến lễ bái cúng dường. Tuy nhiên, Ngài không thọ nhận bát cứ lễ vật nào, chỉ ngày ngày mang bình bát khất thực mà không phân biệt nhà sang hèn.

Lưu DụẠ mang quân chinh phạt Lưu Nghị. Quan sử của Lưu Dụ là Viên Báo ở Trần Quận cũng kéo quân đến Giang Lăng. Ngày nọ, Ngài cùng đệ tử Huệ Quán đến dinh thự của Viên Báo khất thực. Do Viên Báo chưa tín phụng Phật pháp, nên đối xử với Ngài và Huệ Quán rất tệ bạc. Ăn chưa no, Ngài và Huệ Quán bèn đứng dậy cáo từ. Viên Báo bảo:

- Các vị chưa ăn xong, sao lại cáo từ?

Ngài bảo:

- Tâm lượng bố thí của ông có giới hạn. Tuy nhiên, Ta đã dùng hết những thức ăn mà ông dọn ra.

Viên Báo bèn sai người đem thêm cơm ra, mà quả nhiên cơm đã hết. Viên Báo cảm thấy thật xấu hổ, hỏi Huệ Quán:

- Vị sa môn đó là người như thế nào vậy?

Huệ Quán bảo:

- Ngài là vị đức dầy cao viễn, mà người phàm phu không thể hiểu rõ được.

Viên Báo cảm kích thần dị của Ngài, nên bẩm tấu với Lưu Dụ. Lưu Dụ bèn sai người thỉnh Ngài đến để tương kiến. Vừa gặp Ngài, Lưu Dụ rất cung kính, cúng dường chu toàn. Trở về kinh sư, Lưu Dự cũng thỉnh Ngài đến Trường An, cư trú nơi chùa Đạo Tràng. Nghi dung của Ngài chân chánh đoan trực, chẳng đồng với phàm nhân, mà chí nguyện cũng thanh cao. Các pháp sư tại kinh đô thường bảo nhau:

- Thiền sư Phật Đà Bạt Đà La tại chùa Đạo Tràng đã đắc được ý trời, thật giống như một vì vua ở cõi Thiên Trúc.

Sa môn Chi Pháp tại Vu Điền thỉnh được một phần của kinh Hoa Nghiêm có ba mươi ngàn câu kệ, mà chưa được phiên dịch. Đến năm 418, nội sử Ngô Quận Mãnh Tiêu, tả vệ quân Trử Thúc Độ lại cầu thỉnh ngài Phật Đà Bạt Đà La phiên dịch. Cùng với hơn một trăm tăng chúng như Pháp Nghĩa, Huệ Nghĩa, Huệ Nghiêm, v.v... Ngài phiên dịch phần đầu của kinh Hoa Nghiêm tại chùa Đạo Tràng. Bản văn dịch rất lưu loát, đạt thấu yếu chỉ của kinh, nên được mọi người tán thán. Điện đường dịch kinh Hoa Nghiêm tại chùa Đạo Tràng, được gọi là điện đường Hoa Nghiêm, để kỷ niệm cho sự dịch kinh được thành tựu.

Những kinh điển do ngài Phật Đà Bạt Đà La phiên dịch như kinh Quán Phật Tam Muội Hải (6 quyển), kinh Niết Bàn, Tu Hành Phương Tiện Luận, v.v... Tổng cộng có mười lăm bộ, một trăm mười bảy quyển. Tất cả đều tương hợp với yếu chỉ của kinh điển, và lời dịch cũng rất lưu loát rõ ràng.

Năm 429, ngài Phật Đà Bạt Đà La viên tịch, thọ bảy mươi mốt tuổi.

Trích từ: Thần Tăng Thiên Trúc