Home > Khai Thị Phật Học
Dự Bị Lúc Lâm Chung.
Thích Nguyên Liên


A. DẪN NHẬP:

Con người sau khi chết được vãng sanh về cảnh giới Tịnh độ hay đầu thai vào một trong sáu cảnh giới luân hồi là do động lực nào quyết định! Theo đạo Phật tất cả mọi yếu tố đoạ lạc hay giải thoát, khổ đau hay hạnh phúc…đều do tự tâm quyết định. Như trong kinh Pháp cú đã từng dạy: “Tâm làm chủ tâm dẫn đầu các pháp…”, hay trong kinh Hoa nghiêm nói: “ Tâm như hoạ công sư, hoạ chủng chủng ngũ uẩn, nhất thiết thế giới trung, vô pháp nhi bất tạo”

Do vậy, tâm thức chánh niệm hay tán loạn của con người khi lâm chung là yếu tố quyết định cho sự vãng sanh hay đọa lạc. Muốn đạt được tâm chánh niệm đó, người Phật tử khi còn sống phải chuẩn bị đầy đủ các duyên như thế nào? Cũng như đến lúc lâm chung tâm mình phải kiên định niệm Phật và thân quyến của người quá vãng phải có sự trợ niệm, tiến vong ra sao? Cách thức cử hành tang lễ sao cho có lợi ích đối với người chết, tránh sự tốn kém không có ý nghĩa? Đây là những vấn đề vô cùng quan trọng, chúng ta cần phải biết để chuẩn bị sẵn, bởi vì những sự chuẩn bị này sẽ có tác dụng thay đổi cả một cảnh giới khổ đau hay hạnh phúc của một đời người.

I. Những dự bị cần thiết cho lúc lâm chung

Với những dự bị cần thiết cho lúc lâm chung, chúng ta cần phải dự bị qua hai phần là dự bị ngoại duyên và dự bị tinh thần.

1. Dự bị ngoại duyên:

a. Kết duyên với bạn đồng tu:

Người niệm Phật khi còn khoẻ mạnh cần phải kết duyên với bạn đồng tu, nhất là những người ở gần mình để sách tấn tu hành và trợ niệm cho nhau khi lâm chung. Tốt nhất là chúng ta nên tổ chức các đoàn niệm Phật trợ niệm; mỗi khi trong đoàn có người nào bịnh nặng mọi người đồng đến thay nhau niệm Phật trợ niệm cho vị đó.

Nếu chúng ta thường đến trợ niệm cho người khác khi lâm chung, sau này khi chúng ta lâm chung, quyết sẽ được người khác trợ niệm; đồng thời mọi việc làm của bà con lúc chúng ta  lâm chung do sự chỉ đạo của mình mà mọi sự đều như pháp.

Nên nhớ, chúng ta phần nhiều đều bị nghiệp chướng nặng nề ràng buộc, khi lâm chung nếu không có người khác niệm Phật trợ niệm thì lúc nghiệp phát hiện, thân thể đau nhức, tâm thức dễ bị hôn mê, e khó có thể một lòng tưởng Phật, niệm Phật để cầu nguyện vãng sanh.

b. Mọi việc cần sắp đặt trước 

Người niệm Phật khi tuổi già nên đem mọi việc từ nhà cửa, ruộng vườn tài sản…giao lại cho con cháu, lúc đó chỉ lo việc đi chùa, tụng kinh, niệm Phật mà thôi. Lại đến khi bệnh nặng thấy cơ thể mình ngày càng suy yếu nên đem hậu sự sắp đặt trước để khi lâm chung khỏi phải bận tâm.

Tốt nhất khi bệnh nặng nên viết di chúc, ngoài việc giao lại tài sản, nhà cửa cho con cháu, di chúc phải có những điểm sau:

Khi mình đau nặng hoặc lâm chung, bà con quyến thuộc không được khóc lóc hoặc lộ nét bi sầu, nếu có thật tâm thương yêu hiếu thuận thì chỉ một lòng niệm Phật trợ niệm.

Trong thời gian tang lễ con cái phải ăn chay, cúng chay, một lòng tụng kinh niệm Phật, làm mọi phước đức để hồi hướng cho người quá cố.

