Home > Khai Thị Phật Học
Khuyến Khích Chuyên Cậy Vào Phật Lực
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


* Trộm nghĩ: Chúng sanh đời Mạt Pháp căn cơ cạn mỏng, nếu không cậy vào Phật lực, chắc chắn khó thể liễu thoát. Do vậy, phải giữ chắc một môn “tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ” thì mới có thể thoát khỏi cõi Ngũ Trược này, lên cõi chín phẩm sen kia. Nếu lầm lẫn cho mình là cao quý, muốn cậy vào sức của chính mình để tu các pháp môn Thiền, Giáo, Mật hòng liễu sanh tử thì phần nhiều sẽ là “có nhân, không quả”. Vì sao vậy? Dù có thể triệt ngộ tự tâm, thâm nhập kinh tạng, nhưng chưa đoạn hết sạch Phiền Hoặc, chắc chắn chẳng có phần liễu sanh tử, huống hồ kẻ chưa thể triệt ngộ tự tâm và chưa thể thâm nhập ư? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Phùng Thiên Tây và Trịnh Viên Oánh)

* Pháp môn Tịnh Độ dạy dỗ không phân biệt, phàm – thánh, trí – ngu đều được bình đẳng nhiếp thọ. Hết thảy pháp môn đều cậy vào tự lực, chỉ có mỗi pháp này hoàn toàn cậy vào Phật lực, Phật lực khác biệt tự lực một trời một vực. Tín nguyện ức niệm quyết định sanh về nước Phật. Bao nhiêu người tín niệm, bấy nhiêu người vãng sanh. Phật có lời thệ nguyện, nay đã tỏ lộ dấu hình (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Ca tụng pháp môn Tịnh Độ thù thắng)

* Trong Phật pháp, pháp môn vô lượng, bất luận Đại, Tiểu, Quyền, Thật, hết thảy pháp môn đều phải dùng Giới – Định – Huệ để đoạn tham – sân – si cho hết sạch không còn sót thì mới có thể liễu sanh thoát tử. Điều này khó như lên trời, chẳng phải là chuyện hàng phàm phu sát đất đầy dẫy triền phược như chúng ta mà hòng mong mỏi được. Nếu dùng lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, cầu sanh Tây Phương thì bất luận công phu cạn hay sâu, công đức lớn hay nhỏ, đều có thể cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Điều này giống như ngồi chiếc tàu thủy to vượt biển, chỉ chịu lên tàu liền có thể đến được bờ kia, ấy là nhờ sức tàu chứ chẳng phải bản lãnh của chính mình. Tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương cũng giống như thế, hoàn toàn là Phật lực, chứ không phải đạo lực của chính mình.

Hễ đã sanh về Tây Phương thì sanh tử đã liễu, phiền não chẳng sanh, đã giống như người vận dụng công phu tại nơi ấy đã lâu, đã đoạn sạch phiền não liễu sanh tử. Vì thế, niệm Phật quyết định phải cầu sanh Tây Phương, chớ nên cầu phước báo trời người trong đời sau, chớ nên nương theo những kẻ chỉ dẫn người khác niệm Phật cầu khai ngộ nhưng lại rời lìa tín nguyện. Niệm Phật cốt yếu là nhiếp trọn sáu căn. Trong lúc niệm Phật, nhiếp tai lắng nghe kỹ, đấy chính là biện pháp để nhiếp sáu căn. Có thể chí tâm lắng nghe kỹ thì công đức so với việc “chẳng lắng nghe, niệm tán loạn” khác biệt rất lớn. Pháp này bất luận người thượng, trung, hạ căn đều dùng được, đều được lợi ích, chỉ có lợi, không điều tệ. Hãy nên bảo hết thảy mọi người tu đều tu theo pháp này (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư gởi cư sĩ Trương Tịnh Giang)

* Hết thảy pháp môn đều cậy vào tự lực để liễu sanh tử; pháp môn Niệm Phật cậy vào Phật lực để liễu sanh tử. Cậy vào tự lực để liễu sanh tử chẳng phải là chuyện có thể thực hiện xong trong một hai đời. Bậc chứng Sơ Quả còn phải bảy lần sanh trong cõi trời và nhân gian, mới chứng Tứ Quả. Tứ Quả là liễu sanh tử! Người chưa chứng Sơ Quả thăng trầm bất định. Kẻ đời này tu hành rất khá, đời sau tạo nghiệp lớn lao, trong trăm kẻ có đến hơn chín mươi người.

