Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Tinh-Am-Dai-Su-Khai-Thi-Ve-Noi-Kho-Sanh-Tu

Tỉnh Am Đại Sư Khai Thị Về Nỗi Khổ Sanh Tử
Pháp Sư Thích Tự Liễu | Dịch Giả :Cư Sĩ Bích Ngọc

Nên kinh Hoa nghiêm nói: “Nếu quên mất tâm Bồ đề mà tu các pháp lành, gọi đó là nghiệp ma”: Vì thế Kinh Hoa Nghiêm nói: Nếu như quên mất tâm Bồ đề, dù có tu các pháp lành, cũng là tu các nghiệp thiên ma ở sáu cõi trời Dục giới”. Vì vô minh của mình chưa đoạn, tâm dâm dục chưa đoạn, tu các pháp này đều là tạo nghiệp thiên ma. Quên mất tâm Bồ đề chính là niệm không thanh tịnh. Nếu niệm thanh tịnh chính là tâm Bồ đề, tâm niệm không thanh tịnh chính là ma nghiệp. Quên mất mà còn như thế, huống chi chưa phát ư? : Quên mất tâm Bồ đề, dù tu các pháp lành, cũng đều là ma nghiệp, huống hồ là chưa phát ư! Nếu không phát tâm Bồ đề, thì chúng ta có thể tu cái gì? Tu cái gì cũng đều là ma nghiệp.

Nếu như ông không phát tâm rộng lớn, mà cứ hẹp hòi, nhỏ mọn. một chút thiệt thòi cũng không chịu, cũng không thể xả bỏ. Còn phải lập nguyện kiên cố vững bền nhất; nguyện này tôi đã trình bày, thì nhất định cần phải làm như thế, không thể thay đổi, đó gọi là nguyện kiên cố vững bền, nếu không phát tâm rộng lớn, không lập nguyện kiên cố vững bền, thì dù trải qua nhiều kiếp như số vi trần, cũng vẫn y nhiên ở trong vòng luân hồi: thì dù có trải qua nhiều kiếp như số vi trần, cũng không thể thoát ra vòng luân hồi. Luân hồi, chính là lục đạo luân hồi – thiên đạo, nhân đạo, a tu la là tam thiện đạo; và địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là tam ác đạo. Vẫn phải xoay chuyển trong vòng luân hồi; dù cho là làm việc lành nào, hoặc là sanh thiên, hoặc làm người hưởng phước báu cũng không có ý nghĩa gì, vẫn y nguyên ở trong vòng luân hồi! Dù có tu hành cũng chỉ là uổng công lao nhọc: Tuy ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, nhưng bất luận chúng ta cố gắng bỏ ra bao nhiêu công phu, đều là uổng công lao nhọc một cách vô ích, rất cực khổ; chúng ta tu pháp môn gì, cũng không phải cứu cánh.

Như thế nào là tà chánh, chân ngụy, đại tiểu, thiên viên?

Ðời có kẻ tu hành mà từ trước đến nay chỉ một bề hành theo sự tướng, không biết tham cứu tự tâm: Thế gian có người tu hành, là người xuất gia. Người ấy tu hành thì tu hành, nhưng cứ mãi chấp trước, chuyên làm những việc bên ngoài. Ví dụ, hàng ngày bái sám, lễ Phật, tụng kinh, chỉ để cho người ta xem, còn mình thì không biết hồi quang phản chiếu: Trong tâm mình có bái sám không? Có niệm Phật chăng? Có lễ Phật chăng? Có tụng kinh chăng? Niệm ở trong tâm mới gọi là chân! Nếu cứ làm những việc ngoài mặt màu mè, làm điệu bộ như mình là lão tu hành, bất luận dụng công phu gì, đều muốn cho người ta xem: Ví dụ quét nhà, quét sân cũng đợi có người đến mới quét, cho người ta biết mình đang làm việc cực khổ! Cứ làm những việc bên ngoài, chẳng những không có công đức, mà còn là tà! Ðó chính là không chánh đáng, chỉ để khoe công! Ðối với người có chút việc lành, việc tốt nào, bèn nói: “Bạn biết không? Vì bạn mà tôi như thế, như thế”. khiến người ta cảm kích mình, đó gọi là tà. Quý vị nên triệt để hiểu rằng, thi ân không cầu báo; giúp người không hối hận, mình đối với ai có làm điều tốt gì, đều nên quên đi, không nên thường nhớ đến, mở miệng là nhắc đến, một ngày từ sáng đến tối, cứ dùng cái này làm quảng cáo, làm bảng hiệu: “A! Tôi đã làm việc tốt đó, bạn có biết không? ngôi chùa ở đó là do tôi tu bổ, bạn có nhìn thấy trên tấm biểu có tên của tôi chăng?”. Sợ người khác không biết đến mình, kêu người ta nhìn trên tấm biển có tên mình không, cứ ở chỗ đó tham danh vọng lợi dưỡng đó chính là tà. Nếu không phải người như thế thì chính là chánh. Vì thế, tà chánh thì trái ngược nhau, tà thì thuộc về âm, chánh thì thuộc về dương. Tà thì nhìn không thấy trời, nhìn không thấy ánh sáng. Chánh thì chánh đại quang minh, bất luận chỗ nào đều cũng có thể làm được. Nhất hướng tu hành chính là từ trước đến nay tu hành. Nay là nói có người tu hành từ trước đến nay không ở tự tâm dụng công phu, chuyên môn hướng bên ngoài dong ruổi tìm cầu.