2. Dự bị tinh thần:

Nói về phần dự bị tinh thần nơi đây chúng tôi xin khái lược qua ba điểm:

a. Người niệm Phật phải có nhận thức chính xác về cuộc đời:

Người niệm Phật khi còn sống phải có nhận thức chính xác về cuộc đời, phải biết rằng cuộc đời mà con người phàm phu tham đắm bản chất của nó vốn là khổ, không, vô thường, là có ngã. Chúng ta vì vô minh che lấp mà mãi bị trôi lăn trong dòng sống khổ, không, vô thường, vô ngã này.

Khi xác định được bản chất của cuộc đờI là khổ, không, vô thường, vô ngã, chúng ta sẽ không còn tâm niệm đắm trước nữa mà một lòng niệm Phật cầu nguyện sớm được sanh về cảnh giới Tịnh độ thường, lạc, ngã, tịnh đầy thanh tịnh trang nghiêm của đức Phật A Di Đà.

b. Phải một lòng niệm Phật:

Người niệm Phật muốn chắc thật vãng sanh cần phải tinh tấn niệm Phật từ khi biết pháp môn niệm Phật cho đến lúc lâm chung. Phải có niềm tin kiên cố vào Phật A Di Đà, tin rằng chúng ta ở cảnh Ta bà này niệm Phật thì cảnh giới Tây Phương đức Phật A Di Đà và chư thánh chúng ngày đêm mong ngóng chúng ta sớm về với Ngài. Tin rằng sau khi chúng ta mạng chung quyết định Phật A Di Đà và thánh chúng đồng hiện thân đến tiếp dẫn…

Kế đến người niệm Phật phải có tâm mong cầu giải thoát, phải xem từ tiền của, ruộng vườn cho đến thân bằng quyến thuộc đều là duyên giả tạm, sống tuỳ duyên cảnh chết rủ sạch không, luôn sanh tâm yếm ly Ta bà, một lòng cầu nguyện sớm được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.Tâm nguyện kiên cố cầu sanh đó như trong Di Đà sớ dạy: “ Trông về Cực lạc như nhớ cố hương, ngưỡng mến đức Từ tôn như cha mẹ”

c. Cần dứt trừ các mối nghi:

Theo đại sư Từ Chiếu người niệm Phật khi lâm chung thường có ba điều nghi, bốn cửa ải hay làm chướng ngại cho sự vãng sanh. Ba điều đó là: 1 Nghi mình túc nghiệp sâu nặng thời gian công phu tu hành ít e không được vãng sanh; 2 Nghi mình bản nguyện chưa trả xong, tham, sân, si chưa dứt e không được vãng sanh; 3 Nghi mình niệm Phật Phật không đến rước e không được vãng sanh. Bốn cửa ải là: 1 Hoặc nhân bịnh khổ mà trở lại huỷ báng Phật không linh; 2 Hoặc nhân tham sống mà giết vật mang cúng tế; 3 Hoặc nhân uống thuốc mà dùng rượu cùng chất máu tanh hôi; 4 Hoặc nhân ái luyến mà tự ràng buộc với gia đình.

Những điểm nghi ngờ này người niệm Phật cần phải suy nghĩ để dứt trừ, phải nhớ rằng đức A Di Đà Phật đại từ đại bi không bao giờ rời bỏ chúng sanh. Người nào đã phát tâm niệm Phật đến khi lâm chung người đó sẽ được Phật tiếp độ. Chúng ta phải giữ vững niềm tin vào bản nguyện lực cứu độ chúng sanh của đức Phật để dự bị trước cho tinh thần được an ổn lúc lâm chung.

II.SỰ KHẨN YẾU LÚC LÂM CHUNG.

1. Cần một lòng niệm Phật:

Người niệm Phật khi bịnh chưa nặng cũng nên uống thuốc, nhưng khi bịnh quá nặng có thể không cần dùng thuốc. Nên nhớ đến lúc bịnh nặng người niệm Phật cần phải buông bỏ mọi duyên xung quanh, không được đắm trước vợ con tài sản cho đến chính thân tâm của mình, chỉ chuyên nhất một lòng niệm Phật cầu nguyện Phật và thánh chúng đến tiếp độ.

