Tiết mục:
I. Phù-Tràng-Phật-Sát
II. Các thế giới chủng
III. Thế-giới-hải Liên-Hoa-Tạng
IV. Nhân duyên các thế-giới-hải
Kinh sách tham khảo: Kinh Hoa-Nghiêm, Táo-Bá-Luận, Thanh-Lương-Sớ, Pháp-Uyển-Nghĩa-Lâm.
Đề yếu: Thế-giới-hải Liên-Hoa-Tạng-Trang-Nghiêm, gọi tắt cõi Hoa-Tạng, là cảnh Thật-báo-vô-chướng-ngại-độ của Ðức Tỳ-Lô-Giá-Na Như-Lai. “Liên-Hoa” là hoa sen, đây chỉ cho hoa sen chúa Chủng-Chủng-Quang-Minh-Nhụy-Hương-Tràng; hoa sen nầy đảm trì thế-giới-hải. “Tạng” chỉ cho chỗ hàm chứa hạt sen; các thế giới chủng nương nơi Hương-thủy-hải như những hạt sen ở trong liên tạng, và chỗ y trụ của các Hương-thủy-hải ví như liên phòng, tức là gương sen. “Trang-Nghiêm” là chỉ cho các hình tướng tốt đẹp của thế-giới-hải, như núi Đại-Luân-Vi, biển Hương-thủy, bảo địa, lầu các, ao hồ, rừng cây, vườn hoa, lưới báu, câu lơn, bảo tràng; các cảnh sắc nầy đã điểm tô cho cõi Hoa-Tạng thành ra tráng lệ.
Nói tóm lại, cõi Thật-báo-độ nầy có đại-liên-hoa (Nhụy-Hương-Tràng) bao trùm và duy trì vi trần thế giới chủng như hoa sen hàm chứa hạt sen, nên gọi là Hoa-Tạng. Người đọc bản chương cần nên chú ý hai điểm: 1. Thế-giới-hải Liên-Hoa-Tạng-Trang-Nghiêm đã là báo độ của Ðức Tỳ-Lô-Giá-Na Như-Lai, vậy mười phương có vô lượng chư Phật, tức nhiên phải có vô lượng thế-giới-hải khác. 2. Nghĩa Hoa-Tạng về sự là như thế, về lý chỉ cho chân tâm tuy đầy khắp thế gian mà không bị thế gian nhiễm ô, ví như hoa sen tuy mọc từ bùn nhơ mà không bị bùn nhơ làm uế trược.
Nếu sự, lý không thiên trệ, người học Phật mới đi đến chỗ dung thông.
Tiết I: Phù Tràng Phật Sát
Phù-Tràng-Phật-Sát là gì? Ấy là một loạt thế-giới liên tiếp nổi lên giữa biển thế-giới bao la vô hạn, dường như một lá phướn lửng lơ. Cứ nhìn những ánh tinh vân do nhiều ngôi sao nhỏ tiếp cận nhau trên nền trời, ta có thể hình dung đại khái loạt thế-giới ấy. Mỗi Phù-Tràng-Phật-Sát là một chủng loại thế-giới riêng, nên cũng gọi là thế-giới-chủng. Dưới đây là một đoạn kinh diễn tả thế-giới-chủng Phổ-Chiếu-Thập-Phương-Xí-Nhiên-Bảo-Quang-Minh, một Phù-Tràng-Phật-Sát ở trung ương biển Hoa-Tạng.
Kinh Hoa-Nghiêm nói: Có những biển Hương-thủy nhiều bằng số bụi nhỏ của mười bất-khả-thuyết cõi Phật, phân số an trụ như lưới châu của trời Đế-Thích, ở trong biển thế-giới Liên-Hoa-Tạng-Trang-Nghiêm. Biển Hương-thủy ở trung ương tên Vô-Biên-Diệu-Hoa-Quang, do tràng báu ma-ni-vương gọi là Hiện-Nhất-Thế-Bồ-Tát-Hình làm đáy. Từ nơi biển nầy, nổi lên hoa sen lớn tên Nhất-Thế-Ma-Ni-Vương-Trang-Nghiêm. Trên hoa sen, có thế-giới-chủng Phổ-Chiếu-Thập-Phương-Xí-Nhiên-Bảo-Quang-Minh an trụ. Thế-giới-chủng nầy do tất cả vật trang nghiêm làm thể, phạm vi bao gồm những thế-giới bằng số bụi nhỏ của nhiều cõi Phật.
