Home > Học Phật Căn Bản
Khuyên Nhủ Dẫn Dắt
Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch


Gồm có bốn phần: Thuật ý, Dẫn chứng, Phát tâm tin tưởng, nghiệp nhân.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Than ôi! Giàu nghèo không chắc chắn, sang hèn chẳng bền lâu, giống nước lửa đắp đổi, nóng lạnh tiếp nhau. Thế nên, thấy có kẻ tiền nhiều nhà ấm, áo rộng ăn uống no đủ, không mệt nhọc kiếm tìm, tự nhiên có được; lại có kẻ nghèo nàn khổ sở, đói khát rách bươm vất vả bon chen, thức khuya dâïy sớm, hình hài trở nên gầy gò, tinh thần đâm ra khốn quẩn. Nếu kiếm được đôi chút, cũng bị phân tán trăm đường. Suốt ngày cầu mong dư dả, nhưng không thể được. Vì cảnh khổ này, mới khuyên nhủ bố thí rộng rãi, cố gắng tu phúc. Như có người mặc áo hồ cừu, trang sức lộng lẫy, đẹp đẻ thơm tho, bốn mùa thay đổi, ăn mặc theo thời, không hề thiếu thốn; nhưng cũng có người một tấc không lành, nửa mảnh rách nát, đen đủi dơ bẩn, hôi hám thối tha. Nóng nực không biết vải thưa, giá rét không hay len nỉ, thậm chí lộ liễu thân thể, chổ kín nam nữ không che. Chẳng những đáng nhục nhã, còn phải đáng thẹn thùng! Nếu thấy cảnh khổ này, há không nên tránh? Vậy mới khuyên nhủ tu phúc, bố thí y phục, thậm chí phòng ốc. Lẽ nào không thấy mọi người đều có, riêng ta lại không? Vì thế, cần phải dũng mãnh tu tập. Như thấy có người ăn toàn món ngon cao lương mỹ vị, ngồi thì bàn chồng ghế xếp, nệm kép chiếu đôi, thơm tho sực nức, nhưng cũng có người cơm lức không no, canh rau vẫn thiếu, hạt muối múi chanh không có, cá thịt hiếm hoi, thậm chí ngày nhịn ngày ăn, cháo hồ đổi bữa, rau quả chêm thêm. Ốm ong vàng võ, khốn đốn khó qua. Nếu thấy cảnh khổ này, há không nên tránh? Vậy mới khuyên nhủ tu phúc, bố thí đồ uống thức ăn. Lẽ nào mọi người đều đầy đủ, riêng ta lại chịu khốn khó? Vì thế, cần phải dũng mãnh tu tập. Như có người địa vị hiển vinh, ngựa xe giong ruổi, mặc sức tự do. Đi thì Trời người chiêm ngưỡng, đứng thì quỷ thần nể vì; nhưng cũng có người thấp kém hèn hạ, không ai đếm xỉa, dở sống dở chết bên bãi sình lầy hay giữa đống đất nát. Dẫu mở miệng kêu ca, chỉ bị roi đòn khổ sở. Không những quỷ thần khinh miệt, thậm chí còn bị chó dữ cắn vồ. Nếu thấy cảnh khổ này há không nên tránh? Vậy mới khuyên nhủ tu phúc, dứt bỏ ngã mạn, giữ lòng khiêm nhượng. Lẽ nào mọi người luôn luôn sang quý, riêng ta chịu mãi đê hèn? Vì thế, cần phải dũng mãnh tu tập. Như thấy có người tướng mạo trang nghiêm, nói năng lưu loát, rộng lượng giúp người, nhân từ bác ái, lời không hại vật; nhưng cũng có người mặt mày xấu xí, lời nói hiểm cay, chỉ biết bo bo ích kỷ, chẳng nghĩ đến ai. Người kia nhẫn nhục nên được quả lành, kẻ này sâu độc nên chịu ác báo. Nếu thấy cảnh khổ này, há không nên tránh? Vậy mới khuyên nhủ tu phúc trừ bỏ giận hờn, giữ lòng nhịn nhục. Lẽ nào mọi người thường ở cõi tốt lành, riêng ta mãi chịu xa lìa tịnh cảnh? Vì thế, cần phải dũng mãnh tu tập. Như lại có người tâm sức cang cường, ít mang bệnh tật, tinh tiến hành đạo, không bị cản ngăn; nhưng cũng có người ốm yếu hay đau, khí chất bạc nhược, cử động không nổi, nằm ngồi không yên. Thấy cảnh xấu này, phải mau xa bỏ. Vậy mới khuyên nhủ tu phúc, bố thí thuốc men, kịp thời cứu giúp. Lẽ nào mọi người đều khỏe mạnh, riêng ta lại chịu đau ốm triền miên? Vì thế, cần phải dũng mãnh tu tập. Mọi cảnh ngộ trên đây, đều đáng đem tâm khuyên nhủ. Nếu không, sẽ trở nên những người tu học không chút tinh tiến.

