Home > Linh Cảm Ứng
Vô Danh Tăng
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Vô Danh Tăng người đời Thanh, thường ở huyện Hồ Quảng tại Hoàng Châu, chưa được rõ danh tánh. Sư chuyên niệm Phật ngày đêm không dứt, gặp ai cũng đều xưng A Di Đà Phật.

Niên hiệu Sùng Trinh thứ 16, lúc quan Tổng binh Huỳnh Đảnh trấn thủ Hoàng Châu, sư lớn tiếng niệm Phật xông ra ngăn đường, bị quân lính bắt đem vào thành. Vừa đâu giặc Trương Hiến Trung đánh phá Hoàng Châu, nửa đêm sư ngồi trên tường thành cao tiếng niệm Phật. Quân sĩ ngủ không được, giận lắm trói liệng xuống thành. Giây phút nghe tiếng sư ngồi trên thành niệm Phật y như cũ. Như thế tất cả bốn lần, hễ liệng xuống thành Đông lại lên thành Tây, liệng xuống thành Nam lại lên thành Bắc. Quân sĩ đều kinh ngạc không dám xem thường, quan Tổng binh nghe biết liền mời đến kính lễ.

Ở vùng ấy năm đó thất mùa lớn, người ăn thịt lẫn nhau. Sư ra ngoài thành bị dân đói cầm dao rượt theo xin xả mạng. Sư cởi áo ra, bảo chúng rằng: "Xin hãy đợi tôi niệm Phật đủ một ngàn câu, rồi sẽ ăn thịt!" Nhưng khi vừa niệm được 300 câu, chúng gấp muốn chém, bỗng thấy thần binh từ hư không bay xuống. Dân đói đang kinh hãi chạy tứ tán, thì quân sĩ đã thấy sư ở trong thành rồi.

Thợ săn ở núi gần đó bẫy được một con hổ rất to. Sư tìm đến muốn xin chuộc mạng phóng sanh. Họ đòi 30 lượng vàng, sư nói mình chỉ có 4 lượng. Thợ săn bảo: "Nếu ông nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, thì hãy nắm tai con hổ này xoay ba vòng, chúng tôi sẽ giao nó cho, không lấy tiền". Sư thọ ký cho con hổ, rồi nắm tai nó xoay ba vòng. Thợ săn phải y theo lời hứa, giao cho rồi bỏ đi. Sư tháo cũi ra, con hổ quanh quẩn theo một bên, không chịu đi. Sư bèn dẫn nó vào hang động Kim Cang ở núi Hoàng Ma, cùng nhau nương ở. Tuần phủ Lư Tượng Thăng cùng quan Đốc binh đi qua Hoàng Châu, tìm đến núi thăm viếng và muốn thấy con hổ. Sư gọi, nó thò đầu ra ngoài cửa song. Hai vị muốn thấy toàn thân, hổ liền rống to một tiếng nhảy ra. Quan Tuần phủ cũng nạp lễ xin làm đệ tử, rồi từ giã ra về. Một ngày nọ sư đi khất thực giữa đường, thấy con gà, liền cao tiếng niệm Phật, gà cũng tùy tiếng mà niệm theo.

Năm Thuận Trị thứ 7, sư sang Võ Lâm, đường đi trải qua cửa Bạch Môn, ngụ ở một gian phòng bên sông Tần Hoài. Lúc ấy nhằm tiết Đoan Dương, du thuyền qua lại tấp nập, tiếng ca nhạc vang lừng. Sư thấy trong một du thuyền có Tiền Sinh nguyên là đệ tử quy y của mình, liền lớn tiếng gọi: "Tiền A Di Đà Phật!". Tiền Sinh nghe thấy liền ghé thuyền lên bờ chấp tay kính chào. Sư hỏi những bạn đồng du, sau khi biết tên họ, liền cất tiếng khóc lớn nói: "Chúng sanh lấy khổ làm vui, đến như thế ư?" Tiền Sinh khẩn cầu chỉ dạy đường yếu tu hành. Sư bảo: "Chỉ nên nhứt tâm niệm A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc!" Lại dặn: "Khi ta đi rồi, nếu ngươi có chỗ nghi nên đến hỏi đại sư Giác Lăng. Đó là bậc người đạo nhân sáng suốt!" Về sau, không biết chung cuộc của sư như thế nào?

Giác Lăng đại sư pháp danh Đạo Thạnh, từng chủ trì đạo tràng Thiên Giới ở Kim Lăng, chùa Sùng Quang ở Hàng Châu, tông phong rất hưng vượng.