Home > Khai Thị Phật Học
Phương Pháp Hàng Ma
Đại Sư Thích Ấn Thuận | Hòa Thượng Thích Pháp Chánh, Việt Dịch


Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, lúc chưa thành đạo, do vì biết rằng sự khổ hạnh không phải là con đường đưa đến giải thoát, cho nên đã đến gốc cây Bò Đề, tư duy quán sát, hàng phục ma quân, qua bốn mươi chín ngày, đến đêm mùng tám tháng hai (âm lịch), ngồi nhìn ánh sao sáng mà thành bậc Đẳng Chánh Giác. Trong mấy ngày đó, chính là lúc đức Thích Tôn tu đạo, hàng ma, cho nên [hôm nay] đặc biệt đem đề tài “Phương pháp hàng ma” ra giảng cho quí vị thính giả.

Trong Phật pháp, ma, có nghĩa là lực lượng quái ác. Bất cứ những lực lượng nào làm chướng ngại chúng ta trong những nỗ lực “hướng thượng hướng thiện”, thì được gọi là ma. Phàm, là người, thì phải “tu hành thiện pháp”, ” phụng sự đạo đức”. Đây là con đường chánh. Nếu như chúng ta gặp phải những kẻ nào, hoặc tổ chức nào, dẫn dụ chúng ta làm điều phi pháp, đi ngược đạo đức, thì đây gọi là chúng ta đã gặp ma.

Ma có rất nhiều loại. Chẳng hạn như, những niệm ác, phiền não trong tâm chúng ta là ma, hoặc những kẻ quấy nhiễu sự an vui của gia đình, cùng sự an ninh, hòa lạc của xã hội, làm cho mọi người sa vào hố sâu của thống khổ, thì bọn họ cũng chính là ma. Chẳng hạn như Hitler, Stalin, v.v… Bọn họ là chướng ngại của nền hòa bình và tự do của thế giới, làm cho nhân loại không thể thực hiện sự chung sống trong hài hòa, mà lại khơi dậy những sự thù hận, đấu tranh, làm cho thế giới bị chìm đắm trong sự thống khổ của chiến tranh tai tóc, cho nên mọi người đều gọi bọn họ là ma Hitler, ma Stalin v.v…

Trong Phật pháp cũng có nói đến ma vương, ý nghĩa cũng tương tự như Satan trong các tôn giáo khác. Ma vương là kẻ thống trị của lực lượng quái ác, không cho loài người vượt thoát phạm vi thế lực của chúng.

Phàm bất cứ kẻ nào cầu mong “hướng thượng, hướng thiện”, đều là có tâm niệm mong vượt khỏi phạm vi thế lực của ma vương. Lúc dó ma sẽ đem tất cả tài năng, cùng tất cả phương pháp của chúng, đến nhiễu loạn, chướng ngại hành giả. Chúng ta những kẻ học đạo, đối với những ma chướng này, phải biết nhận thức một cách rõ ràng, như thế mới có thể hàng phục được sự quấy nhiễu của ma, hầu mong đạt đến mục tiêu của sự hướng thượng hướng thiện cua chính mình. Thí như, một kẻ đang tinh tiến tu đạo, hốt nhiên bị lâm trọng bệnh, hoặc gặp phải sự chướng ngại của hoàn cảnh hoặc nhân sự, thì rất dễ khởi phiền não, lui sụt đạo tâm, đây tức là ma lực.

Nói chung, ma tức là đại biểu của lực lượng lớn nhất của sinh tử trên thế gian. Nếu như bạn không nghĩ đến việc thoát khỏi phạm vi của ma, vĩnh viễn an phận trong phạm vi của chúng, thì bọn chúng đối với bạn rất là “lịch sự”. Thế nhưng, nếu một mai bạn nghĩ đến việc thoát ra khỏi tam giới, vượt ra ngoài phạm vi thế lực của ma, thì bọn chúng sẽ đến quấy nhiễu, gây rắc rối cho bạn.