Thứ hai: PHẦN DẪN CHỨNG

Như kinh Niết bàn nói: “nhà cửa như lao ngục, vợ con như gông cùm, của tiền như gánh nặng, thân thích như oan gia. Tuy thế, suốt ngày đêm sáu thời, biết giữ giới hành lễ, ba tháng hạ trong năm giữ đúng sáu phép chay kiêng, muối dưa đạm bạc, kiểm điểm ba nghiệp thân khẩu ý, không buông lung phóng túng theo ngoại duyên, tôn sùng xuất thế, hâm mộ Phật pháp, không để lổi lầm thiếu sót, đúng phép nằm ngồi. Đêm quán tưởng lý sáng suốt, ngày tư suy phép thanh tịnh, kính trọng Sa môn, xót thương muôn vật, nếu thực hành như thế, dẫu ở thế gian, vẫn siêu thoát mọi khổ nan”. Thế nên, kinh có nói rằng: “Khi sắp vào thời mạt pháp, kẻ tại gia biết hộ pháp tu thiện, sẽ được sinh lên cõi Trời, giống như tuyết rơi tỏa giữa không trung. Tỳ kheo phá giới sẽ bị đọa vào đường ác, giống như mưa đổ xuống từ Trời. Phải biết rằng trong khổ biết tu phúc, phúc sẽ to lớn vô cùng; trong phúc gây tội, tội sẽ rất nặng. Vì thế, từ khổ vào vui, chưa biết lạc thú của vui; từ vui vào khổ, mới biết cay chua của khổ”. Lời trên rất đáng chiêm nghiệm, xin hãy suy xét kỹ càng.

Lại nữa, kinh Pháp cú dụ có kệ rằng:

“Nóng sốt không gì bằng dâm dục.

Độc địa không gì bằng sân giận.

Đau khổ không gì bằng có thân.

An vui không gì bằng tịch diệt”.

