Home > Khai Thị Phật Học > Thuong-Niem-Chang-Dut-Se-Dac-Dao-Nhanh-Chong
Thường Niệm Chẳng Dứt Sẽ Đắc Đạo Nhanh Chóng
Pháp Sư Thích Tự Liễu | Cư Sĩ Bích Ngọc, Việt Dịch


Lão hòa thượng Hải Hiền niệm câu A Di Đà Phật đến khắc cốt ghi tâm, thâm căn cố đế, từng năm, từng tháng, từng phút, từng giây, chưa hề đánh mất. Ngược lại, một câu A Di Đà Phật chúng ta cứ thường đánh mất, thường gián đoạn. Có khi đánh mất chẳng niệm hết mấy giờ đồng hồ; có khi đánh mất cả mấy ngày cũng chưa khởi niệm lại; quên mất câu Phật hiệu này!

1. Trích Chú giải Kinh Vô Lượng Thọ của cụ Hoàng Niệm Tổ

“Thường niệm bất tuyệt, tắc đắc đạo tiệp. Ngã pháp như thị, tác như thị thuyết. Như Lai sở hành, diệc ưng tùy hành. Chủng tu phước thiện, cầu sanh tịnh sát” (Thường niệm chẳng dứt thì đắc đạo nhanh chóng. Pháp ta như thế, nói ra như thế, cũng nên hành theo hạnh Như Lai hành, vun bồi phước thiện, cầu sanh cõi tịnh).

“Thường niệm bất tuyệt, tắc đắc đạo tiệp” Tám câu trên đây chính là lời tổng kết của cả bản kinh Vô Lượng Thọ, là cương yếu tu hành của Tịnh Tông. Toàn bộ phần trường hàng do đức Thế Tôn nói ra trong pháp hội này đến đây là hết. Vì thế, tám câu trên chính là những lời nói tối hậu trong Tịnh Tông, là lời kết thúc của toàn bộ kinh này. Tám câu ấy nêu trọn cả Lý lẫn Sự, chỉ rõ chánh hạnh và trợ hạnh, giãi bày trọn vẹn bí tạng của Như Lai.

Trước hết là “thường niệm bất tuyệt” (thường niệm chẳng dứt). Thứ nhất, “thường niệm” là luôn niệm kinh này, nói một cách rốt ráo thì “thường niệm bất tuyệt” chính là niệm một câu danh hiệu này! “Bất tuyệt” là tịnh niệm tiếp nối. Hành nhân nếu thật sự phát tâm chân thật, niệm Phật chuyên ròng, chỉ giữ mỗi câu Phật hiệu này cho luôn liên tục trong mọi niệm thì nhất định “như nhiễm hương nhân, thân hữu hương khí” (như người nhiễm hương, thân có mùi hương). Lúc lâm chung, Phật đến tiếp dẫn, từ bi gia hựu, khiến tâm chẳng loạn, quyết được vãng sanh, chứng lên Bất Thoái, sanh trọn vẹn cả bốn cõi Tịnh Ðộ, rốt ráo Niết Bàn.

Vì thế, Phật từ bi khai thị: “Thường niệm bất tuyệt, tắc đắc đạo tiệp” (Thường niệm chẳng dứt thì đắc đạo nhanh chóng). “Tiệp” là nhanh chóng, mau lẹ, chẳng hạn như “tiệp kính” là con đường để đi tắt cho nhanh. Ở đây, ý nói: Một pháp Trì Danh là đường tắt tu hành, trì danh ròng chắc sẽ đắc đạo rất nhanh chóng. Ðó là do pháp Trì Danh này lấy “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, lấy Quả Giác làm nhân để phát tâm nên đắc đạo nhanh chóng. Ấy chỉ là vì pháp Trì Danh Niệm Phật này phát xuất từ chính bổn nguyện lớn lao của Phật Di Ðà, cho nên thực hiện thật dễ dàng, thành tựu rất dễ dàng. Bởi thế, nó được gọi là pháp dễ hành, được xưng tụng là con đường tắt nhất trong các con đường tắt.

Đoạn văn này của cụ Niệm Tổ quá hay, đã nói toạc bổn ý của Phật. “Thường niệm bất tuyệt” nghĩa là thường niệm kinh Vô Lượng Thọ, cũng nghĩa là thường niệm A Di Đà Phật. Chúng ta phải thường niệm chẳng dứt một câu Phật hiệu này, phải thường niệm, chẳng đánh mất cái tâm cầu vãng sanh.

2. Thường niệm chẳng dứt lúc lâm chung và trong giấc mộng

a. Lời khai thị của Tử Bách đại sư về niệm Phật chẳng dứt lúc lâm chung.

Tử Bách đại sư, Liên Trì đại sư, Ngẫu Ích đại sư, và Hám Sơn đại sư được người đời sau tôn xưng là Tứ Đại Cao Tăng cuối đời Minh. Có một vị xuất gia đến thăm Tử Bách đại sư, đại sư hỏi: “Ông xuất gia vì mục đích gì?”

Đáp: “Vì muốn thoát khổ”

Đại sư hỏi: “Dùng pháp nào để cầu thoát khổ?”

Đáp: “Tôi thuộc hạng độn căn, chỉ niệm Phật”

Sư hỏi: “Ông niệm Phật có thường gián đoạn không?”

Đáp: “Lúc nhắm mắt ngủ bèn quên không niệm”

Sư nghiêm mặt, quở: “Nếu nhắm mắt liền quên thì niệm Phật như vậy dù có niệm một vạn năm cũng vô ích! Từ nay trở đi, ông cần phải trong lúc ngủ cũng niệm Phật chẳng gián đoạn thì mới có phần thoát khổ được!

Nếu trong giấc ngủ chẳng niệm Phật được, quên mất đi, thì khi mở mắt ra liền buồn khóc, nhỏm dậy ngay, đến trước đức Phật dập đầu đến chảy cả máu, hoặc niệm ngàn tiếng, vạn tiếng, dốc cạn hết sức chính mình mới thôi. Làm như thế chừng hai ba chục lần, tự nhiên trong khi ngủ mê mệt, niệm Phật cũng chẳng bị gián đoạn.

