Home > Khai Thị Phật Học > Tra-Thu-Lam
Trả Thù Lầm
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Hai cha con nọ cùng bạn bè đi đường, người con vào rừng, bị gấu tấn công cào cắn, gây nhiều thương tích, may mà tháo chạy thoát về, người cha thấy thân thể con bị đầy vết thương, lấy làm ngạc nhiên hỏi « thân con tại sao trầy trụa như vậy ». Người con đáp « con bị một loài vật đầy lông lá tấn công, khiến thân thể bị hủy hoại nhiều chỗ ». Người cha liền vác cung tên vào rừng, thấy có vị tiên nhân râu tóc phủ đầy, liền trương cung định bắn, người bạn liền cản « người này vô hại, tại sao bắn họ, hãy bắn kẻ gây tội ».

Người ngu cũng vậy, vì bị những người mặc pháp phục nhưng tâm bất lương hủy nhục, nên trả thù bằng cách gia hại bậc đạo hạnh, như người ngu này vậy.

Lời Bình:

Chúng sinh là những hữu tình có đủ ba đặc tính tham sân si, vì thế cảnh giới của chúng sinh đầy dẫy tính tham sân si, sinh hoạt chính yếu của chúng sinh cũng chính là sinh hoạt tham sân si. Vì vậy mà kinh Địa Tạng dậy « chúng sinh nam Diêm phù, cử chỉ động niệm vô phi thị nghiệp, vô bất thị tội », mọi cử chỉ động niệm của chúng sinh nam Diêm phù đều là nghiệp, đều là tội. Do tham sân si mà hữu tình thành chúng sinh, do tham sân si mà cảnh giới thành cõi ác. Nếu không tham sân si thì hữu tình trở thành giác hữu tình tức bồ tát, nếu không tham sân si thì cảnh giới nào cũng không còn là cõi ác, mà hơn thế nữa đều là cõi tịnh, chính vì vậy mà đức Thế Tôn tuyên thuyết « tâm tịnh tức quốc độ tịnh ».

Si là căn bệnh nan y của thế nhân, đó là luôn chấp vào thanh sắc sinh tâm, thấy sắc giống thì cho là đồng, nghe thanh giống thì cho là không khác. Vì vậy nên mọi thủ hay xả của si đều rơi vào sai lầm.

Nghe ngoại đạo thuyết cũng giống Phật thuyết, vì vậy phàm phu hay lý luận, đạo nào cũng giống nhau, cũng đều khuyên ăn hiền ở lành, chẳng khác thấy mèo cũng cho là cọp, mà không quán sát động cơ thúc đẩy phát sinh ra pháp, cũng như mục đích của người nói pháp. Dụ như Đề bà đạt đa chế giới chay trường, trong khi chư tăng đi khất thực thì tín thí cúng thứ gì cũng nhận bình đẳng, bất luận ngon dở xấu tốt, chay hay mặn đểu thọ nhận bình đẳng như nhau để trừ tham tâm. Khi có người thưa lại với Như lai về việc Đề bà chế giới, ngài nói, Đề bà chế giới chay trường không do từ tâm bi thúc đẩy, mà do tâm lợi dưỡng, nhân ngã thị phi, muốn chứng tỏ cho tha nhân thấy Đề bà có từ tâm, còn hơn cả Như lai, hầu được tôn kính và lợi dưỡng. Như vậy cũng hành động thiện nhưng với ý bất tịnh, nên không đồng với bồ tát không ăn thịt chúng sinh vì sự an toàn của chúng sinh, mà không vì mong lợi dưỡng nên dùng khổ hạnh dối gạt chúng sinh.

Do vậy đức Phật không dựa trên ngôn từ thiện hay ác, mà chỉ dựa vào thật đức năng để quán xét thật tướng của mọi pháp, điều này là y nghĩa bất y cú và cũng bao quát cả ba y còn lại. Theo kinh Kim cương là không dựa vào sắc thanh mà sinh tâm. Trong kinh Đại bát niết bàn đức Phật dậy « ngoại đạo nói pháp tương tợ như chư Phật nhưng người trí không cho ngoại đạo đồng với chư Phật, như sâu ăn lá cây vô tình giống chữ, người trí không nói là sâu biết chữ »

