Home > Khai Thị Phật Học
Đại Thiên Thế Giới
Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch


Trong kinh nói: Trong cõi hư không có vô lượng vô số thế giới(1), cho nên chúng sinh và quốc độ, cũng nhiều vô lượng vô số. Hình thức của mỗi một tiểu thế giới đều giống nhau: Ở trung ương có núi Tu di, xuyên suốt qua biển lớn, đứng sừng sững trên địa luân. Dưới địa luân là kim luân. Dưới nữa là thủy luân. Dưới thủy luân là phong luân.(2) Bên ngoài phong luân thuộc về hư không.

Núi Tu di, phần giữa thì nhỏ, phần trên và phần dưới đều lớn; cõi trời Tứvương ở bốn mặt sườn núi; cõi trời Đao lợi ở trên đỉnh núi. Chung quanh chân núi được bao bọc bởi bảy lớp núi vàng và bảy lớp biển nước thơm – cứ một lớp biển thì một lớp núi, xen kẽ nhau. Ngoài lớp núi vàng có biển mặn. Ngoài biển mặn có núi Đại thiết vi, vây tròn như lan can, hình trạng gần giống như phần dưới của cái cối xay.

Tầng hư không ở phía trên các cõi trời Tứ vương và Đao lợi, có các cõi trời Dạ ma, Đâu suất, Hóa lạc và Tha hóa tự tại; đó là sáu cõi trời Dục giới. Trên nữa là mười tám cõi trời Sắc giới và bốn cõi trời Vô sắc giới. Trên không của biển mặn, ở mỗi phương Đông, Nam, Tây, Bắc, đều có vô số tinh vân, trong đó có vô số thái dương hệ, vô số thế giới. Tinh vân ở trên không phía Đông của biển mặn được gọi là châu Đông thắng thân, hình dáng giống như hình bán nguyệt; phía Nam gọi là châu Nam thiệm bộ, hình dáng trên lớn dưới nhỏ, trông gần giống như khuôn mặt của chúng ta; phía Tây gọi là châu Tây ngưu hóa, hình tròn; phía Bắc gọi là châu Bắc câu lô, hình vuông. Cả thảy chín núi, tám biển, bốn châu, sáu cõi trời Dục giới như thế, lại thêm ba tầng trời của cõi Sơ thiền bao trùm ở trên nữa, là một tiểu thế giới. Hợp lại một ngàn tiểu thế giới như thế, với ba tầng trời của cõi Nhị thiền bao trùm ở trên, là một tiểu thiên thế giới. Hợp lại một ngàn tiểu thiên thế giới, với ba tầng trời của cõi Tam thiền bao trùm ở trên, là một trung thiên thế giới. Hợp lại một ngàn trung thiên thế giới, với chín tầng trời của cõi Tứ thiền và bốn cõi trời Không bao trùm ở trên, là một đại thiên thế giới. Đại thiên thế giới, trong đó có ba bội số ngàn, cho nên nó cũng được gọi là “ba ngàn đại thiên thế giới”.

Tất cả chúng sinh lấy thân thể làm chánh báo, lấy thế giới làm y báo. Đã có căn thân của chánh báo, tất phải có khí giới của y báo; nếu không thì thân hình sẽ không có nơi gửi gấm. Trong đó, từ trên các thiên cung đẹp đẽ diễm lệ, xuống đến các cảnh giới địa ngục xấu dơ buồn thảm, đều có trật tự rành mạch, và thảy đều do nghiệp chung của chúng sinh làm thành, do thức biến hiện để phù hợp với quả báo lành dữ của chúng sinh, tuyệt đối không phải do người nào hay vị thần linh nào sáng tạo.


CHÚ THÍCH

01. “Tu di” dịch là “diệu cao”, do bốn vật báu làm thành, ở trung tâm của tiểu thế giới, chân ở sâu dưới nước tám vạn do tuần, đỉnh cao lên khỏi mặt nước tám vạn do tuần; trên đỉnh này là chỗ ở của trời Đế Thích. 02. Xin xem lại chú thích số 1, bài 23.

