Home > Khai Thị Phật Học > Muoi-Phap-Gioi--Khong-Ngoai-Mot-Niem-Cua-Tam
Mười Pháp Giới Không Ngoài Một Niệm Của Tâm
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch


Mười Pháp giới từ đâu lại?

Chính từ tâm ta hiện tiền một ý niệm ra.

Nhược nhân dục liễu tri

Tam thế nhất thiết Phật.

Ưng quán Pháp giới tánh,

Nhất thiết duy tâm tạo.

Nếu ai muốn thấu rõ

Ba đời tất cả Phật,

Hãy quán tánh Pháp giới,

Tất cả chỉ tâm tạo.

Nếu ai muốn thấu rõ: Nếu có ai muốn hiểu biết rõ ràng Ba đời tất cả Phật, thì phải hiểu chư Phật trong mười phương trong đời quá khứ, hiện tại, và vị lai đều do người mà thành.

Hãy quán tánh Pháp giới: Hãy quan sát tánh chất của Pháp giới. Chúng sinh trong Pháp giới, ai ai cũng có bản tính. Bạn có tánh của bạn, tôi có tánh của tôi. Như tánh nóng nảy của bạn thì dữ dằn hơn tôi một chút, song tánh giận dữ của tôi thì sâu đậm hơn bạn một chút. Như vậy bạn thấy có giống nhau chăng? Heo có tánh heo, ngựa có tánh ngựa, đàn ông có nam tánh, đàn bà có nữ tánh... Ai cũng có tánh riêng. Kẻ thích ăn ngọt thì có tính hảo ngọt; thích ăn chua, thì có tính chua chát; thích ăn cay thì có tính nóng nảy; thích ăn đắng thì có tính chịu đắng. Tu hành là việc có tính đắng. Cây thì có tính cây, hoa có tính hoa, cỏ có tính cỏ... Cái gì cũng có tánh riêng. Do đó mới có Tánh của Pháp giới. Quý vị đã hiểu chưa? Khi xưa quý vị hiểu lầm, cho rằng tánh của Pháp giới, bây giờ nên hiểu rằng "tánh của chúng sinh" ở trong Pháp giới.

Tất cả chỉ tâm tạo: Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: Vạn Pháp đều do tâm tạo ra. Ngay cả Phật cũng do tâm quý vị tạo ra đó. Nếu tâm quý vị tu Pháp Phật thì thành Phật đạo. Nếu quý vị thích Bồ tát hạnh thì tu Bồ tát đạo, thành một vị Bồ tát. Nếu quý vị lòng muốn đọa địa ngục thì cứ nhắm hướng địa ngục mà tu thì tương lai sẽ đọa địa ngục. Cho nên nói: Mười Pháp giới không rời một niệm tâm này.

(I) Pháp giới của Phật

Bất đại bất tiểu, phi khứ phi lai

Vi trần thế giới, giao ánh liên đài.

Nghĩa là:

Không lớn không bé, chẳng đến chẳng đi.

Thế giới như bụi, đài sen chiếu nhau.

Bất đại bất tiểu: Khi lần đầu tôi nghe đến chữ Phạn Buddha, nó nghe từa tựa như chữ Bất đại (bủ tá) trong tiếng Trung Hoa. Cái gì không to lớn? Thì là Phật. Nghĩa là Phật không có lòng cống cao, ngã mạn, không có cái Ngã. Bất tiểu là nói Phật cũng không nhỏ bé đâu. Nếu không to lớn, mà nhỏ bé thì không phải là Phật. Phật thì không lớn không nhỏ.

Phi khứ phi lai: Pháp thân của Phật thì bao trùm tận hư không biến khắp Pháp giới; không ở mà cũng chẳng đi. Nếu nói rằng pháp thân đi, thì đi tới nơi đâu? Nói rằng pháp thân đến, thì đến chỗ nào? Pháp thân thì vốn châu biến, chẳng phải chỉ ở tại thế giới của ta mà là ở khắp mọi thế giới nhiều như hạt bụi. Vô lượng vô biên thế giới đều có pháp thân Phật, nên nói rằng thân Ngài ở vi trần thế giới.

Giao ánh liên đài: Giao ánh diễn tả hào quang của Phật ở Pháp giới này chiếu sáng chư Phật ở Pháp giới kia. Hào quang của Phật ở Pháp giới kia lại chiếu sáng Pháp giới này. Chư Phật ngự trên đài sen, hổ tương phóng quang động địa, chẳng những các Ngài dùng sáu căn phóng quang động địa mà mỗi lỗ chân lông đều phóng quang động địa.

Cũng trong một chân lông xuất hiện vô lượng vô biên chư Phật, rồi mỗi một vị Phật ấy lại phóng ra vô lượng vô biên hào quang. Quang và quang không chút xung đột, mà ngược lại, hòa hợp. Vì vậy Phật tử chúng ta phải hòa hợp như ánh quang minh vậy. Giữa người với người, chớ sinh ra sự xung đột. Sự giao ánh có nghĩa là ánh sáng của bạn chiếu tới tôi, ánh sáng của tôi soi tới bạn; quang quang tương chiếu, hệt như sự tương thông của mỗi lỗ trên võng la tràng (lưới) ở trời Ðại Phạm Thiên Vương vậy.?nh sáng từ cái võng ấy, lớp nầy chiếu lên lớp nọ, trùng trùng vô tận. Ðó là Pháp giới thứ nhất, Pháp giới của Phật.

(II) Pháp giới của Bồ tát

Hữu tình giác ngộ,

Khiêu xuất trần ai.

Lục độ vạn hạnh,

Thời khắc bồi tài.

Nghĩa là:

Khi hữu tình giác ngộ,

Hãy thoát khỏi bụi trần.

Lục độ vạn hạnh,

Lúc nào cũng dưỡng dũ.

Hữu tình giác ngộ: Bồ tát là tiếng Phạn, dịch là "giác hữu tình, " giác ngộ tất cả hữu tình. Lại còn được hiểu rằng Bồ tát là một vị hữu tình đã giác ngộ. Với hai cách giải thích này chúng ta đều có phần. Bởi vì mình là một hữu tình chúng sinh, do đó mình có thể làm kẻ giác ngộ trong chúng sinh. Mình lại có thể dùng đạo lý giác ngộ để thức tỉnh tất cả chúng sinh. Cũng vậy, Phật ví như người lớn, còn chúng ta ví như con nít. Mỗi ngày mình phải uống sữa, phải nghe Pháp, bởi nghe Pháp khiến mình tăng trưởng thiện căn, đặc biệt làm mình khai trí huệ. Do đó khi có cơ hội nghe giảng Phật pháp, cơ hội ấy giá trị hơn bất kỳ đồng tiền nào mình làm ra. Có được thời giờ để nghiên cứu Phật pháp, chẳng phải là tuyệt hảo sao?

