Người dân ở biên địa của một xứ nọ, không biết lừa là con gì, lại nghe nói sữa lừa rất ngon, mà chưa ai được nếm qua. Bấy giờ họ được một con lừa đực, muốn vắt lấy sữa, nên tranh nhau trì níu con lừa, người thì nắm đầu, kẻ nắm tai, lại có người thì giữ đuôi, kẻ ôm chân lừa, ai cũng muốn được hưởng hương vị sữa lừa trước nhất. Người nắm lừa căn cho rằng đây là vú lừa, thay nhau ra sức vắt, vọng được sữa lừa, ai nấy mỏi mệt mà không đạt được chút kết quả nào, ngoài việc bị thế nhân chê cười.
Ngoại đạo và phàm phu cũng vậy, nghe công đức của đạo, muốn được nhưng không biết đạo là gì và làm sao để được, nên khởi vọng niệm, sinh đủ mọi tà kiến, hành mọi tà hành như khỏa hình lõa thể, bôi tro trét bùn, nhẩy vào lửa, do tà kiến tà hành, đọa vào ác đạo, như những người ngu kia cầu sữa.
Lời Bình:
Lừa đực dụ cho vọng tâm, sữa dụ cho công đức nhũ, lừa cái dụ cho chân tâm, dân biên địa dụ cho mê muội. Phàm phu và ngoại đạo nghe nói công đức của đạo tức chân tâm, vô sinh tử, vô họa hoạn, vô phiền não, nên khởi tâm mong cầu được công đức này, nhưng không biết đạo (tâm) thật sự là gì, nên chẳng phân biệt được vọng tâm và chân tâm, vớ lấy vọng tâm tưởng đó là chân tâm, ra sức tu hành để được công đức nơi vọng tâm, như dân làng này không biết con lừa là gì, nên chẳng biết đâu là đực đâu là cái, nên khi được con lừa đực, chẳng biết nó là giống đực, cả làng xúm lại tranh nhau dùng lừa căn vắt sữa để được uống trước, chỉ uổng công tranh dành và ra sức lấy sữa, nhưng chung cục chỉ trải qua thời gian nhọc mệt tranh chấp mà cả làng chẳng được giọt sữa nào, như phàm phu dùng vọng tâm tu học, mong cầu công đức cho ngã, khiến Phật pháp là chân pháp bị vọng thức vọng nhận thành nhị pháp, nên chung cục không được chút công đức nhũ nào cả.
Dùng vọng ngã tu hành chính pháp mà không nhắm đến giải thoát khỏi mọi chi phối của vọng ngã, lại truy cầu cho ngã này có phúc, tức như ý ngã, như một kẻ trộm cắp tụng kinh niệm Phật để cầu phúc cho ăn trộm thành công và không sợ ai khám phá được, đó là phúc theo vọng ngã. Phàm phu không nhận chân ra chư Phật và các vị tổ sư tu hành thì được công đức vô ưu, vô tham nên bất động trước thủ xả, còn ta càng tu thì càng thêm thủ xả, và càng nhiều thủ xả tức mong cầu, thì phúc họa càng lắm, phúc họa càng nhiều thì càng cần tu phúc, nhưng tu phúc lại để được cái phúc cho ta và đùn cái họa đến cho người, một thứ phúc tai hại cho tha nhân.
Công đức tu hành của chư Phật là giác ngộ, không phải được phúc. Giác tức hiểu mọi nguyên nhân đưa đến phúc họa, đều do vọng thức nơi ta gây nên, mong cầu được và sợ hãi mất, luôn tìm cái được, mà chẳng hay được mất đều từ gốc vọng của ta phát sinh. Vì vậy giác rồi thì hết vọng, vọng tận thì phúc họa chẳng còn, nên được mất trở thành không tịch. Giác nên biết nhất thiết pháp giai huyễn, huyễn tất nhiên không có được mất.
Phàm phu tu hành cầu đắc phúc, song được hay mất thì cũng vẫn chỉ trong cảnh sinh tử luân hồi, hành động này khác gì vắt sữa lừa đực. Lừa đực không có sữa, như vọng ngã không có công đức nhũ vô sinh vô tử, vô phiền vô não, vì vậy nên mới phải tu giải thoát, nếu vọng ngã có công đức nhũ giải thoát rồi thì không cần phải tu nữa.
Chư Phật vô vọng ngã nên vô vi tịch tĩnh, chẳng cần tu chẳng cần chứng, nên lục tổ Huệ năng nói « tâm bình hà lao trì giới » (tâm bình rồi thì cần gì đến trì giới nữa), tâm bình là tâm dứt vọng tưởng, không vọng thì không say ác đắm thiện, nên nào cần đến giới để chống ác, thiền sư Mã tổ Đạo Nhất gọi điều này là « bình thường tâm thị đạo ». Vọng tâm là tâm bất bình thường, nên đạo nơi vọng tâm thành phi thường đạo.
Chúng sinh bị vọng che mờ chân tính, nên không còn thấy chân chỉ thấy toàn vọng, như người bị vải che mắt không thấy ánh sáng, chỉ còn thấy tối đen, người này đi khắp nơi tìm ánh sáng với cái khăn bịt mắt thì đến tận vị lai kiếp vẫn không thấy được ánh sáng. Chúng sinh vì ám tế vô minh nên cầu trí huệ giải thoát, song chỉ cần nhận ra lỗi gây ra tối đen, tất thấy được ánh sáng mà chẳng cần nhọc công đi tìm. Chúng sinh đi tìm ánh sáng (đạo) không đúng thời tiết và nhân duyên nên chỉ phí công mà chẳng tìm đuợc, như dân làng vắt sữa lừa đực.