03. Xin xem lại chú thích số 2, bài 23.

04. Bảy lớp núi vàng có tên là Song trì, Trì trục, Đảm mộc, Thiện kiến, Mã nhĩ, Chướng ngại và Trì địa, là chỗ ở của rất nhiều vị thánh hiền và quỉ thần.

05. Nước biển có đầy đủ tám thứ công đức, mùi vị thơm mát, nên gọi là biển nước thơm.

06. Biển mặn nằm giữa lớp núi vàng thứ bảy và núi Thiết vi, nước có vị mặn, nên gọi là biển mặn.

07. Thiết vi là dãy núi bao quanh một tiểu thế giới; bọc ngoài núi này là hư không.

08. Xin xem lại các chú thích số 3, 4, 5 và 6, bài 23.

09. Xin xem lại các chú thích số 7, 8, 9, 10 và 11, bài 23.

10. Người ở đó thân hình đẹp đẽ, cho nên gọi là châu Thắng thân.

11. Cũng gọi là Nam Diêm phù đề. Diêm phù tức là cây thiệm bộ. Châu này có loại cây này, cho nên lấy đó mà đặt tên. Thế giới của chúng ta ở trong châu này.

12. Châu này có nhiều trâu. Vì dùng trâu làm tiền để trao đổi mua bán, nên gọi là Ngưu hóa.

13. Chữ 俱 cũng được phiên âm thành chữ 拘 (câu), cựu dịch là Uất đan việt. Người ở châu này sống lâu đến ngàn tuổi, cơm áo tự nhiên mà có, chỉ có điều là không có Phật pháp; vì vậy mà châu này bị liệt vào một trong tám nạn.

14. Xin xem lại chú thích số 1, bài 27.

15. Xin xem lại chú thích số 1, bài 27. PHỤ CHÚ

(01) Thế giới: Chữ “thế” ở đây có nghĩa là trôi chảy, chỉ cho thời gian, tức là thời gian trôi chảy không ngừng, quá khứ, hiện tại và vị lai (tam thế) nối tiếp nhau mãi mãi. Chữ “giới” chỉ cho phương vị, tức là không gian có mười phương. Vậy, “thế giới” là một hợp thể của không gian và thời gian, cũng tức là “thế gian”, bao hàm cả các loài có tình thức (tình thế gian) và không có tình thức (khí thế gian) cư trú; nhưng thông thường người ta quen hiểu rằng, “thế giới” là chỉ cho khí thế gian (đất liền, sông, núi, v.v...), là nơi y cứ để cư trú của các loài hữu tình. Theo Phật giáo, một cách tổng quát, có hai loại thế giới: thế giới hữu vi (tức thế giới tương đối, chỉ cho tam giới, là các cảnh giới của sáu loài chúng sinh: trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh); và thế giới vô vi (tức thế giới tuyệt đối, chỉ cho các cảnh giới tịch tịnh của chư Phật). Chi tiết hơn, có mười loại thế giới, gồm sáu thế giới hữu vi (tức là sáu nẻo luân hồi) là Trời, Người, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sinh; và bốn thế giới vô vi (tức bốn cõi thánh) là Thanhvăn, Duyên giác, Bồ tát, Phật.

(02) Luân: Chữ “luân” ở đây có nghĩa là chở và giữ gìn. Theo cái nhìn của Phật giáo, thế giới vật chất (khí thế gian) do năm “luân” (tạm hiểu là lớp, tầng) cấu thành: Trước hết là “không luân” (lớp hư không). Do nghiệp lực của các loài hữu tình chiêu cảm, “phong luân” (lớp gió) nương nơi hư không mà sinh khởi, thể chất cứng rắn dầy đặc, ném kim cương vào thì kim cương cũng phải bể nát; đó là tầng thứ hai. Lại do nghiệp lực của các loài hữu tình, mây mưa sinh khởi, đổ trên phong luân, tích chứa tạo thành lớp thứ ba là “thủy luân”. Lại do nghiệp lực của các loài hữu tình chiêu cảm, khiến gió nổi dậy đánh vào lớp nước này, rồi trên mặt nước kết đọng thành vàng; đó là lớp thứ tư gọi là “kim luân”. “Địa luân” gồm có đất, núi, biển, v.v... là lớp ở trên cùng.