Người đời niệm Phật hoặc là hai, ba chục năm, hoặc suốt đời niệm Phật mà đến lúc lâm chung lại thành vô dụng là do lúc ngủ nghỉ chẳng hề có ý niệm nhớ đến Phật. Người sống như đang tỉnh, người chết như nằm mộng; bởi vậy, người nào trong mộng vẫn niệm Phật, lúc lâm chung sẽ tự nhiên chẳng loạn vậy!”

Tử Bách đại sư dạy chúng ta: “Lúc ngủ bèn quên Phật hiệu, niệm Phật như vậy một vạn năm cũng không thể vãng sanh. Phải trong lúc ngủ cũng niệm Phật không gián đoạn thì mới có hy vọng thoát khổ được”.

Từ chỗ này chúng ta mới biết vấn đề nghiêm trọng cỡ nào! Đừng nói lúc ngủ Phật hiệu đã gián đoạn, chúng ta ngay trong lúc tỉnh giấc Phật hiệu cũng thường gián đoạn. Người thế gian niệm Phật suốt cuộc đời, đến lúc lâm chung không thể khởi câu Phật hiệu, đây là vì trong lúc nằm mộng chưa từng niệm Phật bao giờ. Con người lúc sống cũng giống như lúc tỉnh giác, lúc chết cũng giống như nằm mộng, cho nên trong mộng có thể niệm Phật thì lúc lâm chung gần chết sẽ tự nhiên chẳng loạn.

Câu Phật hiệu này phải thường niệm chẳng dứt, không chỉ là lúc tỉnh giấc mà ngay trong giấc mộng cũng phải thường niệm chẳng dứt. Thử hỏi mỗi sáng lúc chúng ta tỉnh giấc, ý niệm đầu tiên có phải là nghĩ đến A Di Đà Phật hay không? Cho nên lúc ngủ mở máy niệm Phật có một lợi ích, nửa đêm tỉnh giấc nghe tiếng niệm sẽ nhắc nhở chính mình niệm Phật. Nghe nói người có công phu thành phiến ngủ nghê rất ít; hơn nữa, lúc họ ngủ, Phật hiệu vẫn miên miên mật mật từng câu tiếp nối lẫn nhau, dường như đang ngủ mà chẳng ngủ.

Chúng ta hãy bình tâm tỉnh táo, suy nghĩ thử coi: Ban đêm lúc mình đang ngủ, có thể làm chủ được hay không? Lúc hoan hỷ vui cười, lúc sợ hãi, có thể vì mộng cảnh kích thích làm cho tâm khởi lên câu Phật hiệu hay không? Giả sử không thể làm chủ, thì đến ngày Ba Mươi tháng Chạp (ví dụ lúc lâm chung), vợ con nhiễu loạn, bịnh tật hôn mê, phong đao cắt thịt, đau khổ bức bách, thêm vào những sự kiện trải qua lúc sanh tiền, và những trói buộc vương vấn chưa dứt sau khi chết, mỗi thứ này đều nổi dậy trong tâm, làm sao có thể làm chủ để niệm Phật cầu sanh Tây Phương cho được? Phải biết: Nếu ban ngày có thể làm chủ, lúc nằm mộng làm chủ một nửa cũng không nổi. Dù lúc nằm mộng có thể làm chủ, lúc chết làm chủ một nửa cũng không được. Vì lúc nằm mộng là hôn mê một nửa, lúc chết là hoàn toàn hôn mê!

Các vị đồng tu đã đích thân thấy rất nhiều người niệm Phật lâu năm, đến lúc lâm chung bị bịnh khổ quấy nhiễu, chẳng thể niệm Phật, thậm chí không chịu nghe tiếng Phật hiệu, hoặc chỉ nghĩ nhớ người thân, không chịu nghĩ nhớ Phật, niệm Phật, hoặc hôn mê bất tỉnh, chẳng thể niệm Phật, nghe Phật. Nếu không nghĩ nhớ duyên thế gian, bèn lưu luyến tài sản nhà cửa. Nếu không lâm vào tình trạng bịnh khổ khó chịu, bèn hôn mê chẳng tỉnh táo. Do vậy, tuy người ấy muốn vãng sanh, nhưng không biết lại lưu lạc sanh tử đến chốn nào?

b. Lâm chung Di Đà "từ bi gia hựu, lịnh tâm bất loạn"

Pháp sư Linh Chi đời Tống nói: “Phàm người lâm chung, thần thức chẳng thể làm chủ. Hạt giống nghiệp thiện hay ác, không gì chẳng phát hiện. Hoặc khởi ác niệm, hoặc khởi tà kiến, hoặc sanh luyến ái hệ lụy, hoặc phát ngông cuồng. Ác tướng chẳng giống nhau, hết thảy đều là điên đảo”.

Nghĩa là phàm phu lúc lâm chung, tâm chẳng thể làm chủ, hạt giống thiện ác nghiệp tập trong thức điền khởi lên tơi bời. Có người khởi ác niệm, có người khởi tà kiến, chửi bới Phật, phỉ báng Pháp. Có người tham luyến tài sản, quyến thuộc, có người tâm thần phát cuồng. Mọi thứ ác tướng này đều là điên đảo. Người lúc bình sanh tạo trọng tội, lúc lâm chung do ác nghiệp lực, thấy các ác tướng khủng bố, lông tóc dựng đứng, tay chân bấn loạn, không thể khống chế đại tiểu tiện, tay quờ quạng vào hư không, hai mắt trắng bệch, miệng sùi bọt... Hơn nữa, Tứ Đại phân tán, đau khổ cùng cực, giống như con trâu sống bị lột da, con rùa bị lột mai (con rùa bị lột mai rồi bỏ vào nước đun sôi). Trong tình trạng như trên, ai có thể tâm không điên đảo, chánh niệm phân minh? Vì thế, đức Phật A Di Đà bố thí đại từ bi. Trong khi hành nhân bị khốn đốn lúc lâm chung, Ngài dùng Phật lực gia trì chúng sanh, làm cho tâm người ấy không điên đảo, lại được đại chúng vây quanh, khiến cho tâm người đó được an ổn, trong niềm hoan hỷ ấy bèn vãng sanh cõi Cực Lạc.