Khi nghe pháp không khởi trí quán về tính chất thật đức năng hay tính nhân quả chính xác của các pháp, chỉ thuần dựa vào bản tính tham sân si mà chấp thủ hay xả. Thí dụ như nghe một đạo sư dậy phải sám hối các tội phát sinh từ tham sân si trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai, bằng cách ra công dốc sức hành các thiện pháp không cho gián đoạn để cải thiện hoàn cảnh và tâm tính từ ác hóa thiện, từ cõi ác biến thành cõi tịnh, thì cho là khó vì phải chống lại thói quen tức bản tính tham sân si, do vậy từ khước không hành theo. Họ không hiểu một khi gốc tham sân si không trừ thì vĩnh viễn vẫn là 1 chúng sinh, và cảnh giới của chúng sinh tất nhiên là ác thế.

Khi nghe một đạo sư nào dậy, không cần chừa bỏ tham sân si, cũng chẳng cần sám hối, xưa sao nay vậy, chỉ cần xưng danh Phật hay một Thượng đế nào đó thì chắc chắn sẽ được về cảnh giới thanh tịnh an lạc không tham sân si, liền suy nghĩ theo tham « pháp như vầy quá lợi ích và dễ làm » nên phát tâm quy đầu, những người này rõ ràng không tư duy theo thật đức năng và nhân quả, mà chỉ tư duy theo lợi tức tham, nên chỉ thấy có cái lợi « mọi sự sẽ tốt đẹp » như gã thợ cầy mộng mơ công chúa. Không những thế những người này lại cũng giống như người ngu ăn muối, chỉ thấy trước mắt « muối làm vị ngon hơn » mà không thấy các điều vị phối hợp trong đó. Vì vậy người ngu này do tham vị ngon mà quyết định thủ « muối », khác nào những người tin chấp vào lời nói « chỉ cần cầu xưng danh Phật hay Thượng đế » mà không màng suy luận tới các nhân quả tương quan. Bỏ tất cả các vị nhân quả khác chỉ thủ trì điều trên, thậm chí khủng bố giết hại tha nhân rồi xưng danh Thượng đế để lên thiên đường. Những kẻ này khác gì người ngu chỉ thủ muối, chung quy không được vị ngon của thiên đường mà chỉ lãnh quả mặn chát của địa ngục.

Phàm phu đối trước các pháp u mê không khởi trí quán tư duy thật đức năng, nên thường cho ngoại đạo đồng với Phật, vì vậy quy y theo ngoại đạo. Nguyên nhân đều do từ tham và si mê nên thủ xả đều sai lầm. Kinh Kim Cương dậy « không nên trụ vào lục trần sinh tâm » là do chúng sinh thường dựa vào lục trần sinh tham sân si. Thiền tông tam tổ Tăng Xán dậy « Dục thủ nhất thừa, vật ố lục trần, lục trần bất ố, hoàn đồng chính giác », có nghĩa muốn được đạo nhất thừa thì đừng ghét bỏ lục trần, không ghét bỏ lục trần ắt đồng với chính giác. Vì sao?

Bởi lẽ phàm phu vì tham sân si thủ xả lục trần, càng thủ xả lục trần càng tăng trưởng tham sân si. Bồ tát thủ xả lục trần không vì tham sân si mà vì giới định huệ, nên càng thủ xả sáu trần càng phát triển giới định huệ. Vì vậy Bồ tát không ghét bỏ lục trần. Nói chung phàm phu say đắm lục trần, người sơ phát tâm ghét bỏ lục trần, bậc phát tâm kiên cố không ghét bỏ và cũng chẳng say đắm lục trần, nhờ vào lực của giới định huệ đủ mạnh chế ngự tham sân si. Một khi tham sân si bị chế ngự thì lục trần hoàn toàn vô hại, trái lại còn là phương tiện tu tập, vì vậy thiền tông lục tổ Huệ Năng dậy « Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch bồ đề, kháp như cầu thố giác ». (Phật pháp ở trong thế gian, không thể lìa thế gian giác ngộ, nếu lìa thế gian cầu bồ đề, chẳng khác nào cầu sừng thỏ). Phật pháp là giới định huệ, thế gian là lục trần của tham sân si, giới định huệ thành tựu ngay trong thứ lục trần của tam độc này, nhờ vào sức quán thật đức năng, mà không thành tựu do nơi ghét bỏ, bởi lục trần như bùn, giới định huệ như sen, vì thế cái nên ghét bỏ đích thực là tham sân si mà không phải là lục trần. Do đó tham sân si mới thật là độc, nên gọi chúng là tam độc.

