Home > Khai Thị Phật Học
Vẻ Đẹp Của Phật!
Thượng Tọa Thích Phổ Huân


Ảnh tượng thế gian là tướng trạng đối tượng của sáu căn tiếp xúc; ảnh tượng được phân định, tư duy không ra khỏi sáu trần, tương hợp với ý thức đối đãi của một chúng sanh còn trong vòng nhị biên và bao giờ chúng sanh còn dính mắc vào phân biệt vọng tình, qua ý thức chưa giác ngộ thì biên tế hình ảnh cuộc đời, sẽ mãi gắn bó mà cứ tưởng chừng như chân lý!

Phật là hiện thân của giác ngộ, siêu thoát vượt qua nhị biên đối đãi, nên tất cả hình ảnh thế gian chỉ là huyễn mộng đối với Ngài. Riêng với chúng sanh không thể không nương vào pháp hữu vi, để có thể tìm được chân ảnh siêu thoát, nên phải chấp nhận ảnh tướng xinh đẹp theo thế giới phù hợp của chúng sanh.

Trong kinh tả Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp (tam thập nhị tướng, bát thập chủng hảo); tất cả hảo tướng uy nghi sáng chói như thế, do vô lượng công đức tu hành từ bao kiếp xa xưa; nhưng thực tế, khi Ngài còn tại thế, trong mắt đệ tử phàm tăng cả đến Thánh tăng vẫn không thấy hết tướng đẹp của Ngài. Và Ngài lại từ bi không hiện ra chân tướng đúng như kim tướng một vị Phật vượt lên tam giới; nguyên do người thế gian ngũ trược không dám đến gần Ngài, nghĩa là cảm thấy quá ô nhiễm quá nhỏ nhoi trước Đấng siêu nhân.

Cho nên vẻ đẹp của Phật không thể diễn tả, cả đến không thể nghĩ bàn. Tạm gọi là nét đẹp tuyệt vời vượt lên tất cả. Nhưng nét đẹp thật đẹp ấy lại gần gũi với tất cả mọi loài chúng sanh. Vì chúng sanh nào nhìn Ngài cũng thấy đẹp, cũng xem tựa như đồng loại với mình (chúng sinh ấy). Riêng hàng chư Thiên so với chúng sanh trong sáu cõi là hạng đẹp nhất, ấy vậy cũng thành nhỏ nhoi thô kệch đối với Bồ Tát nói chi là Phật.

Tuyệt đẹp hơn khi loài súc sanh chẳng chút sợ hãi kinh hoàng trước vẻ đẹp của Như Lai, nên đã lân la tìm đến núp bóng bên Ngài như thế nét đẹp của Phật mới đúng chân nghĩa vẻ đẹp thanh tịnh giải thoát. Điều này tuyệt đối khác xa cái đẹp nhân, thiên; bởi vì con người dù đẹp đến đâu, cũng không thể làm con vật say mê nương tựa và nét đẹp con người không thể tránh khỏi kẻ ưa người ghét; chưa nói cái đẹp con người còn là nguyên nhân đưa đến đau khổ.

Nét đẹp của Đấng giải thoát hẳn không nhiễm một mảy vi trần thô xấu, cho dù các bậc Bồ Tát dùng thần thông để tìm cũng tuyệt đối không có. Thế nhưng điều chúng ta không khỏi ngạc nhiên, vì sao Phật đẹp như thế mà vẫn có kẻ thù, vẫn gặp người ganh ghét, hay bình dị nói rằng vẫn có người không thương!

Chúng ta quên rằng, nơi Phật đản sanh, nơi Ngài thị hiện là cõi Ta Bà ô nhiễm, tức sự tham ái bủa vây bao trùm, do đó thân thể và tư tưởng của chúng sanh toàn ô nhiễm, do đây là điều đương nhiên không thể tương hợp với tướng hảo thanh tịnh trong sáng của Ngài. Chính thế là nguyên nhân khiến một số người không nhận ra nét đẹp trong sáng của bậc Giác Ngộ; và người nào nhận ra kim tướng thanh tịnh của Ngài, vậy đã hiểu được giáo lý giải thoát.

Ta lại hỏi, thế sao con vật không biết giáo lý của Ngài lại thấy Ngài đẹp?

Đây mới là chân lý, vì cái đẹp của Ngài không phải cái đẹp của thế gian còn dục ái, còn tham, sân, si chỉ giấu che được bên ngoài sắc thân máu mủ tương hợp với đồng loại, chứ bên trong không thể che giấu tâm ô nhiễm si mê. Cho nên con vật cảm tính được tánh bất thiện (tánh sát từ nhiều kiếp) bên trong của con người mà chẳng thể thấy đẹp; và chính sự khác biệt này, con vật đã thấy được nét đẹp của Như Lai.

Như thế ta thấy, nét đẹp tuyệt diệu của Ngài thật gần gũi với chúng sanh trong sáu cõi, từ đây là phương tiện giải thoát chúng sanh ra khỏi biển khổ trầm luân.