Chỉ lo những việc ở ngoài: Chỉ biết làm những việc bề mặt bên ngoài, như tụng kinh cho người, bái sám cho người. . . Bạn xem, rất náo nhiệt, từ sáng đến tối mệt muốn chết, vô cùng cực khổ”. A! Ta thật là vì pháp quên mình! Các ông có biết tôi không?”. Ðó là cứ mãi khoe công với người, biểu thị đức hạnh củamình, tuyên dương thanh thế, không thể giấu kín tài năng, không có tu dưỡng, không có hàm dưỡng. Tại sao người này chỉ giong ruổi đeo đuổi theo những việc bên ngoài?

Hoặc mong cầu lợi dưỡng: Chính là vì lợi ích cho chính mình, dạy người cúng dường mình, tin tưởng mình, bảo người hoặc là chưng nhân sâm, hoặc là nấu nấm mèo cho mình ăn v. v… Vì thế, các ông nếu là đệ tử chân chánh của tôi, không ai được làm thức ăn cho tôi dùng. Dù sao đi nữa hiện nay tôi vẫn chưa chết đói mà! Ông nay nấu nồi canh, ngày mai lại làm món khác, rườm rà, thật đáng ghét! Quý vị cho rằng đó là thành tâm chăng? Ông không nghĩ đến rằng đó là giúp kẻ xấu làm điều ác! Chính là làm một người tu hành không còn tu hành nữa. Quý vị hiểu chưa? Vì thế không nên riêng cúng dường cho người nào.

Hoặc ưa thích hư danh: Hoặc là mong muốn kẻ khác đi khắp nơi thay mình tuyên truyền: “Thầy đó thật là lão tu hành! Thật là vị đại tu hành a ! Thật là tốt a ! Như thế a !. . . « . Phái rất nhiều thủ hạ, rất nhiều nhân viên đi khắp nơi tuyên truyền. Giống như « Phật giáo thương mại hóa » chăng ? Ðây chính là tội nhân trong Phật giáo, kẻ bại loại trong Phật giáo ! Phật giáo làm sao thương mại hóa được ? Muốn thương mại hóa thì ra khỏi nhà (xuất gia) gì ? Ở nhà cũng có thể làm thương mại, ai cũng đều có thể buôn bán kiếm tiền, tại sao người xuất gia, Phật giáo đồ lại làm thương mại ? Người thường còn nói : « Ai da ! Phật giáo thương mại hóa, hay a ! được a !. .”. . Ði về hướng địa ngục mà còn không biết ! lại còn cho rằng hay, rằng tốt ! Ðó chính là cầu mong lợi dưỡng, cứ mãi kêu người đưa tiền cho mình, Ô ! Ta làm cái gì, làm cái gì. . . Thật là tham cái danh vọng hão huyền.

Hoặc ham dục lạc hiện đời : Loại người xuất gia này, không phải tham hiện tại dục lạc thì làm việc gì ? Suốt ngày ăn ăn uống uống, lại ăn thịt, uống rượu, lộn xộn bừa bãi, cái gì cũng đều làm, đó chính là tham dục lạc hiện tại, đó không phải là gieo giống địa ngục thì là cái chi ?

Hoặc mong cầu phước báo mai sau : Hoặc là nay làm các thứ công đức, là vì mong muốn tương lai làm quốc vương, hoặc như thế như thế, tương lai có quả báu tốt như thế. Ðó đều là tà ! Khi tôi nói, thì nói hết những gì tôi biết, tôi biết thì không gì không nói, đã nói thì không gì không nói cho hết.

