Home > Khai Thị Phật Học
Giặc Cướp Chia Của
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Đám giặc sau khi cướp được nhiều của cải, bèn phân chia cho nhau, trong đó có cái áo lộc dã khảm bà la coi rất tầm thường nên chia cho một gã thấp hèn. Gã này rất phẫn hận, đem vào thành rao bán, biết bao người nhà giầu tranh mua, chung cục số tiền gã bán được nhiều hơn của đám cướp chia nhau, bấy gìơ gã mới hoan hỷ.

Như người đời không biết bố thí có phúc báo hay không, nên hành thiểu thí, được sinh cõi trời, thọ vô lượng lạc, khi đó hối hận đã không quảng thí, như khảm bà la sau khi được giá mới sinh hoan hỷ, bố thí cũng vậy thiểu tác đa đắc, bấy giờ mới tiếc là không hành thí nhiều hơn.

Lời Bình:

Người đời sở dĩ ít hành bố thí, thứ nhất vì tính ích kỉ của ngã chấp, thứ đến vì nghi ngại không biết bố thí thật có phúc báo hay không. Nếu bố thí mà không mang lại kết quả lợi ích nào cho ta, thì ta nhất định không hành bố thí, thế nên đa phần chúng sinh bố thí bằng tâm ham lợi hơn vì thiện.

Theo kinh Viên giác gốc của bản ngã là ái dục, do vậy ngã này luôn tính toán mọi sự bằng tham dục, đã từ tham dục phát sinh tất nhiên chưa khi nào thành tâm hành thiện. Thành tâm cần dựa vào hai lý do, thứ nhất là y lời Phật dậy, thứ hai vì sự lợi ích của chúng sinh. Trong khi lý do hành thiện (bố thí) của chúng sinh chỉ đơn thuần là cầu phúc báo ngũ dục cho bản thân, hoặc khi gặp khổ quả thì mong làm thiện bố thí để có phúc cứu vãn khổ quả hiện tiền. Vì vậy khi hành thiện thường kèm theo tính chất lợi kỉ, thiện pháp được dùng như một thứ đổi chác và chỉ khi nào bản thân cần tới.

Người tu học bồ tát đạo thường hành thiện pháp để ba nghiệp được thanh tịnh, chúng sinh được lợi lạc. Thiện pháp bao giờ cũng đi đôi với lợi ích của chúng sinh, không thể gọi là thiện nếu không nhắm đến mục tiêu cứu độ chúng sinh.

Một khi hành thiện vì lợi ích cá nhân tất nhiên thiện pháp này vẫn thuộc vào tập đế, chung cục cũng lẩn quẩn trong cảnh khổ đế, dù rằng cũng có quả báo tốt của thiện pháp, nhưng quả đó vẫn thuộc khổ tập, do vậy Phật pháp gọi là phúc báo hữu lậu.

Đối với các pháp thiện của thế gian mà còn nghi hoặc và chưa dám hành, chỉ vì tâm tham dục còn đương tính toán xem lợi thu vào có hơn tài lực của ta cho ra không, nếu hơn thì sẽ làm, bằng không thì miễn làm. Tâm tính toán lợi lộc này cản trở nhân thiện, diệt mất phúc báo trong tương lai, thiện pháp và phúc báo thế gian còn bị trở ngại, hà huống công đức của các pháp xuất thế gian.

Đức Phật trong ba đại a tăng kì kiếp, xả thân bố thí cho chúng sinh, thực hiện tinh thần đương nguyện chúng sinh, đem ngã tham ái này hiến cho chúng sinh, khiến ngã đó trở thành công cụ độ sinh, thành tựu vô lượng công đức. Nhờ lực bố thí ba la mật này ái dục bị tiêu trừ tận gốc rễ, khiến vọng ngã vô dục đó trở thành ứng thân Phật. Do vậy sắc thân Như lai cũng thanh tịnh vô tỷ, không cấu uế như sắc thân chúng sinh, sắc thân này là ứng thân và báo thân của Như lai.

Hư vân hòa thượng khi mới xuất gia, đại chúng phân chia công việc, ngài chỉ xin một điều, đó là “được” nhận lãnh những công việc mà không ai muốn “bị”. Vì vậy lời thỉnh cầu này rất mau chóng được chấp nhận, ngài làm mọi việc nặng nhọc và dơ dáy nhất để xả ngã, đem cái ngã vốn là công tử xuất thân phú quý hầu hạ đại chúng, trong ấy đa số thuộc giai cấp bần hàn, hành động của ngài bị người vô trí chê là dại dột. Nhưng ngược lại nhờ ngài khiêm tốn, hạ mình xả ngã phục dịch tha nhân, nên hành được thiện pháp bố thí, đem thân tâm này bố thí cho chúng sinh, thành tựu thiện pháp vô dục và vô ngã, trở thành vị cao tăng nổi tiếng của cận đại, hành động phá ngã của ngài đưa đến kết quả được hàng hậu bối kính trọng tôn thờ, đúng như lời của Lão tử « ngoại kì thân nhi thân tồn » (bỏ thân đi, thì thân còn mãi). Còn như những kẻ chỉ muốn hiển bầy cái ngã qua địa vị cao sang, ăn trên ngồi trước, sai bảo mọi người, chê ngài là vô trí, thì tu đến chết cũng không được chút công đức nào. Chúng ta thấy hành động của ngài Hư Vân khác nào câu chuyện chia của này, chỉ khác một đàng là ngài tự nhận lãnh cái đại chúng chê, mà không một ai ngoài ngài biết giá trị của công việc mà đại chúng cho là thấp hèn, song nhờ nhận lãnh thứ thấp hèn này mà ngài thành tựu công đức. Việc thấp hèn đó khác gì chiếc áo lộc dã kia.