Đức Phật nói kệ xong, bảo các Tỳ kheo: “Vào vô lượng kiếp xa

xưa, có Tỳ kheo tên là Tinh Tiến Lực ngồi tìm đạo dưới gốc cây trong chổ núi non. Bấy giờ có bốn con thú hầu hạ hai bên rất hiền lành: một là nai, hai là quạ, ba là rắn độc và bốn là bồ câu. Bốn con thú này ban ngày chia nhau đi kiếm mồi sinh sống, chiều đến, tìm về ở chung với nhau. Một đêm, bốn con hỏi nhau: “Trên đời, khổ nào nặng nhất?” Quạ đáp: “Khổ nhất là đói khát. Khi đói khát, thân yếu mắt mờ, tâm thần không ổn. Lao vào lưới bẫy, không kịp thấy chĩa nhọn. Bọn ta mất mạng đều do đói khát gây ra, nên mới nói đói khát là khổ nhất đời”. Bồ câu đáp: “Khổ nhất là dâm dục. Khi lửa dục bừng lên, không kịp suy nghĩ. Thân nguy mạng mất đều do dâm dục gây ra”. Rắn độc bảo: “Khổ nhất là giận dữ. Một khi ác tâm nổi dậy, không kể đến thân sơ, có thể giết người mà cũng có thể tự giết lấy bản thân”. Nai bảo: “Khổ nhất là sợ hãi. Khi ta đứng giữa rừng, luôn luôn giật mình sợ hãi. Sợ hãi thợ săn, sợ hãi cả đến chó sói. Nghe mơ hồ có tiếng động, liền cắm đầu chạy trốn vào chốn hang sâu. Sợ hãi đến nỗi mẹ con lạc nhau, ruột gan tan nát. Vì thế mới nói sợ hãi là khổ nhất đời”. Tỳ kheo nghe bọn thú nói xong, liền đáp rằng: “Lời bàn luận của các ngươi chỉ nhắm đến phần ngọn, chưa đạt được phần gốc sâu xa của khổ đau. Khổ đau trên thế gian, không có gì nặng bằng có thân. Thân là vật chịu mọi khổ đau lo sợ vô cùng. Vì vậy, ta đã lìa bỏ thế gian để xuất gia cầu đạo, tiêu diệt mọi dục vọng, mơ tưởng, không tham lam vật chất để trừ bỏ gốc khổ, hướng đến tịch diệt an vui. Phải biết rằng thân chính là nguồn gốc của mọi khổ đau”. Do đó, sách thế gian cũng nói rằng: “Hoạn nạn lớn lao không gì bằng có thân”.

Thứ ba: PHẦN PHÁT TÂM TIN TƯỞNG

Như Kinh Na tiên Tỳ kheo vấn Phật nói: “Bấy giờ, vua Di lan hỏi Tỳ kheo La hán Na tiên rằng: “Người thế gian làm ác, khi lâm chung niệm Phật, sẽ được sinh lên cõi Trời. Ta không tin điều này!” Nhà vua lại hỏi thêm: “Giết một mạng người, khi chết sẽ bị đọa xuống địa ngục. Ta cũng không tin điều này!” Tỳ kheo Na tiên hỏi lại nhà vua: “Nếu có người đem viên đá nhỏ đặt lên mặt nước, viên đá sẽ chìm hay nổi?” Nhà vua đáp: “Viên đá sẽ chìm”. Tỳ kheo hỏi thêm: “Nếu đem hàng trăm viên đá lớn chất xuống thuyền, thuyền có chìm không?” Nhà vua đáp: “Không chìm”. Bấy giờ Tỳ kheo mới giải thích: “Trong thuyền tuy có hàng trăm viên đá, nhưng nhờ sức chở, nên thuyền không chìm. Cũng thế, người kia tuy có tội, nhưng nhờ công đức một lần niệm Phật, nên không bị đọa xuống địa ngục mà được sinh lên cõi Trời. Chuyện hiển nhiên như thế, tại sao nhà vua lại không tin?Viên đá nhỏ kia chìm xuống, cũng giống như người làm ác, không biết Phật pháp, khi chết đi, sẽ bị đọa xuống địa ngục. Tại sao nhà vua lại không tin?” Nhà vua khen rằng: “Hay thay, hay thay!” Tỳ kheo lại bảo: “Nếu có hai người cùng chết, một người được sinh lên cõi Trời Phạm thiên thứ bảy, một người sinh vào nước Kế tân. Hai người này tuy sống gần xa khác nhau, nhưng cái chết đến cùng một lúc. Giống như cặp chim đang bay. Một con đậu trên ngọn cây cao, một con đậu trên ngọn cây thấp. Khi cả hai cùng bay, bóng của chúng đều in trên mặt đất”. Tỳ kheo bảo thêm: “Nếu người ngu làm ác, sẽ chịu quả báo lớn; người trí làm ác, sẽ chịu quả báo nhỏ. Giống như nung sắt trên đất, một người biết sắt nung nóng, một người không biết sắt nung nóng. Cả hai người đều đụng vào sắt, người không biết sắt nung nóng sẽ bị phỏng nặng hơn người biết sắt nung nóng. Làm ác cũng thế, người ngu không biết ăn năn, nên sẽ chịu quả báo nhiều hơn. Người trí lỡ làm ác, biết là điều không nên làm, nên hằng ngày ăn năn hối lổi. Vì vậy, quả báo sẽ ít hơn”.