Thông thường nói, ma chính là sự chướng ngại cho sự hướng thượng hướng thiện của chúng ta. Sự thực, lúc ma đến quấy nhiễu, bọn chúng có rất nhiều phương pháp. Thí như, đang lúc bon dùng đủ biện pháp chướng ngại làm cho bạn thoái tâm, bạn lại có đủ bản lãnh, không hề nao núng, thì lúc đó bọn chúng sẽ thay đổi chiến thuật. Bọn chúng sẽ nói năng rất mềm dị, tỏ ra rất quan tâm, rất đồng tình với bạn trong mọi sự việc, hầu mong dược toại nguyện âm mưu của chúng.

Chẳng hạn, bạn phát tâm cầu xuất ly, muốn đoạn trừ phiền não, thoát lý sinh tử, ma vương sẽ đến nói với bạn:” Này bạn, muốn thoát khỏi sinh tử không phải là dễ dàng đâu! Chẳng bằng sống đời tại gia, không phải lo lắng vấn đề ăn mặc, có thể hưởng thọ ngũ dục, lại có thể đem tiền tài bố thí, tu thiện tu phước, sau khi chết sẽ được sinh lên cõi trời”. Điều này, mới nghe qua, có vẻ rất hợp lý, thế nhưng, nếu nhìn sâu thì đây là điều sai lầm, vì nó dẫn dụ bạn di vào đường tham luyến thế gian, không chịu cầu giải thoát. Đây quyết xác chính là ma!

Lại nữa, như các bạn hâm mộ Đại thừa, muốn phát tâm Bồ đề (cầu thành Phật độ chúng sinh), ma lại có phương pháp khác. Như nói: “Tu hạnh Bồ tát rất khó. Nếu không khéo tu tập hành môn của Bồ tát, vẫn không khỏi bị đọa lạc sinh tử, tốt hơn nên tu pháp môn [Tiểu thừa] cầu mau ra khỏi luân hồi.

Nói chung, phàm chúng ta muốn leo lên một bước, thì ma tìm cách kéo chúng ta thụt lùi một bước. Giả như chí hướng của chúng ta vững chắc, ma không thể chướng ngại chúng ta phát tâm Bồ đề, đợi đến lúc chúng ta tu hạnh Bồ tát, ma lại tìm đến, tìm cách tán tỉnh, khen ngợi chúng ta: “Bạn rất là siêu tuyệt! Nào là tu bố thí , trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí huệ. Phúc báo thật không thể nghĩ bàn! Người bố thí, người nhận, cùng vật bố thí đều là có thật, không phải là tự tính không. ” Điều ca ngợi pháp tương tự Bát nhã ba la mật. Đương nhiên cũng là ma!

Từ những điều nói trên, chúng ta có thể thấy ma chướng ngại chúng ta trong việc hướng hướng thượng hướng thiện, từ hai phương diện: một là chướng ngại sự tu thiện của chúng ta, một loại là luôn luôn tìm cách kéo chúng ta thụt lùi. Từ bề mặt mà nói, những điều mà ma nói là lời tốt, việc tốt, thực ra lại là sự chướng ngại cho sự tiến bộ của chúng ta trên con đường hướng thượng. Nói đơn giản, phàm chúng ta muốn tiến lêm mà lại kéo chúng ta thụt lùi, không nhận là lời nói có ngọt ngào dễ thương bao nhiêu, cũng đều là ma quái hiện tiền cả. Những người học Phật, trên phương diện này, phải luôn luôn đề cao cảnh giác, nỗ lực tiến tới. Nếu như nghe lời quyến dụ của ma mà thoái lui một bước, tức là bước vào bẫy của ma. Thế nên, chúng ta không những hàng phục những ác ma trong tâm của mình như nhút nhát, buông lung, mà đối với lời dạy dỗ, cùng an uý của thầy học, bạn học,v.v…cũng phải cẩn thận lưu ý.