Nếu hơi thở còn dài thì nên niệm bốn chữ A Di Đà Phật, bằng như hơi thở đứt quãng sức khỏe quá yếu thì trong tâm chỉ cần đề khởi một chữ Phật. Bấy giờ người niệm Phật lại quán tưởng Phật A Di Đà và thánh chúng  đang hiện thân trước mặt, duỗi tay để tiếp độ mình vãng sanh theo Phật. Trong tâm lúc này chỉ có ý niệm về Phật và cầu vãng sanh chứ không có một ý niệm nào khác.

2. Thỉnh bậc thiện tri thức khai thị:

Lúc bệnh nhân đau nặng nhưng thần thức vẫn còn thanh tỉnh, người nhà nên thỉnh thiện tri thức đến vì người bệnh mà khai thị. Đại khái vị thiện tri thức vì người bệnh mà có đôi lời an ủi, tán thán công đức tu hành mà khi sanh tiền người bệnh đã có được.

Đồng thời nói rõ cảnh khổ của thế giới Ta bà và diễn tả những niềm vui của thế giới Cực lạc, để bệnh nhân phát lòng hâm mộ, thấy Ta bà là cảnh đáng chán miền Tịnh độ là nơi nên nguyện về để phát nguyện cầu sanh. Nếu trong tâm người bệnh còn có đều gì uẩn khúc, nghi ngờ thì nên tuỳ cơ giải thích để cho tư tưởng người bệnh  được thông suốt.

Vị thiện tri thức còn có trách nhiệm khuyên bảo người nhà chớ nên sanh tâm buồn phiền khóc lóc làm chướng ngại sự vãng sanh của người bệnh. Phải nên một lòng niệm Phật để trợ niệm cho người bệnh sớm được vãng sanh, khuyên gia đình nên đem tài sản của người bệnh bố thí, cúng dường… để trợ tiến cho sự vãng sanh.

3. Cách thức trợ niệm:

Khi bịnh nhân sắp mãn phần, sự trợ duyên niệm Phật là vô cùng cần thiết. Cách thức trợ niệm cần phải y theo những điều kiện sau:

Trong phòng người bịnh phải thoáng mát không được gây ồn ào, không được cười giỡn và nói chuyện tạp. Bà con không được khóc lóc hay lộ nét ưu sầu để cho người bịnh nghe thấy sẽ sanh tâm bi luyến chướng ngại cho sự vãng sanh.

Thỉnh một bức tượng Phật A Di Đà ( hoặc Thánh tượng Tây Phương tam Thánh) để trước mặt sao cho người bịnh trông thấy, cắm bình hoa tươi và đốt lò hương nhẹ. Người trợ niệm tuỳ theo số nhiều hay ít, chia thành hai hoặc ba ban luân phiên niệm Phật. Các ban phải canh đồng hồ ( mỗi ban khoảng nửa giờ ) mà chuyền nhau, đừng để cho câu niệm Phật gián đoạn, ít nhất là sau khi bịnh nhân tắt thở khoảng tám giờ đồng hồ mới được ngưng sự trợ niệm.

Lại có điều chú ý, tiếng niệm Phật không được quá bi ai khiến tâm người bịnh sanh luyến ái; lúc sắp lâm chung cho đến sau tám giờ đồng hồ, tiếng niệm Phật phải liên tục và niệm lớn. Khi người bịnh tâm thức qua hôn trầm, bấy giờ người trợ niệm phải kê miệng sát vào tai họ mà niệm mới có thể làm cho người chết được minh tâm.

III. Điều khẩn yếu sau khi mãn phần

1. Khi tắt hơi cho đến lúc truy tiến:

Sau khi người bịnh tắt hơi thở, người trợ niệm vẫn phải chia ban luân phiên niệm Phật cho tới tám tiếng đồng hồ sau, để cho sự vãng sanh được bảo đảm. Trong thời điểm này, người trợ niệm phải cấm không cho gia đình bà con khóc lóc hay rờ rẫm thể xác. Đối với phòng bịnh ngăn không cho người không am hiểu đổ sô vào xúc chạm, không cho chó mèo nhảy vào va chạm người bịnh.