Ngu không bỏ mà học khôn thì khôn kia cũng thành ngu, như các câu chuyện ngu này đã chứng minh, phải biết rằng « nhận ra cái ngu là được cái khôn », nên Huệ năng đại sư dậy « nhữ đương nhất niệm tự tri phi, tự kỉ linh quang thường hiển hiện » (nơi mỗi niệm thấy lỗi, đó là linh quang của ta tự hiển bầy), khi nhận ra gốc sinh mọi ngu là vọng ngã, trừ vọng ngã tức trừ mọi ngu si tất trí huệ tự hiển bầy, nên cầu trí huệ tức tìm ra cái ngu, đó là diệt ngu, không phải diệt ngu rồi chúng ta sẽ không ngu mà cũng chẳng khôn, mà ngu diệt thì trí thành, như đức Phật dậy « người ngu biết mình ngu, nhờ vậy thành có trí, người ngu ngỡ mình trí, thật xứng gọi trí ngu ». Ở đây có thể nói thêm rằng ngu đó là vọng thức, khôn ấy là chân trí, hễ bỏ thức thì trí tự hiện bầy.
Khi đã diệt sạch vô minh, giống như người bỏ được cái khăn bịt mắt, ánh sáng tự hiển hiện, mà không cần phải tìm kiếm đâu xa, bấy giờ mọi thứ đều phơi bầy trước mắt, không còn mò mẫn tìm cầu, thủ xả đắc thất nữa. Giác ngộ cũng vậy, nhận ra mọi pháp đều huyễn, đã là huyễn tất chẳng cần xả, cũng tự lìa, như người nằm mơ tỉnh dậy, cơn mơ tự lìa mà ta không cần phải làm gì nữa để lìa cơn mơ, và cảnh thật tự hiện mà ta cũng chẳng cần phải tìm đến, nên tuy nói xả vọng quy chân, kì thật vọng tất chẳng cần phải xả, chân tất chẳng cần đến quy, như Vĩnh gia đại sư dậy « bất trừ vọng tưởng, bất cầu chân ». Chân tâm lưu xuất mọi công đức nhũ, như lừa cái năng sinh sữa, Vọng tâm không thể sinh sữa như lừa đực, diệt vọng tâm thì chân tâm tự hiện, bỏ lừa đực thì mới có thể được lừa cái.
Do vậy mới biết chân đã sẵn nơi tâm, tất nhiên cảnh chân tức tịnh cảnh cũng ngay nơi tâm. Vọng cũng ở nơi tâm nên vọng cảnh tức thế gian cũng ở tại tâm này. Vọng hay chân đều thuộc về tâm, nhưng chữ vọng hàm ý không thật, nó chỉ có khi mê mất tính chân. Nói chân là hàm nghĩa thật, bất biến không tăng không giảm, không được không mất, khi vọng hiện chân không mất, khi vọng mất chân cũng chẳng được, tựa như người nằm ngủ mơ, khi họ nhận mơ làm thật, ngay khi đó họ quên mất thật ngã, nhưng thật ngã vẫn không mất, khi giấc mơ tàn, tỉnh lại thật ngã cũng không hề tái hiện hay được lại, bởi nó chưa từng mất để được lại hay hiện ra lại. Cho nên chân chính là bản lai và là bản lai bất động. Do đó mà Như lai tuyên thuyết « nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính » và dĩ nhiên « tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành ». Chúng sinh lìa vọng ắt chân tự hiện, như lìa mơ thì giác tự thành, khi đức Thế Tôn nói chúng sinh là chỉ cho còn trong vọng, nhưng bản lai chân thật không thay đổi nên vẫn có cơ hội thành Phật trong tương lai, khi lìa được vọng, vì vậy nói « là Phật sẽ thành », câu này cũng ám chỉ bản lai của chúng sinh vốn là Phật.
Quá trình từ chúng sinh đến thành Phật trải qua ba giai đoạn, đó là chúng sinh thấy toàn vọng, hiền thánh thấy chân ở trong vọng, chư Phật vọng chân đều không tịch.
Phàm phu ngoại đạo đều dùng ngã tu hành, khác gì dân làng vắt sữa lừa đực, chỉ đồ lao vô ích. Tỉ dụ như nghe từ bi, phát tâm tu từ bi mà không hiểu nghĩa từ bi là gì, điều đó được ví như dân ở biên địa chốn quê mùa không biết con lừa là gì. Nhằm lừa đực mà ra sức vắt sữa, giống như tu từ bi để làm cho ngã tự an ủi chịu đựng, mà không hề là chuyển hóa tha nhân, cứu giúp họ chuyển ác thành thiện, xả mê khai ngộ bằng mọi phương tiện như bồ tát Quan Thế Âm dùng 32 ứng hóa độ sinh. Vì vậy kết quả tu từ bi chỉ thành một kẻ cố gắng tưởng tưởng để chịu đựng và là một người đầy phiền não, mà chẳng có lợi gì cho bản thân và chúng sinh trong công cuộc cứu tế theo đúng nghĩa từ bi. Đáng thương nhất là những người này lại nhầm lẫn cái « tưởng tượng để đè nén» với quán từ bi, đó là vắt vọng ngã tìm kiếm từ bi, còn thì mặc cho chúng sinh hành ác và duy trì ác pháp. Họ không hiểu sữa từ bi được vắt từ sự cứu độ chúng sinh, mà không vắt nơi sự chỉ làm sao cho ngã đè nén. Khác nào những kẻ vắt sữa lừa đực.
Trên mọi bình diện tu học rất nhiều người bị rơi vào hoàn cảnh vắt sữa lừa đực. Người tu học Phật chân chính cần ghi nhớ câu chuyện này thì sẽ thành tựu được mọi công đức.