Trong kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ, đức Phật dạy: “Lúc mạng lâm chung, Vô Lượng Thọ Phật và và vô lượng Thanh Văn đệ tử, Bồ Tát chúng cùng đến, trước sau vây quanh, đến trước người ấy, từ bi gia hựu khiến cho người ấy tâm bất loạn”. Từ câu “từ bi gia hựu khiến cho tâm người ấy bất loạn”, có thể thấy những kẻ bình phàm lúc lâm chung đều nương cậy Phật lực gia trì, khiến cho tâm người đó được bất loạn, chánh niệm phân minh.

Sách Viên Trung Sao nói: “Tuy chúng sanh trong thế giới Sa Bà có thể niệm Phật, nhưng Kiến Tư phiền não mạnh mẽ, mênh mông, chưa thể phục đoạn. Lúc lâm chung có thể tâm chẳng điên đảo, vốn chẳng phải do tự lực có thể an trụ, mà hoàn toàn nhờ Phật Di Đà cứu bạt. Vốn chẳng có chánh niệm, nhưng có thể sanh khởi chánh niệm; do vậy, có thể tâm chẳng điên đảo, cho nên liền có thể vãng sanh ngay trong lúc ấy”.

Kinh Bi Hoa nói còn rõ ràng hơn, đức Phật A Di Đà dạy: “Lúc người ấy lâm chung, ta và đại chúng vây quanh, hiện ra trong tâm người vãng sanh. Người ấy thấy Ta đến tiếp dẫn, nội tâm hoan hỷ. Lúc ấy, ta nhập Vô Ế Tam Muội, do tam muội lực bèn ở trước người đó thuyết pháp. Nhờ nghe pháp, người đó lập tức đoạn hết thảy khổ não, tâm sanh đại hoan hỷ, bèn đắc Bảo Trí tam muội. Do sức tam muội ấy, khiến cho tâm trụ trong chánh niệm và Vô Sanh Pháp Nhẫn, sau khi mạng chung, ắt sanh về cõi nước của ta”.

Vì thế, chỉ có người tu hành đầy đủ công năng đặc thù mới có thể dựa vào tự lực để lúc lâm chung tâm bất điên đảo, chánh niệm phân minh, như nhập Thiền Định. Chuyện này hạng bình phàm nghiệp nặng không có cách nào làm nổi, do vì lúc ban ngày không thể làm chủ, lúc nằm mộng bèn không thể làm chủ. Trong mộng không thể làm chủ, lúc mang bịnh bèn không thể làm chủ. Trong lúc bị bịnh không thể làm chủ, lúc chết sẽ không thể làm chủ, vì lúc chết nỗi thống khổ sâu nặng nhất. Nhưng nương nhờ nguyện lực thù thắng của Phật gia trì, hành nhân Tịnh nghiệp lúc lâm chung tâm thức có thể thanh minh, an tường, chẳng điên đảo, chẳng bấn loạn, chẳng trải qua thân Trung Ấm, hóa sanh trong hoa sen nơi thế giới Cực Lạc. Người tu Tịnh Độ được nhiều an lạc! Lúc sanh ra đã an lạc, lúc chết còn an lạc hơn, chẳng phải trải qua thân Trung Ấm. Người tu hành tốt đẹp có thể biết trước thời giờ vãng sanh, có thể ngồi, thậm chí đứng vãng sanh. Do nguyên nhân này, Phổ Hiền đại sĩ dạy đại chúng trong thế giới Hoa Tạng phát nguyện:

“Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời
Tận trừ nhất thiết chư chướng ngại
Diện kiến bỉ Phật A Di Đà,
Tức đắc vãng sanh An Lạc sát” (

Nguyện con lúc mạng sắp kết thúc,
Diệt trừ hết thảy các chướng ngại
Trông thấy đức Phật A Di Đà
Liền được vãng sanh cõi An Lạc)

c. Nguyên nhân khiến cho Phật hiệu bị gián đoạn.

Người ta ai cũng biết nói “một câu Phật hiệu niệm đến cùng”, nhưng lúc thật sự niệm bèn chẳng thể nào niệm đến cùng, cứ thường bị gián đoạn, chưa đến cùng đã bị gián đoạn. Nguyên nhân Phật hiệu gián đoạn gồm có:

c1. Tình chấp

Câu Phật hiệu của chúng ta cứ thường bị tình chấp cắt đứt, chẳng thể thường niệm chẳng dứt. Đối với người khác, chúng ta đương nhiên là có tình chấp, đối với sự, đối với vật, chúng ta cũng có tình chấp.

Hành Sách đại sư dạy:

“Nếu như sự nghiệp Sa Bà vẫn còn vương vấn, một nóng mười lạnh, tâm chẳng chuyên dốc, lúc gặp ngũ dục bèn như keo, như sơn, khi gặp phải nghịch cảnh sẽ kết oán nuôi hận, mà muốn lúc mạng chung đức Phật đến tiếp dẫn, ắt chẳng thể được cứu! Há chẳng phải là chuyện khó ư?

