Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo > Phat-Phap-Nan-Van
Phật Pháp Nan Văn
Hòa Thượng Thích Minh Châu


Một thuở nọ, Phật ngự tại tịnh xá Kỳ Hoàn có 500 thiện tín đến xin Ngài giảng pháp. Ðức Thế Tôn không hề phân biệt gia cấp dòng họ sang hèn. Với ai, Ngài cũng giảng dạy bình đẳng như nhau, giống như nước mưa rơi từ không trung xuống thấm nhuần ngàn cây nội cỏ một cách vô tư.

Nhưng dù Ngài ân cần giảng dạy, mấy người kia ngồi nghe pháp một cách lơ đãng. Ông thì ngũ gục; ông lấy tay gõ hoài trên mặt đất; người cứ lay mãi một nhánh cây; kẻ ngó mông lung trên trời; chỉ có một người chăm chú nghe. Tôn giả A Nan đứng quạt hầu Phật, ngạc nhiên về cử chỉ của năm ông khách nên khi họ vừa ra về, Ngài liền hỏi Phật:

Bạch Thế Tôn, thời pháp của Ngài giảng như sấm rền vang không trung, mà chỉ có một người chăm chú nghe, còn mấy người kia đều lơ đảng hết sức.

Này A Nan, ông chưa biết rõ về năm người ấy?

Bạch Thế Tôn, không.

Người đầu tiên đã làm thân rắn 500 đời, thường khoanh tròn nằm ngủ nên đến kiếp này hắn cũng còn giữ cố tật ấy, chẳng có lời nào của ta lọt vào tai hắn.

Bạch Thế Tôn. Những kiếp ấy xảy ra liên tiếp hay có xen kẽ? Khi thì hắn mang thân người, lúc mang thân trời.

Khi khác làm rắn. Không thể nào kể được những kiếp luân hồi của hắn. Nhưng có 500 kiếp liên tiếp, hắn làm rắn và thường ngủ li bì.

Người dùng tay gõ gõ trên mặt đất, đã 500 đời làm nối kết tổ trong lòng đất nên kiếp này hắn vẫn còn giữ thói quen ấy.

Người cứ lay động nhánh cây, là 500 đời làm khỉ quen leo trèo nên bây giờ hắn không tài nào ngồi yên một chỗ.

Người hay nhìn mông lung trên trời, đã từng làm chiêm tinh 500 đời, nên bây giờ vẫn còn thói quen.

Người chăm chú nghe lời ta, đã từng đọc tụng kinh Vệ đà 500 đời nên quen chăm chú cần mật như lúc nghe mật chú.

Nhưng Bạch Thế Tôn, lời Ngài dạy, con thấy thấm tận xương tủy, mà lại sao họ lại lơ là?

A Nan, bộ ông tưởng giáo lý của ta dễ nghe lắm sao?

Bạch Thế Tôn! Chẳng lẽ Ngài cho nó khó nghe?

Ðúng thế.

Tại sao?

Này A Nan, những người này trong vòng luân hồi đã trãi qua nhiều kiếp chưa từng nghe đến tên Tam Bảo, cho nên bây giờ họ không thể thâm nhập giáo pháp. Ra vào cuộc tử sanh vô tận, họ chỉ quen nghe tiếng nói của súc sanh. Hơn nữa, họ còn tiêu phí gần hết thì giờ trong việc ăn uống, vui chơi, múa hát, và không thể nghe theo lời ta giảng.

Bạch Thế Tôn! Vì lý do vì họ không thể nghe pháp?

Không lửa nào mạnh như lửa tham ái, đốt cháy hết mọi loài chẳng chừa một cọng cỏ. Vào kiếp hỏa, hỏa tai thiêu rụi toàn thế giới không chừa lại một thứ gì nhưng lửa này cháy có giới hạn trong một thời gian, trong vòng một thái dương hệ. Vì thế ta nói rằng không lửa nào bằng lửa tham ái, không kềm kẹp nào bằng sân hận, không lưới nào như lưới si mê, và không dòng sông nào bằng sông ái dục. Ngài nói kệ:

Lửa nào bằng tham dục?

Ngục nào bằng tâm sân?

Lưới nào bằng mê đắm?

Sông nào bằng ái hà?

(Pháp cú 251)

Thích Nữ Như Thủy – Như Ðức “Chiều chiều nghe tiếng chuông ngân Lòng như xoá hết tham sân hận thù.

Cuộc đời là kiếp phù du

Sớm còn, tối mất, mau tu thân mình”.