Home > Khai Thị Phật Học
Giải Thích Về Đạo Khó Hành Và Đạo Dễ Hành
Dân Quốc Tịnh Luật Tự sa-môn Tánh Phạm | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


(Chú: “Đạo khó hành” là trong đời ngũ trược, lúc chẳng có Phật, cầu A Bệ Bạt Trí khó khăn. Sự khó khăn ấy có nhiều lối, nói thô thiển dăm ba điều để nêu tỏ nghĩa này. Một là những điều thiện thuộc về hình tướng của ngoại đạo gây rối loạn pháp Bồ Đề. Hai là Thanh Văn vì tự lợi mà chướng ngại lòng đại từ bi. Ba là kẻ ác vô lại phá hoại phẩm đức thù thắng của người khác. Bốn là điên đảo thiện quả, có thể phá hoại Phạm hạnh. Năm, chỉ là tự lực, không được tha lực duy trì. Những chuyện như thế chỗ nào cũng đều thấy. Ví như đi theo đường bộ, đi bộ thì khổ. “Đạo dễ hành” là do nhân duyên tin Phật, nguyện sanh về Tịnh Độ, nương vào nguyện lực của Phật liền được sanh về cõi thanh tịnh ấy. Do được Phật lực gia trì, liền dự vào Chánh Định Tụ của Đại Thừa. Chánh Định chính là A Bệ Bạt Trí, ví như theo đường thủy, ngồi thuyền thì vui).

Đoạn văn này nhằm giải thích về Nan Hành và Dị Hành Đạo, tức là lời giải thích của ngài Đàm Loan đối với lời luận định trong Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận hòng khiến cho hết thảy các Bồ Tát sơ tâm hiểu rõ để hành Bồ Tát đạo, ngõ hầu đạt đến địa vị Bất Thoái Chuyển, sẽ có hai đường lối khó và dễ khác nhau. Đối với cả hai đường lối đều là trước hết giải thích, sau đó dùng thí dụ để chỉ rõ.

Nan Hành Đạo tức là đường lối hành trì khó khăn trong Bồ Tát đạo. Các kinh luận Đại Thừa thường nói, Bồ Tát từ sơ phát Bồ Đề tâm lần lượt trải qua bốn địa vị gia hạnh, tức Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh và Thập Hồi Hướng, cần phải mất một đại A-tăng-kỳ kiếp rồi mới đăng địa (chứng địa vị Sơ Địa). Từ Sơ Địa cho đến Bát Địa, lại phải trải qua một đại A-tăng-kỳ kiếp nữa. Từ Bát Địa cho đến Thập Địa, lại phải mất một đại A-tăng-kỳ kiếp. Thường nói là “tam kỳ tu phước huệ, bách kiếp tu tướng hảo, thỉ đắc thành Phật” (ba đại A-tăng-kỳ kiếp tu phước huệ, trăm kiếp tu tướng hảo thì mới được thành Phật). Trước khi đắc Bất Thoái Chuyển, thường là có lúc tiến, có lúc lùi, phải là sau khi đã đăng địa thì mới đảm bảo không thoái chuyển (tức A Bệ Bạt Trí). Đấy là một đường lối Bồ Tát đạo rất khó hành. Vì sao khó khăn dường ấy? Tiếp đó, lời Luận bèn kèm theo phần giải thích nguyên nhân.

“Ngũ trược chi thế” (Đời ngũ trược): Bồ Tát sanh nhằm đời ác ngũ trược, muốn tu phước và tu huệ khó lắm! Ngũ Trược là năm thứ Kiếp Trược, Kiến Trược, Phiền Não Trược, Chúng Sanh Trược, và Mạng Trược. Tôi đã giảng giải cặn kẽ ý nghĩa bao hàm trong các danh từ ấy từ trang tám mươi bốn cho đến trang tám mươi bảy trong bộ Vô Lượng Thọ Kinh Giảng Nghĩa cho nên chẳng nhắc lại.

