Home > Khai Thị Phật Học
Sự Lập Nguyện Phải Ðược Phát Xuất Từ Lòng Chân Thành
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch


Người tu hành cần phải lập nguyện với một tấm lòng thành khẩn nhất và phải luôn luôn theo đúng những điều nguyện mà mình đã lập, chứ không phải, lập nguyện xong chưa tới năm phút là đã hoàn toàn quên bẵng, vì như thế thì cũng như chưa hề lập nguyện vậy! Các bạn cần phải nhận thức cho rõ một điều vì sao mình lập nguyện?

Việc lập nguyện không cốt ở hình thức; cho nên, nếu các bạn coi lập nguyện như một nghi thức phải theo đúng thể lệ, thì các bạn hoàn toàn sai lầm và đã đi ngược lại nguyên tắc lập nguyện rồi vậy. Những người đã lập nguyện thì mỗi ngày nên tụng bài văn phát nguyện của mình một lần để tự nhắc nhở và thôi thúc mình cố gắng thực hiện tới mức tận thiện tận mỹ; như thế mới không phụ chí hướng lập nguyện ban đầu của các bạn.

Chư Phật và chư Bồ Tát nhờ đã nghiêm chỉnh lập nguyện và thực hành đúng theo thệ nguyện nên chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vì vậy, nếu chúng ta cứ thi hành từng điều nguyện một của mình theo chiều hướng chân thật, chẳng chút giả dối, thì chúng ta cũng sẽ được thành Phật, thành Bồ Tát! Ðức Phật là bậc đại trí huệ, còn chúng ta là kẻ đại ngu si; cho nên, muốn học theo trí huệ, tất chúng ta phải lấy tâm Phật làm tâm mình, lấy nguyện của Phật làm nguyện của mình, lúc nào cũng từ bi hỷ xả, nhẫn nhịn những chuyện mà người khác khó thể nhẫn nhịn, hoàn thành những việc mà người khác khó thể làm được. Mọi sự đều phải được tiến hành một cách chân thật thì mới có thể đạt được sự cảm ứng chân chánh. Do đó, mọi người đều phải đặc biệt chú ý về việc lập nguyện!

Ðức Phật A Di Ðà do lập bốn mươi tám điều nguyện mà thành tựu được Thế Giới Cực Lạc, tiếp dẫn tất cả chúng sanh. Chúng ta nên học theo hành vi của chư Phật, chư Bồ Tát, cùng chư Thánh nhân đời quá khứ, phải thiết tha sửa chữa những sai lầm khi trước, không nên che giấu khuyết điểm và cũng đừng chiều theo các thói hư tật xấu của mình như thế gọi là "bội trần hợp giác" (quay lưng lại trần lao, trở về với giác ngộ); nếu trái lại, là "bội giác hợp trần" (quay lưng lại sự giác ngộ để hòa hợp với trần lao) vậy.

Nếu các bạn có thể mạnh dạn sửa chữa lỗi lầm, đối diện với hiện thực, đón nhận thử thách, rồi vượt qua được mọi thử thách cam go, thì các bạn sẽ có cơ hội thành tựu. Chớ nên có ngã kiến quá sâu, ngã tướng quá nặng. Các bạn cần phải biết rằng tự tánh vốn ngay thẳng, trong sáng, và được gọi là cái chân tâm "trọn vẹn, sáng láng, thẳng thắn, không dính mắc một chút gì dù nhỏ như sợi tơ." Chân tâm này thì không có thói hư tật xấu hay khuyết điểm gì cả; cho nên, chớ đem Phật tánh ký thác nơi vật chất do tứ đại giả hợp tạo thành.

Tại sao chúng ta "bỏ thật, theo giả?" Vì cớ gì lại "bỏ gốc, tìm ngọn?" Là vì chúng ta không nhận biết được tự tánh của chính mình! Tự tánh thì trong sạch, không một chút nhiễm ô, và giống như tấm gương sáng vậy. "Vật lai tắc ánh, vật khứ tắc tịnh" (vật đến thì gương liền phản chiếu cái bóng của vật, vật đi rồi thì gương lại trong sáng như trước, không dính dấu vết).

Các bạn! Người tu Ðạo mà không thể sửa chữa lỗi lầm thì cũng như chẳng tu. Có câu rằng:

Hành niên ngũ thập, phương tri tứ thập cửu tuế chi phi.

(Ðến tuổi năm mươi mới biết những sai lầm hồi bốn mươi chín năm rồi.)

Người nào có được tâm giác ngộ như thế hẳn là người có trí tuệ; con đường tương lai của người ấy sau này chắc chắn sẽ rộng lớn thênh thang, có thể nói là "tiền đồ rực rỡ như gấm." Nếu không tự biết được điểm sai của mình thì sẽ hồ đồ suốt cả một đời, chỉ biết mưu cầu "hư danh, " bị khách trần làm cho mê muội những kẻ như thế thật đáng thương lắm thay!

Hiện tại, Vạn Phật Thánh Thành là một đạo tràng tỏa ánh sáng đến muôn nơi và được hàng vạn đức Phật hộ trì. Hy vọng rằng mọi người xua tan được những đen tối mờ ám trong tâm; song le, các bạn cần phải vận dụng trí huệ quang minh để soi sáng tự tâm thì mới mong quét sạch được mọi vô minh, phiền não. Các bạn phải hết sức thận trọng và đặc biệt lưu ý đến điểm này!