Xét theo đó, pháp môn Tịnh Độ là thuốc, nhưng tham ái Sa Bà là chất kỵ thuốc ấy. Chúng sanh nghiệp bệnh tuân lời uống thuốc của đấng Y Vương, vừa uống thuốc ấy xong liền ăn no ứ chất kỵ thuốc, có nên hay chăng? Lúc mạng sắp hết, tâm đặt nặng vào đâu sẽ đọa về đó. Do tịnh nhân yếu nhỏ, khó thoát khổ luân, bèn đổ ngược Y Vương khiến người lầm lạc, Phật pháp chẳng linh! Xót thay! Bọn họ điên đảo đến cùng cực vậy! Sao chẳng nghĩ đến pháp xã nơi núi Khuông Lư, mười tám vị cao hiền, một trăm hai mươi ba người lưu hiện điềm lành chép đầy trong sách vở. Cổ kim nhật nguyệt, cổ kim sơn hà, họ đã là trượng phu, sao ta chẳng được như họ? Phải biết rằng ta chẳng được như họ chỉ vì còn chưa buông xuống được những điều mình đặt nặng đó thôi!

Nhưng tôi xem ra, hiện thời những kẻ phú quý, lanh lẹ, thành đạt, thì hoặc là tham mến thanh sắc thô tệ, chẳng biết gốc khổ, hoặc tham luyến danh tiếng nhỏ tí như cái sừng con ốc, chẳng biết là hư huyễn, hoặc lại thích trồng trọt, buôn bán kiếm lợi, toan tính kinh doanh. Phí hèn suốt cả đời này, tương lai theo nghiệp lưu chuyển; chẳng biết, chẳng nghe đến y báo, chánh báo trang nghiêm thắng diệu trong cõi Phật kia, từ sống đến chết chưa từng khởi một tâm niệm hướng đến vãng sanh, chẳng bằng kẻ tối ngu, cùng quẫn, phần nhiều biết niệm Phật, từ chỗ tối vào chỗ sáng, chuyển sanh vào nơi thù thắng!

Vì thế, nay tôi kính khuyên các bạn: Ai đã ghi danh vào Liên Xã, người ấy chính là hoa Ưu Đàm trong nhà lửa, hãy nên đầy đủ ý nguyện chân thật, phát tâm ưa chán, coi tam giới như lao ngục, coi vườn nhà như gông cùm, coi thanh sắc như trầm độc, coi danh lợi như xiềng xích, coi cảnh ngộ cùng quẫn hanh thông trong mấy mươi năm hệt như giấc mộng đêm qua, coi một kỳ thọ báo trong cõi Sa Bà như nơi quán trọ, ngủ qua một đêm liền bỏ đi, chỉ lấy việc trở về nhà làm trọng. Như ý cũng được, chẳng như ý cũng xong, bỏ được những chuyện chỉ tồn tại trong chốc lát, nhất tâm niệm Phật. Nếu thật sự làm được như thế mà chẳng sanh Tịnh

Độ thì chư Phật đều thành nói dối. Xin hãy cùng gắng sức!”

c2. Ngoại duyên

Phật hiệu của chúng ta cứ thường bị ngoại duyên cắt đứt, chẳng thể thường niệm chẳng dứt. Lúc trước, có một vị cư sĩ, ông ta là một người rất tốt, tổ chức rất nhiều Niệm Phật Đoàn, khuyên rất nhiều người niệm Phật. Nhưng chính ông ta chẳng có thời gian niệm Phật, mỗi ngày đều có người đến mời ông sắp xếp công chuyện ở đạo tràng, hoặc mời ông đi thăm bịnh nhân, hoặc mời ông đi hoằng pháp lợi sanh. Cả ngày chạy tới chạy lui, ngoại duyên quá nhiều, thường bận rộn đến nỗi chẳng có thời gian ngủ nghỉ. Lúc đó, có người cảnh cáo ông ta: “Nếu ông không lắng lòng niệm Phật, sẽ chết rất khó coi!” Đợi đến khi ông muốn từ chối các ngoại duyên, muốn đóng cửa tĩnh tu, căn bản là không thể nào yên tĩnh được. Có một lần, ông ngã bịnh, trong tâm nghĩ thừa lúc dưỡng bịnh ở nhà an tĩnh mấy ngày để niệm Phật, không ngờ điện thoại từ sáng tới tối cứ reo hoài chẳng ngừng. Cắt dây điện thoại liền có người gõ cửa kiếm ông, nườm nượp chẳng dứt, ngoại duyên nhiều đến nỗi chẳng thể nào cự tuyệt. Cuối cùng, trong một lúc gặp tai nạn ngoài đường, ông chết đột ngột. Lúc chết, chẳng có một người thân hoặc đạo hữu nào ở kế bên. Sau khi chết liền bị đưa đến phòng đông lạnh trong bịnh viện. Đợi đến lúc người thân đến mở tấm vải che mặt ông, thật đúng như lời người đã cảnh cáo ông lúc trước “chết rất khó coi”.

Chuyện này là một “tấm gương của chiếc xe đằng trước bị đổ” rất sâu sắc, đáng cho chúng ta suy gẫm, hy vọng chúng ta sẽ không đi theo dấu vết xe trước. Rất nhiều người bận rộn tối ngày, họ không biết chuyện gì mới là chuyện lớn nhất, quan trọng nhất trong đời này? Trong tâm chúng ta, tự mình phải phân biệt rõ ràng. Người thượng căn đương nhiên có thể thường niệm chẳng dứt trong hết thảy các cảnh duyên bên ngoài. Nhưng chúng ta là kẻ hạ căn, nếu muốn thành tựu, tâm nhất định phải kiên quyết, tạm thời phải cự tuyệt ngoại duyên. Tốt nhất là chẳng có ngoại duyên, đừng chủ động phan duyên! Một khi vướng vào các ngoại duyên, nó sẽ làm cho quý vị chẳng có cách nào chạy thoát.

Do vậy, Tây Phương Xác Chỉ có đoạn chép: “Tám chữ 'cưỡng thuận nhân tình, miễn tựu thế cố' (miễn cưỡng thuận theo nhân tình, gượng ép thuận theo thế nhân), đã lầm lẫn đại sự của đời bạn. Đạo nghiệp chưa thành, vô thường đã đến nhanh chóng. Hãy nên ẩn giấu tông tích, cất giấu tài năng, nhất tâm hướng về đạo, không thể lầm lẫn nữa”.