Phát tâm như vậy gọi là tà : Quý vị đã không nhận thức, lại a dua phụ họa theo « A ! chỗ đó xây dựng rất hay a, rất đẹp, giống như hoàng cung vậy ». Hoàng cung thì làm sao ? Vua trong hoàng cung vẫn đọa lạc như thường có gì hay ho đâu ? Các ông không hiểu đạo lý, cứ mãi chạy theo tà tri tà kiến, tham sự náo nhiệt nhất thời thì không nên !

Dù tu thiện pháp phần nhiều cũng bị nghiệp tội làm ô nhiễm : Tuy Phật pháp thì rất thiện, người lại ở trong thiện pháp làm những việc dâm dục, làm những việc không dám công khai với người. Như nay trong một tôn phái nọ, bừa bãi buông thả theo dục lạc, khắp nơi lộn xộn lăng nhăng, lại còn nói với người : « Tôn phái của chúng tôi phải là như thế », thật là hại chết người không ! vậy mà có một số người vô tri lại nghe theo mà nói : « Ðây thật là pháp môn bí mật nhất », thằng mù dẫn thằng đui, đó chính là nhiễm ô !Phát tâm như vậy gọi là ngụy : Người phát tâm như thế chính là ngụy.

Cái gì gọi là chánh ? Ðã không mong cầu hư danh lợi dưỡng : Ðã không tham danh vọng lợi dưỡng, cũng không muốn làm cho thanh danh của mình rộng lớn, cũng không muốn mọi người cúng dường cho mình. Lại không ham quả báu dục lạc đời sau : Cũng không tham dục lạc, cũng không nghĩ đến việc hưởng thụ.

Chỉ vì mong liễu thoát sinh tử, vì chứng đắc Bồ đề : chỉ là vì mong liễu thoát sanh tử, vì mong giác ngộ, mong cầu trí huệ chân chánh.

Phát tâm như vậy gọi là chánh : Phát tâm như thế gọi là chánh. Nếu không phải vì liễu thoát sanh tử, không phải vì phát tâm Bồ đề, đó chính là tà. Vì thế, mọi người nên nhận rõ điều này ; không nhận rõ điều này, tu hoài tu mãi đều là ma nghiệp, đều làm quyến thuộc của ma vương.

- Niệm niệm trên cầu Phật đạo, tâm tâm dưới độ chúng sanh, nghe con đường thành Phật lâu xa cũng không sanh tâm thối chí khiếp sợ, thấy chúng sanh khó độ mà không chán nản mệt mỏi, như leo núi cao vạn trượng cũng quyết trèo lên tận đỉnh, như lên tháp lớn chín tầng cũng cố lên đến tột nóc, phát tâm như vậy gọi là chân. Có tội không sám hối, có lỗi không trừ bỏ, trong trược ngoài thanh, trước siêng năng sau biếng lười, dù có tâm tốt phần lớn cũng bị danh lợi xen lẫn, dù tu thiện pháp phần nhiều cũng bị nghiệp tội làm ô nhiễm, phát tâm như vậy gọi là ngụy. Chúng sanh độ hết nguyện ta mới hết, đạo Bồ đề thành nguyện ta mới thành, phát tâm như vậy gọi là đại. Xét xem ba cõi như lao ngục, nhìn sanh tử như oan gia, chỉ mong tự độ, không muốn độ người, phát tâm như vậy gọi là tiểu.

Ấn Quang Đại sư tán thán bài văn Khuyến Phát Bồ Đề Tâm của Tỉnh Am Đại sư như sau :

“Kế vãng thánh, khai lai học, kinh thiên địa, động quỷ thần, quả năng y nhi hành chi, khẳng định năng phủ tạ Ta bà, cao đăng Cực Lạc”.