Phàm những gì dắt dẫn, khuyến khích chúng ta tiến bộ trong việc hướng thượng, thì đó là thiện tri thức; còn như dẫn dắt chúng ta thoái lui, thì đó là ác tri thức, cũng tức là ma. Nếu nói về ma, thì nhiều vô kể, như thân tâm của chính chúng ta, hoặc là gia đình, xã hội, v.v…, đâu đâu cũng có ma. Bởi thế, chúng ta phải thường thường lưu ý, dùng nghị lực kiên cường để khắc phục những sự chướng ngại của ma. Chỉ có thể điều này mới có thể đưa chúng đến mục đích rốt ráo của chính mình là thành Phật; nếu không, chúng ta sẽ bị rơi vào lưới ma, hết phương vùng vẫy.

Đến đây, chúng ta đã biết ma là gì rồi. Thế nhưng, phải dùng phương pháp nào để hàng phục chúng? Phương pháp hàng ma thì rất nhiều. Tuy thế, ở đây sẽ tạm đưa ra ba phương pháp.

Phương pháp hàng ma thứ nhất. Ở đây sẽ đưa ra một chứng cớ thực sự để thuyết minh. Sau khi Phật diệt độ, truyền thừa năm đời, đền Tôn giả Ưu Bà Cúc Đa. Ngài độ rất nhiều người, và rất đắc lực trong sự hoằng dương Chánh pháp. Những người nghe Ngài nói pháp đều bị cảm hóa. Ma vương thường đến quấy nhiễu Ngài, mục đích muốn làm chướng ngại sự hoằng pháp. Tôn giả nghĩ ra một kế hàng phục ma vương. Ngài bèn đi tìm một rắn chết, dùng thần thông biến xác rắn thành một vòng hoa lộng lẫy. Đợi đến khi ma vương đến trước mặt, định dỡ món trò cũ quấy phá, tôn giả bèn đem vòng hoa, do xác rắc biến thành, đưa tặng cho ma vương. Ma vương thấy vậy rất cao hứng, cho rằng tôn giả xưa nay chưa bao giời đối đãi mình “lịch sự”, thế ma hôm nay ngài lại đem hoa ra tặng, thật là quá sức mong ước, bèn rất vui mừng lấy hoa đội lên đầu. Chẳng dè, vừa đội lên đầu, thì vòng hoa lại hiện nguyên hình rắn chết, vừa bầy nhầy vừa hôi thối. Ma vương làm đủ mọi cách cũng không thể nào gỡ ra, bèn vội bay về ma cung, thì xác rắn cũng đeo theo về trên cung điện, thối không thể chịu được, mà tháo ra cũng không được. Ma vương chỉ còn nước quay lại chỗ tôn giả, thỉnh ngài làm ơn tháo dùm xác rắn chết bầy nhầy hôi thối đó. Bấy giờ, tôn giả mới nói với ma vương rằng: ” Ông sợ cái vật hôi thối này sao? Tại sao ông lại dám đem pháp ác bất thiện đến não loạn người tu hành?” Ma vương khẩn hoãn: ” Thưa tôn giả! Thỉnh cầu trừ dùm các xác rắn hôi thối này dùm cho tôi. Từ nay trở đi, tôi nguyện sẽ không dám đến quấy nhiễu tôn giả nữa”.