BÀI TẬP

1) Cõi trời nào ở tại bốn mặt sườn núi Tu di? Cõi trời nào ở trên đỉnh núi Tu di?

Cõi trời Tứ vương ở tại bốn mặt sườn núi Tu di. Cõi trời Đao lợi ở trên đỉnh núi Tu di.

2) Sao gọi là chín núi tám biển?

Chung quanh chân núi Tu di có bảy lớp núi vàng và bảy lớp biển thơm bao bọc; xen kẽ nhau, cứ một lớp biển thì một lớp núi. Bên ngoài lớp núi vàng thứ bảy lại có một lớp biển mặn bao bọc; như vậy, từ trong ra ngoài có tám (lớp) biển. Bên ngoài của lớp biển mặn lại còn có lớp núi Thiết vi bao bọc; như vậy, núi Tu di ở trung tâm, với bảy lớp núi vàng, cộng thêm núi Thiết vi, từ trong ra ngoài có cả thảy chín (lớp) núi.

3) Bốn châu lớn có tên là gì? Hình dáng của mỗi châu ấy trông giống cái gì?

Bốn châu lớn là: 1) Châu Thắng thân ở phía Đông, hình dáng giống như hình bán nguyệt; 2) Châu Thiệm bộ ở phía Nam, trông giống như khuôn mặt người ta; 3) Châu Ngưu hóa ở phía Tây, hình tròn; 4) Châu Câu lô ở phía Bắc, hình vuông. 4) Thế nào là tiểu thiên thế giới? Trung thiên thế giới? Đại thiên thế giới?

Một tiểu thế giới gồm có chín núi, tám biển, bốn châu, sáu cõi trời Dục giới và ba tầng trời cõi Sơ thiền bao trùm ở trên. Hợp lại một ngàn tiểu thế giới như thế, với ba tầng trời cõi Nhị thiền bao trùm ở trên, làm thành một tiểu thiên thế giới. Hợp lại một ngàn tiểu thiên thế giới như thế, với ba tầng trời cõi Tam thiền bao trùm ở trên, làm thành một trung thiên thế giới. Hợp lại một ngàn trung thiên thế giới như thế, với chín tầng trời cõi Tứ thiền và bốn cõi trời Không bao trùm ở trên, làm thành một đại thiên thế giới. 5) Thế giới nhân đâu mà thành? Do cái gì biến hiện? Có phải do người sáng tạo không?

Thế giới là do nhiệp lực chung của chúng sinh làm thành, do thức biến hiện để phù hợp với quả báo lành dữ của chúng sinh, tuyệt nhiên không phải do người hay thần linh nào sáng tạo.



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, Pháp Sư Thích Cổ Đức | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
2.    Đại Trí Độ Luận Tập 1, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
3.    Đại Trí Độ Luận Tập 2, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
4.    Đại Trí Độ Luận Tập 3, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
5.    Đại Trí Độ Luận Tập 5, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
6.    Diệu Liên Đại Sư Khai Thị Tập 1, Hòa Thượng Thích Diệu Liên | Linh Nham Tùng Thư, Việt Dịch
7.    Kinh Đại Bửu Tích Quyển 1, Nguyên Ngụy Thiên Trúc Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chi | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
8.    Luận Đại Trượng Phu, Đề Bà La Bồ Tát | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, Việt Dịch
9.    Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 1, Thượng Tọa Thích Phước Thái
10.    Những câu chuyện linh ứng về Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát Tập 1, Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
11.    Pháp Uyển Châu Lâm Quyển 1, Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
12.    Tiểu Sử Danh Tăng Tập 1, Hòa Thượng Thích Đồng Bổn