Home > Khai Thị Phật Học
Để Xác Trong Nhà
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Người ngu có bẩy người con, chết mất một, người ngu định để xác con trong nhà, rồi dọn đi nơi khác. Có người khuyên, sao không đem xác chết đi chôn, mà lại để trong nhà, rồi phải dọn đi nơi khác ở. Người ngu suy nghĩ, nếu không để trong nhà, mà phải đem đi chôn thì phải giết thêm một đứa để quân bằng trọng lượng, gánh đi chôn cho tiện. Nghĩ rồi bèn giết một người con khác, gánh vào rừng chôn. Ai thấy cũng cười chê, cho là chuyện chưa từng có.

Giống như Tỳ kheo phạm tội, nhưng cố giấu, làm như vẫn thanh tịnh, có người trí biết nên khuyên, người xuất gia, trì giữ cấm giới như giữ minh châu, không để bị tổn hoại, ông nay phạm lỗi sao không sám hối. Tỳ kheo nghe xong liền nghĩ, đã phải sám hối thì đợi phạm lỗi nhiều rồi sám luôn một thể, nên làm việc ác, phạm đủ giới luật, mới chịu sám hối, khác gì người ngu, chết một con lại giết thêm một con.

Lời Bình:   Bẩy người con dụ cho thất tụ giới, chết dụ cho giới bị hủy, để xác trong nhà bỏ đi nơi khác dụ cho bỏ bồ đề tâm, thối đạo. Khuyên đem chôn xác dụ cho vứt bỏ tâm hủy giới. Giết thêm người con để tiện gánh dụ cho tâm phạm thêm giới để hưởng thụ rồi sám hối một lần cho tiện.

Người ngu vì ngu mà phạm giới, phạm rồi vì ngu mà giấu giếm, khi được người trí khuyên nên sám hối, thì lại vì ngu mà nghĩ rằng trước khi sám hối thì mặc tình phạm giới rồi sám hối luôn một lần, nên lại hủy diệt thêm giới khác, như người ngu giết thêm con. Từ một ngu sinh ra biết bao điều ngu, nên nếu không thấy ngu căn bản thì không thể cải đổi được, do được khuyên sám hối, mà vì sám hối lại tạo thêm ác nghiệp hủy phạm giới cấm. Kẻ ngu thì mọi điều khôn cũng thành ngu, khi cái khôn biến thành ngu có nghĩa nghĩ hay hóa dở, làm tốt thành xấu.

Người ngu này như người phá giới, giới được trưởng dưỡng trong thân tâm như con nuôi trong nhà, nay để giới chết, tàng chứa trong tâm, rồi khởi tâm bất thiện muốn xa lìa mọi giới tức bỏ nhà đi nơi khác, khi được khuyên đem xác chết ra khỏi nhà, đi nơi khác chôn cất tức đem lỗi lầm phát lồ sám hối, bỏ điều lỗi này ra khỏi thân tâm, thì lại nghĩ để tiện đem chôn giết thêm một người cho đều gánh, như ý tưởng phạm thêm rồi sám hối cho tiện.

Người ngu này không biết rằng, sám hối nghĩa là sám tội căn bản gây ra sự phạm giới, mà chỉ biết ăn năn lỗi đã phạm, vì tội căn bản tức vô minh ngu ngốc không diệt, nên lại vì lý do sám hối mà nghĩ ngu khiến phạm thêm giới, tăng thêm tội.

Như người xuất gia, cảm thấy giới làm mất tự do, huệ làm nhức đầu khổ não, định làm mệt mỏi, nên muốn diệt bỏ giới định huệ để tự do và thoải mái, theo đúng ý muốn của ngu si. Người này không biết do ngu nên không tu huệ nổi, do phóng túng nên không thể giữ giới, và vì tán loạn hôn trầm nên không thể tập định, do vậy từ trí ngu này sinh tâm chán ghét giới định huệ, cảm thấy giới định huệ là phiền não, còn phóng túng, tán loạn và vô minh là hỷ lạc, người ngu này giết sạch giới định huệ, trong thân tâm rồi bỏ đi theo vô minh và ngũ dục. Người ngu này vọng tưởng cho là ta khôn ngoan, mà không hay biết rằng ngu si là mẹ đẻ của mọi tư duy ngu ngốc. Từ bỏ giới định huệ là đến với vô giới, vô định, vô huệ tức tham sân si, cảnh giới của tam ác đạo. Không giới định huệ tất gần với súc sinh, loài này ám tế ngu si, lại không biết giới, hành theo bản năng, do ngu dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vậy, mà vẫn không biết sám hối cái gốc ngu đó để chặn đứng mọi hậu quả tai hại không thể phát sinh trong tương lai, mà vẫn tiếp tục hành theo con đường tư duy ngu si đó, quyết không hồi đầu.

Sám hối đồng nghĩa với hồi đầu. Vì vậy trong kinh Đại bát niết bàn đức Phật dậy, trí giả hữu nhị, nhất giả bất tạo chư ác, nhị giả tác dĩ sám hối (có hai hạng người trí, một là không làm điều ác, hai là làm mà biết sám hối). Do sám hối hồi đầu nên xa lìa ác pháp ngu si, nhờ vậy diệt họa đắc phúc, như lời dậy của đức Phật, khổ hải thao thao, hồi đầu thị ngạn (biển khổ mêng mang không bờ, quay đầu là bờ bến).

Lại có người cho họ không còn ý chí tu hành, nên lương tâm bảo họ hoàn tục để khỏi thọ nhận cúng dường, mà họ coi là ăn bám thí chủ, người ngu này không biết lương tâm chân chính, là lương tâm đòi hỏi họ nỗ lực hành mọi thiện pháp để xứng đáng thọ cúng, thay vì lương tâm u mê háo dục xúi bảo họ thối thất, giết bỏ mọi giới pháp để quay về với đời sống ngũ dục, lương tâm này đi ngược lại với tâm hướng thượng hướng thiện hướng giải thoát, lương tâm ngược chiều với thiện pháp sao gọi là lương tâm, tâm này là tâm vô minh, tham dục giả trá lương tâm đưa chúng ngu đến tam ác đạo. Người ngu cho tâm ác này là lương tâm, đồng với coi ác là thiện. Tâm phạm giới, tâm sẵn sàng phạm tiếp, tâm không muốn sám hối, những tâm này đều do công cụ của vô minh là tà tâm gây ra. Vô minh nặng thì bài xích nhân quả, vô ác bất tác, vô minh trung thì hiểu lệch lạc nhân quả, vô minh ít thì biết mình vô minh nên cần tu học, song vì bản chất hãy còn vô minh ần náu trong tâm nên đôi khi làm ô nhiễm tâm khiến gây ra các điều sai quấy trên, vì vậy để thanh lọc vô minh vi tế ẩn náu đó, phải dùng đến chính tư duy quán sát để thấy bất cứ khi nào chúng lộ diện, nhờ vậy cản được sự phạm giới.