Bậc chứng Sơ Quả, dẫu dùng oai lực bức bách họ tạo nghiệp, họ thà chịu xả mạng, chẳng chịu tạo những ác nghiệp giết, trộm, dâm v.v… Nếu không xuất gia, cũng sẽ cưới vợ. Nếu buộc họ tà dâm, họ thà chết chẳng làm! Vị ấy tuy chưa liễu sanh tử, quyết định chứng Sơ Quả, dẫu dùng oai lực bức bách họ tạo nghiệp, họ thà chịu xả mạng, chẳng chịu tạo những ác nghiệp giết, trộm, dâm v.v… quyết định chẳng bị đọa xuống, còn kẻ chưa chứng Sơ Quả thì không chắc! Dẫu một đời, hai đời chẳng tạo nghiệp, chắc chắn khó thể vĩnh viễn không tạo nghiệp. Vì thế biết: Cậy vào tự lực để đoạn Hoặc chứng Chân khó khăn như lên trời vậy!

Người niệm Phật ắt phải sanh lòng tin chân thật, phát nguyện thiết tha, quyết định cầu Phật gia bị trong đời hiện tại, đến lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Lúc bình thường niệm Phật, phải [thành khẩn] như làm đám tang cho cha mẹ, [phải tích cực] như cứu đầu cháy; lại phải đem pháp môn này tùy phần tùy sức nói với hết thảy mọi người; lại còn đối với mọi chuyện đều phải trọn hết bổn phận của chính mình để được mãn nguyện. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời thầy Tu Tịnh)

* Thuốc không quý – hèn, thuốc nào trị được bệnh [thì thuốc ấy] là thuốc hay. Pháp chẳng cạn – sâu, [pháp nào] hợp căn cơ sẽ là pháp mầu nhiệm. Đang thời Mạt Pháp, căn cơ con người kém hèn, nếu chẳng nương vào hoằng thệ nguyện lực của đức Như Lai, ai có thể đoạn Phiền Hoặc để thoát sanh tử, thấy được bản tánh, chứng vô sanh?

Ví như bệnh đã lậm vào tạng phủ, tuy [bệnh tình] hòa hoãn, vẫn không thể làm gì được, nhưng nếu chịu uống thuốc A Già Đà trị chung vạn bệnh này, thì chuyện “đoạn Phiền Hoặc để thoát sanh tử, thấy được bản tánh, chứng Vô Sanh” vừa nói trên đây ai nấy đều có thể đích thân chứng được, hoàn toàn chẳng khó khăn gì! Vì sao vậy? Do người ấy dùng lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, trì danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương, lâm chung chắc chắn sẽ được Phật tiếp dẫn, liền được vãng sanh. Đã được vãng sanh, thân cận Phật Di Đà dài lâu, theo gót hải chúng, còn có thể viên mãn Bồ Đề, triệt chứng Niết Bàn rốt ráo, huống là những chuyện “đoạn Phiền Hoặc để thoát sanh tử, thấy được bản tánh, chứng Vô Sanh” vừa mới nói đó ư?

Do vậy, biết rằng: Trong thời tiết[4] này, chỉ có một pháp này là thích hợp căn cơ nhất. Nếu bỏ pháp môn cậy vào Phật lực này để tu những pháp môn tự lực khác, đừng nói hạng trung – hạ căn không có cách chi mong mỏi, dẫu là thượng căn chắc chắn cũng khó lòng thành tựu ngay trong một đời được; phần nhiều chỉ gieo nhân cho đời sau, khó được lợi ích thật sự! Vì thế, hàng tri thức xưa nay cực lực hoằng dương pháp này để mong trên báo ơn Phật, dưới độ những người cùng hàng. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa sách Tịnh Độ Tập Yếu[5])

* Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn vừa cực khó lại vừa cực dễ. Nói là khó thì [là do vì] bậc đại triệt đại ngộ thâm nhập kinh tạng còn chẳng tin được. Nói là dễ [là do vì] ngu phu, ngu phụ chí thành khẩn thiết niệm, liền có thể lúc lâm chung hiện tướng lành, vãng sanh Tây Phương. Những vị đại triệt đại ngộ, thông hiểu sâu xa kinh luận kia còn chẳng mong ngang vai bằng lứa với họ! Ấy là vì một đằng bỏ Phật lực, chuyên cậy vào tự lực; một đằng chuyên cậy vào Phật từ lực, lấy Phật lực dẫn phát tự lực. Do Phật lực, pháp lực, sức sẵn có trong tự tâm, ba pháp khế hợp, nên được siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Pháp này quan trọng nhất là Tín – Nguyện. Có Tín – Nguyện sẽ chắc chắn chịu tích cực tu trì. Chịu tu trì liền được lợi ích vãng sanh. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Tập Hoài Tân)

* Hết thảy các pháp môn do đức Như Lai đã nói trong suốt cả một đời Ngài, tuy là Đại, Tiểu, Đốn, Tạm bất đồng, Quyền, Thật, Thiên, Viên sai khác, nhưng không pháp nào chẳng nhằm khiến cho hết thảy chúng sanh đều theo đường về nhà, khôi phục tâm tánh mà thôi! Nhưng những pháp ấy đều cần phải tự lực tu trì để đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử, hoàn toàn không được một sức nào khác nhiếp trì hòng chắc chắn được siêu phàm nhập thánh, thành tựu sở nguyện ngay trong đời này!

Chỉ có pháp môn Tịnh Độ cậy vào sức thệ nguyện, nhiếp thọ của Phật và lòng thành tín nguyện niệm Phật của chính mình, bất luận đã chứng ngộ hay không; thậm chí kẻ chưa đoạn mảy may Phiền Hoặc nào vẫn đều có thể cậy vào Phật từ lực liền được vãng sanh Tây Phương ngay trong đời này. Đã được vãng sanh, nếu là người đã chứng ngộ liền lên thẳng Thượng Phẩm, kẻ chưa đoạn Hoặc vẫn dự vào dòng thánh.

Do vậy biết pháp môn Tịnh Độ rộng lớn không có gì ra ngoài được, như trời che khắp, dường đất chở đều, thống nhiếp các căn cơ trọn chẳng sót vật nào! Thật có thể nói là pháp môn Tổng Trì thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, thích hợp khắp ba căn, thâu trọn lợi căn và độn căn. Trên là bậc Đẳng Giác Bồ Tát chẳng thể vượt ra ngoài được; dưới là phàm phu nghịch ác vẫn có thể dự vào trong đó. Thỏa thích bản hoài xuất thế của đức Như Lai, mở ra con đường chánh để chúng sanh trở về nguồn. Vì thế, [pháp này] được chín giới cùng quay về, mười phương cùng khen ngợi, ngàn kinh cùng xiển dương, muôn luận đều tuyên nói.

Huống chi đang nhằm thời Mạt Pháp, căn cơ con người kém hèn, bỏ pháp này tu pháp khác thì chẳng những hàng phàm phu bộn bề phiền não chẳng có cách nào thoát ly sanh tử, mà ngay cả bậc thánh nhân Thập Địa cũng khó thể viên mãn Bồ Đề! Vì vậy, Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, Viễn Công, Trí Giả, Thanh Lương, Vĩnh Minh đều phát tâm Kim Cang hoằng truyền, tán dương, ngõ hầu lục đạo, tam thừa đều được vượt ngang ra khỏi tam giới, khôi phục tâm tánh vốn có. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho bộ Tịnh Độ Thập Yếu)