Các thế-giới nầy chia thành hai mươi tầng, phân bố thứ lớp từ thấp đến cao. Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thấp nhất, tên là Tối-Thắng-Quang-Biến-Chiếu. Lấy Nhất-Thế-Kim-Cương-Trang-Nghiêm-Quang-Diệu-Luân làm giới hạn, và an trụ trên hoa sen Chúng-Bảo-Ma-Ni. Thể tướng của cõi nầy như hình Ma-ni-bảo, trên có mây Nhất-Thế-Bảo-Hoa-Trang-Nghiêm phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của một cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Tịnh-Nhãn-Ly-Cấu-Đăng Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ hai, tên là Chủng-Chủng-Liên-Hoa-Diệu-Trang-Nghiêm, lấy tất cả vật trang nghiêm làm giới hạn, an trụ trên các hoa sen báu dường như mành lưới. Hình trạng của cõi nầy như toà sư tử, trên có mây Nhất-Thế-Bảo-Sắc-Châu-Trướng phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của hai cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Sư-Tử-Quang-Thắng-Chiếu Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ ba tên là Nhất-Thế-Bảo-Trang-Nghiêm-Phổ-Chiếu-Quang, lấy Hương-phong-luân làm giới hạn, an trụ trên các thứ bảo hoa anh lạc. Cõi nầy hình bát giác, trên có mây Diệu-Quang-Ma-Ni-Nhật-Luân phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của ba cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Tịnh-Quang-Trí-Thắng-Tràng Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ tư tên là Chủng-Chủng-Quang-Minh-Hoa-Trang-Nghiêm, lấy tất cả thứ bảo vương làm giới hạn, an trụ trên hải tràng Chúng-Sắc-Kim-Cương-Thi-La. Hình trạng của cõi nầy như Ma-ni-liên-hoa, trên có mây Kim-Cương-Ma-Ni-Bảo-Quang phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của bốn cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Kim-Cương-Quang-Minh-Vô-Lượng-Tinh-Tấn-Lực-Thiện-Xuất-Hiện Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ năm tên là Phổ-Phóng-Diệu-Hoa-Quang, lấy tất cả bảo linh và lưới trang nghiêm làm giới hạn, an trụ trên biển lưới bảo luân Nhất-Thế-Thọ-Lâm-Trang-Nghiêm. Hình trạng của cõi nầy bốn bên có nhiều góc, trên có mây Phạm-Âm-Ma-Ni-Vương phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của năm cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Hương-Quang-Hỷ-Lực-Hải Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ sáu tên Tịnh-Diệu-Quang-Minh, lấy tràng Bảo-Vương-Trang-Nghiêm làm giới hạn, an trụ trên biển cung điện Kim-Cang. Cõi nầy hình vuông vức, trên có mây Ma-Ni-Kế-Tướng phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của sáu cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Phổ-Quang-Tự-Tại-Tràng Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ bảy tên là Chúng-Hoa-Diệm-Trang-Nghiêm, lấy các thứ hoa trang nghiêm làm giới hạn, an trụ trên biển ánh sáng đẹp Nhất-Thế-Bảo-Sắc. Hình trạng cõi nầy như lầu các, trên có mây Nhất-Thế-Bảo-Sắc-Y-Chơn-Châu-Lan-Thuẩn phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của bảy cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Hoan-Hỷ-Hải-Công-Đức-Danh-Xưng-Tự-Tại-Quang Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ tám tên là Xuất-Sanh-Oai-Lực-Địa, lấy chất báu Xuất-Nhất-Thế-Thanh-Ma-Ni-Vương-Trang-Nghiêm làm giới hạn, an trụ trên biển liên tòa Chủng-Chủng-Bảo-Sắc. Hình trạng cõi nầy như lưới Nhân-Ðà-La, trên có mây Vô-Biên-Sắc-Hoa-Võng phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của tám cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Quảng-Đại-Danh-Xưng-Trí-Hải-Tràng Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ chín tên là Xuất-Diệu-Âm-Thanh lấy Tâm-Vương-Ma-Ni-Trang-Nghiêm-Luân làm giới hạn, an trụ trên biển ma-ni-vương Hằng-Xuất-Nhất-Thế-Diệu-Âm-Thanh-Trang-Nghiêm-Vân. Hình trạng cõi nầy như thân trời Phạm-Thiên, trên có mây Vô-Lượng-Trang-Nghiêm-Sư-Tử-Tòa phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của chính cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Thanh-Tịnh-Nguyệt-Quang-Minh-Tướng-Vô-Năng-Tồi-Phục Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ mười tên là Kim-Cang-Tràng, lấy thứ báu Vô-Biên-Trang-Nghiêm-Chơn-Châu-Tạng-Bảo-Anh-Lạc làm giới