Home > Khai Thị Phật Học
Chết Chẳng Có Gì Đáng Sợ
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Phật giáo cho rằng, đời người có bốn nỗi khổ cơ bản đó là khổ do sinh ra, khổ do già nua, khổ do tật bệnh, khổ vì chết chóc từ đó không ít người nhầm tưởng rằng đạo Phật là đạo bi quan yếm thế. Thực tế là, trong các quan điểm của đạo Phật về nhân sinh, về thế giới chỉ là những nhận xét đúng như thực tế của nó vốn vậy. Sự thay đổi biến hóa của thân thể từ khi sinh ra cho đến khi chết đi chỉ là một tướng trạng hư giả, không thực, chúng ta cần học và vượt lên trên những tướng trạng hư giả đó mới đích thực là người đệ tử phật, mới hiểu được chân ý nghĩa của giáo lí đạo Phật. Đức Phật sở dĩ thành Phật là nhờ ngài đã tự quán sát, thể nghiệm và thấu triệt tất cả chúng sinh sinh ra trong cõi đời này đều không thể vượt qua được sinh, già, bệnh, chết. Đã có sinh ắt có tử, sống và chết là hai trạng thái, hai giai đoạn của chuỗi luân hồi vô tận. Một khi đã sinh ra nhất định sẽ có ngày chết đi, sinh lão bệnh tử là một chuỗi mắc xích, là hiện tượng tự nhiên. Trong quá trình lão hóa sẽ có các hiện tượng khác kèm theo như bệnh tật, suy yếu kéo dài mãi cho đến khi chết mới hết. Đấy là sự thực ở đời mà không một người nào có thể vượt qua được.

Chúng sinh sinh ra trong đời để chịu khổ nạn chứ không phải để hưởng hạnh phúc. Dù có khi cảm thấy hạnh phúc thì cũng chỉ tạm thời, vui ít khổ nhiều. Cũng giống việc nấu ăn, chúng ta phải chuẩn bị nhiều, từ đi chợ cho tới nấu nướng, đến dọn cơm, thời gian ăn không bằng một nửa thời gian chuẩn bị để ăn. Khổ vui là anh em song sinh, không thể chia tách, bản thân của vui là kết quả của khổ và cứ thế, bản thân của vui là khởi đầu của khổ. Ví như chúng ta đang ở giữa mà hai đầu là lửa, tuy chưa bị lửa đốt nhưng luôn bị lửa tấn công, uy hiếp. Vì thế có thể nói rằng, người hàng xóm của vui là khổ. Người đời có câu “sướng quá hóa buồn” là thế, tức là khi con người hưởng thụ vui sướng thì vui đã ẩn mình trong khổ.

Nếu chúng ta muốn vượt qua khổ đau trong cuộc sống thì ắt phải học cách đối diện và nhìn nhận sinh tử, vượt ra khỏi sự ràng buộc của chúng, sống chết do nhân duyên, sinh không hẳn là chuyện đáng vui đáng mừng, chết vị tất là điều đáng đau đáng khổ. Tham sống sợ chết biết rõ là không giúp ích gì cho chúng ta nhưng ai cũng tham sống, sợ chết. Tuy nhiên, trong biển khổ luân hồi, ai ai cũng phải đối diện với chúng, bởi vì sự sống là thế, đấy là hiện tượng tự nhiên không ai thoát khỏi. Thế nên, chúng ta hà tất phải tham sống, sợ chết, vì đã không những vô ích mà còn chuốc thêm khổ đau, phiền não.

Chúng ta cần biết bản thân của sự chết không có gì đáng sợ vì sau khi chết lại có một sự sống bắt đầu. Điều đó khác nào ngày đêm: ban ngày lao động vất vả, đêm đến ngủ nghỉ để tiếp tục đón ngày mới. Ngoài ra “sinh” là một kết quả, chúng ta hãy tận dụng kết quả đấy để chuẩn bị cho cái chết. Sau khi chết, tất cả tài sản, danh lợi đều không mang theo, chỉ có nghiệp lực là cái đeo đẳng chúng ta như bóng theo hình. Vì thế, điều mà chúng ta mong muốn mang đi chỉ có tâm từ và trí tuệ. Cho nên khi chết, chúng ta chớ bận tâm rằng mình sẽ đi về đâu mà hãy xem thử trong hiện tại mình đã chuẩn bị những hành lí gì. Hãy tận dụng tấm thân hiện tại để tích phúc, tích tuệ, để một khi cái chết gần kề, chúng ta không còn sợ hãi, lo âu nữa.

Từ điểm này chúng ta thấy, Phật giáo tuy luôn luôn nhấn mạnh rằng cuộc đời là biển khổ, nhưng không tiêu cực như một số người thường nhận xét, ngược lại còn giúp chúng ta dám đối diện với tất cả, ngay cả điều đáng sợ nhất là cái chết. Phật pháp dạy chúng ta tích lũy công đức, hãy thực hành điều thiện, giúp đỡ mọi người để biến cuộc đời này thành cõi cực lạc, đến khi thân mạng chấm dứt, chúng ta mang theo công đức đó về cõi nước cực lạc thật. Đấy mới là nơi đáng được chúng ta trở về nương tựa, mới có niềm hạnh phúc thực sự mãi mãi với thời gian.