Tham sân si đều thuộc tà kiến, chúng có cảnh giới của chúng, cảnh giới này gọi là thế gian. Giới định huệ thuộc về chính kiến, cảnh giới của chính kiến gọi là xuất thế. Huệ Năng đại sư dậy « Chính kiến danh xuất thế, tà kiến thị thế gian »(Đàn kinh. Bát nhã phẩm). Vì vậy người tu học trí huệ tất tự thành cảnh giới xuất tam giới, đó là cảnh giới của chư Phật hiền thánh.

Người cha trong câu chuyện này do ngu si, thiếu sự tư duy thật đức năng, nên chỉ chấp lấy « lông lá đầy mình », mà không hề màng đến những chi tiết nào khác, vì vậy mà hành động sai lầm như người ngu ăn muối, và tư duy hồ đồ như thợ cầy mê công chúa.

Lại do tính sân hận mù quáng che lấp tính thật đức năng, quyết tâm trả thù kẻ « lông lá đầy mình », nên bất cứ kẻ nào lông lá đầy mình đều trở thành nạn nhân của lòng hận thù, vì vậy thay vì kẻ thù chỉ có một, giờ thành số nhiều, bao quát tất cả những gì « lông lá đầy mình », như vậy há chẳng phải hồ đồ lắm ư?. Lại có nhiều người bị một kẻ thuộc dân tộc nào đó đối sử không tốt, liền ôm mối hận với tất cả dân tộc nọ, họ không ngờ rằng chỉ một kẻ gây thù oán với họ mà họ sinh tâm thù hận rộng lớn với biết bao người, vô duyên vô cớ thù hận thiên hạ, tâm đó chẳng phải là nguồn ác lớn sao? Họ bị một người gây thù oán nên bất mãn, nhưng lại không tự bất mãn bản thân ta ôm mối oán thù với những người vô can khác, thực là vừa sân hận vừa ngu si. Chung quy tất cả mọi ác tâm đó cũng đều do tâm sân hận ngu si theo kiểu người cha trong câu chuyện này.

Trương lão sư là người khuyết tật làm công quả trong viện dưỡng lão, bị một bà lão lần chuỗi niệm Phật dùng thuyết nhân quả chê trách, cho rằng tiền kiếp làm ác nên kiếp này bị quả khuyết tật, khiến vị lão sư này mất thiện cảm với Phật giáo và ác cảm với thuyết nhân quả, khởi sân tâm quy y ngoại đạo. Chỉ vì một bà lão không thông hiểu Phật pháp, chỉ biết nhìn nhân quả theo một chiều, tựa như người ngu ăn muối chỉ thấy một chiều của muối, mà không hiểu rằng muối cũng thêm ngon và cũng gây dở, mà Trương lão sư bác bỏ toàn bộ Phật pháp, cũng như oán trách Phật giáo đồ thì thật là hồ đồ không gì hơn, nhưng đa số phàm nhân đều bị sân hận sai sử khởi ác tâm, cũng như bị tham si sai sử vậy.

Nếu không biết tư duy thật đức năng, thì sẽ hồ đồ ngây ngô như bầy nai cứ ngỡ người đều giống nhau, hiền hòa và dễ gần như chư tăng làm rẫy trong rừng, do sức hiểu biết ngây ngô một chiều đó chúng sẽ dễ dàng bị thợ săn hạ thủ, vì vậy Hòa thượng phải ra tay khện chúng, khiến chúng lánh xa con người để cứu mạng chúng. Người cha trong câu chuyện này cũng như hầu hết phàm nhân thường có chung một nhận định với bầy nai, một nhận định rất mực tai hại cho bản thân và cho tha nhân. Do đó không thể không tu tập tư duy thật đức năng tức chính kiến.

Người cha như vọng thức thấy con là bản ngã, tâm là da thịt, thân là áo quần, đều bị tổn thương, nên vọng báo thù, và báo thù vọng nơi người khác. Đồng thời phàm phu không biết cứu xét do đâu ta bị nạn mà chỉ biết trả thù kẻ gây nạn cho ta. Như người cha trong câu chuyện này.

Tóm lại phàm nhân luôn không như ý nên luôn khởi tâm báo thù, và luôn luôn báo thù lầm, cũng do vì tham sân si và vì thiếu tư duy thật đức năng.