Ngài Chi Lâu Ca Sấm (Lokaraksa), Nhà Dịch Giả Kinh Điển Đại Thừa
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Thời Đông Hán, tiếp tục sự nghiệp phiên dịch của ngài An Thế Cao có các ngài Chi Lâu Ca Sấm, An Huyền, Trúc Sóc Phật, Nghiêm Phật Điều, v.v...

Thời đại Tần và Hán, nước Đại Nhục Chi tung hoành tại Trung Á, khống chế vùng bắc bộ A Phú Hãn, Kiền Đà La, v.v... Nhà đại dịch giả đầu tiên từ nước Đại Nhục Chi đến Trung Thổ là ngài Chi Lâu Ca Sấm, gọi tắt là Chi Sấm. Tánh tình của Ngài hoạt bát minh mẫn; suốt đời tu hành nghiêm thủ giới luật, không vượt ngoài giới pháp một ly tấc; tinh cần tụng trì bao kinh điển; cả đời lấy chí nguyện hoằng dương Phật pháp làm trọng trách.

Ngài đến Lạc Dương vào những năm cuối cùng của Hán Hoàn Đế (147 167). Trong thời Linh Đế Quang Hòa, niên hiệu Trung Bình (178 190), Ngài chuyên phiên dịch kinh điển. Tuy vậy, tiểu sử về cuộc đời của Ngài rất là đơn giản; thậm chí nhập tịch vào niên đại nào, tại nơi nào, cũng không rõ. Y cứ theo 'Tam Tạng Ký', ngài Chi Sấm phiên dịch mười ba bộ kinh, và hai mươi bảy quyển như sau: 1/ Kinh Thủ Lăng Nghiêm (2 quyển); 2/ Ban Chu Tam Muội (1 quyển); 3/ Bát Nhã Đạo Hạnh Phẩm (10 quyển); 4/ Truân Chân Đà La Ni (2 quyển); 5/ Phương Đẳng Bộ Cổ Phẩm Viết Di Nhật Thuyết Bát Nhã (1 quyển); 6/ Quang Minh Tam Muội (1 quyển); 7/ A Xà Thế Vương (2 quyển); 8/ Bảo Tích (1 quyển); 9/ Vấn Tự (1 quyển); 10/ Hồ Bát Nhã Nê Hoàn (1 quyển); 11/ Suất Sa (1 quyển); 12/ A Xà Phật Quốc (1 quyển); 13/ Bột Bổn (2 quyển); 14/ Nội Tạng Bách Phẩm (1 quyển).

Ngài An Thế Cao phần nhiều chuyên dịch về kinh điển Tiểu Thừa. Phần đặc sắc của ngài Chi Sấm là chuyên dịch về kinh điển Đại Thừa. Lý do có sự khác biệt này là vì vào đương thời, tại nước An Tức của ngài An Thế Cao, Phật giáo Tiểu Thừa rất hưng thạnh, còn tại nước Đại Nhục Chi của ngài Chi Sấm thì Phật giáo Đại Thừa lại phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, ngài Trúc Sóc Phật chỉ mang kinh điển Đại Thừa từ Tây Vực sang Trung Thổ, rồi truyền lại cho ngài Chi Sấm phiên dịch. Ảnh hưởng đến hậu thế mạnh mẽ nhất là bản kinh Đạo Hạnh Bát Nhã do ngài Chi Sấm phiên dịch. Dĩ nhiên, cách thiền quán trong kinh Thủ Lăng Nghiêm không đồng quan điểm cách hành thiền trong các bộ kinh Tiểu Thừa do ngài An Thế Cao dịch, vì bộ kinh này thuyết minh thiền quán của Đại Thừa. Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội là bộ kinh mà ngài Chi Sấm dịch trước nhất. Trong đời Ngụy và Tấn, thiền quán Đại Thừa đã được lưu hành, nên sứ mạng phiên dịch kinh điển Đại Thừa của ngài Chi Sấm rất quan trọng. Cái khó của dịch giả là sự vận dụng văn tự. Ngài thường không câu nệ nơi lời văn trau chuốt, mà chỉ cầu dịch toát được ý kinh.