Kế thừa thánh hiền đời trước, mở đường cho hậu học đời sau, kinh động thiên địa quỷ thần. Nếu có thể y theo đó mà làm, chắc chắn có thể từ tạ Ta bà, vãng sanh Cực Lạc.
Trong đó, có một đoạn văn miêu tả rõ ràng nỗi khổ sanh tử, đấy là trạng huống đời đời kiếp kiếp của chúng ta ở trong lục đạo luân hồi:
“Ta và chúng sanh, từ nhiều kiếp tới nay luôn luôn ở trong luân hồi sanh tử, chưa từng được giải thoát.
Trên cõi trời và người, thế giới này và thế giới phương khác, ra vào vạn lần, thăng trầm phút chốc.
Lúc thì ở cõi trời, lúc thì cõi người, lúc thì địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.
Hắc môn sáng ra chiều về, hang sắt tạm lìa rồi lại nhập.
Lên núi đao, khắp mình không còn mảnh da lành.
Trèo cây kiếm, từng tấc thịt xương đều rách nát.
Sắt đỏ không thể đỡ đói lòng, hễ nuốt vào ruột gan đều nhừ nát.
Đồng chảy khó uống cho đỡ khát, uống vào xương thịt đều nát tan.
Cưa sắc xẻ thân, đứt rồi lại nối.
Gió nghiệp vừa thổi, chết rồi bèn sống lại.
Trong thành lửa cháy, không nỡ nghe tiếng gào thảm thiết.
Trên mâm chưng nướng, chỉ nghe được tiếng kêu thống khổ.
Băng lạnh đông lại, hình trạng tội nhân như sen xanh kết nhụy.
Máu thịt nứt nẻ, thân thể tội nhân như sen đỏ nở hoa.
Một đêm trong địa ngục, chết sống đã trải muôn lần.
Một sáng thống khổ, nhân gian đã qua trăm tuổi.
Nhiều phen phiền ngục tốt vất vả, ai tin lời răn dạy của Diêm Vương.
Lúc chịu tội biết khổ, tuy hối hận cũng đã trễ rồi.
Vừa thoát lại quên, vẫn cứ gây nghiệp ác như xưa.
Đánh con lừa ra máu, ai hay mẹ ta đau đớn?
Xua con heo vào lò, đâu biết cha ta rên xiết.
Ăn thịt con mà không biết, Văn Vương còn vậy,
Ăn thịt cha nào có ai hay, hàng phàm nhân cũng vậy mà thôi.
Năm xưa ân ái, nay thành oan gia.
Ngày trước oán cừu, nay thành ruột thịt.
Đời trước là mẹ, mà nay thành vợ;
Đời trước là cha, nay lại là chồng.
Có túc mạng thông biết được, xấu hổ biết bao.
Có thiên nhãn thông thấy được, thật nực cười đáng thương.
Lẫn trong bọc phân, mười tháng nằm co tù túng.
Hết còn chịu nổi, qua đường ngập máu.
Một phen chúi xuống, thương thật là thương!
Nhỏ dại biết chi, chẳng gì biết rõ.
Lớn khôn dần hiểu, tham dục bèn sanh.
Loáng thoáng mới đó già bệnh đã tìm tới.
Thình lình xuất hiện vô thường lại hỏi thăm.
Gió lửa trong lúc giao tranh, thần thức tơi bời rối loạn.
Khí huyết bên trong vơi cạn, xương thịt bên ngoài teo khô.
Không một kẽ chân lông nào không bị kim đâm,
Không một khiếu huyệt nào không bị dao cắt.
Rùa già đem nấu, lột được vỏ ra, tưởng e còn dễ,
Thần thức sắp đi, phải lìa khỏi xác, khó gấp bội phần.
Tâm là ông chủ vô thường, giống chú lái buôn rày đây mai đó.
Thân là cái hình vô định, khác nào phòng ốc rày đổi mai thay.
Như mảy bụi ở cõi ba ngàn, thân nọ quay cuồng qua lại vô cùng tận.
Nhấp nhô như sóng bốn biển, nước mắt ly biệt trào tuôn, kể sao cho xiết!
Cao quá núi cao, chất ngất xương chồng.
Dày hơn đất dày, thây sắp tràn mặt đất.
Giả sử không được nghe lời Phật dạy, việc ấy ai thấy ai nghe.
Không được xem kinh Phật, lý đó ai hay ai biết?
Vậy mà có kẻ vẫn tham luyến như xưa, si mê không bỏ.
Chỉ e ngàn đời muôn kiếp mới được làm người.
Một lầm hai lỡ, dây dưa trăm kiếp.
Thân người khó được mà dễ mất, vận may dễ qua khó tìm.
Ðường đời mờ mịt, ly biệt dài lâu.
Ác báo ba đường, rồi phải tự thọ.
Khổ hết chỗ nói, ai chịu thay đây?
Nhân hứng mà nói dông dài, đến đây thấy lòng mình giá buốt.
Cho nên phải dứt dòng sanh tử, vượt thoát biển ái dục,
Mình người cùng thoát, bờ giác cùng lên.
Công lao muôn kiếp, chính được bắt đầu từ buổi hôm nay”.
Trích từ: Tâm Sanh Tử Không Tha Thiết
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tâm Sanh Tử Không Tha Thiết, Cư Sĩ Bích Ngọc Tải Về

Niệm Phật Liễu Sanh Tử
Pháp Sư Thích Tự Liễu

Niệm Phật Đoạn Sanh Tử
Hòa Thượng Thích Phước Nhơn

Liễu Sanh Tử
Hòa Thượng Thích Tịnh Không