“Ư vô Phật thời” (Trong lúc không có Phật): Tức là Bồ Tát sanh nhằm lúc trước Phật hay sau Phật; điều này là một trong tám nạn. Do vậy, tu hành khó khăn, đắc Bất Thoái Chuyển khó khăn, chứng quả thành Phật càng khốn khó. Như đức Thích Ca Thế Tôn vào hơn hai ngàn năm trăm năm trước, đã thị hiện giáng sanh tại Ấn Độ. Sau đấy, Ngài thành Phật, thuyết pháp độ sanh, chỉ có tám mươi năm bèn diệt độ. Trước khi Phật giáng sanh và sau khi Phật nhập diệt đều là “vô Phật thời” (thời gian không có Phật). Sau khi Phật Thích Ca diệt độ, phải qua năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau mới có Di Lặc Bồ Tát thị hiện sanh trong thế giới này (trên địa cầu) của chúng ta, xuất gia, tu hành thành Phật. Đến khi ấy mới là thời có Phật tại thế. Vì thế, kinh Pháp Hoa có nói: “Phật nan đắc trị, như Ưu Đàm Bát La hoa, hựu như nhất nhãn chi quy trị phù mộc khổng” (Đức Phật khó gặp gỡ như hoa Ưu Đàm Bát La, lại như con rùa một mắt gặp bộng cây nổi).

“Cầu A Bệ Bạt Trí vi nan” (Cầu Bất Thoái Chuyển khó khăn): A Bệ Bạt Trí (Avaivartika) là tiếng Phạn, còn phiên âm là A Duy Bạt Trí. A Bệ Bạt Trí dịch nghĩa là Bất Thoái Chuyển. Bồ Tát mong cầu đạt đến Bất Thoái Chuyển đúng là khó khăn. Bởi lẽ, Bồ Đề tâm dễ phát, nhưng cái tâm dài lâu sẽ khó có. Như trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật đã nói: “Vô lượng chúng sanh phát Vô Thượng Bồ Đề tâm, ngộ thiểu vi duyên, ư Vô Thượng Bồ Đề đạo, tức tiện thoái chuyển. Như thủy trung nguyệt, thủy động tắc động. Thí như ngư mẫu, đa hữu thai noãn, thành ngư giả tiễn. Như Am-ma-la thụ, hoa đa quả thiểu. Chúng sanh phát tâm, nãi hữu vô lượng, đản kỳ thành tựu, thiểu bất túc ngôn” (Vô lượng chúng sanh phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, gặp chút duyên trái nghịch liền thoái chuyển nơi đạo Vô Thượng Bồ Đề. Như trăng [hiện bóng] trong nước, hễ nước động, bóng trăng động theo. Ví như cá mẹ có nhiều trứng, trứng nở thành cá con ít ỏi. Như cây Am-ma-la, hoa nhiều, trái ít. Chúng sanh phát tâm số đến vô lượng, nhưng người thành tựu ít ỏi chẳng đáng nhắc tới). Lại như ngài Xá Lợi Phất trong đời quá khứ từng phát tâm Đại Thừa, hành Bồ Tát đạo, trong sáu mươi kiếp, từ Sơ Trụ đạt đến Lục Trụ, lúc tiến, lúc lùi, kết quả là thoái chuyển thành Nhị Thừa Thanh Văn! Do vậy có thể biết, Bồ Tát trước khi đắc Bất Thoái Chuyển được gọi là “khinh mao Bồ Tát” (Bồ Tát nhẹ như lông tơ), tức là vật bị gió cuốn, bị chuyển theo cảnh.

Bất Thoái Chuyển có bốn tầng cấp:

1) Thất Trụ trong Biệt Giáo, Thất Tín trong Viên Giáo đã đoạn hết Kiến Tư Hoặc, liễu thoát Phần Đoạn Sanh Tử, vượt thoát tam giới, chẳng còn là phàm phu trong lục đạo. Đấy gọi là Vị Bất Thoái.

2) Từ Bát Trụ của Biệt Giáo cho đến viên mãn Thập Hồi Hướng, phá vô minh, chứng Pháp Thân, chẳng còn lui mất Bồ Tát hạnh. Đó gọi là Hạnh Bất Thoái.

3) Từ Sơ Địa cho đến Bát Địa của Biệt Giáo, niệm nào cũng đều lưu nhập biển Nhất Thiết Trí, thuận theo Chân Như Pháp Tánh. Đó gọi là Niệm Bất Thoái.

