Hoài Ngọc pháp sư, họ Cao, người đời Đường, quê ở Đơn Khâu. Ngài giữ giới luật rất tinh nghiêm, mặc áo vải thô, ngày chỉ dùng một bữa ngọ, thường ngồi không nằm. Tuy suốt thông giáo lý, tiết hạnh thanh cao, song pháp sư vẫn thường sám hối, mỗi ngày niệm Phật năm muôn câu, bình sanh tụng kinh A Di Đà được 30 vạn quyển.
Vào ngày mùng 9 tháng 6 niên hiệu Thiên Bảo năm đầu, ngài nghe thấy tiếng thiên nhạc thanh tao, giữa hư không vô số tràng phan bảo cái trang nghiêm rực rỡ. Thánh chúng cõi Tây Phương hiện thân nhiều như Hằng sa. Trong ấy một vị bưng đài bạc đến trước đón rước, pháp sư nói: "Hoài Ngọc một đời niệm Phật thề chiếm đài vàng, nay sao lại chẳng được như thế?". Thánh chúng và các âm thanh sắc tượng liền ẩn mất. Từ đó ngài càng gia công tinh tấn.
Một hôm, pháp sư nghe giữa hư không có tiếng gọi bảo: "Trên đầu đã hiện viên quang, xin khi trì niệm ngồi ngay kiết ấn để chờ Phật đến tiếp dẫn!". Trải 3 ngày sau, quang minh lạ hiện ra càng lúc càng tăng, sáng rực cả thất. Ngài bảo chúng: "Nếu nghe mùi hương thanh diệu tất báo duyên ta sắp mãn". Liền nói kệ rằng:
Sạch trong sáng đẹp không trần cấu,
Đài sen phẩm thượng là sanh mẫu.
Luân chuyển tu hành trải mười kiếp,
Sống ở Diêm Phù, nhàm các khổ.
Một đời tinh tấn vượt mười kiếp,
Ta Bà nhẹ thoát về Liên Độ.
Pháp sư nói kệ vừa xong, chư tăng nghe mùi hương lạ bát ngát. Tất cả nhìn lên, thấy Thánh chúng hiện thân đầy khắp hư không. Đức A Di Đà, Quán Âm, Thế Chí thân sắc tử kim, ngồi tòa kim cương đến tiếp dẫn. Vô số tràng phan bảo cái lại hiện tiếng tiêu cầm mầu nhiệm trổi lên. Một vị Thánh bưng đài vàng bay xuống đón rước. Pháp sư mỉm cười, từ giã đại chúng, chấp tay niệm Phật mà qua đời.
Nghe việc này, quan Thái Thú bản quận là Đoàn Hoài Nhiên, làm bài kệ khen ngợi rằng:
Thầy ta một niệm lên Sơ Địa
Nhạc đón hai phen, phướn vạn tằng!
Trước thất hòe xưa sà nhánh biếc
Đài vàng máng nặng khiến nên chăng?