Phương pháp hàng ma này, cũng giống như cho Tôn Ngộ Không đội vòng Kim cô trong truyện Tây Du Ký vậy. Đề phòng đối phương phá phách; nếu phá phách thì sẽ trừng phạt. Bởi vì những kẻ làm ác, bổn thân lại sợ việc ác vạ lây đến thân mình; kẻ làm hại người khác, lại sợ kẻ khác hại mình. Phương pháp hàng ma của tôn giả Ưu Bà Cúc Đa, là cho ma chịu đựng một ít khổ sở, để làm cho gã hồi tâm chuyển ý. Không còn dàm làm ác nữa. Phương pháp này, Phật không bao giờ dùng đến, bởi vì công đức của Phật vĩ đại, vì thế Ngài có những phương pháp thỏa đáng hơn để hàng phục ma vương. Hơn nữa, muốn dùng phương pháp này, phải tự tin là mình lực lượng siêu việt ma, mới có thể hàng phục ma được. Nếu không, biến thàh mình đánh nhau với ma, đánh qua đánh lại, vĩnh viễn không bao giờ ngừng nghỉ.

Nói đến phương pháp hàng ma thứ hai, ở đây cũng đem một sự thực ra nói rõ cho quí vị nghe. Lúc Phật còn tại thế, Ngài thường giảng Pháp cho đại chúng. Mọi người trong thành thường đến nghe Phật thuyết pháp. Ma vương cảm thấy vô cùng sợ hãi, nghĩ rằng cứ theo điệu này, mọi người sẽ theo Phật hết, và bà con quyến thuộc của ma sẽ càng lúc càng giảm bớt. Bởi vậy, ma vương bèn ra lệnh cho bộ hạ của mình, tại những con đường chính trong thành, tổ chức ca hát, nhảy múa, diễn kịch, v.v…., dẫn dụ mọi người qua đường đến xem. Bởi vì ca hát, v.v…, là những tập tục cổ truyền quen thuộc, cho nên mọi người đều ưa thích tham dự. Vì thế số người đi đến nghe Phật thuyết pháp giảm dần. Phật bèn nói với  các đệ tử: “Dạo này, số người đến nghe pháp càng lúc càng ít. Ma lại dẫn dụ mọi người vào vòng mê hoặc rồi.” Tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên dùng thần thông quán sát, biết là ma vương đang tác quái, bèn chuẩn bị cùng ma vương đấu một trận. Mục Kiền Liên đến cửa thành tìm, bèn gặp ma vương. Ma vương nói với Ngài: “Tôn giả! Mời ngài đến tham dự đoàn ca vũ nhạc kịch của chúng tôi”. Mục Liên trả lời không chút ngần ngại: ” Được! Tôi sẽ cùng các ông nhảy múa, ca hát.” Mục Liên trong lúc nhảy múa ca hát, bèn diễn thuyết Phật pháp cho khán giả nghe, khuyên mọi người làm lành lánh dữ, phát tâm xuất ly. Những người đến xem, đều vui vẻ hưởng ứng lời kêu gọi của ngài.

Phương pháp hàng ma này: bạn nhảy múa tôi cũng nhảy múa, bạn ca hát tôi cũng ca hát; thế nhưng, sự ca nhảy của bạn đều là tham sân si, còn sự ca nhảy của tôi là làm Phật sự. Như thế, tiêu trừ được những thủ đoạn phá hoại của ma vương. Sau này Phật pháp Đại thừa, cũng đề xướng ca tụng, nghệ thuật, âm nhạc, v.v…, tức là muốn thỏa mãn tâm lý của quần chúng, lợi dụng phương pháp này để đưa mọi người vào Phật Pháp. Đây là phương pháp hàng ma của Đại thừa.