4) Từ Bát Địa cho đến Thập Địa, tam kỳ hạnh (sự tu hành trong ba đại A-tăng-kỳ kiếp) đã viên mãn, gọi là Đẳng Giác Bồ Tát, đạt được bốn chân đức “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”, thì gọi là Cứu Cánh Bất Thoái.

Nhìn từ chỗ này, Bồ Tát mong cầu Bất Thoái Chuyển xác thực là rất khó. Sự khó khăn ấy không phải chỉ là thời gian dài lâu, đường nẻo xa xôi, mà là còn do có nhiều nhân tố. Vì thế, Đàm Loan đại sư nói: “Thử nan nãi hữu đa đồ, thô ngôn ngũ tam, dĩ thị nghĩa ý” (Sự khó khăn ấy có nhiều lối, nói thô thiển dăm ba điều để chỉ bày ý nghĩa): “Thô ngôn” là nêu ra đại lược năm thứ nhân tố và ý nghĩa khó khăn, chẳng thể nói cặn kẽ nổi!

“Nhất giả, ngoại đạo tướng thiện, loạn Bồ Tát pháp” (Một là các điều thiện thuộc về hình tướng của ngoại đạo rối loạn pháp Bồ Tát):“Ngoại đạo” là cầu pháp ngoài tâm thì gọi là ngoại đạo, cũng là nói đến các thứ tôn giáo ngoài Phật giáo. Chữ “tương” (相) đọc thành “tướng”, tức tướng trạng biểu thị. “Tướng thiện” tức là nói hết thảy các tôn giáo đều khuyên mọi người làm lành, nhưng làm bao nhiêu chuyện từ thiện cứu tế, hoặc những tín đồ tôn giáo khác làm lành biểu lộ ra ngoài thường bị người đời ngộ nhận họ là Bồ Tát. Thật ra, bậc Bồ Tát có đại tâm, đại trí, vô ngã, vô chấp, tâm hạnh của Bồ Tát là xả mình hòng lợi người. Chớ nên chẳng hiểu rõ, lẫn lộn với những chuyện làm lành thông thường. Lại còn có những kẻ chẳng hiểu rõ ý nghĩa của [danh xưng] Bồ Tát, coi những thứ thần tượng tô đắp hoặc khắc gỗ đều là Bồ Tát. Hãy nên biết: Nếu có thể biết các thứ công đức nơi Phật quả, phát khởi tâm nguyện mong cầu đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, phải có tinh thần đại vô úy, tận tụy đảm đương chuyện phổ độ chúng sanh hòng đều làm cho họ lìa khổ, được vui, cùng được thành Phật, phải thực hiện sự nghiệp cứu đời, cứu người trong thời gian và không gian vô lượng vô hạn; đấy mới là Bồ Tát. Những thiện hạnh chẳng rốt ráo do ngoại đạo đã thực hiện trong một lúc làm sao có thể sánh bằng Bồ Tát hạnh chân thật cho được? Nhưng người đời phần lớn chẳng phân biệt hơn kém, tuân theo tà sư, tin tưởng ngoại đạo, lầm lạc đi vào ngõ rẽ. Tri kiến và hành vi của ngoại đạo trong thế gian đã nhiễu loạn pháp môn độ sanh của Bồ Tát, khiến cho Bồ Tát muốn hóa độ chúng sanh, thành tựu phước huệ trang nghiêm trở thành khó khăn. Do vậy nói: “Ngoại đạo tướng thiện, loạn Bồ Tát pháp” (Những điều thiện thuộc về hình tướng của ngoại đạo gây rối loạn cho pháp Bồ Tát). Tục ngữ có câu: “Chỉ lộc vi mã” (Chỉ nai nói là ngựa), tợ hồ là đúng nhưng sai be bét; đấy chẳng phải là hiện tượng phổ biến trong thế gian đó sao? Huống chi xưa, nay, trong ngoài nước, còn có những phường ngoại đạo xen tạp, ăn bám Phật giáo, vờ vĩnh mượn danh xưng Phật Pháp Tăng và hoằng pháp lợi sanh để tận lực làm những chuyện chẳng phù hợp Phật pháp hoặc giới luật, chẳng hợp nhân quả và pháp Bồ Tát. Hoặc là tu mù luyện đui, hoặc là bày ra những trò lạ lùng để mê hoặc mọi người, hoặc là dối gạt chúng sanh, hoặc là tham cầu danh lợi, hoặc là tà tri tà kiến, tự lầm, lầm người, kéo nhau vào hầm lửa! Những điều ấy được gọi là “loạn Bồ Tát pháp”. Chẳng hạn như có một thiểu số Bồ Tát xuất gia nói:

1) Làm Bồ Tát chẳng sợ sanh tử, chẳng mong liễu sanh tử, cứ mong đời đời kiếp kiếp trụ trong sanh tử hòng vẫy vùng độ chúng sanh.