Tôi hy vọng những người ở đây bớt đi du lịch. Vì sao? Bởi vì du lịch lúc này rất nguy hiểm. Quý vị xem: cứ mỗi kỳ hè người tử nạn nào phải chỉ có một, chắc hẳn nhiều lắm. Do đó, nếu đi du lịch thì biết đâu quý vị có phần trong số cố nạn nhân? Ở Mỹ, ai cũng ham vui, thích đi du lịch. Tín đồ Phật giáo mình phải cải thiện thói quen ấy. Ngày nghỉ hè, hãy dành thời gian nghiên cứu Phật pháp, tụng Kinh, niệm Chú, lạy Phật là tốt hơn hết.

Bồ tát là một vị hữu tình đã giác ngộ. Trong tất cả bậcị giác ngộ, Ngài là vị hiểu thấu suốt. Trong tất cả vị hiểu thấu suốt, Ngài là vị tu hành. Trong tất cả vị tu hành, Ngài là người tu tập rất chân thật.

Khiêu xuất trần ai: Nếu quý vị không thông hiểu thì không sao nhảy thoát ra khỏi bụi trần, bởi vì bụi trần quá dày đặc nên nhảy không ra nổi. Nếu quý vị giác ngộ rồi, thì bụi trần sẽ mỏng lắm, nhảy là thoát ngay. Nhưng nhảy ra rồi thì làm gì? Phải chăng chỉ có ăn với nghỉ? Ðúng đó, quý vị vẫn phải ăn uống, ngủ nghỉ, mặc áo; song không phải chỉ có thế. Quý vị chẳng sống vì làm ba chuyện ấy. Quý vị sống là để tu Lục độ vạn hạnh. Lục độ tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ. Có người nói: "Tôi biết rồi, bố thí tức là dạy người ta bố thí cho mình." Không phải đâu! Mình phải bố thí cho người. Ðừng nên ham tiền. Tiền là thứ dơ bẩn lắm. Nếu gần gũi nó lâu ngày, quý vị sẽ dính phải bụi dơ của nó. Do đó, hễ không tham tiền, bạn sẽ thanh tịnh, nhảy vọt ra khỏi chốn bụi bặm.

Thời khắc tài bồi: Chẳng phải ngày nay tu, ngày mai nghỉ tu; năm nay tu, sang năm ngừng; tháng này tu, tháng sau nghỉ; đời này tu, đời sau bỏ; phút này tu, phút sau ngủ. Không phải như vậy đâu! Trong mọi lúc, mọi thời, mọi đời, mọi kiếp, mình phải tu lục độ vạn hạnh. Nếu đuợc như vậy thì quý vị là Bồ tát rồi đó.

Quý vị tưởng rằng làm Bồ tát dễ lắm sao? Chẳng dễ đâu! Chẳng những không dễ làm Bồ tát, ngay cả làm Duyên Giác, Thanh Văn cũng chẳng dễ. Làm gì dễ dàng nhất? Làm quỷ, đọa địa ngục, thành thú vật là việc dễ dàng nhất. "Khó" tức là không dễ. Do vậy, Bồ tát cần làm những việc khổ hạnh ai cũng cho là khó làm, nhẫn nhịn những việc khó nhẫn nhịn. Chẳng phải thấy khó rồi bỏ không làm. Quý vị hãy dấn thân tiến bước, bởi vì kẻ tinh tấn tức là Bồ tát. Chỉ có vậy. Chẳng có gì xảo diệu hơn đâu. Nếu có thể làm việc không ai làm đặng, quý vị mới là Bồ tát.

(III) Pháp giới của Duyên Giác

Duyên Giác Thánh Hiền,

Cô phong độc miên.

Xuân hoa thu tạ,

Thập nhị liên hoàn.

Nghĩa là:

Thánh Hiền đấng Duyên Giác,

Chót đỉnh một mình ngủ.

Hoa xuân, thu héo tàn,

Vòng tròn, mười hai khoen.

Duyên Giác Thánh Hiền: Duyên Giác là bậc Thánh Hiền, lúc các Ngài ở thời Phật tại thế thì gọi là Duyên Giác; sau khi Phật nhập diệt, thì các Ngài được gọi là Ðộc Giác, bởi vì các Ngài tự mình giác ngộ. Các Ngài thích "cô phong độc miên, " ngủ một mình trên đỉnh chót vót. Xuân hoa thu tạ: Khi các Ngài ngắm nhìn cảnh "xuân đến, trăm hoa nở; thu về, lá vàng rơi." Ngài giác ngộ rằng mọi sự, mọi việc trên đời đều tự nhiên có sinh có diệt. Thập nhị liên hoàn: Do đó các Ngài quan sát mười hai nhân duyên (hổ tương tiếp nối sinh diệt giống như mười hai móc khoen của dây xích.) Mười hai nhân duyên đó như sau:

1. Vô Minh: Các Ngài quán sát xem vô minh từ đâu ra? Vì sao có vô minh?

2. Hành: Khi có vô minh thì có hành động, tức là có sự biểu hiện, hiện bày. Khi có chỗ hiển bày thì có thức.

3. Thức: Thức nghĩa là sự phân biệt. Hành tức là pháp hữu vi. Khi có pháp hữu vi, tâm phân biệt liền sinh khởi. Có tâm phân biệt thì có chuyện rắc rối rồi đấy!

4. Danh sắc: Cái rắc rối ấy chính là danh sắc. Danh (hay tên) thì có rắc rối của danh. Sắc (hình hài) thì có rắc rối của sắc. Có danh sắc là có rắc rối; có rắc rối chính vì có danh sắc. Không nói thì chẳng sao, càng nói về nó thì càng rắc rối. Giảng về nó là kéo ra rắc rối. Khi tôi chưa giảng, quý vị vốn không biết, nên không có gì rắc rối. Một khi tôi giảng ra, quý vị không hiểu, thì có sự rắc rối của việc không hiểu. Vì có sự rắc rối do không hiểu biết, nên quý vị muốn hiểu. Có ý muốn hiểu biết nên sinh ra lục nhập (sáu căn).

5. Lục Nhập: Sáu căn sinh ra là vì muốn hiểu biết. Do đó nên gọi là tai, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý tưởng. Vì sao sinh khởi lục nhập? Vì muốn hiểu biết. Có ai ngờ rằng càng hiểu biết thì ta càng mê muội, càng mê muội thì càng không hiểu biết. Ðó là sáu căn.