Vị tăng có mối quan hệ mật thiết với ngài Chi Sấm là ngài Trúc Sóc Phật. Đời Hán Linh Đế, Quang Hòa năm thứ hai (179), ngài Trúc Sóc Phật mang kinh điển đến Lạc Dương, và cùng với ngài Chi Sấm bắt tay vào sự nghiệp phiên dịch kinh điển. Theo sử viết thì vào rằm tháng chín năm 179, ngài Trúc Sóc Phật khẩu truyền đọc kinh Đạo Hạnh và Ban Chu Tam Muội; ngài Chi Sấm phiên dịch; thị giả là Nam Dương Trương Thiếu An, Nam Hải Tử Bích. Người trợ giúp là Tôn Hòa, Chu Đề Vị.

Ngoài ngài Trúc Sóc Phật ra, ngài Chi Sấm còn có mối quan hệ mật thiết với ngài Chi Diệu, vốn là một tăng sĩ của nước Đại Nhục Chi. Ngài Chi Diệu cũng dịch được một quyển kinh Thành Cụ Quang Minh Tam Muội, mà bộ kinh này cũng đồng với kinh Quang Minh Tam Muội do ngài Chi Sấm dịch. Theo Huệ Kiểu trong quyển Cao Tăng Truyện thì ngài Chi Diệu dịch kinh A Na Luật Bát Niệm, Tiểu Đạo Địa, Thành Cụ Quang Minh Định Ý, Mã Hữu Tam tướng, Mã Hữu Bát Thái Dụ Nhân, v.v...

Ngoài ra, có hai nhà dịch giả cũng từ nước Đại Nhục Chi đến Đông Độ là Chi Việt và Chi Lượng. Chi Việt cũng được gọi là Chi Cung Minh. Trong thời đông Hán Linh Đế, người cha đã đến Trung Thổ, nên ngài Chi Việt xuất sanh tại Đông Độ. Do đó, ngài Chi Việt đã sớm thông thạo tiếng Tàu. Tuy đã từng gặp ngài Chi Sấm, nhưng không thể thờ làm thầy, mà chỉ y theo đệ tử của ngài Chi Sấm là Chi Lượng mà học đạo; có lẽ vì lúc đó ngài Chi Sấm đã già hay sắp viên tịch.

Ngài Chi Việt tài hoa xuất chúng, thông suốt thâm sâu nội điển và ngoại điển. Ngài Chi Việt dịch kinh rất lưu loát, uyển chuyển, và đạt được ý kinh. Vì loạn lạc sau đời Đông Hán, ngài Chi Việt vào nam đến nước Ngô. Từ năm 139 đến năm 153, ngài Chi Việt dịch được mười quyển kinh.

Trong thời Hán Linh Đế, xuất thân từ nước An Tức cùng với ngài An Thế Cao là An Huyền. Ông vốn là ưu bà tắc, tánh tình ngay thẳng, nghiêm túc thủ trì năm giới tại gia, uyên bác thông suốt rất nhiều kinh điển. Cuối đời Hán Linh Đế, niên hiệu Quang Hòa thứ tư (181), ông đến Lạc Dương. Vì cần người giao dịch, nên ông được ban chức Kỵ Đô Úy. Tánh tình của ông rất hòa nhã, thường lấy việc hành trì Phật pháp hằng ngày làm bổn phận sự. Dần dần biết tiếng Hán, nên ông nỗ lực tuyên giảng kinh điển Phật pháp, và thường cùng với các vị sa môn đàm luận. Những Phật tử tu theo pháp Đại Thừa đều gọi ông là Đô Úy Huyền.

An Huyền đã từng cùng với Nghiêm Phật Điều dịch kinh Pháp Kính. Kinh Pháp Kính này do An Huyền đọc từ tiếng Phạn chuyển sang tiếng Hán, rồi do Nghiêm Phật Điều nhuận sắc, nên văn dịch rất hay, mà người đời sau thường tán thán.