Phương pháp hàng ma thứ ba, sự thực xuất từ kinh Duy Ma Cật. Phương pháp nhiễu loạn của ma vương, không ngoài mấy thứ như, uy hiếp, lợi dụ, cùng dâm dục. Trong kinh, câu chuyện là ma vương đem một vạn hai ngàn thiên nữ đến chỗ của ngài Bồ Tát Trì Thế, khuyến dụ ngài thâu nhận nhóm thiên nữ này vào làm những kẻ phục dịch. Ngài Trì Thế từ khước không nhận. Ngài Duy Ma Cật biết ý của ma vương là muốn quấy nhiễu Bồ tát, bèn yêu cầu ma vương đem nhóm thiên nữ ấy giao cho mình. Ma vương bất đắc dĩ phải đem nhóm thiên nữ giao cho Ngài Duy Ma Cật. Duy Ma Cật bèn dạy cho bọn họ phát tâm Bồ đề, lấy pháp lạc làm nguồn vui. Một lúc sau, Ma vương yều cầu các thiên nữ trở về ma cung với mình, các thiên nữ bèn nói: ” Chúng tôi cùng với cư sĩ [Duy Ma Cật] đang hưởng pháp lạc. Chúng tôi rất vui, không còn muốn trở về cõi trời để hưởng sự vui ngũ dục nữa”. Bởi vì thế giới của ma là nơi đưa người đến chỗ thoát sụt, chỗ ác đạo, chỗ đen tối, đây là điều không thể được. Bở thế bọn họ không muốn cùng ma vương trở về ma cung. Thế nhưng Duy Ma Cật lại khuyên bọn họ trở về thiên cung, hy vọng bọn họ đem chỗ biết Phật pháp của mình, giảng dạy cho những kẻ trong ma cung nghe, làm cho nhữn gkẻ đó cũng từ từ tăng tiến trên con đường hướng thượng hướng thiện. Ví như một ngọn đèn, mồi sáng ngàn ngọn dèn khác, ánh sáng vĩnh viễn sẽ không bao giờ cùng tận. Đây gọi là pháp môn Vô tận đăng.

Tự mình học được Phật pháp, thì phải nên đem những điều mình hiểu biết về Phật pháp giảng nói cho người khác biết. Còn nếu như mình hiểu rõ Phật pháp, mà thoát ly khỏi xã hội [để tự hưởng pháp lạc, không muốn chia sẻ cho người khác], thì đây là điều sai lầm. Đi vào ma cung để giáo hóa, phương pháp hàng ma này, không phải những kẻ bình thường có thể làm nỗi.

Phương pháp hàng ma thứ hai và thứ ba, không thể là ai cũng có thể làm được. Như Mục Liên dùng sự nhảy múa ca hát để cảm hóa người khác để học Phật. Điều này trước tiên phải biết chắc là mình có đủ bản lãnh, mới có thể cảm hóa kẻ khác, mà khôn bị hoàn cảnh chuyển đổi mình. Nếu như tự mình không có bản lãnh, rốt cuộc không những không cảm hóa được người khác, mà ngược lại bị người khác cảm hóa. Điều này vô cùng nguy hiểm. Còn việc đi vào ma cung để giáo hóa ma, lại càng cần chúng ta phải có một lực lượng siêu việt mới được. Nếu không, chưa vô cung ma mà đã biến thành ma rồi, còn nói gì đến việc giaó hóa ma?  Chỉ có Phật, Bồ tát, A La Hán, những bực có lực lượng siêu việt ma, có thể vào cung ma để dạy dỗ bọn chúng, mới có thể chọn phương pháp hàng ma này.

Phần trên nói đến ba phương pháp hàng ma, chỉ là giới thiệu cho quí vị biết rõ phương thức hàng ma mà thôi, không phải là biện pháp thực tế để hàng ma. Muốn phương pháp hàng ma thực tế, căn bản, vẫn phải đem đức Thế Tôn làm thí dụ điển hình để học hỏi.

Chúng ta hồi tưởng lại sự việc đức Thế Tôn, lúc tại gốc cây Bồ đề, hàng phục ma quân. Phương pháp mà ngài sử dụng là làm cho ma không còn chỗ để thi thố tài năng. Trên căn bản, làm cho ma hết còn biện pháp, như thế mới là phương pháp hàng ma chân chính.