Lúc ngài Tỉnh Am còn tại thế, cư sĩ Mao Tĩnh Viễn là một vị thường được tán thán là một nhà đại từ thiện. Tỉnh Am đại sư viết một lá thơ khuyên ông niệm Phật như sau:

“Cư sĩ dựng cầu xong có thể nói là không công nào lớn hơn, nhưng tâm cư sĩ ham làm lành không chán; vừa xong một việc lành này, đã làm ngay việc lành khác, hay thì hay đấy, nhưng việc lớn sanh tử thì như thế nào?

Nếu chẳng coi việc lớn sanh tử là gấp, cứ cắm cúi làm lành, thì sự lành dù to như núi Tu Di, cũng đều là nghiệp duyên sanh tử, biết đến ngày nào xong? Thiện sự càng lắm, sanh tử càng rộng! Một niệm ái tâm, muôn kiếp trói buộc, có đáng sợ hay chăng?

Cư sĩ tham cứu thấu đạt công án thế gian từ lâu, đã tu tập Tịnh nghiệp Tây Phương từ lâu, nhưng cái tâm sanh tử chẳng thiết, gia duyên chưa buông xuống được, tạ tuyệt nhân tình chưa nổi, tâm niệm Phật chẳng chuyên là vì sao? Vì gốc lợi danh chưa đoạn đó chăng? Vì ái niệm lôi kéo, ràng buộc đó chăng?

Ðối với hai điều ấy, ông hãy nên để tâm suy xét kỹ. Nếu như chẳng thể chặt đứt hết thảy gia duyên, thế sự, tận lực vâng giữ sáu chữ hồng danh mà mong thoát khỏi Sa Bà, mong sanh về An Dưỡng thì khó lắm đấy!

Chẳng sanh về An Dưỡng mà muốn thoát khỏi sanh tử, đã chẳng thoát khỏi sanh tử mà muốn khỏi bị đọa lạc, xét ra, càng khó hơn nữa! Ví dù một đời, hai đời chẳng đánh mất thân người, liệu có kham nổi mãi không?

Than ôi! Cư sĩ huệ tâm lanh lợi, sáng suốt như thế, gia duyên sung túc như thế, con cháu hiền năng như thế, việc gì cũng vừa ý, mà còn chẳng thể buông nổi vạn duyên, nhất tâm niệm Phật thì là trời phụ người, hay người đã phụ trời vậy?

Chẳng lấy việc niệm Phật làm gấp, chỉ lấy chút điều lành nhỏ trong đời làm gấp, chẳng lấy việc lớn sanh tử làm đầu, chỉ coi phước báo nhân thiên là trọng, thì là hạng chẳng hiểu trước, sau vậy!

Tuy cư sĩ chẳng cầu phước, nhưng thường làm phước, tuy muốn thoát sanh tử, nhưng lại bị trở vào trong sanh tử, đều là do ông chẳng biết rằng mình đã lơ là cõi kia, coi trọng cõi này, đến nỗi bánh xe đã xoay ngược mà vẫn cứ mong tiến lên!

Bây giờ, việc chính của cư sĩ là hãy nên tạ tuyệt việc đời, nhất tâm niệm Phật, kèm thêm hai chữ “trì trai” thì mới thật là tận mỹ!

Nói chung, chẳng thể dùng tán thiện khơi khơi để đạt đến cõi Phật Tây Phương, chẳng thể cậy vào lười biếng để thoát khỏi vạn kiếp sanh tử được! Vô thường nhanh chóng, ngày đêm xảy tới ngay, há chẳng sớm lo liệu hay sao?”

c3. Vọng tưởng

Phật hiệu của chúng ta cứ thường bị vọng tưởng cắt đứt, chẳng thể thường niệm chẳng dứt. Ấn Quang đại sư dạy:

“Con người ở trong thế gian chẳng thể siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, đều do vọng niệm gây ra. Hiện nay lúc niệm Phật hãy nghĩ là mình đã chết và chưa vãng sanh. Trong mỗi ý niệm, hết thảy những ý niệm tình chấp trong thế gian đều gạt hết ra ngoài. Ngoại trừ một câu Phật hiệu này, chẳng để cho có một niệm nào khác! Làm sao có thể thực hiện điều này? Hãy nghĩ mình đã chết rồi, hết thảy vọng niệm đều chẳng cần thiết. Nếu có thể nghĩ như vậy, ắt sẽ có lợi ích lớn.

Còn lúc thường ngày có quá nhiều vọng tưởng, muốn có thần thông, có danh tiếng, có pháp duyên, đắc đạo... Như vậy là dùng vọng tưởng làm bổn tâm của mình, càng dõng mãnh tinh tấn, các vọng tưởng ấy sẽ càng lớn, càng nhiều. Nếu không giác chiếu dập tắt vọng niệm ấy, sau này sẽ bị ma dựa phát cuồng, đâu phải chỉ là vọng tưởng mà thôi! Do vậy, phải gấp buông bỏ những vọng tưởng quá mức ấy.

Phàm những lúc có ý niệm phẫn nộ, dâm dục, háo thắng, uất ức tình cờ khởi lên, lập tức hãy nghĩ: 'Mình là người niệm Phật, sao lại khởi lên những ý niệm như vậy?' Khi ý niệm ấy vừa khởi lên liền bị dập tắt, lâu ngày, phàm những ý niệm mệt óc, tổn thân sẽ chẳng khởi lên nữa. Cả ngày do được công đức chẳng thể nghĩ bàn của Phật gia trì thân tâm, tôi dám bảo đảm, không đầy mười ngày, liền thấy hiệu quả to lớn tức khắc. Nếu lâu lâu mới niệm một câu, hai câu, mà muốn có hiệu quả, đó là tự gạt mình và lừa dối người”.