hạn, an trụ trên biển ma-ni Nhất-Thế-Trang-Nghiêm-Bảo-Sư-Tử-Tòa. Cõi nầy hình tròn, trên có mây Nhất-Thế-Hương-Ma-Ni-Hoa-Tu-Di phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của mười cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Nhất-Thế-Pháp-Hải-Tối-Thắng-Vương Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ mười một tên là Hằng-Xuất-Hiện-Đế-Thanh-Bảo-Quang-Minh, lấy chất kim cang Cực-Kiên-Lao-Bất-Hoại-Trang-Nghiêm làm giới hạn, an trụ trên biển hoa Chủng-Chủng-Thù-Dị. Cõi nầy hình bán nguyệt, trên có mây Chư-Thiên-Bảo-Trướng phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của mười một cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Vô-Lượng-Công-Đức-Pháp Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ mười hai tên là Quang-Minh-Chiếu-Diệu, lấy ánh sáng Phổ-Quang-Trang-Nghiêm làm giới hạn, an trụ trên biển Hoa-Triền-Hương-Thủy. Hình trạng cõi nầy như đóa hoa cánh xoay tròn; trên có mây Chủng-Chủng-Y phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của mười hai cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Siêu-Thích-Phạm Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ mười ba tên là Ta-Bà, lấy chất Kim-Cang-Trang-Nghiêm làm giới hạn, an trụ trên các sắc Phong-Luân. Thể tướng cõi nầy trống trải, trên có Thiên-cung Trang-Nghiêm-Hư-Không phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của mười ba cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Tỳ-Lô-Giá-Na Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ mười bốn tên là Tịch-Tịnh-Ly-Trần-Quang, lấy tất cả thứ báu trang nghiêm làm giới hạn, an trụ trên biển Chủng-Chủng-Bảo-Y. Hình trạng cõi nầy như tướng thần Chấp-Kim-Cang, trên có mây Vô-Biên-Sắc-Kim-Cương phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của mười bốn cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Biến-Pháp-Giới-Thắng-Âm Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ mười lăm tên là Chúng-Diệu-Quang-Minh-Đăng, lấy tất cả tướng trang nghiêm làm giới hạn, an trụ trên biển lưới tịnh hoa. Cõi nầy hình chữ Vạn (卐) trên có mây Ma-Ni-Thọ-Hương-Thủy-Hải phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của mười lăm cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Bất-Khả-Tồi-Phục-Lực-Phổ-Chiếu-Tràng Như-Lai.
Cõi Phật trung ương tầng thế-giới thứ mười sáu tên là Thanh-Tịnh-Quang-Biến-Chiếu, lấy thứ báu ma-ni-vương Vô-Tận-Bảo-Vân làm giới hạn, an trụ trên biển hoa sen Chủng-Chủng-Hương-Diệm. Cõi nầy hình như mai rùa trên có mây Ma-Ni-Luân-Chiên-Đàn phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của mười sáu cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Thanh-Tịnh-Nhật-Công-Đức-Nhãn Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ mười bảy tên là Bảo-Trang-Nghiêm-Tạng, lấy các thứ báu ma-ni-vương giống hình của tất cả chúng-sanh làm giới hạn, an trụ trên biển ma-ni-vương Quang-Minh-Tạng. Cõi nầy hình bát giác, trên có lưới Nhất-Thế-Luân-Vi-Sơn-Bảo-Trang-Nghiêm-Hoa-Thọ phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của mười bảy cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Vô-Ngại-Trí-Quang-Minh-Biến-Chiếu-Thập-Phương Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ mười tám tên là Ly-Trần, lấy tất cả tướng thù diệu trang nghiêm làm giới hạn, an trụ trên biển sư tử tòa Chúng-Diệu-Hoa. Cõi nầy hình như xâu chuỗi anh lạc, trên có mây Nhất-Thế-Bảo-Hương-Ma-Ni-Vương-Viên-Quang phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của mười tám cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Vô-Lượng-Phương-Tiện-Tối-Thắng-Tràng Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ mười chín tên là Thanh-Tịnh-Quang-Phổ-Chiếu, lấy thứ báu ma-ni-vương Xuất-Vô-Tận-Bảo-Vân làm giới hạn, an trụ trên biển Tu-Di sơn Vô-Lượng-Sắc-Hương-Diệm. Hình trạng cõi nầy như các đóa hoa báu xây quanh, trên có mây Vô-Biên-Sắc-Quang-Minh-Ma-Ni-Vương-Đế-Thanh phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của mười chín cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Phổ-Chiếu-Pháp-Giới-Hư-Không-Quang Như-Lai.