Lại nữa, kinh Tứ phẩm học nói: “Kẻ phàm phu đôi khi không bằng được súc sinh. Súc sinh đôi khi còn hơn hẳn người. Tại sao? Vì có người làm ác không ngừng, khi chết sẽ bị đọa xuống địa ngục. Hết tội mới làm ngạ quỷ. Ngạ quỷ hết tội, chuyển làm súc sinh. Súc sinh hết tội mới trở lại làm người. Vì phải ở trong đường súc sinh đến khi hết tôi mới được trở lại làm người, nên cần làm việc thiện, phụng thờ Tam bảo, xa lìa mãi mãi ba đường ác, hưởng thụ phước báo ở cõi Trời người và sau này được vĩnh viễn giải thoát”.

Lại nữa, Kinh Tứ thập nhị chương nói: “Đức Phật bảo: “Thế gian có năm điều khó: 1 Nghèo nàn mà bố thí là khó. 2 Giàu sang mà học đạo là khó. 3 Giữ tính mạng không chết là khó. 4 Gặp được kinh Phật là khó. 5 Được sinh vào đời có đức Phật là khó”.

Lại nữa, Kinh tạp thí dụ nói: “Trên thế gian có mười tám điều rất khó: 1 Gặp đời có đức Phật rất khó. 2 Giả sử gặp đời có đức Phật, được sinh làm người rất khó. 3 Giả sử làm người, được sinh vào nước trung tâm rất khó. 4 Giả sử ở nước trung tâm, được sinh vào nhà quý tộc rất khó. 5 Giả sử sinh vào nhà quý tộc, có đủ tứ chi và lục tình rất khó. 6 Giả sử đầy đủ tứ chi và lục tình, (lục căn) có tài sản rất khó. 7 Giả sử có tài sản, gặp được thấy bạn tốt rất khó. 8 Giả sử có thấy bạn tốt, được đầy đủ trí tuệ rất khó. 9 Giả sử đầy đủ trí tuệ, có thiện tâm rất khó. 10 Giả sử có thiện tâm, biết bố thí rất khó. 11 Giả sử biết bố thí, muốn gặp được người hiền thiện có đức rất khó. 12 Giả sử người hiền thiện, gặp được bậc có đạo đức tìm đến rất khó. 13 Giả sử bậc có đạo đức tìm đến, được thích hợp rất khó. 14 Giả sử thích hợp, được nghe thuyết pháp rất khó. 15 Giả sử được nghe thuyết pháp, có trí tuệ hiểu đúng rất khó. 16 Giả sử có trí tuệ hiểu đúng, thọ trì kinh điển cao siêu rất khó. 17 Giả sử thọ trì kinh điển cao siêu, tu hành theo đó rất khó. 18 Giả sử thọ trì kinh điển cao siêu, theo đó tu hành, chứng được Thánh quả rất khó. Ấy là mười tám điều rất khó trên thế gian”.

Thứ tư: PHẦN NGHIỆP NHÂN

Kinh Phật thuyết thái tử Loát hộ nói: “Thái tử Loát hộ của Quốc vương A xa thế bạch đức Phật rằng: “Do nhân duyên nào Bồ tát có diện mạo trang nghiêm? Do nhân duyên nào không thụ thai trong bụng mẹ mà hóa sinh trên hoa sen? Do nhân duyên nào biết được tiền kiếp?”

Đức Phật bảo thái tử: “Nhờ nhẫn nhục nên có diện mạo trang nghiêm, không dâm dục nên hóa sinh và bảy ngày sau, biết rõ được vô số kiếp trước”.

Lại do nhân duyên nào có ba mươi hai tướng tốt? Lại do nhân duyên nào có 80 vẻ đẹp? Lại do nhân duyên nào khiến người chiêm ngưỡng sắc tướng của Bồ tát không hề sinh chán nản?”