2) Giới luật xuất gia do đức Phật chế định chẳng còn phù hợp thời đại, cần phải phế trừ, phải sửa đổi!

3) Học Phật thì phải học theo Di Lặc Bồ Tát, chẳng tu Thiền Định, chẳng đoạn phiền não.

4) Làm bậc xuất gia Bồ Tát thì cần gì phải đoạn dục? Hãy nên giống như người đời cũng có thể có vợ chồng, gia đình riêng.

5) Xuất gia Bồ Tát chẳng cần phải bó buộc bởi giới luật Thanh Văn, đừng nên chấp tướng, chẳng ngại cùng người đời tranh quyền đoạt lợi, tham gia chánh trị, kinh doanh, chẳng ngại làm chuyện giết, trộm, dâm, dối, hút thuốc phiện, uống rượu!

6) Phật ở trong tâm, chúng ta vốn là Phật, chẳng cần phải trì giới, tu hành, hết thảy phương tiện tùy duyên tự tại; đấy mới là Bồ Tát.

Ngoài ra, có một số ít tại gia Bồ Tát thì cho rằng:

1) Tại gia Bồ Tát chẳng cần phải trì trai, ăn chay.

2) Tại gia Bồ Tát cũng là một ngôi trong Tam Bảo (hoặc cho rằng phải nên có Tứ Bảo), có thể làm thầy quy y cho người khác, và làm Trụ Trì của chùa miếu, cho đến làm thầy truyền giới, pháp sư, thầy thế độ, lý sự trưởng của hội Phật giáo v.v…

3) Hàng bạch y ngồi tòa cao, tỳ-kheo ngồi dưới thấp, [bạch y] tiếp nhận người xuất gia lễ bái, cúng dường, cho đến sai khiến người xuất gia làm mọi chuyện thế tục đều được!

4) Tại gia Bồ Tát hành Bồ Tát đạo thuận tiện hơn. Do vậy, phản đối xuất gia tu hành, trở ngại người khác xuất gia, thậm chí khuyên hàng xuất gia phá giới.

5) Nếu xuất gia, xuất gia trong thời gian ngắn thì được, [tức là xuất gia trong vòng] một tuần hay mười ngày, chẳng trở ngại sự nghiệp trong cõi đời, mà cũng có công đức giống như xuất gia suốt đời. Đấy mới là thích hợp nhu cầu của người hiện thời.

6) Trụ trì Phật pháp, hoằng dương Phật pháp, hãy nên đi theo hướng xã hội, cần phải hòa lẫn với người đời thành một khối, cần phải chọn phương cách xí nghiệp hóa, hiện đại hóa, nghệ thuật hóa, ca múa, hát xướng, uống rượu, chơi bời, xem tướng, bói toán, kéo bè kết đảng mưu toan riêng tư đều chẳng bị cấm kỵ. Chỉ cốt sao tín đồ ngày càng đông, chẳng nề hà bất cứ thủ đoạn nào! Đấy mới là Bồ Tát, mới có thể khiến cho Phật pháp phổ cập.

Tôi nói những điều ấy, chẳng qua là “nêu ra một góc, để suy ra ba góc”, thật ra, những kiểu nói và sự tướng “tợ hồ là đúng, nhưng sai be bét” ấy đã uế tạp, che lấp hạnh Bồ Tát và pháp Bồ Tát chân thật. Nói mãi chẳng xong, kể chẳng hết! Những điều ấy đều có thể gọi là “ngoại đạo tướng thiện, loạn Bồ Tát pháp”. Vì những người ấy toàn là nội tâm thật sự ngoại đạo, bề ngoài khoác lấy danh xưng Bồ Tát!