Cõi Phật trung ương của tầng thế-giới thứ hai mươi tên là Diệu-Bảo-Diệm, lấy thứ báu Phổ-Quang-Minh-Nhật-Nguyệt làm giới hạn, an trụ trên biển ma-ni-vương Nhất-Thế-Chư-Thiên-Hình. Tướng trạng cõi nầy như một khí cụ báu trang nghiêm, trên có mây Nhất-Thế-Bảo-Y-Tràng và lưới Ma-Ni-Đăng-Tạng phủ che, xung quanh có các thế-giới khác nhiều bằng số bụi nhỏ của hai mươi cõi Phật vi nhiễu. Vị giáo chủ ở bản độ hiệu là Phước-Đức-Tướng-Quang-Minh Như-Lai.
Theo kinh Hoa-Nghiêm thì một Phù-Tràng-Phật-Sát có hai mươi tầng thế-giới liên tiếp nhau kết thành dãy dọc từ thấp đến cao. Từ cõi Phật trung ương nầy lên đến cõi Phật trung ương kia cách nhau có hằng vi-trần số sát độ. Mỗi từng lớp có nhiều loại thế-giới khác nhau. Mỗi loại thế-giới từ chỗ an trụ, hình trạng, thể tánh, sự trang nghiêm, giới hạn, hàng lối, sức gia trì, thảy đều sai biệt. Cõi Ta-Bà và Cực-Lạc đều ở vào từng thứ mười ba của thế-giới-chủng nầy.
Tiết II: Các Thế Giới Chủng
Như trên đã nói thế-giới-chủng Phổ-Chiếu-Thập-Phương-Xí-Nhiên-Bảo-Quang-Minh, an trụ trên hoa sen Nhất-Thế-Hương-Ma-Ni-Vương-Trang-Nghiêm, ở trong biển Hương-thủy Vô-Biên-Diệu-Hoa-Quang. Vi nhiễu Phù-Tràng-Phật-Sát nầy, lại có nhiều thế-giới-chủng khác. Xin y theo kinh, lược kể ra mười thế-giới-chủng tiếp cận xung quanh.
Quanh vòng thế-giới-chủng Phổ-Chiếu-Thập-Phương-Xí-Nhiên-Bảo-Quang-Minh, kể theo chiều xoay bên hữu, từ phương đông đến các phương nam, tây, bắc, có mười thế-giới-chủng an trụ.
Trước tiên, về phương đông có biển Hương-thủy tên Ly-Cấu-Diệm-Tạng. Từ nơi biển nầy nổi lên hoa sen lớn tên Nhất-Thế-Hương-Ma-Ni-Diệu-Trang-Nghiêm. Trên hoa sen có thế-giới-chủng Biến-Chiếu-Sát-Triền, gồm hai mươi tầng an trụ. Thế-giới nầy lấy Bồ-Tát-hạnh hẩu-âm làm thể.
Theo vòng bên hữu, kế đó lại có biển Hương-thủy Vô-Tận-Quang-Minh-Luân, thế-giới-chủng tên Phật-Tràng-Trang-Nghiêm, lấy tất cả biển âm thanh công đức của Phật làm thể.
Kế đó, lại có biển Hương-thủy Kim-Cang-Bảo-Diệm-Quang, thế-giới-chủng tên Phật-Quang-Trang-Nghiêm-Tạng, lấy âm thanh xưng nói danh hiệu của tất cả Như-Lai làm thể.
Kế đó, lại có biển Hương-thủy Đế-Thanh-Bảo-Trang-Nghiêm, thế-giới-chủng tên Quang-Chiếu-Thập-Phương, lấy vô biên âm thanh của Phật làm thể.
Kế đó, lại có biển Hương-thủy Kim-Cang-Luân-Trang-Nghiêm-Để, thế-giới-chủng tên Diệu-Bảo-Gián-Thác-Nhân-Đà-La-Võng, lấy âm thanh do trí Phổ-Hiền sanh ra làm thể.
Kế đó, lại có biển Hương-thủy Liên-Hoa-Nhân-Đà-La-Võng, thế-giới-chủng tên Phổ-Hiện-Thập-Phương-Ảnh, lấy âm thanh từ nơi ánh sáng trí huệ của tất cả chư Phật làm thể.
Kế đó, lại có biển Hương-thủy Tích-Tập-Bảo-Hương-Tạng, thế-giới-chủng tên Nhất-Thế-Oai-Đức-Trang-Nghiêm, lấy âm thanh pháp luân của tất cả chư Phật làm thể.
Kế đó, lại có biển Hương-thủy Bảo-Trang-Nghiêm, thế-giới-chủng tên Phổ-Vô-Cấu, lấy tiếng thần biến của tất cả vi-trần cõi Phật làm thể.
Kế đó, lại có biển Hương-thủy Kim-Cang-Bảo-Tụ, thế-giới-chủng tên Pháp-Giới-Hạnh, lấy phương tiện pháp âm của tất cả Bồ-Tát địa làm thể.