Đức Phật bảo thái tử: “Do Bồ tát hoan hỷ bố thí các phẩm vật cần thiết cho chư Phật, Bồ tát, sư trưởng, cha mẹ và chúng sinh nên có ba mươi hai tướng tốt. Do Bồ tát có lòng Từ bi thương xót các chúng sinh thuộc loài thân thể yếu mềm khắp mười phương giống như con mình và muốn siêu độ tất cả, nên có được 80 vẻ đẹp. Lại xem kẻ oán thù như cha mẹ ruột, không khác chút nào, nên được người chiêm ngưỡng không hề chán nản”.

Lại do nhân duyên nào có trí tuệ hiểu thấu ý nghĩa của kinh điển cao siêu và thực hành phép đà la ni để ghi nhớ không quên? Lại do nhân duyên nào biết được đại định Tam muội khiến tâm ý an ổn? Lại do nhân duyên nào khiến lời hiền thiện của Bồ tát được mọi người hoan hỷ thọ trì?”

Đức Phật bảo thái tử: “do Bồ tát thường sao chép, thọ trì học hỏi đọc tụng kinh điển nên có trí tuệ hiểu rõ ý nghĩa cao siêu và thực hành phép đà la ni để ghi nhớ không quên. Lại thường chuyên tâm Thiền định nên chứng được phép Tam muội yên vui. Lời nói rất thành thật nên được mọi người tin tưởng”.

Lại do nhân duyên nào không sinh vào chổ ác? Lại do nhân duyên nào được sinh lên cõi Trời? Lại do nhân duyên nào không ham thích dục lạc?”

Đức Phật bảo thái tử: “Do Bồ tát đời đời tin tưởng Tam bảo, nhờ đó không sinh vào tám chổ ác. Do giữ giới không ngừng, nên được sinh lên cõi Trời. Do biết kinh điển nói tất cả vốn là không, nên không còn tham lam dục lạc”.

Lại do nhân duyên nào thân khẩu ý của Bồ tát đều thanh tịnh? Lại do nhân duyên nào ma chướng không quấy phá nổi? Lại do nhân duyên nào tà đạo không phỉ báng nổi Tam bảo?”

Đức Phật bảo thái tử: “Do Bồ tát kính yêu Tam bảo nên thân khẩu ý đều thanh tịnh, tinh tiến không lười biếng nên ma quỷ không quấy phá nổi, hành động đều chí thành nên tà đạo không dám phỉ báng Tam bảo.”

Lại do nhân duyên nào Bồ tát có tiếng nói cao vang êm ái như tiếng Phạm Thiên? Lại do nhân duyên nào Bồ tát biết được 8 thứ tiếng? Lại do nhân duyên nào Bồ tát biết được ý nguyện của chúng sinh để đáp ứng?”

Đức Phật bảo thái tử: “Do Bồ tát đời đời chí thành không lừa dối, nên được tiếng nói cao vang êm ái như tiếng Phạm Thiên. Do Bồ tát đời đời không nói lời ác dữ, nên biết được tám thứ tiếng. Do Bồ tát không nói hai lưỡi, không nói dối nên có thể đáp ứng ý nguyện của chúng sinh.”

Lại do nhân duyên nào có thọ mạng lâu dài? Lại do nhân duyên nào thân không tật bệnh? Lại do nhân duyên nào gia đình hòa thuận yên vui, không chia lìa?”

Đức Phật bảo thái tử: “Do không sát sinh nên có thọ mạng lâu dài. Do không cầm binh khí hại người, nên làm người không có tật bệnh. Do hòa giải khi thấy đánh nhau, khiến được an bình, nên làm người không chịu cảnh chia biệt”.

Lại do nhân duyên nào được luôn luôn giàu có? Lại do nhân duyên nào không bị trộm cướp? Lại do nhân duyên nào có địa vị cao sang?”

