Home > Khai Thị Phật Học > Hien-Thi-Mot-Nguyen-Gom-Du-Bon-Nghia
Hiển Thị Một Nguyện Gồm Đủ Bốn Nghĩa
Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch


Có người hỏi rằng: Từ trước đến nay những sách khuyên người niệm Phật rất nhiều, tuy lời giảng có sự dị đồng nhưng về ý nghĩa đâu có khác. Những sách ấy phần nhiều phân tích về y báo, chánh báo hay quán huệ chứ chưa nghe nói về phá vọng hiển chơn. Các bậc cổ nhơn còn chưa khẳng định, tôi đâu dám khinh thường! Nay tuy chưa thể trực chỉ vào đạo mà cũng được bổ ích nghe điều mới mẻ, vậy xin chỉ giáo.

Đáp: Than ôi! Thương cho nhơn thế không nghĩ đến đạo lý mới nói những điều như thế, đâu phải là câu hỏi hay, hay bất đắc dĩ nói lên như vậy.

Lại nói: Thuyết tam muội này đã nói rõ, nếu bảo là khó lại có thể dùng một câu mà đạt hết nghĩa sao?

Đáp: Hà tất phải một câu, có thể dùng một lời cũng đủ. Thế nào là một lời? Đó là nguyện.

Một câu là gì? Ấy là giới, giải, hạnh, hướng vậy. Nhưng nghĩa toàn bộ không ra ngoài một câu giới giải hạnh hướng. Mà giới giải hạnh hướng phải từ nguyện mà có, nên có thể nói một lời đã đủ rồi. Phương chi các sách dù nói rộng hay sơ lược đều được cả, sao lại thiên về một bên được?

Giới nghĩa như thế nào?

Hành giả khi tu tam muội nếu không trì giới, tuy có tín tâm, nhưng vì ác duyên tạp nhiễm ở thế gian xâm lấn, khó tránh bụi trần, lạc vào đường tà làm hại pháp thân, không thể vãng sanh. Kinh chép:

Trong một ngày đêm giữ trọn giới sa di, trọn giới cụ túc cũng được vãng sanh. Cho nên phải giữ giới.

Thế nào gọi là giải?

Hành giả tu tam muội cầu sanh Cực Lạc, nếu không dùng trí huệ để nhận thức chính chắn tịnh uế hai cõi, định vị Đông Tây hai phương, không một chút lầm lẫn, lại biết hai cõi tịnh uế này trọn đủ trong tâm, luôn an trụ trong chánh niệm và tu theo pháp nào để được vãng sanh. Nên kinh chép: Phải đọc tụng kinh điển Đại thừa để hiểu rõ nghĩa đệ nhứt mới được vãng sanh. Cho nên cần phải hiểu thật đúng.

Thế nào gọi là hạnh?

Hành giả cầu sanh Tịnh độ đã nhận thức chính chắn rồi thì phải y theo sự hiểu biết mà lập hạnh, sáu thời tu niệm, ba nghiệp không khiếm khuyết, thẳng tiến không thối thất, quyết chắc sanh về. Kinh chép: Tu hành lục niệm (23), hồi hướng phát nguyện một ngày cho đến bảy ngày liền được vãng sanh. Cho nên cần phải lập hạnh.

Thế nào gọi là hướng?

Hành giả muốn được chắc chắn vãng sanh, nên đối với những công đức của giới, giải, hạnh và tất cả thiện căn lớn nhỏ nhiều ít đã có từ vô thỉ đến nay, nhứt nhứt đều phải hồi hướng về Tịnh Độ, đến khi mạng chung quyết được vãng sanh. Kinh chép: Hồi hướng nguyện cầu sanh về cõi nước Cực Lạc, ví như làm xong việc, khi trở về nhà có kết quả. Cho nên phải phát nguyện hồi hướng.

Nghĩa một câu của bốn pháp rộng lớn này nhiếp hết tất cả thiện pháp, như bốn mùa cần cho lúa gạo cây trái đơm bông kết quả tốt, thiếu một thì không thành, bốn pháp này cũng như vậy, nếu thiếu một pháp thì tam muội không thành. Cho nên cần phải đủ bốn điều kiện trong sự tu tập mới viên mãn một nguyện.

Hi: Chỉ một câu mà thành nhiều câu là thế nào?

Đáp: Nhiều câu tức một câu, một câu tức nhiều câu, nhiều hay một nghĩa lý bao gồm tất cả, không thể bảo phải nhiều câu nghĩa mới rõ, còn một câu nghĩa không đủ.

Hi: Như vậy vì sao không nói một câu thôi?

Đáp: Nhiều là giải rộng, một là nói sơ lược. Rộng hay lược tuy có sai khác, là theo căn cơ để hiểu rõ giáo pháp, đâu thể dùng một câu lại bỏ quên không giải rộng ư?

Lại hi: Các ông bà ba nhà ở thôn Lý kia không biết Đông Tây ở hướng nào, lẩm cẩm không phân biệt cả đến gạo đậu thì làm sao hiểu được trì giới với nghĩa lý bốn điều, chỉ biết nhứt tâm xưng danh hiệu và chuyên cần lễ bái đến khi lâm chung ứng nghiệm cũng được vãng sanh là thế nào?