* Pháp môn Tịnh Độ rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không. Hết thảy các pháp môn không pháp nào chẳng lưu xuất từ pháp giới này, hết thảy các hạnh môn không môn nào chẳng trở về pháp giới này. Người thiên tư thông minh thường vì [tưởng lầm pháp này] sự giản dị, lý tầm thường nên chẳng bỏ công xét kỹ, chẳng những chính mình không tu tập, lại còn thốt lời bàn luận, ngăn trở, phá hoại, bài xích người khác tu trì, nhằm tỏ vẻ chính mình cao minh. Điều này đúng là “biến quán lục hợp nhi bất kiến lai mao” (thấy trọn vũ trụ nhưng chẳng thấy được sợi lông nơi khóe mắt), biết trọn các pháp nhưng chẳng biết chính mình thế trí biện thông, tự nghĩ mình Tông – Giáo đều thông, đức Phật gọi [kẻ ấy] là kẻ đáng thương xót!

Họ chẳng nghĩ chỗ quy tông của kinh Hoa Nghiêm là cầu sanh Tịnh Độ. Văn Thù, Phổ Hiền thảy đều phát nguyện vãng sanh. Những vị ấy là người như thế nào, chuyện ấy là chuyện như thế nào? Dẫu bọn ta có hiểu được chút giáo nghĩa, nhưng Phiền Hoặc chưa đoạn, sanh tử chưa giải quyết xong, hễ trải qua một phen biến đổi, sanh sang kiếp sau, há có thể chẳng mê mất được ư? Chén bát chưa nung, gặp mưa liền rã. Nguyên do đức Như Lai đặc biệt mở ra pháp môn Tịnh Độ này là nhằm làm cho thượng thánh hạ phàm đều cùng thoát được sanh tử ngay trong đời này. Huống chi hai vị Đại Sĩ kia thành Phật đã lâu, thị hiện thuộc địa vị Đẳng Giác, lấy thân làm gương cho kẻ khác phát nguyện cầu sanh; ta là hạng người nào mà dám chống đối các vị ấy?

Nghĩ kỹ như thế, chắc chắn sẽ nhanh nhảu thay đổi, tuân theo giáo huấn phổ độ thánh – phàm của đức Như Lai, noi theo Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, Viễn Công, Trí Giả, Thiện Đạo, Vĩnh Minh v.v… các vị đại Bồ Tát, Tổ Sư mà nhất trí tiến hành, dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ngõ hầu viên mãn Phật quả, làm bậc đại trượng phu rốt ráo. Ai chịu cam lòng nhường đại lợi ích này cho người khác, rồi tự mình ở yên trong nhà lửa tam giới, thường bị thiêu đốt vậy thay? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục)

* Nghe Di Đà thệ nguyện, dạy chúng sanh phương hướng “tâm làm, tâm là” thích hợp khắp chín giới. Pháp môn Tịnh Độ là đạo thành thủy thành chung của Như Lai, thỏa thích lớn lao bản hoài của Phật. Phật, Tổ xuất thế đều lập pháp thuận theo cơ nghi. Kẻ độn căn đời Mạt nên chọn lấy pháp vừa khế lý lại vừa khế cơ để chuyên ròng dốc sức, ngõ hầu nương theo Phật từ lực, vượt ngang ra khỏi tam giới, ngay trong một đời này sẽ giải quyết xong xuôi đại sự sanh tử chẳng thể dễ dàng giải quyết trong trăm ngàn vạn kiếp. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho nghi thức niệm tụng của đạo tràng chuyên tu Tịnh Độ Linh Nham Sơn Tự)

* Tâm đăng của Phật – Tổ thường luôn sáng ngời. Lý tột cùng Thiền -Tịnh tràn ngập pháp giới, ai nấy đều sẵn có, cần chi phải tán dương? Do vì kẻ chưa hiểu rõ mà phải ghi chú tỉ mỉ bên dưới! Kinh Phạm Võng dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh”. Lại nói: “Ngươi là Phật sẽ thành, ta là Phật đã thành”. Trong kinh Pháp Hoa, Thường Bất Khinh Bồ Tát trông thấy tứ chúng đều lễ bái thưa: “Tôi chẳng dám khinh quý ngài, quý ngài sẽ đều thành Phật”. Trong hội Hoa Nghiêm, khi đức Như Lai thành Đẳng Chánh Giác, than rằng: “Lạ thay! Hết thảy chúng sanh đều có đủ trí huệ, đức tướng của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng thể chứng đắc. Nếu lìa vọng tưởng thì Nhất Thiết Trí, Tự Nhiên Trí sẽ được hiện tiền”. Do vậy biết chúng sanh về bản thể là Phật, nhưng vì mê muội nên chưa ngộ, hoặc ngộ nhưng chưa chứng, nên chẳng thể tránh khỏi vẫn là chúng sanh!