Đức Phật bảo thái tử: “do không tham lam tiền tài của người khác nên được giàu có. Do hoan hỷ bố thí, không bủn xỉn, nên không bị trộm cướp mất mác tiền tài. Do tâm không ganh ghét nên được địa vị cao sang”.

Lại do nhân duyên nào có được thiên nhãn thấy suốt tất cả? Lại do nhân duyên nào có được thiên nhĩ nghe suốt tất cả? Lại do nhân duyên nào biết hết chuyện sinh tử của thế gian?

Đức Phật bảo thái tử: “do hảo tâm thắp hương đèn cúng dường

trước chư Phật, nên được thiên nhãn thấy suốt. Do hoan hỷ cử hành lễ nhạc trước điện Phật, nên được thiên nhĩ nghe suốt. Do hâm mộ Thiền quán định tâm, nên biết được chuyện sinh tử diễn biến của thế gian”.

Lại do nhân duyên nào được phi hành tự tại trong cõi Tứ Thiền? Lại do nhân duyên nào biết được chuyện xảy ra từ vô lượng kiếp trước? Lại do nhân duyên nào chứng được diệu quả rồi nhập Niết bàn?”

Đức Phật bảo thái tử: “Do hoan hỷ bố thí các loại xe ngựa thuyền bè cho Tam bảo, nên được thần túc phi hành tự tại trong cõi Tứ Thiền. Do thường tinh tiến trì niệm phép Tam muội của chư Phật, hoan hỷ giáo hóa chúng sinh, nên biết được chuyện xảy ra từ vô lượng kiếp trước. Do đạt được tâm địa bất thối nên có thể đoạn trừ được gốc rễ sinh tử để chứng đạo quả rồi nhập Niết bàn.” Tụng rằng:

Mênh mông vũ trụ Ngu xuẩn lẫn lú.

Lấy khổ làm vui,

Chẳng biết tiến thủ

Chẳng tuân chính lý, Tuyên truyền giả dối.

Gọi pháp là mê; Gọi thật là sảng. Thần quang chiếu diệu, Âm vang ảnh hưởng. Quy y từ phụ, Thể ngộ phước quả. Cơ duyên hội ngộ Do công đức trước.

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG:

Trích dẫn sơ lược ba chuyện linh nghiệm:

1. Trúc Trường Thư đời Tấn. 2. Hình Hoài Minh đời Tống. 3. Vương Thúc Đạt đời Tống.

1. Trúc Trường Thư đời Tần, tổ tiên gốc gác ở Tây Vực, gia thế giàu có, định cư ở Thiên Trúc. Khoảng niên hiệu Nguyên Khang đời Tần (291 299), dời nhà vào Lạc Dương. Ông thờ phụng Phật pháp tinh thành, rất thích tụng kinh Quán Thế Âm. Về sau, láng giềng bị hỏa tai. Nhà ông đều cất bằng cỏ tranh, lại nằm dưới chiều gió. Ông nghĩ thế lửa đã cận kề, nếu thu gom đồ đạc, cũng chẳng còn được bao nhiêu, nên không cho gia nhân khuân vác ra ngoài, cũng chẳng tưới nước cứu chữa, chỉ chuyên tâm tụng kinh cầu nguyện. Một lát, lửa cháy rụi nhà láng giềng, chỉ cách nhà ông một hàng rào. Tự nhiên gió dừng, lửa chỉ liếm qua mái nhà ông rất tắt. Mọi người đều cho là chuyện linh dị. Trong làng có đám thiếu niên ngỗ nghịch cùng phỉ báng rằng: “Chẳng qua nhờ gió đổi chiều, có gì linh thiêng! Chờ đêm nào khô hạn, thử đốt nhà ông ta, nếu không cháy mới tin được!” Ít lâu, Trời hạn hán, gió nóng thổi mạnh. Đám thiếu niên ấy hùa nhau liệng đuốc lên mái nhà. Liệng đến ba lần, đuốc đều tất cả. Đám thiếu niên ấy thất kinh, đều bỏ chạy. Sáng mai, đám thiếu niên ấy dắt nhau đến nhà ông cúi đầu xin tạ tội. Ông từ tốn đáp rằng: “Ta chẳng có phép thần gì, chẳng qua nhờ tụng kinh Quán Thế Âm nên được che chở mà thôi. Các cậu nên sửa mình, quy y tin tưởng Phật pháp.” Từ đó, trong xóm làng đều tin tưởng vào thần uy linh dị của đức Quán Thế Âm.