Liên Trì đại sư dạy: “Vọng niệm là bịnh, niệm Phật là thuốc. Bịnh lâu ngày, chẳng thể chỉ dùng một thang thuốc liền trị lành được! Vọng niệm tích lũy lâu ngày, chẳng thể dùng một ý niệm tạm thời mà có thể diệt trừ, cùng một đạo lý! Đừng để ý lo nghĩ về những vọng niệm lung tung này, chỉ quý ở chỗ niệm Phật tinh tấn, thiết tha. Từng chữ rõ ràng, từng câu nối tiếp nhau, ra sức chấp trì thì mới có phần xu hướng. Tích lũy chân thật lâu ngày, đến một ngày nào đó, hoát nhiên thành tựu, ví như mài chày thành kim, luyện sắt thành gang, nhất định sẽ chẳng sai. Nhập đạo có nhiều cửa, chỉ có một cửa này là đường tắt. Không thể chểnh mảng, coi thường!”

c4. Hỷ nộ

Câu Phật hiệu của chúng ta cứ thường bị cắt đứt bởi hỷ nộ, không thể thường niệm chẳng dứt. Chúng ta hãy coi một đoạn khai thị của Tử Bách đại sư: “Pháp môn Niệm Phật, giản dị, thuận tiện bậc nhất. Nhưng người niệm Phật hiện nay đều chẳng có ý chí quyết định. Do vậy, trăm ngàn người niệm Phật, chẳng có một hai người thành tựu! Một câu Phật hiệu này, hết thảy Bồ Tát, hết thảy chư thiên, hết thảy mọi người, phàm những người được sanh Tây Phương, không ai chẳng nhờ một câu A Di Đà Phật này mà được thoát khổ hải. Nhưng tâm niệm Phật có chân thật hay không, có thể khám nghiệm trong hai lúc hoan hỷ và phiền não; tâm ấy chân thật hay không, liền có thể nhận biết. Người thật sự dùng chân tâm niệm Phật thì lúc hoan hỷ, phiền não, vẫn niệm niệm không gián đoạn. Phiền não không thể khuấy động người đó, hoan hỷ cũng không thể phá khuấy người đó. Phiền não và hoan hỷ đã không thể động tâm, thì khi gặp cảnh duyên sanh tử, sẽ tự nhiên chẳng kinh sợ. Người niệm Phật hiện nay khi gặp một chuyện hỷ nộ nhỏ, câu A Di Đà Phật bèn ném ra ngoài sau ót, vậy thì làm sao niệm Phật linh nghiệm được? Nếu niệm như tôi nói, nếu quả thật lúc yêu thích hay oán ghét cũng chẳng mất câu A Di Đà Phật, mà hiện tại không đạt được thọ dụng, lúc lâm chung chẳng thể vãng sanh, thì lưỡi tôi nhất định sẽ bị tan rã. Nếu quý vị chẳng thực hành theo lời tôi nói, niệm Phật chắc chắn sẽ chẳng linh nghiệm, lỗi ở nơi quý vị, chẳng liên can gì đến tôi”.

d. Thường niệm bất tuyệt chính là "như con nhớ mẹ "

Ấn Quang đại sư khai thị: Đại Thế Chí Bồ Tát dùng ví dụ 'như con nhớ mẹ'. Tâm đứa con chỉ nghĩ về mẹ, những cảnh duyên khác đều chẳng để trong lòng, cho nên có thể cảm ứng đạo giao. Ví như con thơ nhớ mẹ, cả ngày không lúc nào chẳng nghĩ nhớ tới mẹ mình. Dù lúc ngủ nghê, tắm rửa, làm vệ sinh, sao có thể để tâm mình hoàn toàn quên bẵng chuyện niệm Phật cho được? Đã ghi nhớ chẳng chướng ngại, trong tâm niệm thầm cũng chẳng ngại. Người tu Tịnh Độ tùy phần tùy sức, há cứ phải buông hết vạn duyên mới có thể tu trì hay sao? Ví như hiếu tử nghĩ nhớ mẹ, kẻ dâm mê gái đẹp, tuy trong hằng ngày trăm việc bận rộn, một niệm này chẳng khi nào quên mất. Người tu Tịnh Độ cũng vậy. Mặc cho suốt ngày bận rộn, phiền toái, quyết chẳng quên mất niệm Phật, như vậy là đã đạt được điểm trọng yếu.

e. Tiểu kết

Nếu quả thật tâm vì sanh tử khẩn thiết, chỉ sợ đọa vào ba đường ác, chịu khổ vô lượng, mong thoát ra chẳng được, ắt sẽ thường niệm chẳng dứt câu Phật hiệu này. Nếu quả thật chua xót nghĩ tới vô thường giống như cứu đầu đang bị cháy, lúc nào cũng nghĩ đến lúc lâm chung, câu Phật hiệu này ắt sẽ thường niệm chẳng dứt. Nếu quả thật có chân tín, thiết nguyện, niệm niệm đều cầu sanh Tịnh độ, một khắc cũng chẳng chịu dừng lại ở cõi Sa Bà này, câu Phật hiệu này ắt sẽ thường niệm chẳng dứt. Ngược lại, câu Phật hiệu này cứ thường bị gián đoạn, thường quên mất, tín nguyện của chúng ta đã có vấn đề, phải hạ thủ công phu nơi chân tín, thiết nguyện. Nếu quả thật có thể thường niệm chẳng dứt, ắt sẽ đắc đạo nhanh chóng, giống như lão hòa thượng Hải Hiền vậy.

Cuối cùng xin cúng dường đại chúng một đoạn văn của Liên Trì đại sư: “Người xưa dạy thân cận minh sư, cầu thiện tri thức. Nhưng thiện tri thức thật ra sẽ không miệng truyền, tâm trao pháp môn bí mật, chỉ giúp người ta tháo dính mắc, cởi trói buộc mà thôi, đó là bí mật. Ngày nay tám chữ „chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn‟ chính là pháp môn tháo dính mắc, cởi trói buộc, chính là con đường lớn để thoát ly sanh tử. Sáng niệm, tối niệm, đi niệm, ngồi niệm, niệm niệm nối tiếp, sẽ tự thành tam muội, đừng tìm nơi nào khác nữa”.