6. Xúc: Xúc nghĩa là xúc chạm, tiếp xúc. Khi không hiểu biết thì ta cứ chạy xúc chạm đủ phía: nào đông, tây, nam, bắc, trên, dưới. Giống như con ruồi cứ bay đâm chạm vào tường hoài. Vì sao ta cần xúc chạm? Vì ta muốn hiểu biết.

7. Thọ: Sau khi tiếp xúc, thì ta có cảm giác, đó là thọ. Khi không đụng phải việc khó khăn, cảm giác rất thoải mái. Một khi đụng việc khó, mới thấy khó chịu. Khi không ai chê mình xấu, mình thấy sung sướng lắm. Tới lúc bị chê, mới thấy không vui. Ðó tức là thọ, hay cảm giác.

8. Ái: Khi có cảm giác thì yêu thích, chấp trước sinh ra. Tại sao người ta có cảm giác bất an? Bởi vì có ái. Có ái, có yêu thích thì có ghét bỏ, không thích. Ðối với thuận cảnh thì sinh lòng yêu thích; với nghịch cảnh thì ghét bỏ. Vì sao mình vui? Vì sao mình không vui? Tất cả đều vì có ái và ố. ố nghĩa là không yêu thích, ghét bỏ. Vì vậy càng ngày sự việc càng rắc rối.

9. Thủ: Ðối với cái gì mình yêu thích, thì sinh tâm muốn nắm giữ nó, tức là thủ. Thủ là gì? Là chấp trước, muốn chiếm hữu, nắm giữ. Bởi vì có ái nên mới có lòng muốn chiếm đoạt.

10. Hữu: Khi đã chiếm hữu rồi, dục vọng liền thỏa mãn. Vì sao mình muốn thỏa mãn dục vọng? Vì muốn có nó. Do đó mới có "hữu" tức là "có."

11. Sinh: Vì có cái "hữu" nghĩa là "có, hiện hữu, " nên cứ muốn nó thuộc về mình. Khi đã thuộc về mình, thì liền có "sinh."

12. Lão tử: Hễ có sinh ra thì có già, chết.

Ðó là mười hai nhân duyên, là Pháp bậc Duyên Giác tu hành.

(IV) Pháp giới của Thanh Văn

Thanh Văn chúng Tăng

Bất luận nam nữ

Tứ đế quán hành

ẩn thật, thị quyền.

Thanh Văn chúng tăng: Pháp giới của Thanh Văn gồm có các bậc sơ quả, nhị quả, tam quả, tứ quả Thanh Văn. Trong đó lại chia thành: sơ quả hướng (chưa chính thức chứng đắc sơ quả), sơ quả, nhị quả hướng, nhị quả, tam quả hướng, tam quả, tứ quả hướng, tứ quả. Hướng có nghĩa là hồi tiểu hướng đại (bỏ cái nhỏ hướng về cái lớn).

Hàng Thanh Văn còn được gọi là A la hán hay La Hán. Các Ngài có thần thông có thể phi hành biến hóa. Các vị chứng quả, không bao giờ tùy tiện thố lộ rằng: "Ta đã chứng quả, ta là bậc A la hán." Ðó là việc không được làm. Khi bậc Thánh chứng quả, chân họ đi dép chẳng chạm đất. Bạn thấy họ dường như đi bộ trên mặt đất, nhưng thật ra họ bước trong hư không, dép không hề chạm đất. Thậm chí khi đạp trên bùn nhơ, dép họ sạch sẽ vô cùng. Ví như Hòa thượng Pháp Thuận, khi Ngài dẫm chân lên bùn lầy lội, giày dép Ngài chẳng lấm tí bùn nào. Ðó là dấu hiệu của kẻ chứng thánh quả.

Bậc sơ quả A la hán thì phải cắt đứt những mê muội của cái thấy (kiến hoặc). Bậc nhị quả thì cần đoạn những mê hoặc của tâm tư (tư hoặc). Bậc tam quả thì phải đoạn những mê muội vi tế như cát bụi (trần sa hoặc). Bậc tứ quả cũng phải đoạn trần sa hoặc và vô minh. Hoặc đoạn trừ một chút vô minh quét sạch hoàn toàn thì quý vị sẽ thành Phật. Do đó các vị Bồ tát và Duyên Giác vẫn còn một phần vô minh rất vi tế gọi là sinh tướng vô minh (vô minh ở trạng thái nẩy sinh) chưa đoạn trừ, do đó các Ngài chưa thành Phật được. Bậc tứ quả Thanh Văn tu hành pháp môn gì? Các Ngài tu Tứ Diệu Ðế: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo.

Lúc ban sơ, Ðức Phật Thích Ca tới vườn Lộc Uyển để độ năm vị Tỳ kheo. Năm vị này đều là bà con của Ngài. Họ theo Ngài tu đạo, song không chịu đựng nổi khổ nhọc. Lúc Ðức Phật Thích Ca ở núi Tuyết Sơn, mỗi ngày Ngài ăn một hột mè, một hạt mạch, ốm gầy như cây sậy. Ba vị đồng tu với Ngài, vì chịu không nổi khổ nên bỏ đi, chỉ còn lại hai vị. Về sau, vào ngày tám tháng chạp, có vị thiên nữ đem sữa lại dâng Ðức Phật Thích Ca; Ngài liền tiếp nhận, uống sữa ấy khiến hai vị kia cũng bỏ Ngài đi. Họ nói rằng: "Tu hành cần phải tu khổ hạnh. Bây giờ Ngài uống sữa, chẳng còn khả năng tu hành nữa. Ngài chẳng chịu đựng khổ sở được nữa rồi." Do đó họ bỏ đi. Thế là cả năm vị đều bỏ đi, tới vườn Lộc Uyển.

Ðức Phật Thích Ca sau khi giác ngộ thành Phật, Ngài thuyết Kinh Hoa Nghiêm trước hết, song chẳng người nào nghe đặng. Vì thế Ngài phải ẩn thật thị quyền (dấu cái chân thật, thị hiện cái quyền biến), mới thuyết Kinh A Hàm. Song nói Kinh này với ai đây? Phật quan sát rằng: "A! Thì là năm vị đồng tu với ta khi trước chớ ai! Ta phải độ họ trước tiên."

