Home > Khai Thị Niệm Phật > Ngai-Bach-Thi-Le-Mat-Da-La-Srimitra
Ngài Bạch Thi Lê Mật Đa La (Srimitra)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ngài Bạch Thi Lê Mật Đa La hay Thi Lê Mật (dịch là Kiết Hữu) vốn là người Tây Vực. Người đương thời thường gọi Ngài là 'Cao Tọa Pháp Sư'. Ngài vốn là thầy của đại phiên dịch gia vào đời Tây Tấn, tức là ngài Trúc Pháp Hộ. Thế thì ngài Thi Lê Mật (hay Trúc Cao Tọa) vĩ đại biết chừng nào! Ngài Thi Lê Mật vốn là hoàng tử nước Tây Vực, nhưng lại nhường vương vị cho người em, rồi âm thầm nghiên cứu Phật pháp, sau lại lãnh hội chánh đạo, nên xuất gia làm sa môn. Ngài có thiên tư cao minh xuất chúng, chẳng đồng với phàm phu.

Đời Tây Tấn Hoài Đế, trong niên hiệu Vĩnh Gia (307 312), Ngài đến Trung Thổ. Đương thời, gặp lúc Ngũ Hồ mười sáu nước đang phân tranh, nên Ngài vượt sông Trường Giang, vào miền nam, đến tạm trú tại chùa Kiến Sơ (trong thành Nam Kinh). Thừa tướng Vương Đạo vừa gặp Ngài bèn cảm thấy đây không phải là kẻ phàm phu, mà nhận là 'Ngã Bối Trung Nhân (người đắc ý nhất)'. Nhờ đó, thanh danh của Ngài vang dội, nên thường qua lại với các quan thần và nhà danh sĩ quý phái, như Dữu Lượng, Chu Dĩ, Tạ Côn, Vương Đôn, v.v...

Người đương thời muốn bình luận về Ngài, nhưng trước sau không có cách gì để nghị luận. Lúc Hoàng Di đem việc này hỏi, Chu Dĩ đáp:

- Ngài Thi Lê Mật là một nhân vật cao siêu thanh thoát.

Hoàn Di cũng bảo:

- Lúc trẻ, tôi đã từng gặp được ngài Thi Lê Mật. Tinh thần của Ngài dồi giàu sung túc; thật là một nhân vật kiệt xuất, khiến người người đều bội phục.

Người gặp Ngài trước nhất là Vương Đạo (267 330). Vương Đạo vốn là trung thần của Tấn Nguyên Đế, Tấn Minh Đế, Tấn Thành Đế, và là tể tướng của Đông Tấn Thành Đế. Lúc Vương Đạo đến nơi trụ xứ của Ngài để thăm viếng, Ngài bèn bỏ y ngoài và quăng xuống đất, rồi nói chuyện với ông ta. Vương Đạo đến chẳng bao lâu thì Biện Khổn cũng đến viếng thăm Ngài. Lúc Biện Khổn sắp đến, Ngài bèn chỉnh đốn dung nghi, ngồi ngay ngắn mà đợi ông ta. Người khác thấy vậy, bèn hỏi tại sao Ngài có cử chỉ khác lạ như thế. Ngài bảo:

- Vương Đạo thích 'phong thần siêu dật'. Biện Khổn thì xem dung nghi mà phán đoán người. Vì vậy, Ta mới có hai thái độ khác nhau.

Do đó, người đương thời tán thán là Ngài biết dùng pháp để thích hợp với căn cơ của người.

Tánh tình của Ngài rất rộng rãi bao dung, không câu nệ tiểu tiết. Lúc đến Trung Thổ, Ngài không học tiếng Tàu, nên người nào muốn đàm luận với Ngài đều phải cần có dịch giả. Tuy nhiên, thường thường không đợi dịch giả phiên dịch, mà Ngài có thể hiểu rõ lời nói của người đối diện, tức là có khả năng biết tâm ý của người đó.

Chu Di (269 322) cũng thường qua lại với Ngài. Chu Di là người có thần thái sáng suốt, phong lưu tài hoa. Chu Di vốn là quan Bộc Xạ, nên thường tuyển chọn nhân tài để đưa vào triều làm quan. Khi mới gặp Ngài, Chu Di bảo:

- Nếu là thời thái bình thạnh trị thì phải tuyển chọn vị hiền nhân này, mà chẳng có ân hận gì!