Ngoại đạo cho khổ hành là con đường diệt dục, để được thanh tịnh hầu mong sinh thiên. Ngoại đạo vô trí không biết tâm làm chủ thân, họ chỉ nhận rằng thân này hay hành tham dục, thế nên hành thân xác không cho thân này hành dục, dụ như khởi dâm tâm thì đoạn âm, khởi tâm thích ăn ngon thì cắt lưỡi, khởi tâm thích rong chơi thì chặt chân, và như vậy sẽ có kết quả, vì rằng thân này không còn phương tiện hành dục, nào dè dù hành xác đến mấy đi nữa dục tâm vẫn nguyên vẹn. Bởi lẽ không có phương tiện hành dục không phải là vô dục. Vì vậy kinh 42 chương, chương 31 đức Phật dậy, đoạn tâm thay vì đoạn âm. Ngoại đạo như người điều xe bò, xe là thân, bò là tâm, ngoại đạo không điều tâm mà chỉ điều thân, xe không chạy chỉ lo đánh xe mà không đánh bò, nên đánh đến hỏng xe, xe cũng vẫn bất động.

Khác với ngoại đạo, đức Phật hành nan hành đạo một thứ khổ hành mà các đạo sĩ khổ hạnh không làm được, thay vì hành xác như ngoại đạo, chỉ làm thân khổ và chúng sinh vô bổ. Đức Phật đem thân này phụng sự nhất thiết chúng sinh, bố thí đầu mắt tay chân lợi lạc hữu tình, vừa trừ ngã chấp vừa lợi người, thành tựu hạnh tự lợi lợi tha, được vô lượng công đức.

Xả thân vì chúng sinh nên thành tựu vô ngã, vô ngã tất vô dục. Đức Phật trong vô lượng đời xả thân cho vô lượng chúng sinh, như trong kinh Pháp Hoa, phẩm Đề Bà Đạt Đa thứ 12, Trí Tích bồ tát nói « Ngã kiến Thích Ca Như lai ư vô lượng kiếp, nan hành khổ hành, tích công lụy đức, cầu bồ đề đạo, vị tằng chỉ tức. Quán tam thiên đại thiên thế giới, nãi chí vô hữu như giới tử hứa, phi thị bồ tát xả thân mạng xứ, vị chúng sinh cố, nhiên hậu nãi đắc thành bồ đề đạo » (tôi thấy Thích Ca Như lai hành khổ hành khó làm trong vô lượng kiếp, tích lũy công đức, cầu đạo bồ đề không tạm dừng. Lại quán cho đến một chỗ nhỏ như hạt cải trong tam thiên đại thiên thế giới này đều từng là chốn xả thân của bồ tát cho chúng sinh, nhờ vậy mới thành bồ đề đạo). Đấy mới chính xác là khổ hành khó làm bậc nhất, và cần phải có tâm nghĩ tưởng đến lợi lạc chúng sinh vượt quá sự lợi kỉ và dục vọng mới hành được, lại cũng do hành xả này mới thành tựu được vô ngã và vô dục. Do đó pháp xả này của Thế Tôn lợi mình lợi người, tự giác giác tha nên thuộc về đạo đế.

Trái lại ngoại đạo xả thân bằng hành xác vì lợi ích cá nhân, nên dục vẫn tồn tại, do vậy pháp xả của ngoại đạo thuộc về tập đế không đưa tới giải thoát.

Đức Thế Tôn hành khổ hành khó làm, vì chúng sinh xả bỏ thân mạng, nên thành tựu bố thí ba la mật. Ngoại đạo cũng hành khổ hành nhưng không phải bố thí thân nên không thể qua bờ kia.

Chúng sinh nặng ngã chấp nên khi hành thiện không có tâm bố thí chân thật mà thực chất chỉ là cầu phúc lợi cho bản thân, vì vậy mà thiện pháp đó không thuần tịnh, cho nên bố thí của chúng sinh không đưa tới kết quả giải thoát qua bờ kia, như Lương Võ đế tuy bố thí nhưng bị Tổ sư chê là không công đức, bởi công đức phải là sự giải thoát qua bờ kia. Võ đế bố thí mong cầu phúc báo cho ngã, song cảnh giới của ngã chính là khổ tập, lìa ngã không có khổ tập. Nếu muốn bố thí qua được bờ kia tất phải học pháp bố thí vì chúng sinh của đức Phật. Vô ngã tất vô khổ tập, đó là con đường diệt đạo của chính pháp.

Bố thí đã bao hàm hết mọi phúc báo thế gian cho đến công đức xuất thế, nên là thiện pháp thù thắng và là pháp tu thứ nhất của bồ tát đạo.

Trong đại chúng ở một tự viện, các công việc nặng và tạp dịch thường giao cho các người mới hay địa vị thấp, những người này không dám từ chối đành bấm bụng làm, đợi khi có phúc báo mới hay lãnh công việc tạp dịch nọ là lãnh phúc báo, thậm chí còn đưa tới công đức vô lậu xuất thế như trường hợp ngài Hư Vân. Người miễn cưỡng làm việc phụng sự chúng sinh còn có phúc báo, huống hồ ngài nhận lãnh với tinh thần vì phụng sự chúng sinh.

Một số việc làm phụng sự chúng sinh tuy thấy tầm thường song lại có phúc báo và công đức lớn, tựa như chiếc áo lộc dã vậy. Do đó người tu học bồ tát đạo không nên coi thường bất cứ một thiện pháp nào, mà phải luôn « nguyện tu nhất thiết thiện » ở mọi nơi và mọi thời.