Ðó là vì trong quá khứ xa xưa Phật có phát nguyện: "Nếu ta thành Phật, trước hết ta sẽ độ cho tất cả kẻ hủy báng ta, sát hại ta, đối với ta không tốt." Ai là kẻ cư xử không tốt với Ngài xưa kia? Thì chính là vua Ca Lợi mà Kinh Kim Cang đề cập tới.

Khi Ðức Phật Thích Ca ở nơi nhân địa tu hành, làm một vị tiên nhân nhẫn nhục thì có Ca Lợi Vương lại cắt xén thân thể Ngài. Vì sao y cắt xén thân Ngài?

Bởi vì Ngài ở núi tu đạo, thân Ngài bụi bặm đóng dầy. Ngài lại không xuống núi, cứ ở mãi trên ấy dụng công tu trì khổ hạnh. Bữa nọ, Ca Lợi Vương đem theo các cô cung tần mỹ nữ săn bắn ở chốn núi sâu ấy. Các cô vốn ham vui nên không theo vua đi săn mà lại leo núi chơi. Vua Ca Lợi đi săn về, tìm các cô thì chợt thấy các cô đang tụm lại một chỗ nói chuyện với một nhân vật kỳ quái. Có cô thì rờ tay, có cô sờ chân vị ấy, coi bộ chẳng giữ phép tắc gì cả. A ha! Vua sinh lòng ghen tuông, mới bước tới nghe xem vị kia nói gì? Thì chỉ nghe vị ấy nói toàn là việc tu hành, tu đạo! Vua nổi giận, mắng: "Nhà ngươi không được lừa bịp các cung nữ của ta! Ngươi tu hành cái đạo gì hả?" Vị tiên nhân Đáp: "Tôi tu nhẫn nhục." "Thế nào là nhẫn nhục?" "Thì tức là ai chửi rủa tôi, ai đánh đập tôi, tôi không sinh lòng sân hận." "Ngươi có thể nhẫn nhục sao? Thật hả? Hay là giả?" "Ðương nhiên là thật rồi!" "Ðược, ta sẽ thử nhà ngươi xem!" Nói rồi vua Ca Lợi liền tuốt kiếm xông tới, chém cụt cánh tay của vị tiên nhân. Vua nói: "Ta đã chém đứt cánh tay của ngươi, ngươi có nóng giận chăng?" Vị tiên nhân Đáp: "Tôi chẳng sân hận đâu."

"A! Tốt lắm! Ngươi chẳng sân hận, đúng là có chút bản lĩnh. Song ngươi chỉ nói dối, lòng ngươi hẳn giận dữ lắm, mà miệng thì cứ chối không nổi nóng để lừa ta! Ta là kẻ sáng suốt lắm, đời nào để ngươi lừa. Ðược. Ngươi nói ngươi có thể nhẫn nhục, không nổi giận, vậy thì cánh tay kia, ta cắt cụt luôn! Nói xong, vua chém nốt cánh tay kia, và hỏi rằng: "Ngươi có sân hận hay không hả?" Vị tiên nhân đáp rằng: "Tôi vẫn không sân hận đâu." Lúc ấy vua Ca Lợi lại cầm kiếm chém nốt hai chân Ngài, xong lại Hỏi: "Ngươi có giận hay chăng?" Vị tiên nhân vẫn trả lời: "Tôi vẫn không giận dữ đâu. Làm sao chứng minh cho lời tôi đây? Nếu quả thật tôi giận dữ Ngài, chân tay tôi không phục hồi đặng. Nếu tôi chẳng hề có chút lòng sân giận, chân tay tôi sẽ mọc ra như cũ. Ðó là bằng chứng tôi không có lòng giận dữ." Khi vị tiên nhân, tức tiền thân Ðức Phật Thích Ca, thốt ra lời ấy rồi, chân tay Ngài quả nhiên mọc ra như cũ.

Bấy giờ thiên long bát bộ, hộ Pháp thiện thần, khi thấy vua Ca Lợi tàn ác dám cắt tứ chi của kẻ tu hành như vậy thì họ liền hiển oai thần, giáng mưa đá xuống người vua Ca Lợi. Lúc ấy vua biết sự lợi hại, thấy được thần thông biến hóa của vị tiên, nên vua liền chạy đến quỳ trước mặt vị tiên nhân, xin sám hối. Vị tiên ấy mới phát nguyện rằng: "Nếu ta không thành Phật thì chẳng có gì đáng nói. Nếu ngày nào đó ta thành Phật, ta sẽ độ cho ông thành Phật trước hết. Nếu ông không khai ngộ, không thành Phật, ta cũng chẳng thành Phật." Vì vậy sau khi Phật thành Phật rồi, Ngài liền đến vườn Lộc Uyển độ ông Kiều Trần Như trước tiên. Vị tiên nhân chính là Ðức Phật Thích Ca, mà Kiều Trần Như chính là vua Ca Lợi.

Khi nghe đến công án trên, mình phải biết rằng: ai đối với mình không tốt, mình phải phát nguyện khi thành Phật mình độ họ ngay. Chẳng nên nói: "Mày cư xử tệ hại với tao quá. Chờ tới lúc thành Phật, tao sẽ làm mày rớt xuống địa ngục cho coi!" Chẳng nên có nguyện vọng như thế.

Khi đến vườn Lộc Uyển, Ngài ba lần giảng Pháp Tứ Ðế (gọi là tam chuyển Tứ Ðế Pháp Luân) cho năm vị tỳ kheo:

Lần đầu chuyển Pháp Tứ Ðế là:

Ðây là Khổ. Tánh của khổ là bức bách.

Ðây là Tập (nguyên nhân của khổ). Tánh của tập là chiêu cảm.

Ðây là Diệt (chấm dứt đau khổ). Sự dứt khổ có thể chứng đắc.

Ðây là Ðạo (con đường dứt khổ). Con đường dứt khổ có thể tu tập đặng.

Lần thứ hai chuyển Pháp Tứ Ðế là:

Ðây là khổ, con phải biết.

Ðây là nguyên nhân của khổ, con phải đoạn trừ.

Ðây là sự hết khổ, con phải chứng đắc.

Ðây là con đường hết khổ, con phải tu tập.

Lần thứ ba chuyển Pháp Tứ Ðế là:

Ðây là khổ, ta đã biết, không cần biết thêm nữa.

Ðây là nguyên nhân của khổ, ta đã đoạn hết, không cần đoạn thêm nữa.

Ðây là sự hết khổ, ta đã dứt sạch, không cần dứt thêm gì nữa.

Ðây là con đường hết khổ, ta đã tu thành, không cần tu thêm nữa.