Báo cáo tới đây, kính xin sư phụ thượng nhân và chư vị thiện tri thức phê bình, đính chánh, chẳng tiếc lời chỉ dạy.

A Di Đà Phật.
Bất tiếu đệ tử, Thích Tự Liễu khấu trình


Lão Hòa thượng giảng:

Các vị đồng học chúng ta đều coi, đều nghe bài báo cáo này của pháp sư Tự Liễu, hãy quay đầu lại ngẫm nghĩ, chúng ta có phải là những người được nhắc đến trong bài báo cáo này không? Trong sáu thời, có phải là câu Phật hiệu thường bị đánh mất hay không? Đúng là có lúc đánh mất cả mấy giờ đồng hồ, vừa mất là mấy lần hai mươi tiếng đồng hồ, đây là chuyện bình thường. Pháp môn Tịnh Tông vô cùng thù thắng, câu danh hiệu vô cùng thù thắng này, có phải là chúng ta đã thật sự hiểu rõ rồi hay chưa? Nếu thật sự hiểu rõ, trong sáu thời sẽ không bao giờ đánh mất câu Phật hiệu này, giống như cổ đại đức đã nói “ban đêm nằm mộng cũng niệm Phật”. Vì sao lại đánh mất? Thật ra, đối với pháp môn này, chúng ta chỉ hiểu phân nửa, cần phải giáo dục từ chỗ này.

Lão cư sĩ Hạ Liên Cư hà tất phải hội tập kinh này? Có cần thiết hay không? Nếu người học Phật chúng ta, hiểu rõ ràng, hiểu rành rẽ bộ kinh này một cách rốt ráo, đó là hiện tượng gì? Tín tâm kiên định, nguyện tâm chẳng đổi dời. Ngẫu Ích đại sư đã dạy: Tín nguyện là điều kiện tiên quyết để vãng sanh Tịnh Độ, có tín có nguyện, nhất định sẽ được vãng sanh. Còn công phu niệm Phật sâu hay cạn, sẽ quyết định phẩm vị cao hay thấp khi vãng sanh thế giới Cực Lạc. Do đó, có thể thấy chuyện quan trọng nhất của người niệm Phật là chân tín, thiết nguyện, chúng ta nẩy sanh vấn đề ở chỗ này! Lão hòa thượng Liên Công hội tập kinh này, mục đích là gì? Mục đích là giảng rõ ràng, giảng rành rẽ, giảng thấu suốt về hai thế giới Cực Lạc và thế giới Sa Bà, để cho chúng ta lắng lòng tư duy, chọn lựa.

Thế giới Sa Bà, đặc biệt là trong xã hội ngày nay, cả địa cầu động loạn, chẳng yên ổn. Lần động loạn này chưa hề có trong lịch sử thế gian, đã loạn đến mức cùng cực rồi. Con người sống trong thế gian giàu nghèo, sang hèn, có ai không khổ? Người bần cùng đã khổ, người giàu sang càng khổ hơn, có đáng để lưu luyến hay không? Niềm vui của thế giới Cực Lạc, mỗi ngày chúng ta đọc kinh đều nghe nói tới, vì sao chẳng khẳng định hạ quyết tâm mong muốn vãng sanh? Vì bán tín bán nghi: “Có thiệt hay không? Thật sự giống như trong kinh diễn tả hay sao? Có thiệt không?” Vấn đề ở chỗ này! Vì sao? Tuy chúng ta nghe kinh, niệm kinh rất nhiều, vẫn hoài nghi chẳng dứt! Thiệt đó! Có người suốt đời đến lúc gần chết đều chẳng thể đoạn nổi. Lúc gần chết niệm A Di Đà Phật, lại nghĩ “Phật có thiệt hay không? Ngài sẽ đến tiếp dẫn tôi sao?” Vẫn còn niềm nghi ngờ ấy. Do vậy, chữ Tín này, khó lắm, khó lắm!

Tôi đã từng nói, hai năm sau khi xuất gia, tôi mới thọ giới. Cả đời tôi tùy duyên, duyên thọ giới lúc đó đã chín muồi. Sau khi thọ giới xong, trở về Đài Trung đảnh lễ thầy tôi, cảm ơn thầy đã dạy dỗ, vun bồi. Thầy ở Thư Viện Từ Quang. Tôi đến Thư Viện, vừa bước đến ngoài cổng, thầy ở bên trong nhìn thấy, thầy lấy tay chỉ tôi: “Này con, con phải tin Phật nghe!” Thầy nói câu ấy cả mười mấy lần. Tại sao tôi học Phật hết bảy năm, đã xuất gia rồi, xuất gia xong liền đi dạy ở Phật Học Viện, đã dạy ở Phật Học Viện hết hai năm, nay thọ giới xong, về thăm Thầy, tại sao Thầy lại dạy tôi phải tin Phật? Tôi rất ngạc nhiên, chẳng hiểu vì sao thầy nói như vậy. Tôi bước vào bên trong, thầy bảo tôi ngồi xuống, nói:

“Con có hiểu lời thầy hay không?”

Tôi thưa chưa hiểu, suy nghĩ chẳng thông suốt. Thầy bèn dạy:

“Có nhiều vị lão hòa thượng tới lâm chung cũng còn chưa tin!”

Đó là sự thật, chẳng giả, chứng tỏ niềm tin rất là khó. Trong Tịnh Độ Tông, Tín là căn bản, là điều thứ nhất trong ba tư lương. Nếu chẳng có Tín, Nguyện và Hạnh ở phía sau sẽ chẳng còn nữa, lấy đâu ra Nguyện và Hạnh? Nguyện tức là cầu sanh Tịnh Độ, Hạnh tức là thật thà niệm Phật. Câu Phật hiệu này cứ quên mất hoài, chứng tỏ Tín Nguyện đã có vấn đề.