Pháp khiến cho họ được ngộ, không chi hơn tham Thiền, tức [tham cứu] điều thường được gọi là “thấy được bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra” nhằm dạy con người hướng về lúc trước khi dấy lên ý niệm để đích thân thấy được chủ nhân ông. Nếu có thể thấy triệt để thì gọi là Ngộ; nhưng phiền não chưa đoạn thì vẫn chẳng thể thoát khỏi luân hồi y như cũ! Nếu có thể đoạn hết sạch Phiền Hoặc thế gian thì mới vượt khỏi được ba cõi. Do vậy, biết rằng Chứng là chuyện lớn lao, chẳng dễ dàng gì! Vì thế, chẳng thể không nương vào “tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương” để mong cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh! Suy nghĩ chín chắn nghĩa này, sẽ biết Như Lai đặc biệt mở ra một môn Tịnh Độ chẳng phải chỉ để tiếp dẫn riêng hạng hành nhân tầm thường, mà thật ra còn nhằm bảo vệ những người đã có ngộ chứng trong Tông, trong Giáo, nhưng chưa đạt đến mức “phàm tình lẫn thánh kiến đều bất khả đắc”.

Phiền Hoặc hết sạch, đương nhiên sẽ giải thoát. Người đã ngộ đã chứng nhưng chưa đạt đến mức cùng cực, nếu không có pháp môn Tịnh Độ che chở, nhiếp trì thì những hành nhân ấy lại phải thọ sanh, kẻ bị chìm đắm thì nhiều mà kẻ tấn tu thật ít! Cảm ân đức của Phật khiến con người khôn ngăn nghẹn ngào ứa lệ! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa lưu thông cho bản in gộp chung hai sách Phật Tổ Tâm Đăng và Thiền Tịnh Song Úc)

* Phật pháp có vô lượng pháp môn, nhưng đều phải tu đến khi nghiệp tận tình không thì mới có thể liễu sanh thoát tử! Nếu không, dù có sở đắc, vẫn cứ y như cũ, chẳng làm gì được sanh tử! Như trong hiện thời, sợ rằng khắp cõi đời cũng khó được một hai người đạt đến địa vị nghiệp tận tình không! Chỉ có một pháp Niệm Phật nếu đầy đủ tín chân, nguyện thiết, chí thành niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, dù toàn thân là nghiệp lực, vẫn đều có thể cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương, ấy gọi là “đới nghiệp vãng sanh”. Hễ sanh về Tây Phương thì liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh.

Vì thế, thiện tri thức đời Mạt phần nhiều đều đề xướng Tịnh Độ; bởi lẽ Tịnh Độ thực hiện dễ, thành công cao, dùng sức ít, đạt được hiệu quả nhanh chóng. Thường có những kẻ thông minh, hơi hiểu giáo nghĩa, hoặc biết đôi chút lẽ Thiền, bèn tự cho mình là bậc thông suốt, miệt thị niệm Phật, cho niệm Phật là chuyện dành cho bọn ngu phu, ngu phụ làm! Đấy đều là những kẻ chẳng biết tự xét, là hạng cuồng đồ, cứ tưởng “hiểu nghĩa lý theo văn tự chính là thật chứng”, chắc chắn là hạng “nói không, làm có”, dùng thân báng pháp, tương lai ắt đọa tam ác đạo, được những ngu phu, ngu phụ niệm Phật vãng sanh Tây Phương thương xót nhưng chẳng thể cứu vớt! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Ngô Thương Châu – 1 )

* Tam giới không đâu chẳng phải là quán trọ, [chúng sanh trong] lục đạo đều là kẻ nghèo cùng. Tuy hứng chịu khổ – vui tạm thời sai khác, nhưng hết vui sẽ tới khổ, rốt cuộc chẳng phải là chỗ an thân lập mạng rốt ráo! Do vậy, đức Thích Ca Thế Tôn ta đặc biệt rủ lòng thương xót, thị hiện giáng sanh trong thế gian, thị hiện thành Chánh Giác, tùy theo căn cơ chúng sanh nói đủ mọi pháp khiến cho khắp các chúng sanh đều theo đường về nhà, nhận lãnh của gia bảo, vĩnh viễn hưởng an lạc.