Khi Phật ba lần quay bánh xe Pháp Tứ Ðế rồi, Ngài dạy rằng: "Này Kiều Trần Như, hiện giờ ông đang bị khách trần quấy nhiễu, khiến ông chẳng đặng giải thoát." Khi Kiều Trần Như nghe tới hai chữ khách trần thì Ngài liền khai ngộ. Sao gọi là khách? Tức không phải ông chủ. Sao gọi là trần? Trần hay bụi bặm là thứ không sạch sẽ. Tự tánh của ta vốn là ông chủ, tự tánh của ta vốn thanh tịnh. Do đó Ngài khai ngộ nó, được Phật đặt tên là "Giải Bổn Tế, " nghĩa là thông đạt lý giải chân lý sẵn có xưa nay.

Thanh Văn tăng chúng "Bất luận nam nữ;" Người nữ cũng có thể chứng quả, người nam cũng chứng được quả. Hễ chứng quả tức thành Thanh Văn, A la hán. Ví như mẹ của Ngài Cưu Ma La Thập đã chứng đặng tam quả A la hán.

Tứ Ðế Quán Hành: Quán Hành nghĩa là quán sát tu hành. Quán sát tu hành gì? Tức là Tứ Ðế: Khổ tập diệt đạo. Phải biết khổ, đoạn trừ tập nhân, hướng về diệt, tu hành đạo Pháp. Ðó là tu Pháp môn Tứ Ðế.

ẩn thật thị quyền: Các bậc Thanh Văn này, có Ngài vốn là bậc đại Bồ tát quyền biến hiện ra thành Thanh Văn. Do đó mới gọi là "ẩn thật, " nghĩa là dấu đi công đức thật có của các Ngài. "Thị quyền;" thị nghĩa là chỉ thị, cho thấy; quyền nghĩa là quyền xảo, phương tiện. Quý vị chớ cho họ là Thanh Văn, là tiểu thừa rồi xem thường họ. Ðừng nên làm thế. Không phải ai trong các Ngài Thanh Văn đều là Bồ tát, song nhất định rằng trong các vị ấy có vị là đại thừa Bồ tát. Ngài hiện thành kẻ tiểu thừa để tiếp dẫn kẻ căn cơ tiểu thừa, khiến họ bỏ tâm nhỏ hẹp, phát tâm rộng lớn. Do đó gọi là ẩn thật thị quyền.

(V) Pháp giới của Chư Thiên

Lục dục Phạm thiên

Ngũ giới thập thiện

Chủng hữu lậu nhân

Luân hồi nan đoạn.

Nghĩa là:

Trời lục dục và Phạm thiên

Do tu Ngũ giới, thập thiện.

Ðều là trồng nhân hữu lậu

Nên khó cắt đoạn luân hồi.

Lục Dục Phạm Thiên: Lục Dục Thiên còn gọi là Dục Giới Thiên. Dục Giới Thiên, Sắc Giới Thiên và Vô Sắc Giới Thiên hợp lại gọi là Tam Giới. Chúng ta hiện tại đang ở trong phạm vi của Tứ Thiên Vương Thiên, là một trong sáu cõi trời ở Dục giới. Bầu trời mà mình nhìn thấy đây chính là trời Tứ vương, do bốn vị thiên vương cai quản. Trời này nằm ở lưng chừng núi Tu Di.

Người Trung Hoa thuở xưa, không biết Phật là ai, chỉ biết có thượng đế. Do đó khi vua Thang đời nhà Thương, dùng bò đen để tế trời, Ngài nói rằng: "Tôi, tiểu tử tên Lữ, dám xin dùng bò đen này, dám xin bạch với đấng Hoàng Hoàng Hậu Ðế.... Nếu tôi có tội, tội ấy chẳng phải của vạn dân. Nếu vạn dân làm tội, tội ấy thuộc về tôi." Ngài nói rằng: "Tôi tiểu tử tên Lữ." Vua Thang có tên là Lữ, ngài tự xưng là tiểu tử, là Ngài lễ phép khiêm nhường cho mình là một đứa trẻ vô dụng, "Dám xin dùng bò đen này." Tức là dám dâng đến thứ bò sắc đen huyền. "Dám xin bạch với Hoàng Hoàng Hậu Ðế." Tức là tôi xin chí thành khẩn thiết, bẩm trình với thượng đế. Rằng: "Nếu tôi có tội, tội ấy chẳng phải của vạn dân." Tội của tôi xin đừng đổ lên đầu người dân. Vạn dân tức là bách tánh, dân chúng. "Vạn dân làm tội, tội ấy thuộc về tôi." Tức rằng nếu người dân có tội, xin đừng trách họ, bởi vì do tôi không dạy dỗ họ đàng hoàng, do đó tội của họ, tôi cần phải gánh chịu.

Các vị thánh nhân xưa kia chỉ tự trách mình, phạt mình; không như người đời nay: rõ ràng biết mình có tội lỗi; thế mà cứ nói: "ồ, chuyện ấy đâu dính gì tôi; anh ta làm đấy mà!" "Ðó là lỗi lầm của hắn! Tại sao lại trách tôi?" "Ông trời thật bất công. Tại sao y giàu đến thế, mà tôi thì nghèo xơ? Tại sao hắn sang thế mà tôi thì quá thấp hèn?" Cứ oán trời trách người. Chuyện gì cũng chẳng bao giờ nhận rằng mình sai lầm, cứ chuyên đi kiếm lỗi kẻ khác. Thánh nhân xưa kia ai cũng luôn thừa nhận lỗi lầm của mình cả.

Tầng trời thứ hai là Ðế Thích Thiên. Trời này ở giữa, phía đông có tám trời, phía tây có tám trời, bắc có tám trời, nam có tám trời. Tổng cộng là ba mươi hai trời. Ðó là tầng trời thứ hai ở cõi Dục giới.

Tầng trời thứ ba là Dạ Ma Thiên. Trong tầng trời này, chư thiên vô cùng sung sướng. Cả ngày họ cứ ca hát. Họ hát gì? Thì là "Tôi sung sướng lắm lắm!" Ngày đêm sáu thời họ đều vui sướng, do đó Dạ Ma dịch là thời phần, vì rằng mỗi thời khắc họ đều vô cùng sung sướng.

Tầng trời thứ tư là Ðâu Suất Thiên. Ðâu Suất dịch là Hỷ Túc, vì lúc nào họ cũng hoan hỉ, lúc nào cũng đầy đủ mãn túc. Bởi vì họ biết tri túc nên lúc nào cũng an lạc. Từ sáng đến tối họ không bao giờ ưu lự, sầu muộn, hay có phiền não bực dọc gì cả. Trời ấy còn gọi là "Tai Túc Thiên" bởi vì họ biết tri túc và thường vui vẻ, không phiền não ưu tư.