Kế đó, lại có biển Hương-thủy Thiên-Thành-Bảo-Diệp, thế-giới-chủng tên Đăng-Diệm-Quang-Minh, lấy tiếng pháp luân bình đẳng khai thị cho tất cả chúng-sanh của chư Phật làm thể.
Như thế, theo vòng bên hữu, có mười biển Hương-thủy, trên có mười thế-giới-chủng, vây quanh biển Hương-thủy Vô-Biên-Diệu-Hoa-Quang thuộc thế-giới-chủng Phổ-Chiếu-Thập-Phương-Xí-Nhiên-Bảo-Quang-Minh. Mỗi thế-giới-chủng đều có hai mươi tầng lớp thế-giới an trụ. Mỗi tầng lớp có từ 1 đến hai mươi Phật-sát vi-trần thế-giới; mỗi thế-giới từ hình tướng đến sự trang nghiêm có vô lượng sai biệt. Ngoài mười thế-giới-chủng ấy, còn có vô lượng Hương-thủy-hải là thế-giới-chủng khác, mỗi mỗi lại có vô lượng sự sai biệt nhiệm mầu.
Tiết III: Thế Giới Hải Liên Hoa Tạng
Thế-giới-hải Liên-Hoa-Tạng-Trang-Nghiêm tức biển Hoa-Tạng, có vô biên Hương-thủy-hải và thế-giới-chủng nhiều bằng số bụi nhỏ của mười bất-khả-thuyết cõi Phật, phân bố an trụ như những hạt châu nơi các mắc lưới báu của trời Đế-Thích, rất vi diệu trang nghiêm. Mỗi thế-giới-chủng trong cõi Hoa-Tạng, lại có vô lượng thế-giới tịnh uế khác trùng trùng an lập. Bao vòng các thế-giới-chủng của cõi Hoa-Tạng, có núi Đại-Luân-Vi. Đại-Luân-Vi sơn do bốn chất báu: Chiên-đàn-ma-ni, Oai-đức-bảo-vương, Diệu-hương-ma-ni và Diệm-tạng-kim-cương kết hợp, an trụ trên tòa sen chúa là Chủng-Chủng-Quang-Minh-Nhụy-Hương-Tràng. Hoa sen nầy do chất báu Nhật-châu-vương tạo thành, nổi trên biển đại Hương-thủy Phổ-Quang-Ma-Ni-Trang-Nghiêm. Ngoài biển Phổ-Quang-Ma-Ni, có luồng phong luân cực thâm hậu mạnh mẽ tên là Thù-Thắng-Oai-Quang-Tạng duy trì, khiến cho Hương-thủy không lưu tán.
Thế-giới-chủng ở trung tâm cõi Hoa-Tạng là Phổ-Chiếu-Thập-Phương-Xí-Nhiên-Bảo-Quang-Minh. Xung quanh thế-giới-chủng nầy, có mười thế-giới-chủng khác như Biến-Chiếu-Sát-Triền cho đến Đăng-Diệm-Quang-Minh, như trên đã nói.
Từ thế-giới-chủng Biến-Chiếu-Sát-Triền thuộc biển Hương-thủy Ly-Cấu-Diệm-Tạng ở phương đông, trải qua số bất-khả-thuyết Phật-sát vi-trần thế-giới-chủng khác, cuối cùng đến một thế-giới-chủng ở kế cận núi Đại-Luân-Vi. Cõi phù tràng nầy tên là Thường-Phóng-Quang-Minh, thuộc biển Hương-thủy Pha-Lê-Địa.
Từ thế-giới-chủng Phật-Tràng-Trang-Nghiêm thuộc biển Hương-thủy Vô-Tận-Quang-Minh-Luân, trải qua số bất-khả-thuyết Phật-sát vi-trần thế-giới-chủng khác, cuối cùng đến một thế-giới-chủng ở kế cận núi Đại-Luân-Vi. Cõi phù tràng nầy tên là Diệm-Hoa-Thọ, thuộc biển Hương-thủy Xuất-Sanh-Chư-Phương-Đại-Sát.
Từ thế-giới-chủng Phật-Quang-Trang-Nghiêm-Tạng thuộc biển Hương-thủy Kim-Cang-Bảo-Diệm-Quang, trải qua số bất-khả-thuyết Phật-sát vi-trần thế-giới-chủng khác, cuối cùng đến một thế-giới-chủng ở kế cận núi Đại-Luân-Vi. Cõi phù tràng nầy tên là Vô-Lượng-Phương-Sai-Biệt, thuộc biển Hương-thủy Vô-Biên-Luân-Trang-Nghiêm-Để.