Sau tám giờ đồng hồ, người trợ niệm mới dùng tay nhẹ nhàng thăm dò hơi nóng trên cơ thể người bịnh. Nếu cơ thể ngươi bịnh toàn thân đã lạnh hẳn, thì phải qua hai tiếng đồng hồ mới tắm rửa thay đổi y phục. Ngoài ra không được làm điều gì khác, vì trong khoảng thời gian này người chết tuy không nói được nhưng vẫn còn cảm giác.

2. Cách thức cử hành tang lễ:

Mục đích của việc cử hành tang lễ là nói lên lòng tri ân và thương mến của người sống đối với người quá vãng. Do đó tang lễ phải trang nghiêm thanh tịnh và làm đúng với chánh pháp. Có như thế kẻ còn người mất đều có sự lợi ích.

Điều cốt yếu của tang lễ là làm lợi ích cho người chết, đó là làm sao trợ duyên cho người chết được vãng sanh Tây Phương, chứ không phải là lúc người sống lợi dụng để tiệc tùng hay mua tiếng khen của thiên hạ. Do đó trong đám tang người quá cố thân nhân nên làm đơn giản, đừng quá chạy theo tâm lý thế gian để làm những điều vô ích. Điều cần thiết nhất là gia đình nên ăn chay và cúng chay, đừng sát sanh để đãi đằng cúng tế. Suốt thời gian đám tang, gia đình nên phát tâm tụng kinh niệm Phật và làm những việc phước thiện như bố thí, cúng dường để trợ tiến cho hương linh sớm được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

3. Những việc cần làm sau đám tang:

Trong thời gian đám tang cho đến bốn mươi chín ngày là thời điểm quyết định  cho thần thức người chết được vãng sanh Tây Phương, hoặc được tái sanh về cảnh giới trời, người, hoặc đoạ lạc vào một trong bốn cảnh ác thú. Do đó người bà con nếu có tâm thương yêu người chết, trong thời gian này cần nên phát tâm ăn chay niệm Phật.

Mỗi ngày ba thời người thân quyến nên đối trước bàn Phật ( hoặc bàn vong ) lớn tiếng niệm Phật, mỗi thời độ khoảng nửa giờ đồng hồ rồi đem công đức hồi hướng cầu nguyện người chết sớm được vãng sanh. Lại trong thời gian này, thân quyến nên đem những tài sản của người chết mà làm các việc phước thiện để hồi hướng cho người chết.

Có điều, người thân quyến muốn được sự lợi ích cho người chết khi tụng kinh niệm Phật phải có tâm tha thiết chí thành, đồng thời phải ăn chay cử rượu thịt và không nên quan hệ vợ chồng trong thời gian bốn mươi chín ngày để cầu nguyện.

C. KẾT LUẬN:

Chúng sanh vì nghiệp duyên sai khác mà sau khi chết phải tái sanh vào một trong sáu cảnh giới luân hồi. Tất nhiên còn sanh tử là còn khổ đau, chỉ có sự chấm dứt sanh tử được vãng sanh về thế giới Tịnh độ, chúng ta  mới đạt đến sự hạnh phúc tuyệt đối.

Nên biết, việc lớn nhất của con người là sanh tử, như Cổ đức đã từng dạy: “ Sanh tử đại sự, tấn tốc vô thường”. Nhưng muốn chấm dứt nỗi khổ sanh tử đòi hỏi phải có sự nỗ lực tự tu của cá nhân và các duyên tố của thiện hữu tri thức giúp đỡ lúc lâm chung.

Để khi lâm chung một lòng niệm Phật cầu nguyện vãng sanh Tây Phương, ngay bây giờ chúng ta phải có sự chuẩn bị từ nội nhân ( tinh thần ) cho đến ngoại duyên, kẻo không chuẩn bị  đủ các duyên như thế, thì chúng ta những người niệm Phật đã có duyên lành tu tập, thế mà chẳng khác nào xảy ra cảnh kẻ đã leo lên thuyền giải thoát rồi lại rơi xuống sông và mãi mãi chìm đắm trong dòng sông sanh tử luân hồi.