Ngũ Uẩn Nghĩa Là Gì...?
Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng

Nói về 5 Uẩn:  Gồm 112 kinh, nằm trong các quyển 1 (kinh số 1-32), quyển 2 (kinh số 33-58), quyển 3 (kinh số 59-87), quyển 5 (kinh số 103-110), và quyển 10 (kinh số 256-272).

Uẩn tiếng Phạn là skandha, có nghĩa là tích tập, tức các pháp hữu vi nương vào nhau mà hiện khởi, và có thể che đậy chân lý, nên còn gọi là ấm. 5 uẩn là những yếu tố hình thành nên một chúng sinh nói chung, con người nói riêng, gồm sắc (yếu tố vật chất), thọ, tưởng, hành và thức (yếu tố tinh thần). Trong đó sắc uẩn là tứ đại, gồm đất (những phần cứng như xương, thịt…), nước (chất lỏng như máu, nước mắt…), gió (là những thể khí như hơi thở…), và lửa (hơi ấm, nhiệt lượng). Thọ uẩn là một nhóm cảm giác, còn gọi là cảm thọ. Con người có rất nhiều loại cảm giác, nhưng khái quát thì có ba loại chính: khổ thọ, lạc thọ và xả thọ (cảm giác không khổ không lạc). Tưởng uẩn là nhóm tri giác, chỉ cho động tác của trí năng trên ảnh tượng thu nhận được, nghĩa là khi các giác quan tiếp xúc với ngoại cảnh, nhóm tri giác này thu nhận, suy tư, duy trì, ghi nhớ và cấu thành khái niệm. Nói cách khác, tưởng uẩn là nơi tập trung những đối tượng và  khái niệm hóa các đối tượng này thành những nhận thức. Hành uẩn là nhóm tạo tác hay thúc đẩy tạo tác, là một loại ý chí, chủ tâm, tính toán thúc đẩy hành động. Hành uẩn là những hoạt động có ý chí, những tâm lý phát sinh động lực đưa đến tham dục, sân hận, ước muốn, tình yêu…là thủ phạm tạo nghiệp đưa đến thiện, ác và luân hồi. Thức uẩn là khả năng phân biệt, gồm có nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

Tất cả các bản kinh trong phần này bằng mọi phương pháp chứng tỏ cho thấy bản chất của 5 uẩn là vô thường, duyên sinh và vô ngã. Đó là sự thật, nhưng không phải ai cũng chứng ngộ được sự thật này, chính vì vậy mà chúng sinh bị trôi lăn trong sinh tử luân hồi, nhận chịu không biết bao nhiêu khổ đau, ách nạn, lo âu, sợ hãi. Kinh nói: Đối với sắc (thọ, tưởng, hành, thức) không biết, không rõ, không đoạn tận, không ly dục, tâm không giải thoát, thì không thể đoạn trừ khổ não, không vượt qua khỏi sự sợ hãi về sinh, già, bệnh, chết. Do đó, Đức Phật khuyên các Tỳ-kheo phải luôn quán chiếu để thể ngộ 5 uẩn là vô thường: “Các ông hãy quán sát sắc (cũng như thọ, tưởng, hành, thức) là vô thường”. Quán sát như vậy được gọi là quán sát chân chính. Hiểu biết như vậy được gọi là biểu biết chân chính. Khi đã quán sát và hiểu biết chân chính thì sẽ sinh ra nhàm tởm. Khi đã nhàm tởm thì dứt sạch tham muốn và ưa thích. Sự dứt sạch hỷ tham được gọi là tâm giải thoát. 

Đức Phật khẳng định: “Ai đối với sắc (thọ, tưởng, hành, thức) mà yêu thích, thì đối với khổ cũng yêu thích”. Một khi sống trong khổ đau mà cảm thấy yêu thích thì còn mong gì sự giải thoát? Thái độ vui thích trong khổ đau đó gọi là vô tri hay vô minh: “Vô minh là không biết, không biết tức là vô minh. Không biết những gì? Sắc là vô thường, mà không biết như thật sắc là vô thường. Sắc là pháp ma diệt(1) mà không biết như thật sắc là pháp ma diệt. Sắc là pháp sinh diệt mà không biết như thật sắc là pháp sinh diệt”. Ngược lại là trí hay minh. Chỉ có người trí mới mong giải thoát khỏi khổ đau: “Ai không yêu thích sắc (thọ, tưởng, hành, thức), thì sẽ không thích khổ. Ai không yêu thích khổ, thì đối với khổ sẽ được giải thoát”.