Từ thế-giới-chủng Quang-Chiếu-Thập-Phương thuộc Hương-thủy Đế-Thanh-Bảo-Trang-Nghiêm, trải qua số bất-khả-thuyết Phật-sát vi-trần thế-giới-chủng khác, cuối cùng đến một thế-giới-chủng ở kế cận núi Đại-Luân-Vi. Cõi phù tràng nầy tên là An-Trụ-Đế-Võng thuộc biển Hương-thủy Thọ-Trang-Nghiêm-Tràng.
Từ thế-giới-chủng Diệu-Bảo-Gián-Thác-Nhân-Đà-La-Võng thuộc biển Hương-thủy Kim-Cang-Luân-Trang-Nghiêm-Để, trải qua nhiều thế-giới-chủng đến cõi phù tràng Phổ-Hiện-Quang-Minh-Lực thuộc biển Hương-thủy Diệu-Hương-Bảo-Vương-Quang-Trang-Nghiêm. (Trong kinh thiếu đoạn nói về thế-giới-chủng và Hương-thủy-hải gần núi Đại-Luân-Vi).
Từ thế-giới-chủng Phổ-Hiện-Thập-Phương-Ảnh thuộc biển Hương-thủy Liên-Hoa-Nhân-Đà-La-Võng, trải qua số bất-khả-thuyết Phật-sát vi-trần thế-giới-chủng khác, cuối cùng đến một thế-giới-chủng ở kế cận núi Đại-Luân-Vi. Cõi phù tràng nầy tên là Nhất-Thế-Quang-Trang-Nghiêm, thuộc biển Hương-thủy Mật-Diệm-Vân-Tràng.
Từ thế-giới-chủng Nhất-Thế-Oai-Đức-Trang-Nghiêm thuộc biển Hương-thủy Tích-Tập-Bảo-Hương-Tạng, trải qua số bất-khả-thuyết Phật-sát vi-trần thế-giới-chủng khác, cuối cùng đến một thế-giới-chủng ở kế cận núi Đại-Luân-Vi. Cõi phù tràng nầy tên là Phổ-Âm-Tràng, thuộc biển Hương-thủy Diêm-Phù-Ðàn-Bảo-Tạng-Luân.
Từ thế-giới-chủng Phổ-Vô-Cấu thuộc biển Hương-thủy Bảo-Trang-Nghiêm, trải qua số bất-khả-thuyết Phật-sát vi-trần thế-giới-chủng khác, cuối cùng đến một thế-giới-chủng ở kế cận núi Đại-Luân-Vi, cõi phù tràng nầy tên là Châu-Biến-Vô-Sai-Biệt, thuộc biển Hương-thủy Xuất-Đế-Thanh-Bảo.
Từ thế-giới-chủng Pháp-Giới-Hạnh thuộc biển Hương-thủy Kim-Cang-Bảo-Tụ, trải qua số bất-khả-thuyết Phật-sát vi-trần thế-giới-chủng khác, cuối cùng đến một thế-giới-chủng ở kế cận núi Đại-Luân-Vi. Cõi phù tràng nầy tên là Diệu-Luân-Gián-Thác-Liên-Hoa-Tràng, thuộc biển Hương-thủy Bất-Khả-Hoại.
Từ thế-giới-chủng Đăng-Diệu-Quang-Minh thuộc biển Hương-thủy Thiên-Thành-Bảo-Diệp, trải qua số bất-khả-thuyết Phật-sát vi-trần thế-giới-chủng khác, cuối cùng đến một thế-giới-chủng ở kế cận núi Đại-Luân-Vi. Cõi phù tràng nầy tên là Hóa-Hiện-Diệu-Y, thuộc biển Hương-thủy Tích-Tập-Anh-Lạc-Y.
Như thế, từ mười thế-giới-chủng xung quanh cõi phù tràng Phổ-Chiếu-Thập-Phương-Xí-Nhiên-Bảo-Quang-Minh đến vòng núi Đại-Luân-Vi, mỗi phương có một bất-khả-thuyết Phật-sát vi-trần số thế-giới-chủng, hợp chung lại cõi Hoa-Tạng gồm có những biển Hương-thủy kiêm thế-giới-chủng nhiều bằng số bụi nhỏ của mười bất-khả-thuyết cõi Phật. Các thế-giới-chủng đều y trụ trên hoa sen trang nghiêm bằng chất báu ma-ni-vương đều phóng ánh sáng bảo sắc; đều có mây quang minh che ở trên; đều có các trang nghiêm cụ, đều có thời kiếp sai biệt; đều có chư Phật xuất hiện nói pháp; đều có Pháp hải khác nhau; đều có chúng-sanh sung mãn; đều có sự thú nhập của mười phương; đều được thần lực của tất cả chư Phật gia trì. Tất cả thế-giới trong mỗi thế-giới-chủng đều y trụ trên các thứ trang nghiêm, liên tiếp kết thành thế-giới-võng an lập khắp cõi Liên-Hoa-Tạng.