Lúc đức Phật còn ở gốc cây Bồ đề ma vương dùng mọi phương pháp để quấy nhiễu Phật. Khởi đầu ma vương ra lệnh cho bộ hạ, đem đao, thương, cung, kích, dùng thủ đoạn này đểu khủng bố uy hiếp. Lúc ấy đức Phật ngồi an nhiên bất động, như núi Tu Di, không để cho bọn ma quấy động, mà cũng chẳng đếm xỉa đến bọn chúng. Bọn binh tướng của ma thấy vậy bèn tự rút lui. Ma vương thấy dùng thủ đoạn uy hiếp không xong, không thể làm cho Phật nao núng, kế đó bèn dùng phương pháp lợi dụ ma đến nói với Phật: ” Nếu Ngài trở về làm vua, có thể thống lãnh bốn châu thiên hạ, ngũ dục tự tại, đầy đủ thất bảo, toàn quốc ủng hộ. Cần gì phải bỏ vinh hoa thế tục, tự làm khổ thân?” Thế Tôn vẫn an nhiên bất động, không hề đếm xỉa, không để ma vương dụ hoặc. Ma vương thấy phương pháp uy hiếp và lợi dụ không xong, không thể làm lay chuyển chí hướng của Ngài, bèn phái bọn ma nữ, dùng những khoái lạc âm thanh, nữ sắc, đến dụ dỗ Ngài. Thế Tôn vẫn an nhiên, dùng phương pháp không đếm xỉa để đối trị bọn họ. Như thế, ma vương dùng tất cả mọi phương pháp, thủ đoạn, hao phí tâm lực, rốt cuộc vẫn không thâu được kết quả nào, bèn tiu nghĩu, hạ cờ dẹp trống, cúi đầu lặng lẻ rút lui về ma cung.

Điều này giống như người xưa thường nói: “Bần hàn không làm nao núng, phú quí không làm say mê, vũ lực không làm khuất phục [Hán: Bần tiện bất năng di, phú quí bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất]“. Uy hiếp, lợi dụ, tham sắc, dục lạc, là những điều mà người bình thường khó có thể làm ngơ. Đến như đạt đến trình độ “không đếm xỉa”, thì đây  quả thực khó làm được. Nếu chân chánh muốn đạt đến trình độ này, thì với  những vinh hao dục lạc của thế gian, phải triệt để buông xả, nếu không thể buông xả triệt để, mà chỉ nói “không đếm xỉa”, thì cũng không có lợi ích gì cả, bởi vì lực lượng của ma thì rất đáng sợ.

Thái độ “không đếm xỉa” của đức Phật, tức là trong tâm ngài có một ý chí kiên định không thể di dịch, chứ không phải là phương pháp “không đếm xỉa” bằng cách nhắm mắt lại không nhìn, bịt tai lại không nghe (1).

Nên biết rằng, đức Phật có hai sức mạnh: đại từ bi và đại tinh tiến. Do hai sức mạnh này nên Ngài có thể phá trừ tất cả ma quân. Đức Phật đã chứng ngộ được chân lý của vũ trụ nhân sinh, vĩnh viễn đoạn trừ ngũ dục phiền não, cùng hai loại sinh tử (phần đoạn và biến dịch); xem tất cả chúng sinh như đứa con độc nhất của mình, cho nên dưới đôi mắt của Ngài, tất cả sự uy hiếp, lợi dụ, thanh sắc, dục lạc của ma vương, không những không thấy đáng sợ hãi, đáng vui sướng, đáng mê say, mà chỉ cảm thấy ma vương thật là đáng thương, đáng xót. Giống như một bà mẹ hiền, đối với đứa con còn ấu trĩ của bà, đem đến viên kẹo cho bà ăn, bà chỉ cảm thấy vui vẻ, quyết chắc là không vì đó mà làm tâm mình dao động (vì sự dụ dỗ). Cũng thế, nếu đứa con ấu trĩ đó, lại đem mấy món vũ khí giả (đồ chơi) đến đạp đánh bà, bà cũng chỉ buồn cười thương hại, và quyết chắc không do đây mà nổi lên sự giận dữ.