“Nhị giả, Thanh Văn tự lợi, chướng đại từ bi” (Hai là Thanh Văn tự lợi, chướng ngại lòng đại từ bi): Thanh Văn tức là tứ chúng đệ tử nghe lời dạy về Tứ Thánh Đế của đức Phật bèn tu hành, chứng Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả của Tiểu Thừa. Vì họ chỉ cầu liễu sanh thoát tử cho chính mình, chẳng có tâm hóa độ chúng sanh, nên nói là “Thanh Văn tự lợi”. Bồ Tát khác hẳn, ắt cần phải phát Bồ Đề tâm thì mới có thể gọi là Bồ Tát. Nhưng Bồ Đề tâm ắt cần phải nương vào cái tâm đại từ đại bi làm Thể. Nếu không có tâm từ bi, tức là không có Bồ Đề tâm, sẽ chẳng gọi là Bồ Tát. Do hàng Thanh Văn chỉ vì tự mình liễu thoát, chỉ có tâm xuất ly, chẳng có lòng từ bi, cho nên nói “chướng đại từ bi”, cũng chính là chướng ngại phát Bồ Đề tâm, chẳng thể tu Bồ Tát hạnh. Bồ Tát hạnh chính là nguyên nhân để thành tựu Bồ Tát đạo.

“Tam giả, vô lại ác nhân phá tha thắng đức” (Ba là kẻ vô lại phá hoại phẩm đức thù thắng của người khác): “Vô lại” (無賴) là kẻ chẳng chú trọng chánh nghiệp, chẳng có thiện tâm, buông lung, biếng nhác. Đã không có thiện tâm, tất nhiên sẽ làm ác, nên gọi là “ác nhân”. Hạng này có hai loại: Một là thế gian, tức những phần tử bất lương trái phạm pháp luật và kỷ cương, gian trá, trốn thuế trong xã hội. Hai là những kẻ trong Phật môn, tức là những hạng người bại hoại trong Tăng đoàn ăn bám Phật pháp, phá trai, phạm giới. Những kẻ ác ấy tự mình làm ác, lại còn đố kỵ bậc hiền thiện, thấy người khác làm lành, trì giới, tu hành, liền đơm đặt, phỉ báng, thậm chí vu vạ, hãm hại người khác, khiến cho người khác thân bại danh liệt, hoặc táng thân mất mạng! Do vậy nói là “phá tha thắng đức”. Xưa nay trong ngoài nước, những chuyện như vậy rất nhiều. Như các vị Tử Bách, Hám Sơn đại sư vào cuối đời Minh, lão hòa thượng Hư Vân, Từ Hàng Bồ Tát v.v… vào thời Dân Quốc hoặc là bị giam cầm trong lao ngục, hoặc là bị đánh đập, hoặc là bị lưu đày, bị sung quân v.v… chính là sự thật [chứng tỏ những kẻ vô lại đã phá hoại các Ngài].

