Home > Khai Thị Niệm Phật
Dùng Phương Pháp Khoa Học Để Chứng Minh Rằng Con Người Có Kiếp Trước
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng, Việt Dịch


Gần đây, ở phương Tây cũng như phương Đông, có rất nhiều người dùng phương pháp khoa học để chứng minh rằng con người có kiếp trước. Có kiếp trước đương nhiên có kiếp sau. Từ xưa đến nay, Đông cũng như Tây, có rất nhiều phương pháp phán đoán tướng mạng, căn cứ vào khoa toán số, suy luận ra số phận cuộc đời của một cá nhân nào đó sẽ được giàu sang hay bần cùng, gặp phước hay họa… Không những người ta chỉ căn cứ vào lý luận, mà còn căn cứ vào sự thật thực tế. Từ cá nhân, gia đình, cho đến xã hội, những thay đổi, tốt xấu, họa phước, đều có thể dự đoán một cách dễ dàng. Tuy nhiên, dù cố gắng đến bao nhiêu, những lý giải rõ ràng, chính xác đến đâu, cũng không thể bằng những lời đức Phật dạy được ghi chép lại trong ba tạng kinh điển.

Những gì đức Phật dạy cho chúng đều được Ngài nhận thức bằng hiện lượng, không phải như những suy đoán của người đời. Người đời căn cứ vào phương pháp lý luận và số học, đó là những nhận thức tỷ lượng. Nhận thức hiện lượng có được nhờ thiền định sâu sắc. Lấy công phu thiền định để khám phá không gian, cho nên có thể thấy được quá khứ, hiện tại, vị lai bằng chính con mắt trí tuệ của mình. Chư Phật và Bồ tát có được năng lực này. Đức Phật dạy chúng ta, nếu như có thể tu tập thiền định, thì có thể khôi phục lại tự tánh bản tâm thanh tịnh của mình, chúng ta cũng có được năng lực ấy. Đức Phật cho rằng, năng lực ấy vốn là bản năng của tất cả chúng sanh. Chỉ vì chúng ta đã đánh mất bản tâm thanh tịnh, cho nên năng lực ấy tạm thời bị những thứ vọng tưởng, chấp trước… che lấp, làm cho nó không thể biểu hiện được. Chỉ cần chúng ta dập tắt vọng tưởng, bỏ tâm tham muốn, thì năng lực ấy tự nhiên được khôi phục, và chúng ta cũng có thể thấy được sự thật chân tướng của vũ trụ và nhân sinh.

Chỉ khi nào có trí tuệ giác ngộ triệt để con người mới có khả năng nắm vững vận mệnh của mình, mới có thể hiểu biết một cách chính xác về mối quan hệ nhân quả giữa con người với sự vật, hiện tượng, mới thấy được giữa thế giới và tất cả mọi loài chúng sanh có sự tương quan mật thiết đến mức độ nào. Bỏ qua những xung đột không cần thiết, sẽ đạt được một cuộc sống cùng tồn tại, cùng phát triển, hạnh phúc, an lạc mỹ mãn.

Đây không phải là điều mê tín, mà là trí tuệ chân thật, là điều mà trong tâm niệm của một người học Phật luôn mong cầu và hy vọng đạt được. Nhưng tại sao rất nhiều người học Phật không đạt được nguyện vọng này? Bởi vì đã dùng cái tâm phan duyên, tức là cái tâm theo ngoại cảnh. Chúng ta mỗi niệm đều mong cầu, mỗi niệm đều hy vọng đạt được, tâm niệm này chính là cái tâm phan duyên. Chính cái tâm niệm này đã làm chướng ngại. Cho nên, chúng ta có nguyện, có cầu, nhưng không nên có tâm cầu nguyện (sự chứng đắc), điều này chúng cần phải hiểu rõ.

Từ bỏ tất cả mọi tâm niệm mong cầu, phan duyên, thì tâm của chúng ta mới thanh tịnh. Tâm đã được thanh tịnh thì tự nhiên trí tuệ chân thật phát huy tác dụng, khi ấy không có điều gì là không biết, không năng lực nào mà không đạt được, như vậy mới có thể giải quyết được vấn đề sanh tử luân hồi. Giống như trong kinh Kim Cương đã nói, là phải lìa tứ tướng(1). Những nguyện cầu, mặc dù trong nhà Phật thường nói hữu cầu tất ứng, nhưng những điều mong cầu phải như lý, như pháp. Như lý như pháp thì trong kinh Kim Cương đã dạy rất rõ, rất đơn giản, dễ hiểu, đó chính là "không bị vướng kẹt vào hình danh sắc tướng, như như bất động". Đó chính là "đừng ở vào bất cứ chỗ nào mà sanh tâm ra". Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta chỉ cần sống với một pháp như vậy thì tự nhiên có được tự do lớn, giác ngộ viên mãn.

Cái khó nhất của vấn đề học Phật là ở chỗ này: chúng ta luôn có tâm phân biệt, có tâm chấp trước, cho nên rất khó có thể buông bỏ tất cả một cách triệt để, đây là chướng ngại căn bản nhất của người tu. Chúng ta phải nhận thức và hiểu rõ điều này để quyết tâm buông bỏ. Một khi chướng ngại đã được dẹp bỏ thì những điều chúng ta kỳ vọng tự nhiên hiển hiện trước mắt. Công đức và lợi ích không thể nghĩ bàn. Những lời đức Phật dạy mỗi câu mỗi chữ đều chân thật. Cho nên, đến hôm nay chúng ta cũng có thể tu tập và thân chứng được. Đây gọi là "tín, giải, hành, chứng" (tin, hiểu, thực hành và chứng đắc).