Thông thường “đồng sự” chỉ những người cùng làm việc ở trong một công ty hoặc trong một đoàn thể, họ có thể cùng làm một công việc, hoặc ở những bộ phận khác nhau, nhưng chỉ cần làm việc cho một nhiệm vụ thống nhất, đều có thể gọi là đồng sự.
“Đồng sự” được nói trong “tứ nhiếp pháp” của Phật giáo muốn nói có những điểm tương đồng với ý nghĩa “đồng sự” thông thường, nhưng không phải hoàn toàn giống nhau. “Đồng sự” mà Phật pháp nói đến đầu tiên là việc đồng ý với người khác để cho họ dễ dàng chấp nhận mình, sau đó dần dần chuyển hóa họ, cho họ gặt hái lợi ích của việc tu tập theo Phật pháp rời khổ có được vui. Trong hai bộ kinh rất quan trọng “Kinh Pháp Hoa” và “ Kinh Hoa Nghiêm” có nhiều câu chuyện giảng rõ ý nghĩa của “đồng sự”.
Trong Kinh Pháp Hoa kể: có một đại phú ông bị thất lạc con từ khi nó còn bé, trở thành một kẻ ăn xin lưu lạc trên đường phố, chú bé hoàn toàn không biết mình có người bố rất giàu có.
Một hôm, câu bé đi đến nhà cha mình xin ăn, cậu đứng bên ngoài của nói: “Thưa quý ông giàu có! ông có thể đưa cho tôi một ít tiền hoặc một chút cơm không?” Do trên khuôn mặt của cậu bé này từ nhỏ đã được đánh dấu làm hiệu, người bố vừa nhìn thấy đã biết đó là con trai của mình, vội sai người gọi cậu bé vào cửa. Không ngờ cậu bé ăn xin vừa nghe thấy, cho rằng quý ông giàu có muốn phạt cậu, sợ hãi bỏ chạy mất tăm.
Cha cậu nghĩ ra một cách, sai một người có hình dáng xấu xí, giả làm người ăn xin, cầm chiếc bát vỡ đi tìm cậu bé, cùng đi ăn xin với cậu, sau khi hai người họ trở thành bạn bè dựa nhau để sống, người này mới đưa cậu bé ăn xin về nhà người cha giàu có.
Lúc đó cha cậu bé đặc phái người đứng ở cổng chờ họ, giả vờ đồng tình nói với họ: “hai người thật nghèo đói, thật đáng thương, chi bằng đến đây làm việc cho chúng tôi, không cần phải lưu lạc bốn phương nữa.” Cậu bé thấy ý kiến hay thế là đồng ý, bắt đầu làm những công việc nhỏ nhặt nhất. Bố cậu sai người đi ăn xin đi cùng đến bên cạnh, giúp đỡ cậu làm việc. Nhờ vào sự cố gắng của mình, cuối cùng cậu được thăng chức làm tổng quản.
Lúc đó cha sắp qua đời, ông mới thú nhận với cậu bé: “Thực ra con chính là đứa con mà ta thất lạc từ nhỏ! Bây giờ cha sắp chết, lại không có người thừa kế khác, tất cả những gì của cha đều là của con.” Do cậu bé àn xin đã làm tổng quản, cậu có đủ năng lực, kinh nghiệm để tiếp nhận lấy gia nghiệp to lớn của người cha, cộng thêm với sự tín nhiệm vào người thuê giúp việc đã nuôi dưỡng nhiều năm, cậu ta tin tưởng những lời nói của cha là sự thật, từ đó mà vui lòng nhận lại tổ tông của mình” Ngoài ra, trong Phẩm Phổ Môn của Kinh Pháp Hoa, Bồ tát Quan Thế Âm là ví dụ điển hình của hạnh “đồng sự nhiếp”. Quan Thế Âm Bồ tát trong kinh có 32 phép hóa thân, ví dụ, nếu đối tượng được hóa độ là nhi đồng, ngài sẽ biến thành nhi đồng, đối tượng được hóa độ là phụ nữ, ngài sẽ biến thành phụ nữ. Quan Thế Âm Bồ tát hóa thân thành các đối tượng có hình tướng và diện mạo khác nhau, mục đích là muốn tiếp cận giáo hóa nhiều đối tượng khác nhau, mục đích cuối cùng là giúp chúng sinh tu học theo phật pháp và giúp họ tự tại vô ngại như chính bản thân ngài.
Trong câu chuyện Thiện Tài Đồng Tử tham học với 53 vị Bồ tát (Kinh Hoa Nghiêm) trong đó nhiều vị đại Bồ tát cũng đã hiện ra với những danh phận khác nhau: có người là quan tư pháp, có người là kỹ sư, có người thậm chí còn sống ở lầu xanh. Những vị Bồ tát này đã hóa thân thành các danh phận khác nhau, mục đích là độ hóa chúng sinh với những tính cách và sở thích khác nhau.
Thiền sư Đạo Nguyên của Nhật Bản đã giải thích về “đồng sự” như sau: “Lúc đầu, bạn phải biến mình giống họ, sau đó khiến họ giống mình”. Đồng sự là mình hòa vào trong xã hội mà đối tượng cần giáo hóa đang sống, nhưng không bị xã hội ảnh hưởng ngược lại mà đánh mất mình. Mục đích của việc hòa nhập vào xã hội để lãnh đạo xã hội, cảm hóa xã hội, dựa theo những yêu cầu xã hội mà thay đổi mình và trở thành người cần thiết cho xã hội.