Trong kinh có dẫn ra các pháp số, như “Bất-khả-thuyết” là một số lớn, duy có Phật mới biết rõ. Theo sự khảo cứu của Uyển pháp sư và Táo Bá cư sĩ, thì một trăm Lạc-xoa (số Lạc-xoa bậc trung là 100000) là một Câu-đê, một Câu-đê là một A-do-đa; một A-do-đa là một Na-do-tha. Từ số Na-do-tha cứ như thế kể xấp bội lên là các số: Tần-bà-la, Căn-yết-la, A-dà-la, Tối-thắng, Ma-bàn-la, A-bàn-la, Đa-bàn-la, Giới-phần, Phổ-ma... Và cứ như thế kể xấp bội đến lần thứ một trăm hai mươi mới đến số Bất-khả-thuyết. Phật-sát vi-trần số thế-giới-chủng, là đem cả cõi Đại-thiên (một Phật-sát) từ núi non cho đến đất liền đều nghiền ra thành bụi nhỏ, mỗi hạt bụi kể là một thế-giới-chủng. Vì sát độ trong mười phương vô biên, không thể dùng con số thường tính kể được, nên Đức Phật thường đem số hạt cát của một sông Hằng cho đến nhiều sông Hằng, hoặc số hạt bụi của một cõi Phật cho đến nhiều cõi Phật, để ước lượng về thế-giới hay cõi phù tràng hoặc các biển Hương-thủy.
Biển-thế-giới Liên-Hoa-Tạng-Trang-Nghiêm, là báo độ của Đức Phật Tỳ-Lô-Giá-Na. Trong kinh Hoa-Nghiêm, Phổ Hiền Bồ-Tát bảo đại chúng: “Đức Tỳ-Lô-Giá-Na đây, thuở đời quá khứ đã tu Bồ-Tát hạnh trong số kiếp nhiều như bụi nhỏ của thế-giới-hải. Trong mỗi kiếp ngài đều gần gũi cúng dường Phật, và đã cúng dường cho đến số thế-giới-hải vi-trần các Ðức Thế-Tôn. Trong mỗi đời Phật, Ngài lại tịnh tu những đại nguyện nhiều như số bụi nhỏ của thế-giới-hải. Do các công đức hạnh nguyện đó, Ngài mới thật hiện được cõi Liên-Hoa-Tạng-Trang-Nghiêm nầy”.
Trên đây đoạn kinh chỉ dẫn chánh nhân của cõi Hoa-Tạng. Về trợ nhân, lại còn công đức của chư Phật, chư Bồ-Tát, chư hiền-thánh và nghiệp duyên của các loại chúng-sanh. Thanh-Lương-Sớ nói: “Hoa sen và hương hải, về sự là như thế, lý lại có hai nguyên nhân: 1. Ước về chúng-sanh thì tạng thức tức là hương hải, vọng tưởng là phong luân, tánh đức sẵn có nơi tâm là liên hoa, tâm tánh bao hàm quả pháp thế gian và xuất thế gian là liên tạng. 2. Ước về chư Phật thì đại bi là hương hải, đại nguyện là phong luân, vô biên hạnh lành là liên hoa, chân như tâm dung nhiếp các quả pháp nhiễm tịnh là liên tạng. Do hạnh nghiệp chúng-sanh và chư Phật như thế, nên cảm hiện ra tướng trạng của các cõi cũng như vậy”. Đây là lối lập luận dẫn sự để chứng lý đem lý giải thích sự. Người học Phật nếu chỉ theo sự không suốt lý là trệ, trái lại chấp lý bỏ sự là mê.
Tiết IV: Nhân Duyên Các Thế Giới Hải
Thế-giới-hải Hoa-Tạng đã là báo độ của Ðức Tỳ-Lô-Giá-Na Như-Lai, thì mỗi vị Phật đều có một báo độ, nghĩa là một thế-giới-hải riêng. Mỗi thế-giới-hải tuy do một Đức Phật chủ trì, song cũng thông tất cả chư Phật khác. Như thế-giới-hải Liên-Hoa-Tạng nầy tuy do Ðức Tỳ-Lô-Giá-Na làm chủ, vì sự thành lập báo độ phần lớn đều do công đức hạnh nguyện của Ngài, nhưng cũng có chư Bồ-Tát ở bản độ tiến lên thành Phật, cùng chư Phật mười phương phân thân đến giáo hóa, và mỗi vị đều dùng công đức hạnh nguyện của mình giúp thêm cho sự trang nghiêm.