2. Hình Hoài Minh đời Tống, vốn người Hà Gian, làm tham quân cho đại tướng nước Tống. Có lần theo Châu Hoàn, thái thú Nam Quận, lên đánh dẹp mạn Bắc, sa phải vòng vây, bị thua trận. Lén tìm chổ sơ hở trốn thoát được. Ngày núp đêm đi, được ba hôm, vẫn còn sợ bị giặc đuổi theo bắt lại, liền sai người đi trước xem động tịnh. Người ấy đi đã mấy ngày vẫn chưa thấy về báo lại tình hình. Đêm ấy, Trời chuyển mưa tối tăm mịt mù, gần sáng thì người ấy chạy về, kinh hãi nói rằng: “Nhìn xa xa thấy có ánh lửa thật sáng nên cố chạy lại, dè đâu vừa đến nơi thì Trời lại tối đen”. Mọi người đều lấy làm lạ. Trước đây, ông đã biết thờ Phật, khi hành quân, luôn đội kinh Quán Thế Âm trên đầu và đọc tụng không ngớt. Đêm ấy, ông cũng đang đọc thầm, bèn ngờ rằng nhờ thần lực của kinh mới được như thế. Do đó, ông càng liên tục cầu nguyện nên được xá tội. Năm Nguyên Gia thứ 17 (440), ông đang ở trong nhà tại kinh thành, bỗng có vị Sa môn đến bảo rằng: “Bần đạo nhận thấy trong xóm này, nhất là nhà ngài, đều có mùi máu huyết đáng ghê, nên dời nhà đi chổ khác”. Nói xong, bỏ đi ngay. Ông vội bước theo thấy Sa môn vừa ra khỏi cổng, liền biến mất. Lòng ông đâm ra bực dọc vô cùng. Hai tuần sau, người hàng xóm Trương Cảnh Tú đã thương cha ruột và giết chết cha vợ. Ông cho rằng đã ứng vào điềm máu huyết, mọi chuyện chắc đã yên. Bấy giờ, Lưu Kính Văn đều ở cạnh nhà ông trong xóm. Năm ấy, vì liên lụy vào bè đảng của Lưu Trạm, nên tất cả đều bị kết tội tru di.

3. Vương Cầu đời Tống, tự là Thúc Đạt, vốn người Thái Nguyên, làm thái thú tại Phù Thành. Năm Nguyên gia thứ 9, vì để mất quận, bị kết tội giam vào ngục, phải mang gông cùm bằng sắt rất kiên cố nặng nề. Từ trước, ông đã giữ đạo tinh chuyên, đến khi bị tội, càng thêm dốc chí. Hơn trăm tù nhân trong ngục đều đói khát. Đến bữa ăn, ông hay nhịn bớt để Bố thí. Ngày ngày chay kiêng, thành khẩn niệm danh hiệu Quán Thế Âm. Một đêm, nằm mơ được lên tòa cao, thấy vị Sa môn trao cho quyển kinh tên là Quang Minh An Hành Phẩm có danh hiệu các vị Bồ tát. Ông mở ra đọc, nhưng quên mất danh hiệu vị Bồ tát thứ nhất. Vị thứ nhì là Quán Thế Âm, vị thứ ba là Đại Thế Chí. Ông lại thấy một vị Sa môn xa-luân nói rằng: “Đây là xa luân trong năm đường”. Khi tỉnh dậy, gông cùm đều được mở ra. Ông biết nhờ có thần lực, nên càng thêm tin tưởng và tự đóng lại gông cùm như cũ. Ba hôm sau, ông được tha tội. ( Ba chuyện trên đây rút từ Minh Tường Ký)