“Tứ giả, điên đảo thiện quả, năng hoại phạm hạnh” (Bốn là điên đảo thiện quả, có thể phá hoại phạm hạnh): “Điên đảo thiện quả” tức là làm các thiện nghiệp hữu lậu thế gian, sẽ đạt được thiện quả hữu lậu trong thế gian. Chẳng hạn như tuân hành khuôn phép đạo đức thế gian, làm một công dân an phận, vâng giữ pháp luật, hoặc là có thể thọ trì Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện, làm những chuyện từ thiện cứu tế, nhưng chẳng hiểu Phật pháp, chưa phát tâm xuất ly và Bồ Đề tâm, khuyết thiếu tâm từ bi, nhưng vẫn tin tưởng nhân quả thiện ác, chỉ cầu phước báo nhân thiên. Người như thế tuy làm lành, nhưng đều thuộc vào thiện nghiệp hữu lậu, chỉ đạt được phú quý trong nhân gian, cho đến sanh lên trời hưởng phước. Thế nhưng hưởng hết phước lạc, ắt sẽ đọa xuống, khó tránh khỏi đọa trong tam đồ chịu khổ. Điều này được gọi là “tam thế oán”. Đời này tạo nhân lành, đời sau hưởng quả lành phú quý. Do phú quý bèn rộng tạo các ác nghiệp, đời sau ắt bị ác báo. Điều này được gọi là “điên đảo thiện quả”. Bồ Tát thực hiện sự nghiệp tự lợi, lợi tha, nếu chẳng thể “tam luân thể không”, sẽ có sự chấp trước, tham cầu phước lạc thế gian. Vậy thì tuy người ấy có thể làm Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc làm quốc sư của hoàng đế, nhưng chẳng thể thành bậc thánh nhân xuất thế thuộc tam thừa. Do vậy nói là “năng hoại phạm hạnh” (có thể phá hoại phạm hạnh). “Phạm hạnh” (梵行) nói theo nghĩa rộng chính là thánh đạo được hành bởi các bậc thánh nhân tam thừa, cho đến các hạnh thanh tịnh nơi tam nghiệp được tu bởi các tín đồ tôn giáo. Nói theo nghĩa hẹp, phạm hạnh là các hạnh nhằm đoạn Ngũ Dục và đắc Thiền Định thế gian. Do [hành các hạnh ấy] có thể sanh lên Phạm Thiên, nên gọi là Phạm Hạnh. Những phạm hạnh dù rộng hay hẹp ấy đều bị mất đi, chẳng đạt được lợi ích xuất thế. Vì vậy nói là “năng hoại phạm hạnh” (phạm hạnh có thể hư hoại). Chẳng hạn như Vĩnh thiền sư đời Đường chuyển thế làm Phòng thái úy, một vị Ni tụng kinh Pháp Hoa đời Tống chuyển thân, đọa làm quan kỹ (kỹ nữ chính thức do hệ thống quan quyền quản lý), một vị Tăng ở núi Nhạn Đãng chuyển thế thành gian thần Tần Cối, hậu thân của ngài Thanh Thảo Đường là Tăng Lỗ Công, hậu thân của Triết thiền sư là một người đại quý, đều thuộc vào trường hợp này.

“Ngũ giả, duy thị tự lực, vô tha lực trì” (Năm, chỉ là tự lực, chẳng có tha lực duy trì): Bồ Tát từ phát Bồ Đề tâm, tu Bồ Tát hạnh, cho đến khi thành Phật, theo đường lối thông thường là phải trải qua nhị đạo ngũ Bồ Đề, hoặc là năm địa vị, mười ba trụ, thời gian là ba đại A-tăng-kỳ kiếp (tôi đã nói tường tận những điều này trong bộ Tâm Kinh Quán Hạnh Giải). Toàn bộ quá trình ấy cậy vào Tam Huệ Văn Tư Tu của chính mình để thực hiện, vì thế nói là “duy thị tự lực” (chỉ là tự lực). Trong quá trình tu chứng, tuy có thể đạt được Pháp Thân của chư Phật (do đồng thể với Bồ Tát), và được Tam Bảo ngầm gia hộ, nhưng chẳng có Phật lực rõ rệt (bao gồm nguyện lực, thần thông lực, trí huệ lực, và sức cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn của Phật) gia bị, nhiếp thọ, hộ trì, khiến cho Bồ Tát chẳng đánh mất Bồ Đề tâm, chẳng lui sụt Bồ Tát hạnh, nên nói là “vô tha lực trì” (chẳng có tha lực duy trì).

“Như tư đẳng sự, xúc mục giai thị” (Những chuyện như vậy chỗ nào cũng đều có): Năm thứ chướng ngại sự tu hành của hàng Bồ Tát như vừa nói trên đây bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào cũng đều có thể thấy được.

“Thí như lục lộ, bộ hành tắc khổ” (Ví như đi theo đường bộ, đi bộ thì khổ): Đây là nêu thí dụ. Như người có chuyện phải đi xa, giả sử đi đường bộ, chỉ cậy vào hai chân để bước đi; đấy là chuyện hết sức gian nan, khốn khổ. Do vậy, [đường lối này] được gọi là Nan Hành Đạo.

“Dị hành đạo giả”, ngược lại, hành Bồ Tát đạo ngoài ra còn có một pháp môn tu trì dễ dàng. Đã giản dị, lại còn thẳng chóng, có thể chứng đắc thánh quả (địa vị Bất Thoái) rất nhanh. Vì thế gọi là Dị Hành Đạo.