Nét đẹp như vậy, tất nhiên không thể tư duy đối đãi qua không gian thời gian hạn hẹp của một thế giới bé nhỏ nầy.

Trong kinh Kim Cang Phật dạy, nếu lấy cái đẹp sắc tướng bên ngoài thì Vua Chuyển Luân cũng đâu khác Ngài: “Nầy Tu Bồ Đề, nếu do ba mươi hai tướng tốt mà xem là Như Lai, thời Chuyển Luân Thánh Vương là Như Lai sao?

Rõ ràng như thế, nét đẹp của đấng giác ngộ đã theo thời gian mãi đến bây giờ, và vượt không gian có mặt khắp nơi trên thế giới. Vậy không thể đơn giản chỉ hiểu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẽ đẹp là đủ nét đẹp của Như Lai.

Những người đệ tử hâm mộ, ca ngợi nét đẹp của Ngài đã dùng đủ phương tiện phô diễn, họa hình đắp tượng qua mọi hình thể đa dạng vô cùng phong phú. Có người vì hiểu sự thô thiển vụng về của con người, không thể tả được nét đẹp cao siêu đó, nên phải tạo hình Ngài thật lớn; càng lớn để tâm niệm nói lên sự bất lực diễn tả nét đẹp siêu thoát của Đấng Thế Tôn.

Kính mộ hơn nữa, nghệ nhân người tạc tượng họa hình, phải tự làm mình tươi tỉnh, sáng suốt khi sáng tạo hình ảnh Phật, để có thể mong diễn tả phần nào nét từ bi trí tuệ hiện lên chân diện đấng giải thoát.

Thế đó, nét đẹp của Phật dù mang chân dung một con người nhưng vượt qua ba cõi, và thực tế ngày nay không một biên cõi, biên giới không gian nào có thể ngừng lại được nét đẹp giải thoát ấy.

Người con Phật như chúng ta hiện nay, vì lao theo trần cảnh từ muôn kiếp nên chỉ đam mê nét đẹp thô phù giả tưởng; khó phân định được nét đẹp thanh tịnh vô vi của chư Bồ Tát, chư Phật. Nhưng thật ra nét đẹp giải thát trang nghiêm bất nhiễm đâu phải của ai! Nét đẹp thanh tịnh ấy thật dễ tìm, nếu không nói ai cũng đều đẹp như Phật!

Nếu đi tìm một người thật xinh đẹp về dung nghi bên ngoài, chắc chắn phải khó hơn khi tìm một người có cái đẹp bên trong; bởi vì do hình thể vật chất (physical body) con người khác nhau, kẻ đẹp thì ít người dạng trung bình dễ xem thì đa số. Tuy nhiên tâm người thì người nào cũng có cái đẹp bên trong (tất cả chúng sanh đều có Phật tánh {ĐẸP}); như thế vấn đề là ta có thấy và muốn mình trở nên đẹp hay không? Nếu không muốn hay không biết mình đẹp, tất nhiên mình sẽ không đẹp! Nghĩa là mình sẽ mãi là chúng sanh mang cái đẹp không ra khỏi ba ngôi nhà lửa (tham, sân, si).

Các vị Bồ Tát mới phát tâm thường hay hành động tự làm cho mình đẹp ra, vì các Ngài biết các Ngài sẽ đẹp như Phật không khác.

Là người học Phật, lẽ nào lại không muốn đẹp như Phật, nhưng lại lười biếng, tức giải đãi không chuyên tu, nên sắc đẹp hẳn phải tàn đi.

Chúng ta từ vô thỉ đến nay, chỉ vì cầu người thương mình, thích mình hay biết đến mình mà phải chạy theo vẻ đẹp thô phù bên ngoài để tô điểm thân xác; rốt cuộc mãi đến bây giờ cũng thành chẳng đẹp, và dù có đẹp (hình tướng) đi nữa, cũng chỉ sống vỏn vẹn vài chục năm. Chân lý vô thường không cho phép thân xác máu mủ nầy đẹp được khi đến tuổi bảy mươi tám mươi. Nghiệt ngã nữa, người càng đẹp lại càng khổ, vốn cái khổ căn bản của con người từ vô thỉ đến nay. Chắc chắn chúng ta ai cũng nhận ra việc này. Ấy vậy mà chúng ta lại quá ham mê vẻ đẹp thô phù đó, để quên đi nét đẹp bên trong thanh tịnh.

Vẻ đẹp thanh tịnh trang nghiêm tươi sáng bên trong, sẽ không bị thời gian không gian chi phối và sẽ mãi mãi vĩnh hằng trong một thế giới an nhiên siêu việt. Đó mới là nét đẹp của người học Phật, cũng là điều mà chúng ta tư duy nét đẹp của đấng Thế Tôn trải qua hơn hai ngàn sáu trăm năm nay.

Kính nguyện mọi người, tương lai sẽ đẹp như nét đẹp của Đấng Thế Tôn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

– 2003