Home > Khai Thị Phật Học
Biết Lắng Nghe Và Chân Thành Trong Giao Tiếp
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Khuyết Danh, Việt Dịch


Xã hội nói chung chỉ xã hội loài người, muốn có xã hội loài người ắt phải có con người xã hội. Mối quan hệ khăng khít kia ngầm chỉ: sẽ không có con người tồn tại ngoài xã hội, trừ phi người đó muốn cắt đứt mọi mối quan hệ với con người, nếu không bất kì ai cũng phải giao tiếp.

Giao tiếp đóng vai trò quan trọng của hoạt động loài người, tuy nhiên trong quá trình giao tiếp, có một xu hướng chung là ai cũng tìm những đối tượng phù hợp với mình. Ai cũng cho rằng “dù mình không kết bạn với người đó, không nói chuyện với người kia vẫn có bạn bè, vẫn sống tốt.” Từ đó họ phân biệt: “Đây là bạn tôi, kia không phải bạn tôi; đây toàn là kẻ không ra gì, mình không thèm làm bạn với họ”.

Những người tự đặt tiêu chuẩn tốt xấu cho mình, cho rằng có người không đủ tư cách làm bạn, không phải là bạn hoặc tự nghĩ người như thế sẽ bán đứng mình, chiếm hết cái hay cái tốt của mình, thậm chí cảm thấy tố chất làm người của họ quá kém không đủ tư cách làm bạn.

Người chỉ muốn giao tiếp một chiều sẽ rất khó hòa hợp với người khác. Giao tiếp luôn đòi hỏi ít nhất phải từ hai phía, nếu không, không được gọi là giao tiếp.

Thông thường, kết bạn càng nhiều càng tốt, đương nhiên trừ những kiểu bạn bè xấu, hay bán đứng nhau, tìm cách làm tổn thương nhau. Tuy nhiên nếu bạn có thiện ý giao hảo thế nào đối phương cũng không muốn trở thành bạn, chỉ nuôi lòng thù địch thì tốt nhất bạn không nên cố gắng, cứ tạm thời không giao tiếp là được, vì không nhất định bạn phải làm bạn với họ.
Mọi thứ tình cảm cần đến từ hai phía, nếu đối phương không đồng ý mà bạn cưỡng cầu sẽ làm khó cho cả hai. Trường hợp này, bạn không nên xem đối phương là thù địch mà hãy giữ tấm lòng muốn giao hảo với họ. (Nếu cần thiết bạn hãyim lặngđể giữ khoảng cách, chờ hội để tiếp tục tìm hiểu nhau). Phật giáo gọi điều này là “mặc tẫn”, “mặc” là im lặng, “tẫn” là đuổi đi nghĩa là đuổi đi bằng cách im lặng. Đối phương không nằm trong phạm vi đời sống của mình và ngược lại mình không có trong đời họ, hai bên không ai quấy nhiễu ai nữa!

Nếu đã biết rõ không thể, chúng ta hà tất phải cưỡng cầu. Trường hợp đối phương hay sinh sự phi lý với bạn, tốt nhất bạn nên im lặng ra đi. Hãy xem trong lòng mình không có họ để khỏi làm phiền lòng nhau nhưng vẫn giữ mối giao hảo tốt đẹp đó trong lòng, đợi khi nào họ hồi tâm chuyển ý bạn sẽ tiếp tục là bạn tốt của nhau, tuyệt đối không được xem nhau như thù địch.

Ngoài ra bạn có thể chọn cách “dò tìm”. Sau nhiều lần dò tìm, có thể bạn sẽ phát hiện, sở dĩ đối phương không chấp nhận mình vì lời nói, thái độ làm đối phương hiểu lầm. Trường hợp này bạn nên tự điều chỉnh bản thân cho đến khi nào đối phương chấp nhận. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên đẽo gót (chân) cho vừa giầy, thay đổi hoàn toàn bản thân chỉ để phù hợp với người khác. Bạn cũng có thể thử từng bước, tìm hiểu yêu cầu của đối phương về mình và từng bước điều chỉnh cho thích hợp. Đến một lúc nào đó, đối phương sẽ chủ động giao tiếp với bạn.

Bất luận chúng ta tìm biện pháp giao tiếp nào đều cần hiểu rõ: muốn giao tiếp, muốn hiểu nhau cần sự nỗ lực đến từ hai phía. Bạn phải mở lòng đón nhận đối phương, hơn nữa cần có lòng từ bi để cảm hóa sự phản kháng của đối phương, đấy mới là cách giao tiếp, cách tìm hiểu nhau hiệu quả và thiết thực nhất.


Từ Ngữ Phật Học Trong: Biết Lắng Nghe Và Chân Thành Trong Giao Tiếp