“Đản dĩ tín Phật nhân duyên, nguyện sanh Tịnh Độ” (Chỉ do nhân duyên tin Phật, nguyện sanh về Tịnh Độ): Dị Hành Đạo như Đàm Loan đại sư đã nói chẳng giống những cách “khai quan, điểm khiếu”, hoặc dùng mật chú, vẽ bùa, thần thông, bí quyết chi đó của ngoại đạo! Chỉ cần phát Bồ Đề tâm, tín, nguyện, niệm, hạnh trọn đủ, thì sẽ có thể vãng sanh. Nhất là đối với sự vãng sanh Tịnh Độ, phải có “lòng tin sâu đậm, nguyện thiết tha”, niệm hạnh sẽ tự ở trong ấy, không ai chẳng vãng sanh. “Tin vào nhân duyên của Phật” là tin vào ba kinh Tịnh Độ do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói, tin A Di Đà Phật tu nhân chứng quả, nhiếp hóa, tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh Cực Lạc Tịnh Độ, đủ mọi sức công đức chẳng thể nghĩ bàn! Nhất là phải tin A Di Đà Phật là Pháp Giới Thân vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh, “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, Phật Di Đà là Di Đà trong tâm chúng sanh, chúng sanh là chúng sanh trong tâm A Di Đà Phật. Phật Di Đà nghĩ tới chúng sanh như mẹ nghĩ đến con; chúng sanh niệm Phật Di Đà như con nghĩ đến mẹ. Mẹ và con nghĩ đến nhau như thế, ắt được vãng sanh Tịnh Độ, đích thân thấy Phật Di Đà, nghe pháp khai ngộ, đắc Bất Thoái Chuyển. Chỉ cần có tín tâm như thế, dùng cái tâm ấy để niệm Phật Di Đà, hành Thập Thiện, phát nguyện cầu sanh Cực Lạc. Đấy là hạnh môn ai nấy đều làm được dễ dàng, thuộc về tự lực của chúng sanh, thành tựu nhân duyên (điều kiện) vãng sanh Cực Lạc, ắt sẽ được sanh về Tịnh Độ. Vì thế nói “đản dĩ tín Phật nhân duyên, nguyện sanh Tịnh Độ” (chỉ do nhân duyên tin Phật, nguyện sanh về Tịnh Độ).

“Thừa Phật nguyện lực, tiện đắc vãng sanh bỉ thanh tịnh độ” (Nương vào nguyện lực của Phật liền được sanh về cõi thanh tịnh ấy): Năm câu kế đó thuộc về Tha Lực (sức bổn nguyện của Phật Di Đà), nên nói là “thừa Phật nguyện lực” (nương vào nguyện lực của Phật). Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Bổn Sư đã vì chúng ta giới thiệu nhân địa của Phật Di Đà: Khi Ngài làm tỳ-kheo Pháp Tạng, đã đối trước Thế Tự Tại Vương Phật, xứng tánh phát ra bốn mươi tám đại nguyện. Trải qua vô lượng kiếp, dùng hạnh để thực hiện nguyện, mỗi nguyện đều có quyết tâm “nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác” (nếu chẳng được như vậy, tôi chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác), khiến cho [những nguyện ấy] hoàn toàn được thực hiện, đạt thành. Vì vậy, bốn mươi tám đại nguyện ấy chính là chiếc thuyền Từ trong biển khổ, là chiếc thuyền cứu độ to lớn khiến cho chúng sanh lìa khổ được vui. Chỉ cần chúng sanh có thể tin tưởng, chịu lên thuyền, không ai chẳng được sanh vào thế giới Cực Lạc là cõi thanh tịnh trang nghiêm của Phật Di Đà, “chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng những điều vui”.