Những người bình thường, vì không có đủ sức mạnh từ bi, cho nên ở chỗ không đáng tham đắm, mà lại tham đắm, ở chỗ không đáng si mê, mà lại si mê. Do đó mà lưu chuyển trong sinh tử, không thể nào thoát ra khỏi lưới ma. Đức Phật có đủ sức mạnh từ bi, có nhận thức thâm sâu đối với mọi sự mọi vật, cho nên có thể đạt đến trình độ “Bần hàn không làm nao núng, phú quí không làm say mê, vũ lực không làm khuất phục” một cách dễ dàng.

Trong tất cả sức mạnh, chỉ có sức mạnh của từ bi lớn nhất. Có từ bi, mới có thể nhận thọ tất cả sự khổ nạn, mới có thể khắc phục tất cả sự dụ dỗ của ma. Chúng ta nếu muốn hàng ma, trước tiên phải nên học “sức mạnh đại từ bi” của đức Thế Tôn.

Phật còn có sức mạnh tinh tiến. Nhân vì có sức mạnh đại tinh tiến này, mà có thể dũng cảm tiến tới trước, xa rời pháp ác, tu học pháp lành, hướng về mục đích tối cao mà thẳng tiến. Như trong kinh có nói: Ma vương đã khuyên Phật trở về cung để làm chuyển luân thánh vương. Đức Phật trả lời rằng: “Làm chuyển luân thánh vương để làm gì? Chi bằng làm Pháp vương trong ba cõi, chẳng phải là vĩ đại hơn sao?”.

Cần phải có tinh thần nhất hướng thẳng tiến, không khuất không phục, mới có thể không bị tất cả ác pháp phá hoại, như vậy mới có thể không bỏ cuộc nửa đường. Chỉ có những kẻ có đầy dủ sức mạnh đại tinh tiến, mới có đủ năng lực đem đại pháp giáo hóa kẻ khác. Nếu không, khó mà tránh khỏi trường hợp bị ác pháp làm dao động. Chúng ta thường nghe: Hàng ma! Hàng ma! Thế nhưng chẳng biết dùng phương pháp nào để hàng ma. Nên biết rằng, phương pháp hàng ma căn bản nhất, thoả đáng nhất của Phật pháp tức là phải có đầy đủ những điều vừa nói ở trên: sức mạnh của đại từ bi và đại tinh tiến. Nếu không đầy đủ hai lực lượng này, thì khó mà nói đến chuyện hàng ma.

Hơn nữa, quí vị không nên cho rằng đới đến lúc thành Phật rồi mới hàng ma, mà nên biết rằng, ma lúc nào, khi nào cũng đang theo sát bên quí vị. Chúng ta phải ngày ngày, giờ giờ, khắc khắc, lúc nào cũng phải hàng ma, như thế mới có thể tăng tiến thiện pháp. Nếu không tùy thời tùy xứ, phá trừ sự chướng nạn do ma tại ra, thì khó mà có sự tiến bộ trong sự học Phật. Học Phật tức là một quá trình hàng ma một cách liên tục. Nếu lý giải điều này một cách sâu sắc, thì đối với hai phương pháp hàng ma: sức mạnh đại từ bi và đại tinh tiến, quí vị sẽ liên tục bồi dưỡng không ngừng; và như vậy, quí vị mới có thể không bị thất bại [trong việc học Phật]. Đợi đến lúc bồi dưỡng hai sức mạnh này hoàn toàn viên mãn, thì bạn tự nhiên sẽ có thể: Bạn nhảy múa tôi cũng nhảy múa, bạn hát ca tôi cũng hát ca; hoặc là đi thẳng vào ma cung để giáo hóa ma.

Hy vọng quí vị sẽ hàng ma một cách liên tục, tất cả sẽ tiến bộ trên con đường hướng thượng hướng thiện.