Tầng trời thứ năm là Hóa Lạc Thiên. Các vị trời này đắc khoái lạc nhờ có năng lực biến hóa. Nghĩ tới áo quần thì áo quần hiện ra; nghĩ tới ăn uống thì thực phẩm tới liền. Vì họ biến hóa rất tự tại nên vô cùng sung sướng an lạc.

Tầng thứ sáu là Tha Hóa Tự Tại Thiên. Tha Hóa có nghĩa là các vị trời trên ấy vốn không có sự sung sướng an lạc, song các Ngài có năng lực tước lấy sự an lạc của các trời khác đem làm an lạc của chính mình. Vì sao họ lại chiếm sự an lạc của kẻ khác để làm của mình? Bởi vì họ không theo đạo lý; hệt như bọn giặc cướp, đoạt tiền của và tài sản của kẻ khác để tự mình dùng, bất kể sự sống chết của kẻ khác.

Ở tầng trời này có rất nhiều thiên ma và quyến thuộc của chúng.

"Lục Dục Phạm Thiên" phía trên đã nói về Lục Dục Thiên. Phạm Thiên tức là trời Ðại Phạm Thiên, Phạm Chúng Thiên và Phạm Phụ Thiên. Các vị trời ấy do tu "Ngũ Giới Thập Thiện" nên đắc phước báu ở tầng trời này. Song đây là những thiện căn hữu lậu (hữu lậu nghĩa là có phiền não) nên nói rằng: "Chủng hữu lậu nhân, luân hồi nan đoạn." Hễ trồng nhân hữu lậu thì khó đoạn luân hồi. Phải tu hành cái nhân xuất thế thì mới thoát khỏi luân hồi.

(VI) Pháp giới của A Tu La

Tu la tánh bạo,

Hữu phước vô quyền,

Háo dũng đấu lang,

Phù trầm nghiệp khiên.

Nghĩa là:

Tu la tánh hung bạo.

Có phước, song không quyền.

Rất thích đánh đấu nhau.

Chìm nổi theo nghiệp dắt.

A tu la là tiếng Phạn dịch là vô đoan chính. Vô đoan chính nghĩa là xấu xí. Nam A tu la tướng mạo vô cùng xấu xí, ưa thích đấu tranh với kẻ khác. Nữ A tu la tướng mạo hết sức xinh đẹp, yêu thích đấu tranh bằng tình cảm, tức là dùng tánh đố kỵ ghen tuông, chướng ngại, vô minh, phiền não.

Tuy chúng sinh này làm thành một Pháp giới, song bất luận ở đâu trong lục đạo, hễ có chúng sinh nào thích đấu tranh, nóng nảy dữ tợn vô cùng, chỉ thích chỉ huy kẻ khác chớ không chịu bị kẻ khác chỉ huy; chỉ thích cai quản kẻ khác mà không thích bị ai cai quản, thì đó đều là biểu hiện của A tu la. A tu la ở trong loài người thì phân ra loại ác loại thiện. Thiện A tu la chính là quân đội, binh tướng trong quốc gia. Ác A tu la tức là thứ giặc cướp, trộm cắp, kẻ thích đánh, thích giết người khác.

A tu la ở trên cõi trời thì ưa thích đánh nhau với thiên binh, thiên tướng. Suốt ngày chúng chỉ nghĩ cách đánh trời Ðế Thích để cướp bảo tòa, đoạt ngôi để lên làm Ðế Thích. Song le, tuy đánh nhau hoài nhưng bọn chúng luôn thua trận. Vì sao? Bởi vì tuy bọn họ ở trên trời hưởng phước song không có quyền hành gì. Do đó tuy đánh với thiên binh, thiên tướng mà rốt cuộc vẫn cứ thất bại.

Trong hàng súc sinh cũng có A tu la. Chúng thích chèn ép kẻ đồng loại hay những súc sinh khác, thí dụ như sài lang, cọp, sư tử... là những thứ thích ăn thịt súc sinh khác vì chúng có tánh tình A tu la. Rắn hay chim ưng cũng là thứ A tu la.

A tu la trong loài quỷ thì thích ăn hiếp loại quỷ khác. Quỷ cũng có loại thiện loại ác. Bọn ác quỷ thì không đếm xỉa tới phải trái gì cả. Xưa nay quỷ không bao giờ biết phải trái, nhưng bọn ác quỷ càng không biết đến phải trái hơn cả.

Tu la tánh bạo: Tánh tình của A tu la rất tàn bạo. Hữu phước vô quyền: Chúng có phước của chư thiên, song không có quyền hành như chư thiên. Do đó chúng muốn tranh đoạt quyền lợi, song không thể tranh thắng đặng.

Các bạn hãy nhìn thế giới hiện nay: Một thế giới của A tu la. Ðâu đâu cũng toàn nói chuyện đấu tranh, đấu tranh. Ðấu tranh vì thứ này, tranh đấu vì thứ kia. Bạn đánh tôi ngã, tôi đẩy bạn rớt.

Phù trầm nghiệp khiên: Tùy theo nghiệp lực dẫn dắt đi theo nẻo nào thì chúng đi theo nẻo đó. Do đó, người tu hành phải tránh đấu tranh, tranh chấp với kẻ khác. Chớ nên háo thắng, thích tranh chấp. Chớ nên có tánh tình hung bạo dữ tợn. Vậy thì mình thoát ra bọn A tu la đấy.

Nói tóm lại, A tu la không hề nói tới chuyện phải trái. Bất luận với ai, chúng cũng thường nổi nóng. Nói cho rõ, thì trong chín Pháp giới của chúng sinh, thì A tu la có mặt trong năm Pháp giới rồi. Trong loại súc sinh, thì loài chim hay thú cũng có A tu la. Cá sấu là một loại A tu la ở trong nước. Loài ngựa cũng có A tu la: thứ này mà ở trong bầy ngựa thì chúng quấy nhiễu lắm, do đó gọi là "Hại quần chi mã, " con ngựa phá bầy. Loài bò cũng có A tu la đó; bò này tức là tánh A tu la. Còn chó thì đúng là bọn A tu la. Do đó người nuôi chó, thường gần gũi với chó thì có thể tiêm nhiễm tính A tu la đó. Do đó hãy cẩn thận. Chớ nên chạy theo bọn A tu la!

(VII) Pháp giới của Loài Người

Nhân đạo hòa hợp,

Công tội tương gian.