“Phật lực trụ trì, tức nhập Đại Thừa Chánh Định chi tụ, Chánh Định tức thị A Bệ Bạt Trí” (Do Phật lực duy trì, liền dự vào Chánh Định Tụ của Đại Thừa. Chánh Định chính là Bất Thoái Chuyển): Đàm Loan đại sư đã căn cứ vào lời dạy trong kinh Vô Lượng Thọ: “Kỳ hữu chúng sanh, sanh bỉ quốc giả, giai tất trụ ư Chánh Định chi tụ. Bỉ Phật quốc trung, vô chư Tà Tụ, cập Bất Định Tụ” (Nếu có chúng sanh sanh vào cõi ấy, thảy đều trụ trong Chánh Định Tụ. Trong cõi của đức Phật ấy, không có các thứ Tà Định Tụ và Bất Định Tụ), và nguyện thứ mười một trong bốn mươi tám nguyện: “Quốc trung thiên nhân, bất trụ Định Tụ, tất chí diệt độ giả, bất thủ Chánh Giác” (Nếu trời người trong nước chẳng trụ trong Định Tụ, ắt đạt đến diệt độ, tôi chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác), nêu rõ đạo lý “dễ đắc Bất Thoái Chuyển, viên mãn Bồ Đề ngay trong một đời” (“tất chí diệt độ”) của pháp môn Tịnh Độ, tức là chúng sanh được sức bổn nguyện công đức của A Di Đà Phật nhiếp thọ và gia trì mà vãng sanh, sẽ đều được an trụ nơi A Bệ Bạt Trí (Bất Thoái Chuyển Bồ Tát), chẳng rơi vào hai loại đệ tử Phật thuộc Tà Định (chẳng tin Đại Thừa) và Bất Định (Đại Tiểu Thừa bất định).

“Thí như độ hải, thừa thuyền tắc lạc” (Ví như vượt biển, ngồi thuyền bèn vui): Hai câu này là nêu thí dụ, nhằm so sánh: Theo Dị Hành Đạo, giống như người ngồi thuyền, thuận gió, thuận con nước (nương vào sức bổn nguyện của Phật), chẳng tốn hơi sức, chẳng cần nhiều thời gian, an lạc tự tại, rất nhanh chóng đạt tới đích.

Trên đây, Đàm Loan đại sư đã giải thích luận này, nêu ra nguyên do hành Bồ Tát đạo có hai đường lối khó và dễ khá. Do vậy có thể biết, chúng ta thân ở trong Ngũ Trược, nhằm thuở cõi đời không có Phật, tuy phát Bồ Đề tâm, tu Bồ Tát hạnh, nhưng rất khó thành tựu. Vì thế, ắt cần phải tu Dị Hành Đạo. Cốt lõi của Dị Hành Đạo chính là coi trọng tự lực lẫn tha lực, chẳng phế [một lực nào], nhưng kim chỉ nam cho tự lực lẫn tha lực là chú trọng nơi hai chữ Tín Nguyện. Tín như thế nào? Tin rằng: Theo đường thủy ngồi thuyền sẽ vui. Một khi đã tin, vĩnh viễn chẳng còn ngờ vực nữa! Nguyện như thế nào? Nguyện chịu lên thuyền, nhanh chóng lên bờ kia, chỉ cầu vãng sanh, chẳng nguyện chi khác. Có Tín và Nguyện như thế, lại thêm thân nghiệp thường lễ bái Phật Di Đà, khẩu nghiệp luôn xưng niệm Phật Di Đà, ý nghiệp thường luôn quán tưởng sự thanh tịnh trang nghiêm nơi y báo và chánh báo của cõi Cực Lạc, tu điều thiện (Thập Thiện) nhiều hay ít, chí tâm hồi hướng, ắt được vãng sanh Tịnh Độ, liễu sanh thoát tử, đắc Bất Thoái Chuyển, rộng độ chúng sanh, thẳng đến khi thành Phật. Do vậy, Thế Thân Bồ Tát tạo bộ luận này, trước hết dùng ba chữ Nguyện Sanh Kệ để đặt tên; Đàm Loan đại sư chú giải luận này, vừa mở đầu liền dùng Dị Hành Đạo để phán giáo, phân định rõ rệt, rất minh bạch bảo chúng ta: Muốn vãng sanh Tịnh Độ, hễ có nguyện sẽ dễ dàng. Chẳng có nguyện, sẽ khó khăn. Nguyện hết thảy các vị Bồ Tát, các liên hữu Tịnh Tông, ắt cần phải chân thành, thiết tha phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ. Phải vãng sanh! Quyết định vãng sanh! Ắt được vãng sanh!
Trích từ: Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề XáChú Giải Giảng Nghĩa


Từ Ngữ Phật Học Trong: Giải Thích Về Đạo Khó Hành Và Đạo Dễ Hành