Đáp: Đã nhứt tâm rồi thì còn pháp nào nữa mà không đủ. Đã nhận thức rõ ràng và tin có hai cõi, lại phát nguyện thật hành xưng danh hồi hướng cầu sanh há lại còn phá giới sao? Như vậy bốn điều kiện đã trọn đủ, các hạnh không lập vẫn thành tựu tức được vãng sanh, đạt được tâm nguyện lúc ban sơ. Đâu có thể bảo là không phân biệt được lúa gạo, Đông Tây hay sao!

Hi: Như vậy hành giả chỉ cần nhứt tâm thì các hạnh đã trọn đủ rồi, bất tất phải thật hành bốn điều nêu trên?

Đáp: Nếu hiểu rõ bốn ý nghĩa trước, như xây nền móng vững chắc, rồi nhứt tâm thì vĩnh viễn không thối chuyển. Nếu nhứt tâm trước mới tìm hiểu bốn ý nghĩa trên tuy cũng được vãng sanh, nhưng trong khoảng thời gian tu tập bổng gặp ác ma tà ngụy nên phần nhiều bị thối chuyển, do đó bốn ý nghĩa ấy thật quan trọng.

Sau đó lại hỏi rằng: Xưa nay các sách khuyên tu Tịnh Độ rất nhiều, ý nghĩa lời văn rất hay, tất cả tùy theo căn cơ đã phổ biến khắp nơi, và y theo sự chỉ dạy người được vãng sanh rất nhiều, có thể nói là ý nghĩa thật rõ ràng. Tại sao ngày nay lại còn trước tác nữa khiến cho hậu học có sự hiểu biết lệch lạc? Nay trong quyển này cũng thuật lại ý nghĩa của cổ nhân mà cổ nhân đã thuyết minh rồi thì đâu cần phải nói lại, nếu nói sai khác người đời nay không hiểu e rằng sẽ sanh ra ức kiến, đó có phải vì danh vì lợi hay sao? Nguyên xin chỉ giáo.

Đáp: Sao thiển cận vậy! Ta nghe cổ nhân lập ngôn phải theo kinh Phật, Tổ. Đã là kinh của Phật Tổ thì nghĩa một câu dù cho trần số chúng sanh trong đại thiên thế giới như ngài Phổ Hiền mà nói lý thú trải qua nhiều kiếp cũng không cùng tận, há cổ nhân đã nói người đời nay không thể nói lại hay sao?

Người đời nay chẳng thuật lại lời các vị cổ đức, ngôn hạnh các vị cổ đức nếu không làm sáng tỏ, không dạy cho kẻ hậu học, sợ sự suy nghĩ của hàng hậu học sẽ không biết căn cứ vào đâu, nên về nghĩa tuy thuật theo các bậc cổ đức, nhưng ý thú không trùng nhau, lời tuy có sai khác mà lý thì không khác nhau. Do đời nay đã cách từ lâu xa nên sự hiểu biết có sai khác, tuy giải được chỗ nghi của người này, lại sanh lầm cho người kia, người kia hết sai thì người nọ lại có chỗ ngờ, lần lửa sanh khởi nhiều ý kiến lệch lạc. Lại sách của Thánh Hiền tuy nhiều như núi nhưng phần nhiều hầu như bị tiêu hủy, lại thêm căn cơ của người hậu học chậm lụt muốn tìm nghĩa thiết yếu tinh hoa để nghiên cứu rất là khó khăn trong số văn sách quảng bát ấy. Vì muốn gấp giải những điều nghi hoặc đương thời nên phải góp lại thành một quyển để chửa bệnh trầm kha, ấy vì lợi vì danh hay sao?

Lời hỏi của ngươi có đáng thẹn không? Ví như biển lớn thêm nước vào biển đâu từ chối đã sâu rộng rồi, quả núi đã cao thêm đất nữa, núi há lại chê vẽ cao thêm sao? Lại chỗ nghi của hậu thế bậc cổ đức chưa từng nghe, ý ngoại của cổ đức kẻ hậu học không hiểu thấu, cách Thánh đã xa nên phải nhờ vào kinh để biện minh điều nghi hoặc cho người đời nay. Như trong phòng có nhiều thuốc quí, nếu không chẩn bệnh để chọn thuốc mà dùng không những bệnh không lành mạng sống cũng khó bảo đảm. Lại thêm một nghĩa trong kinh có vạn lời giải vạn điều ngộ sao lại không chịu nghe những gì nói lại, hay ngại gì mà không nghe những gì chưa nghe. Ngươi nên lấy tam muội này mà suy nghĩ cho thật rõ, rồi lập đại hạnh nguyện thẳng tiến vào pháp cầu sanh Tịnh Độ. Hãy cẩn thận đừng đợi đến đường cùng mới quyết chí, bấy giờ mến cảnh tiếc thân, như rùa bị lột mai muôn ngàn đau khổ hối tâm thì đã trể rồi vậy.