Nhưng các pháp ấy mỗi pháp lợi lạc cho một loại căn cơ, lại chẳng dễ tu tập, dẫu tu cũng khó thể liễu thoát ngay trong đời này, bởi hoàn toàn cậy vào sức Giới – Định – Huệ của chính mình để đoạn Hoặc chứng Chân thì mới thoát sanh tử. Chúng sanh đời Mạt Pháp khó lòng trông mong được! Do lòng đại từ bi, đức Như Lai lại bày ra một pháp môn đặc biệt, đó là “tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương”, để những người đã đoạn Hoặc sẽ nương vào Phật từ lực mau chứng Bồ Đề, kẻ chưa đoạn Hoặc sẽ nương vào Phật từ lực liền thoát sanh tử. Thích hợp khắp ba căn, gồm thâu trọn vẹn lợi căn lẫn độn căn; thượng thánh hạ phàm cùng nương về, kẻ mới phát tâm lẫn người tu lâu đều cùng tiến. Pháp môn này không riêng gì phàm phu đầy dẫy phiền não nên chuyên tu, ngay cả bậc Đẳng Giác Bồ Tát sắp thành Phật cũng cần phải dùng mười đại nguyện vương hướng dẫn về Cực Lạc thì mới có thể viên thành Phật quả. Pháp môn lớn lao như hư không chứa đựng rộng khắp, pháp môn lợi ích như mùa Xuân khiến cho khắp mọi loài sanh trưởng; trọn cả kiếp tán dương cũng khó lòng cùng tận. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho sách Kỹ Lộ Chỉ Quy)

* Thế giới Cực Lạc không có nữ nhân. Nữ nhân, súc sanh hễ sanh về thế giới ấy đều mang tướng đồng nam (trẻ trai), liên hoa hóa sanh. Vừa từ trong hoa sen ra đều giống hệt như người trong thế giới Cực Lạc, chứ không phải là trước hết bé nhỏ rồi sau đấy mới dần dần khôn lớn. Người trong thế giới ấy không có phiền não, không có vọng tưởng, không có chuyện tạo nghiệp. Do cậy vào Phật từ lực nên hết sức dễ vãng sanh, nhưng phải lấy niệm Phật làm nhân; đã vãng sanh rồi thấy Phật nghe pháp, nhất định viên thành Phật đạo. Mười phương thế giới chỉ có cõi này là thù thắng vượt trội nhất. Trong hết thảy pháp môn tu trì, chỉ có pháp này dễ tu nhất mà công đức lại lớn nhất. Ông đừng nghe lời người khác thì sẽ tự đạt được lợi ích tối thắng này! (Hoằng Hóa Nguyệt San số thứ 5 – Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Diệp Phước Bị – 1)
________________
[4] Xin đừng hiểu lầm chữ “thời tiết” ở đây là weather, mà có nghĩa là thời thế, đúng dịp, đúng lúc nhân duyên chín muồi, các duyên hội đủ, như trong thành ngữ “nhân duyên thời tiết” thường được dùng trong kinh sách.
[5] Tịnh Độ Tập Yếu như tên gọi là một cuốn sách tập hợp những lời dạy chánh yếu về Tịnh Độ của chư Bồ Tát, chư tổ sư, đại đức, do hai ông Phan Huệ Thuần và Thiệu Huệ Viên biên soạn. Xin đừng lẫn lộn với tác phẩm Tịnh Độ Thập Yếu của đại sư Ngẫu Ích.
Trích từ: Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Tục Biên


Từ Ngữ Phật Học Trong: Khuyến Khích Chuyên Cậy Vào Phật Lực