Ðức thăng nghiệt giáng,

Khải hữu tha yên!

Nghĩa là:

Hòa hợp là đạo người,

Công và tội xen lẫn

Ðức thì thăng, nghiệt đọa

Nào do ai khác làm!

Cõi người có kẻ thiện kẻ ác. Bản tánh của con người thì vốn ôn hòa, có thể hòa hợp với kẻ khác, do đó tôi nói là nhân đạo hòa hợp. Công tội tương gian: nghĩa là con người không phải hoàn toàn thiện hay hoàn toàn ác. Nếu hoàn toàn tốt thì hẳn y đã lên cõi trời rồi, còn nếu hoàn toàn ác thì chắc chắn y đã làm súc sinh, ngạ quỷ hay đọa địa ngục rồi. Do đó, con người cứ làm một chút công, lại phạm một chút tội. Ðôi khi công nhiều, tội ít; hoặc là tội nhiều, công ít. Khi công nhiều tội ít thì mình sinh ra tại gia đình phú quý giàu sang. Nếu công ít, tội nhiều thì mình sinh vào gia đình bần cùng khốn khổ. Giữa hai thái cực này (công và tội) có ngàn vạn sự sai thù, tùy thuộc vào mức độ nhiều ít của ác nghiệp do mình tạo ra. Con người không âm cũng không dương. Vì thuần âm thì con người sẽ biến thành quỷ, mà thuần dương thì con người sẽ thăng thiên hết, không còn gì là loài người nữa!

Ðức thăng nghiệt giáng: Nếu làm chuyện thiện, hay công đức thì bạn sẽ thăng lên. Nếu tạo tội nghiệt thì bạn đọa lạc. Khải hữu tha yên: không ai có thể bắt bạn đọa địa ngục, hay làm ngạ quỷ, hay biến thành súc sinh được. Tất cả đều do bạn tự mình tạo. Rằng: "Mình làm, mình chịu." Tự mình làm ra thì tự mình phải lãnh hậu quả. Ðó là cõi người.

(VIII) Pháp giới Loài Súc Sinh

Súc sinh háo tham,

Ða nhi vô yểm,

Tương hắc tác bạch

Thị phi mạc biện.

Nghĩa là:

Súc sinh tham lam,

Nhiều mà chẳng ngán.

Lấy đen làm trắng

Không rõ đúng sai.

Bảy Pháp giới nói trên đều là Pháp giới tốt, bạn có thể thử nó, tới đó mà đóng kịch. Chỉ có ba Pháp giới còn lại thì bạn không thể thử cho biết đặng. Bởi vì hễ bạn đọa vào ba đường này thì e khó thoát ra được. Cho nên: "Nhất thất nhân thân, vạn kiếp nan phục." (Thân người mất đi, vạn kiếp khó khôi phục). Do đó rất nguy hiểm.

Trong cõi súc sinh hiện giờ, không phải chỉ có một loại mà thôi. Súc sinh có trăm ngàn vạn ức thứ khác nhau. Chỉ nói tới loài biết bay, cũng đã có tới trăm ngàn vạn chủng loại. Loài biết chạy cũng không ít, nào là thứ nhỏ như chuột, lớn như voi, hay các động vật lớn như hưu, gấu, ngựa, dê... những thứ ở trên mặt đất có đến trăm ngàn loài. Những loài dưới nước, nào là hải cẩu, hải mã, v.v... cũng cả trăm ngàn thứ. Dù là vật lý gia, hóa học gia, sinh vật học gia, động vật học gia, nào tiến sĩ hay là chuyên gia cũng không thể nào biết hết được những thứ chủng loại ấy.

Những thứ súc sinh ấy từ đâu tới? Chỉ từ "tham" mà ra. "Súc sinh háo tham": bất luận là cái gì, chúng ham nhiều, ít là không được. Bởi vì chúng "đa nhi vô yểm, " có nhiều mà không biết nhàm chán. Cho nên cái đen, chúng không nhận biết rằng nó đen. Chúng cho là: "A! Cái này màu trắng!" Do đó: "Tương hắc tác bạch." Nhận cái đen là cái trắng; cái xấu thì cho rằng tốt. Ðó chính là biểu thị chúng chẳng có lý trí gì cả. Nên bất kỳ thứ gì chúng cũng tham nhiều, thậm chí tham cả thứ dơ bẩn như phân chó nữa. Chúng càng ăn thứ ấy thì càng thấy ngon, thấy thơm. "Thị phi mạc biện" nghĩa là chúng không biết cái gì phải, cái gì trái; không biện biệt đúng sai, không rõ ràng mọi sự vì không có lý trí nữa. Khi có lòng tham thì chúng trở nên mê muội. Thế là bị vô minh trùm phủ, không biết gì cả.

Vì thế con người như chúng ta nếu có lòng tham lam thì rất nguy hiểm; tham nhiều thì dễ dẫn tới chỗ biến thành súc sinh. Bạn ơi! Người xuất gia nào không y chiếu theo giới luật của Phật để tu hành thì sẽ đọa lạc mau một chút. Do đó người xưa có câu: "Ðịa ngục môn tiền tăng đạo đa" (nghĩa là nơi cửa địa ngục, thầy tu và đạo sĩ nhiều lắm). Họ đứng chờ ở cửa địa ngục. Những vị đạo sĩ hay các vị thầy tu nghĩ rằng địa ngục là chỗ vui lắm, nhưng khi tới đó mới biết rằng nơi ấy chẳng vui tí gì!

(IX) Pháp giới của ngạ quỷ

Quỷ loại hỷ sân

Muội quả mê nhân

Vô minh điên đảo,

Nhật tích nguyệt thâm.

Nghĩa là:

Loài quỷ thích giận,

Mê muội nhân quả

Vô minh điên đảo

Ngày tháng chồng chất.

Ða số ai cũng biết quỷ. Có người tin có quỷ, song có kẻ nói quỷ chẳng có. Thậm chí nhiều Phật tử không tin có quỷ. Quỷ là gì? Quỷ là một thứ âm khí, có bóng mà không có hình hài, hoặc có hình thể mà không có bóng. Nhiều khi bạn thấy một bóng đen, nhưng khi nhìn kỷ thì bóng biến mất. Hoặc nhiều khi thấy cái bóng giống như người, nhưng chỉ trong chớp mắt nó biến mất. Thật khó mà xác định rõ ràng sự thật về chuyện này.

Có bao nhiêu thứ quỷ? Nhiều như số cát sông Hằng Hà vậy. Nếu bạn muốn biết rõ có bao loại quỷ, bạn hãy tu Ðạo. Khi tu được Ngũ nhãn, Lục thông, bạn sẽ rõ biết hết thảy có bao nhiêu loài quỷ.