Chúng ta thiệt có phước, thiệt có thiện căn, thiệt có duyên phận tốt đẹp, vì sao? Chúng ta có thể đọc bản báo cáo này, nghe những âm thanh này, chẳng dễ dàng! Đây là bạn tốt của chúng ta, thiện tri thức, giờ phút nào cũng có người nhắc nhở chúng ta. Khóa giảng lần thứ tư chúng ta dùng phương thức này, học viên trao đổi tâm đắc trong lớp học tập, thực hiện những tâm đắc đã tiếp nhận trong lớp học tập này như thế nào? Làm thế nào để thật sự thực hiện? Trong khi thật sự thực hiện, sẽ xuất hiện nhiều vấn đề, giải quyết những vấn đề ấy ra sao? Làm thế nào để giúp cho chúng ta không đi đường vòng, không lạc vào đường tà? Đấy chính là phước báo thật sự, đấy chính là đức Phật A Di Đà gia trì. Trong nhóm đồng học, đích thực là có những người có tâm đắc, họ chia sẻ tâm đắc với chúng ta. Họ đạt được thọ dụng, họ chẳng tự tư tự lợi, chia sẻ thọ dụng của họ với chúng ta, công đức ấy mới là viên mãn, mới rốt ráo. Hy vọng trong tương lai, chúng ta ở trong thế giới của Phật A Di Đà, có thể họp mặt ở thế giới Cực Lạc lần nữa, thành tựu đạo nghiệp trong giảng đường của Phật A Di Đà.

Vì thế, sau khi đã hiểu rõ ràng, chúng ta sẽ triệt để buông xuống. Có buông xuống, công phu mới đắc lực. Không buông xuống, công phu sẽ không đắc lực. Tôi thấy vậy, rất đau lòng, chỉ có thể đau lòng rát miệng hướng dẫn đại chúng bằng những lời kinh. Trong các đồng học, có người nghe xong đã hiểu rõ, hiểu rành rẽ, bèn chia sẻ tâm đắc khiến cho chúng ta tăng trưởng tín tâm, giúp cho nguyện tâm chúng ta thêm vững chắc, thường niệm câu Phật hiệu chẳng dứt. Thường niệm chẳng dứt, mới có thể nắm chắc vãng sanh bất thoái thành Phật trong đời này.

Do vậy, những bài báo cáo này, tức là những báo cáo tâm đắc học tập, đều được lưu giữ. Chúng ta sẽ chọn lựa, tuyển chọn những bài quan trọng nhất rồi in thành sách, thường cung cấp cho đồng tu tham khảo. Chuyện này rất cần thiết. Đến cuối năm nay, mỗi năm sẽ in một cuốn. Lần giảng thứ tư này, vì thời gian giảng kinh chỉ còn một nửa, lúc trước đã giảng bốn giờ đồng hồ, nay chỉ còn hai giờ. Khóa học kinh này viên mãn phải mất hai năm. Mức tiến triển này không thành vấn đề, quan trọng nhất là kiên định Tín Nguyện, phải học tới mức trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, đều có thể chẳng đánh mất câu Phật hiệu giống như lão hòa thượng Hải Hiền. Đối với chuyện thế gian, thậm chí những Phật sự, tôi thường nói, đều phải tùy duyên. Nếu hữu duyên, nếu chuyện ấy có lợi ích thật sự đối với Chánh Pháp, đối với chúng sanh, thì phải làm, chẳng thể không làm. Nếu không làm, sẽ chẳng có tâm từ bi. Nếu làm, có chướng ngại chuyện niệm Phật hay không? Không chướng ngại. Nếu chuyện ấy cần suy nghĩ, hãy buông Phật hiệu xuống. Làm xong việc, lại đề khởi Phật hiệu trở lại. Như vậy là đúng, như vậy không tính là “đánh mất” Phật hiệu (gián đoạn). Sự việc càng ít càng tốt, nhiều một chuyện không bằng ít một chuyện, ít một chuyện không bằng chẳng có chuyện gì, đừng kiếm thêm chuyện!

Hiện nay, chúng tôi cư trú ở Toowoomba. Cái duyên ở Toowooba này hình như đã chín muồi, chỉ cần ra sức thêm một chút, tất cả sẽ đi vào nề nếp, cái duyên ấy chính là sự đoàn kết tôn giáo. Ý nghĩa đoàn kết tôn giáo ở chỗ nào? Dùng sức mạnh của giáo dục tôn giáo để giúp đỡ xã hội hóa giải xung đột, thúc đẩy an định hòa bình. Chỉ có xã hội an định hòa bình thì mới có thể thành tựu Phật pháp. Khi xã hội động loạn, Phật pháp không thể vun bồi gốc rễ. Ngày nay, chúng ta chẳng sánh bằng người xưa, nguyên nhân là gì? Nguyên nhân thứ nhất, vào thời cổ, xã hội an định. Khi xã hội an định, nhân tâm sẽ an định, thành tựu dễ dàng. Ngày nay, xã hội bất an, rối loạn, tâm chúng ta loạn theo, thành tựu rất khó. Cho nên những gì có thể giúp cho xã hội an định, hài hòa, chúng ta phải làm. Đấy là tự lợi lợi tha, tự lợi là giúp cho Phật pháp xây dựng, phát triển, lợi tha là hy vọng đại chúng đều có thể lìa khổ được vui, trở về an định, hòa hài. Phải quý tiếc duyên phận của chúng ta! Quý vị hãy xem khi chúng ta gặp tai nạn, gặp nghi hoặc, gặp xung đột, bèn có người nhắc nhở chúng ta, đấy đều là Phật lực gia trì, Phật Di Đà gia trì. Chúng ta vĩnh viễn phải cảm ơn, cảm ơn đức Thế Tôn, cảm ơn Di Đà, cảm ơn mười phương chư Phật, cảm ơn hết thảy thiện hữu.

Tốt lắm, chúng ta hãy xem bài kế tiếp.

Trong quá trình chuyển ngữ, chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, xin các bậc thức giả hoan hỷ phủ chính cho.

H.T. TỊNH KHÔNG.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Thường Niệm Chẳng Dứt Sẽ Đắc Đạo Nhanh Chóng