Đối với sắc (cũng như thọ, tưởng, hành, thức), nếu không biết như thật về sự tập khởi, không biết như thật về sự diệt tận, về vị ngọt, về sự tai hại và về sự xuất ly thì sẽ không đủ khả năng để vượt thoát khỏi sự trói buộc của chúng. Biết như thật về sự tập khởi của sắc là biết rằng sắc do nhân duyên sinh. Không một sự vật hiện tượng nào tự nó sinh ra và tự nó mất đi, mà tất cả đều phải nương vào nhau để sinh thành, tồn tại và hoại diệt. “Sắc là vô thường. Nhân và duyên sinh ra các sắc cũng vô thường. Vậy, các sắc được sinh từ nhân và duyên vô thường, làm sao có thể là thường được”? Hơn nữa, “sắc không phải là ngã. Nếu sắc là ngã, không nên ở nơi sắc mà bệnh, khổ sinh và cũng không thể có ước muốn khiến như vậy hay không như vậy đối với sắc. Vì sắc là vô ngã cho nên ở nơi sắc có bệnh, khổ sinh và nó cũng có ước muốn khiến như vậy, hay không như vậy đối với sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy”. Đó là như thật biết rằng 5 uẩn chắc chắn sẽ diệt tận. 

Như thật biết vị ngọt của sắc là biết rằng trong sắc có tính chất khả ái, khả hỷ, khả lạc. Nghĩa là tất cả những gì có thể đưa đến sự yêu thích, sự cảm mến và tạo nên niềm vui, niềm hạnh phúc. Sự yêu mến, ưa thích, vui vẻ khởi lên từ đối tượng của 5 uẩn gọi là vị ngọt của 5 uẩn. Nhưng những vị ngọt ấy rất nguy hiểm, như giọt mật dính trên lưỡi dao bén. Để thỏa mãn lòng ham muốn vị ngọt của các uẩn, con người dấn thân vào các sinh kế để tồn tại và phát triển, dấn thân vào đường danh lợi, sự nghiệp, để rồi chịu đựng sự bức ép, quấy nhiễu của thời tiết, của cường quyền, của bệnh tật và lo sợ mất mát các sở hữu…Con người đi vào thế cạnh tranh, đấu tranh, chiến tranh là đi vào các nguy hiểm dẫn đến tử vong và bất chấp nhân nghĩa… Đó là khía cạnh nguy hiểm của các uẩn. Chừng nào có nhận thức như thật về 5 uẩn như thế thì mới có cơ hội, ước muốn về sự xuất ly của các uẩn: “Nếu có sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc, thì sa-môn, Bà-la-môn này có đủ khả năng vượt qua khỏi sắc” (thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy).

Một điều cần lưu ý là không nên nghĩ rằng 5 uẩn chỉ là những yếu tố trên cơ thể của con người. “Nên biết rằng, sắc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những sắc ấy đều không phải là ngã, không phải khác ngã, không ở trong nhau. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức”. Điều này có nghĩa 5 uẩn là tổ hợp duyên khởi không giới thời gian và không gian. Do đó, thân thể gồm cả nội thân (tức con người) và ngoại thân (tức hoàn cảnh sống). Vì vậy, tàn phá môi trường sống là tàn phá sự sống của chính bản thân mình; tàn phá bản thân mình (bằng những hành động, lời nói và suy nghĩ bất thiện) là cố tình tạo ra một thế giới đầy dẫy những tai nạn, bất an, khổ đau.

Tóm lại, “để được điều chưa được, để chứng pháp chưa chứng, để có hiện pháp lạc trú cần phải tư duy 5 uẩn này là bệnh, là ung nhọt, là gai nhọn, là sát hại, là vô thường, khổ, không, vô ngã”. Câu thần chú tối thượng mà tâm kinh Bát nhã nói đến, và Bồ tát Quán Tự Tại đã thực tập thành công, chính là: Quán chiếu ngũ uẩn giai không. Đó là bí quyết, là phương thuốc linh diệu đưa chúng sinh vượt thoát khỏi mọi khổ đau, ách nạn. Vả chăng, 5 uẩn không phải là nguồn gốc của khổ đau, thực ra nguồn gốc của khổ đau là sự không thấu hiểu về tính cách vô thường, vô ngã và duyên sinh của 5 uẩn. Do không thấu hiểu cho nên tham đắm, và vì vậy bị trói buộc. Cũng như có một người cầm cục đá ném con chó. Con chó bị cục đá liệng trúng, chạy theo cục đá mà sủa một cách tức tối. Con chó không biết rằng thủ phạm làm cho nó đau không phải là cục đá mà là người ném đá (Kinh Bảo Tích).
 
Trích từ: Giới Thiệu Tạp A Hàm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Trích Dẫn Kinh Văn Thù Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập

Khởi Phát Trí Tuệ Bát Nhã
Đại Sư Diệu Liên

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh
Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập

Giải Thích Nội Dung Bát Nhã Tâm Kinh
Hòa Thượng Thích Trí Thủ