Sau này Chu Di bị Vương Bân giết, nên Ngài đến nhà phúng điếu, tụng đọc hàng ngàn câu thần chú bằng tiếng Phạn, âm thanh ngân vang thấu suốt thiên đình. Lúc đọc tụng xong, thần sắc của Ngài vẫn an nhiên bình thản, không lộ chút vẻ buồn thương. Đối với những sự vui buồn hay giận tức, Ngài không màng đến. Vương Đạo thường nói:

- Ngoại quốc chỉ có một hiền tài này mà thôi!

Đại tướng quân Vương Xứ Xung nghe Vương Đạo, Chu Di, v.v... đều tán thán Ngài, nên đến bái kiến. Vừa gặp mặt Ngài thì ông ta bèn khởi tâm sùng kính.

Cháu của Vương Đạo là Vương Mẫn đã từng theo học mật chú với Ngài, và thường nghe sa môn Tăng Già Đề Bà giảng kinh. Vương Mẫn thường viết lời tựa cho những loại kinh điển.

Ngài thường tụng đọc thần chú, hiển hiện những điềm linh nghiệm. Trước kia, tại vùng Giang Đông chưa từng có chú pháp. Nhờ Ngài dịch quyển kinh 'Khổng Tước Vương' mà chú pháp mới được giới thiệu đến quần chúng Phật tử. Trong quyển 'Xuất Tam Tạng Ký Tập' ghi hai quyển kinh về Mật chú do Ngài dịch là Đại Khổng Tước Vương Thần Chú, và Khổng Tước Vương Tạp Thần Chú. Ngoài ra, Ngài còn dịch nhiều bộ kinh về Mật giáo. Hiện tại, trong quyển thứ hai mươi mốt của Đại Chánh Tân Tu còn ghi lại mười hai quyển do Ngài phiên dịch như sau: 1/ Phật Thuyết Quán Đảnh Thất Vạn Nhị Thiên Thần Vương Hộ Tỳ Kheo Ny Chú kinh; 2/ Phật Thuyết Quán Đảnh Thập Nhị Vạn Thần Vương Hộ Tỳ Kheo Ny Kinh; 3/ Phật Thuyết Quán Đảnh Tam Quy Y Ngũ Giới Đái Bội Hộ Thân Chú Kinh; 4/ Phật Thuyết Quán Đảnh Bách Kết Thần Vương Hộ Thân Chú kinh; 5/ Phật Thuyết Quán Đảnh Chú Cung Trạch Thần Vương Thủ Trấn Tả Hữu Kinh; 6/ Phật Thuyết Quán Đảnh Trủng Mộ Nhân Duyên Tứ Phương Thần Chú Kinh; 7/ Phật Thuyết Quán Đảnh Phụ Ma Phong Ấn Đại Thần Chú Kinh; 8/ Phật Thuyết Quán Đảnh Ma Ni La Đản Đại Thần Chú Kinh; 9/ Phật Thuyết Quán Đảnh Triệu Ngũ Phương Long Vương Nhiếp Dịch Độc Thần Chú Thượng Phẩm Kinh; 10/ Phật Thuyết Quán Đảnh Phạm Thiên Thần Sách Kinh; 11/ Phật Thuyết Quán Đảnh Tùy Nguyện Vãng Sanh Thập Phương Tịnh Độ Kinh; 12/ Phật Thuyết Quán Đảnh Bạt Trừ Quá Tội Sanh Tử Đắc Độ kinh.

Đến đời Đông Tấn Thành Đế, trong niên hiệu Hàm Khang (334 342) Ngài nhập tịch, thọ hơn tám mươi tuổi. Vì Ngài đã từng tu hạnh đầu đà tại Thạch Tử Võng, nên thi thể được an táng tại nơi đó. Dân chúng đương thời nghe Ngài nhập tịch, rơi lệ thương tiếc. Ngưỡng mộ công đức giáo hóa của Ngài, vua Tấn Thành Đế dựng tràng phan nơi phần mộ. Sau này, có một vị sa môn ngoại quốc sang Kinh Sư, rồi lập chùa ngay nơi phần mộ của ngài Thi Lê Mật. Tạ Côn ở Trần Quận hỗ trợ tiền tài để xây chùa; để ghi nhớ công nghiệp của ngài Thi Lê Mật, ngườI sau gọi ngôi chùa đó là Cao Tọa Tự.

Trích từ: Thần Tăng Thiên Trúc