Theo kinh Hoa-Nghiêm, ngoài thế-giới-hải Hoa-Tạng nầy, còn có nhiều thế-giới-hải khác. Như lấy cõi Liên-Hoa-Tạng-Trang-Nghiêm làm trung ương, xung quanh báo độ nầy có mười thế-giới-hải khác bao bọc. Phương đông thế-giới-hải Liên-Hoa-Tạng-Trang-Nghiêm của Ðức Tỳ-Lô-Giá-Na Như-Lai, có thế-giới-hải tên là Thanh-Tịnh-Quang-Liên-Hoa-Trang-Nghiêm. Phương đông nam có thế-giới-hải Kim-Trang-Nghiêm-Lưu-Ly-Quang-Phổ-Chiếu. Phương nam có thế-giới-hải Nhất-Thế-Bảo-Nguyệt-Quang-Minh-Trang-Nghiêm. Phương tây nam có thế-giới-hải Nhật-Quang-Biến-Chiếu. Phương tây có thế-giới-hải Khả-Ái-Nhạo-Bảo-Quang-Minh. Phương tây bắc có thế-giới-hải Bảo-Quang-Chiếu-Diệu. Phương bắc có thế-giới-hải Tỳ-Lưu-Ly-Hoa-Quang-Viên-Mãn-Tạng. Phương đông bắc có thế-giới-hải Diêm-Phù-Ðàn-Kim-Pha-Lê-Sắc-Tràng. Phương trên có thế-giới-hải Ma-Ni-Bảo-Chiếu-Diệm-Trang-Nghiêm. Phương dưới có thế-giới-hải Liên-Hoa-Hương-Diệu-Đức-Tạng.
Ngoài mười thế-giới-hải bao quanh cõi Liên-Hoa-Tạng-Trang-Nghiêm, còn có vô số thế-giới-hải khác nữa. Như kinh Hoa-Nghiêm, phẩm Nhập-Pháp-Giới nói: “Bấy giờ ngoài số thế-giới-hải nhiều như bụi nhỏ của bất-khả-thuyết cõi Phật ở phương đông, có thế-giới tên Kim-Đăng-Vân-Tràng. Vị giáo chủ của quốc độ nầy là Đức Phật Tỳ-Lô-Giá-Na-Thắng-Đức-Vương. Trong pháp hội của Ðức Thế-Tôn đây, có vị Bồ-Tát-Ma-Ha-Tát tên là Tỳ-Lô-Giá-Na-Nguyện-Quang-Minh, cùng với số bất-khả-thuyết Phật-sát vi-trần chúng Bồ-Tát đến chỗ Phật, nổi lên mây cúng dường”. Qua mấy lời nầy, ta có thể thấy biển pháp-giới thật là rộng rãi mênh mông vô cùng vô tận!
Về nhân duyên của thế-giới-hải, trong Táo-Bá-Luận đã nói: “Do sức đại nguyện của chư Phật; nên cảm hiện ra phong luân nhiệm trì tất cả thế-giới. Do tâm từ bi sâu rộng của các đấng Như-Lai nên cảm hiện ra biển Hương-thủy; và do vô biên đại hạnh, nên kết thành diệu báo hoa sen. Lại hoa sen cũng do ảnh hưởng của trí thể vô y, cung điện do ảnh hưởng của lòng đại bi hàm dục, lầu các do ảnh hưởng của trí phương tiện độ sanh mà hiện thành. Tâm thanh tịnh hiện ra báu ma-ni; giới trang nghiêm hiện ra núi Đại-Luân-Vi bao bọc; muôn hạnh lợi sanh làm nở các thứ hoa quí đẹp và cảm thành cây báu mát tươi. Tâm độ sanh không chán mỏi hóa ra bảo địa, đức phá tà, lập chánh cảm hiện bảo tràng, tiếng pháp âm kết quả bảo linh, trí nhiệm mầu hóa hiện bảo võng. Lòng tinh tấn nổi lên mây gấm, pháp phá mê hiện ánh quang minh, khuôn hương lâm bởi thất giác chi, chuỗi anh lạc do tâm tàm quý. Sức Tam-muội du hí hóa thành vườn hoa tươi đẹp, hạnh Vô-Trước vô ngại cảm nên dòng nước trong thơm. Tất cả hiện cảnh đều có nhân duyên không thể kể ra hết được.
Kết luận lại, ta thấy các thế-giới-hải trong mười phương, sự và lý đều tương quan; các báo cảnh đều do hạnh nghiệp của chư Phật, chư Bồ-Tát, hoặc các loài chúng-sanh cảm hiện.