Home > Linh Cảm Ứng > Te-Ngoc-Phap-Su
Tề Ngọc Pháp Sư
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Đời Tống, Tề Ngọc pháp sư, họ Mạc, người ở Tể Xuyên. Ngài xuất gia thuở còn bé, tánh cường ký, mỗi ngày có thể ghi nhớ vài ngàn lời. Trước tiên, pháp sư tham học với ngài Thần Trí ở chùa Tường Phù. Kế đó nương theo ngài Từ Biện, lãnh thọ ý chỉ Nhứt tâm tam quán. Sau về chủ trì chùa Bảo Tạng ở Thiều Khê.

Pháp sư tu hành tinh tấn, lập ra Tịnh Nghiệp Xã, mỗi năm sang tiết đông chí, hàng tăng tục hội về niệm Phật nhiều như mây. Sau vì muốn chánh pháp được phổ cập, ngài lại ứng duyên mời thỉnh, đến Hoàng Sơn xây dựng già lam, tạo tượng Tây Phương Tam Thánh cao một trượng sáu, khuyến khích hàng đạo tục tu hành. Mỗi đêm trước thời tịnh khóa, pháp sư khai thị vắn tắt cho đại chúng thêm tinh tấn. Trong ấy có những lời chí thiết như sau:

"Khi chúng ta chưa biết niệm Phật tu hành, đã lầm tạo vô lượng nghiệp ác. Phạm một lỗi nhỏ, như tội Đột kiết la (Ác tác, ác thuyết) còn thọ khổ nơi địa ngục 900.000 năm, huống chi là các tội nặng trong Ngũ thiên, Thất tụ ư? Duy chí tâm niệm Phật, thì trong mỗi niệm mới có thể diệt được tội nặng trong 80 ức kiếp sanh tử. Thế thì biết niệm Phật có công năng thoát ly địa ngục tam đồ, thành tựu các sự trang nghiêm ở cõi Nhơn Thiên và Tịnh Độ. Lại nghĩ: Cha mẹ sanh dưỡng ta công lao rất khó nhọc, nay cho ta xuất gia, chỉ mong chờ ta độ thoát. Nay ta không cố gắng tu hành, đem công đức hồi hướng để báo ân nặng, mà trở lại phá giới biếng trễ, thì sao còn được gọi là đạo làm con và đạo làm người!".

Đại chúng nghe lời dạy thiết tha ấy đều cảm động, chí thành sám hối. Có kẻ gieo mình đảnh lễ sám niệm đến khan cả tiếng, đầu trán bị tổn thương. Năm Tuyên Hòa thứ sáu, pháp sư lại được mời về chủ trì Thượng Trúc thiền viện. Ngài thường tỏ ra tinh tấn, mỗi nửa đêm đầu đội Thánh tượng, miệng cao tiếng niệm Phật. Có một vị tăng phạm thanh quy, pháp sư quở rằng: "Đã răn dạy nhiều lần, mà ông thật là ngờ nghệch không biết chi cả chẳng khác gì loài súc sanh!". Kế đó liền phản tỉnh tự hối rằng: "Kẻ kia tuy lỗi lầm, nhưng dù sao cũng là một vị tăng, ta nói như thế thành ra điếm nhục ngôi Tam Bảo!". Từ đó, ngài đối trước Tam Bảo sám hối về tội ấy đến 3 năm.

Mùa thu niên hiệu Kiến Diêm năm đầu, pháp sư gọi Thủ tọa Tu Huệ bảo: "Trước giường tôi hiện ra tháp Đa Bảo rất trang nghiêm, nhưng chẳng phải là sở nguyện bình sanh. Tôi chỉ mong được Phật A Di Đà tiếp dẫn. Xin vì tôi họp đại chúng lại niệm Phật!". Vị Thủ tọa đánh chuông, chư tăng hội đến hơn trăm người đồng thanh tụng niệm. Giây lát, pháp sư bỗng ngước lên hư không cung kính nói: “Đức A Di Đà Thế Tôn đã đến!”. Rồi ngồi đoan chỉnh chấp tay mà hóa.

Lời bình:

Người xưa nghe lời lành thì chấp tay cung kính, hoặc cúi mình đảnh lễ. Khi được ân cần dạy bảo, lại gieo mình lễ niệm đến khan cả tiếng, đầu trán bị tổn thương. Người học đạo đời nay, phần nhiều đầy ngã mạn tự cao, lúc phạm lỗi không biết ăn năn sám hối. Khi được răn nhắc cảnh tỉnh, lại thản nhiên lơ là, đôi khi còn tỏ vẻ bất mãn giận hờn, thốt lời chống đối. Cũng đồng hàng đệ tử Phật, nhơn tâm xưa và nay sao mà khác xa nhau như vậy!