Có người nói: "Chẳng có quỷ đâu!" Tôi nói với y rằng, nếu không có quỷ thì cũng chẳng có Phật, chẳng có người, chẳng có súc sinh. Bởi vì súc sinh, người, A tu la đều từ quỷ biến ra cả. Thậm chí trời, A la hán, Duyên giác, Bồ tát, Phật cũng đều từ quỷ đạo mà tiến lên. Vì sao? Vì mười Pháp giới không rời một niệm trong tâm. Chính một niệm này tạo ra mười Pháp giới. Bạn làm việc quỷ thì đọa lạc vào đường quỷ. Làm việc người thì tới cõi người, làm việc a tu la thì tới chỗ A tu la. Làm việc của bậc A la hán thì thành A la hán. Làm chuyện đấng Duyên giác thì sẽ tới đặng bậc Duyên giác. Làm việc của Bồ tát thì sẽ thành quyến thuộc của chư Bồ tát. Làm việc Phật thì thành Phật. Làm chuyện của địa ngục thì đọa địa ngục. Do đó một tâm niệm trong hiện tại tạo thành tất cả mọi chuyện.

"Quỷ loại hỷ sân" Phàm là quỷ, chúng rất thích nổi nóng, nảy lòng sân hận. Ðối xử tốt với chúng, chúng cũng sân hận; đối đãi không tốt với chúng, chúng càng sinh giận dữ. Việc gì làm chúng thích thú nhất?

Tức là tạo rắc rối cho kẻ khác. Bạn đối xử đàng hoàng với chúng, chúng cũng gây rắc rối cho bạn. Bạn không đối xử đẹp, chúng cũng gây phiền hà. Do đó có câu: "Thắp hương là mời quỷ tới." Mặc dù bạn thắp nhang là vì kính trọng chúng, song chúng tới để gây rắc rối cho bạn, làm bạn sinh bịnh. Vì vậy Khổng Tử nói: "Kính quỷ thần nhi viễn chi." Nghĩa là ta phải cung kính quỷ thần, song le không nên gần gũi với chúng, nên xa cách một chút.

Muội quả mê nhân: Quả báo thì bọn chúng không hiểu biết gì; mà cái nhân, chúng cũng không rõ. Do đó chúng không biết tốt xấu. Xưa nay hễ trồng nhân tốt thì gặt quả tốt; trồng nhân lành thì gặt quả lành, trồng nhân ác thì gặt quả ác. Trồng dưa, gặt dưa; trồng đậu, được đậu. Song bọn quỷ không hiểu được đạo lý nhân quả này. Do đó chúng trồng cà mà mong được ớt, trồng ớt mà mong gặt được dưa leo; hoàn toàn mê muội lầm lẫn, nên nói là muội quả mê nhân.

Bọn chúng "Vô minh điên đảo, nhật tích nguyệt thâm": mỗi ngày tích tập càng nhiều sự vô minh. Càng tạo nghiệp thì tội càng nặng; tội càng nặng thì lại càng tạo nghiệp. Do đó đọa lạc vào đường quỷ.

(X) Pháp giới của địa ngục

Ðịa ngục ưu khổ

Vô môn tự xuyên

Khởi hoặc tạo nghiệp

Thọ báo tuần hoàn.

Nghĩa là:

Ðịa ngục đầy ưu khổ

Không cửa nhưng cứ vào

Khởi hoặc rồi tạo nghiệp

Chịu quả báo tuần hoàn.

Ðịa ngục là chốn đau khổ cùng cực. Các bạn nào muốn du lịch ở địa ngục, tôi bảo đảm bạn sẽ tức khắc đến đó ngay. Làm sao? Có câu rằng:

"Hễ sầu muộn, là dạo chơi cõi địa ngục.

Cười vui vẻ, thì già cả thành trẻ trung.

Khóc lóc hoài, tạo phòng tối chốn âm ti"

Âu sầu phiền muộn là nhân của địa ngục. Nếu bạn cười vui vẻ, đó là nhân cõi trời. Rằng:

Tự cổ thần tiên vô biệt pháp,

Chỉ sinh hoan hỷ bất sinh ưu.

Nghĩa là:

Xưa nay thần tiên chẳng phép lạ,

Chỉ sinh vui vẻ, không ưu lo.

Nếu bạn thường thường cười vui, thì dù lớn tuổi, bạn cũng trẻ trung. Khóc lóc là một việc rắc rối lắm. Ðịa ngục ưu khổ: Nghĩa là địa ngục chẳng có gì vui vẻ an lạc, chỉ ưu sầu khổ sở. "Vô môn tự xuyên"; nghĩa là địa ngục xưa nay không có cửa. Cửa vào địa ngục chính là do mình đặt và mở ra. Mình cứ đâm đầu dấn thân vào, (như cái dùi cứ khoan vào) vào không được cũng cứ cố chui vào. "Khởi hoặc tạo nghiệp." Vì sao đọa địa ngục? Là vì ta vô minh mê hoặc, không hiểu biết, do đó tạo ra ác nghiệp. Bạn tu nghiệp gì, thì thọ quả báo ấy, không sai một mảy may. Ðây là sự tuần hoàn không ngừng nghỉ. Nên nói rằng: "Thọ báo tuần hoàn."

Thập giới nhất tâm

Bất ly đương niệm

năng giác thử niệm

Lập đăng bỉ ngạn.

Nghĩa là:

Mười Pháp giới, một tâm,

Không ngoài niệm hiện tại,

Giác ngộ tâm niệm này,

Tức khắc lên bờ kia.

Bốn Pháp giới bậc Thánh là Phật, Bồ tát, Thanh Văn, Duyên Giác và sáu Pháp giới phàm là thiên, nhân, A tu la, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục, tổng cộng là mười Pháp giới. Mười Pháp giới từ đâu ra? Từ một ý niệm trong tâm hiện tại của mình. Do đó: "Thập giới nhất tâm, bất ly đương niệm.

Năng giác thử niệm: Nếu bạn hiểu rõ về ý niệm hiện tại thì bạn sẽ lập tức đăng bỉ ngạn: tức khắc tới bờ kia, tức là Ma ha Bát nhã Ba la mật. Bờ kia là gì? Là sự giác ngộ, không còn mê hoặc; phá sạch vô minh. Khi vô minh phá trừ thì pháp thân sẽ xuất hiện.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Mười Pháp Giới Không Ngoài Một Niệm Của Tâm