Nghiêm Phật Điều là người đã giúp An Huyền dịch kinh Pháp Kính. Vốn là người An Huy, Nghiêm Phật Điều thuở ấu thơ rất hiếu học, và lòng tín thành cùng trí huệ đều đầy đủ. Sau này xuất gia tu học, làm đệ tử của ngài An Thế Cao. Theo lịch sử Phật giáo Trung Quốc thì thầy Nghiêm Phật Điều là người Tàu xuất gia đầu tiên nhất. Nghiêm Phật Điều cũng thường chú trọng vào việc phiên dịch kinh điển. Người đương thời đều xưng tán ba nhà dịch giả: An Thế Cao, An Huyền, Nghiêm Phật Điều. An Huyền xưng tán Nghiêm Phật Điều dịch kinh như sau:

- Thầy Nghiêm Phật Điều dịch kinh, khiến người đọc tỏ ngộ mà không còn phiền lụy. Văn dịch rất tinh tường diệu xảo.

Ngài Khương Tăng Hội tán thán An Huyền và Nghiêm Phật Điều trong bài tựa về kinh Pháp Kính: "Hai vị hiền giả Kỵ Đô Úy An Huyền và Lâm Hoài Nghiêm Phật Điều vào tuổi tráng niên, chí hướng hoằng dương sự nghiệp của thánh hiền; lời lẽ sâu xa, tận cùng ý thần, đạt mối u huyền; vì thương cho thế nhân mù lòa mê muội, không biết đến đại Pháp, nên cả hai vận dụng hết mọi tư tưởng để phiên dịch quyển kinh mẫu mực này. Đô Úy khẩu trần thuật. Nghiêm Phật Điều thọ bút".

Cuối đời Hậu Hán, giữa các nhà dịch giả có Nghiêm Phật Điều là người chú mục kinh điển. Quyển 'Sa Di Thập Huệ Chương Cú' vốn do ngài An Thế Cao dịch chưa xong, nên đệ tử của Ngài là Nghiêm Phật Điều tiếp tục dịch cho đến khi hoàn tất.

Ngoài ra, trong đời Hán Linh Đế, còn có các nhà dịch giả như Chi Diệu (sa môn của nước Đại Nhục Chi), Khương Cự (người nước Khương Cư), Khương Mạnh Tường (người nước Khương Cư). Chi Diệu dịch quyển kinh Thành Cụ Định Ý Tiểu Bổn Khởi, v.v... tại Lạc Dương. Khuơng Cự dịch kinh Vấn Địa Ngục Sự vào năm 187; lời văn chỉ thẳng vào bổn ý chỉ của kinh, không gia sức nhuận sắc. Khương Mạnh Tường cùng với Trúc Đại Lực (người Thiên Trúc) dịch quyển Trung Bổn Khởi và Đạo Hạnh Khởi vào năm 199. Hai quyển kinh bằng tiếng Phạn này vốn do sa môn Đàm Quả thỉnh tại nước Ca Duy La Vệ.

Sau khi nhà Hậu Hán mất, nước Tàu phân thành ba nước: Ngụy, Thục, Ngô. Vào thời đó, ở phía bắc, trung tâm Phật giáo là Lạc Dương. Trung tâm Phật giáo ở phía nam là Kiến Nghiệp (Nam Kinh). Đó là hai nơi mà các nhà dịch giả từ Thiên Trúc và Tây Vực thường lui tới. Theo quyển 'Khai Nguyên Lục' thì các nhà dịch giả tại nước Ngụy như: 1/ Ngài Đàm Kha Ca La, nguời trung Thiên Trúc, đến Trung Thổ vào đời Tào Ngụy, niên hiệu Gia Bình thứ hai (250); 2/ ngài Khương Tăng Khải, người Thiên Trúc, đến Trung Thổ vào đời Tào Ngụy, niên hiệu Gia Bình thứ tư (252); 3/ ngài Đàm Vô Đế, người nước An Tức, đến Trung Thổ vào đời Tào Ngụy, niên hiệu Chánh Nguyên nguyên niên (254); 4/ ngài Bạch Diên, người Tây Vực, đến Trung Thổ vào đời Tào Ngụy, niên hiệu Cam Lộ thứ ba (258); 5/ ngài An Pháp Hiển, người Tây Vực, đến Trung Thổ vào đời Tào Ngụy (không rõ niên đại).