Nay chúng ta chuyên tâm một lòng niệm Ngài Quán Âm Bồ Tát, vậy ta cũng phải niệm Ngài Quán Âm trong tự tánh của chúng ta. Chúng ta phải nghĩ rằng ở bên ngoài có cái gì, bên trong cũng có cái đó, như ở bên ngoài có Quán Thế Âm Bồ Tát thì bên trong cũng có Quán Thế Âm Bồ Tát. Bởi vậy, khi niệm Ngài Quán Âm thì ta phải làm sao niệm cho trong và ngoài là một, không phải hai.
Trong tự tánh của chúng ta, đã gồm đủ mọi đức tánh của vô lượng chư Phật đông như số cát sông Hằng, cho nên khi miệng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, thì trong lòng cũng phải chí thành tha thiết, mọi tạp niệm đều chẳng sanh, mọi vọng niệm đều dứt bặt, và chỉ nhất tâm chuyên chú vào niệm. Không mong ước điều gì, không tham một sự gì, cũng chớ nên có ý nghĩ: "Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để làm gì?" Phải coi việc niệm Quán Thế Âm Bồ Tát chính là một tự tánh bổn phận.
Chúng ta niệm đến trình độ "niệm mà chẳng niệm, chẳng niệm mà niệm, " đó là cảnh giới tự tánh Quán Thế Âm hiện tiền, kết thành một khối, quên người quên mình, như vậy còn chỗ nào là phiền não nữa? Còn chỗ nào là vô minh? Ðến cảnh giới vô ngại tự tại thì đại viên kính trí sẽ hiển lộ, bình đẳng tánh trí sẽ hiện tiền, rồi diệu quan sát trí cũng như thành sở tác trí đều đầy đủ. Có đủ bốn trí, nhưng chỉ mới tới giai đoạn đầu, bởi trong bốn trí còn trăm ngàn vạn loại khác nhau tùy theo từng giai đoạn. Chẳng phải mới thấy các trí xuất hiện mà cho rằng chúng cùng với bốn trí của chư Phật là giống nhau. Bất luận ở giai đoạn nào, tới được quả vị nào, thứ bậc không phải nhất loạt ngang nhau.
Người tu hành phải hiểu rõ ý nghĩa "sai một ly đi một dặm, " phải tự nhắc mình dụng công đi đúng hướng, tránh rẽ ngang, khỏi đi vào bàng môn ngoại đạo, và lầm vào tình trạng tà tri tà kiến. Phải luôn luôn giữ chánh tri chánh kiến, tức chánh niệm mới hiện tiền.
Chúng ta niệm Quán Thế Âm Bồ Tát tức là niệm Quán Thế Âm Bồ Tát của chúng ta chớ không phải niệm Quán Thế Âm Bồ Tát của người khác. Thế nào gọi là Quán Thế Âm Bồ Tát của ta? Chính là ta với Quán Thế Âm Bồ Tát là cùng một thể, niệm như vậy, nghĩa là ta cũng có đức từ bi, cũng có hỷ xả của Quán Thế Âm Bồ Tát, và cũng đầy đủ "bẩy nạn, hai cầu, " cũng ba mươi hai ứng thân như Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát.