Chân chính học đạo phải bao gồm hai điều, ghi nhớ không quên và y giáo phụng hành tức thực hành lời dậy mà ta không quên này. Ghi nhớ tức huệ, không bao giờ quên tức định, y định huệ hành tức hành tịnh hành hay là thiện giới. Lại có thể nói, ghi nhớ không quên tức văn và tư, y giáo phụng hành tức tu.
Sở dĩ phải nhấn mạnh y giáo phụng hành, là vì người tu học cũng hành, nhưng hành theo tập khí của mình, tức kén chọn lời dậy nào thấy thích và có lợi thì hành, còn những điều dậy bảo khác với ý và lợi của mình ắt dẹp bỏ qua một bên. Đã hành theo tập khí tất hành theo các pháp luân hồi sinh tử mà ta đã quen hành trong vô lượng kiếp rồi, nên đời nay ngựa vẫn theo đường cũ mà đi, không theo con đường thoát ly mới mẻ được chư Phật chỉ bầy.
Y giáo phụng hành là pháp hành của bậc đại sỹ, như ngài Vĩnh gia nói "thượng sỹ nhất quyết nhất thiết liễu" (bậc thượng sỹ nhất quyết rồi thì muôn sự đều xong), và Lão tử nói "thượng sỹ văn đạo cần nhi hành chi" (bậc thượng sỹ nghe đạo liền nỗ lực thực hành). Như vậy "nhất quyết" của Vĩnh gia là "cần nhi hành chi" của Lão tử. Vĩnh gia nghe đạo xong là nhất quyết thực hành đến cùng, Lão tử nghe đạo xong là nỗ lực thực hành. Còn chúng ta thì sao? Nghe đạo xong khen hay, nhưng cái hay này bị vứt bỏ, hay có thất lạc cũng chẳng thấy tiếc, vẫn "nhất quyết" làm theo tập khí cho dù phải trả cái giá luân hồi sinh tử, hoặc vẫn "chuyên cần thực hành" các điều chư Phật khuyên tránh.
Đức Phật trong quá khứ tu hành xả thân đổi lấy hai câu kệ, chúng ta ngày nay vứt không biết bao nhiêu câu kệ và lời pháp, thực phạm tội khinh thường và thủ tiêu Phật pháp, tuy thường vứt bỏ nhưng lại cắm đầu đi học giáo lý ở chùa này hay đạo tràng kia, thực là điên đảo. Tổ sư chỉ cần một câu ngồi trong núi rừng quán tu mà thành đạo, không tốn một đồng mua vé máy bay, hay tiền ăn ở trong khóa học, lại chẳng làm nhọc lòng một ai, từ các vị giáo thọ thiện tri thức đến đồng hành hay ngoại hộ thiện tri thức, hết thẩy đều nhiếp hết nơi một câu, trong câu này có đủ ba hạng thiện tri thức, nên một mình tu mà vẫn đắc, còn bây giờ tu học rầm rộ, hao tài tốn lực, học đủ pháp mà ra về bằng tính không, bất tăng bất giảm. Rồi cũng khai khẩu bình luận thầy hay thầy dở, mà không tự bình luận mình sau khi học, kết quả là giỏi hay dở. Giỏi hay dở chưa rõ, chỉ rõ một điều học đâu quên đó, và bất y giáo phụng hành.
Phàm phu học đạo đòi hỏi đủ điều kiện, mà qua bao năm không thể đại hao hống, vẫn kêu tiếng the thé của loại chó rừng, vậy mà vẫn chưa chịu bỏ hết điều kiện đi, chỉ một lòng một dạ y giáo phụng hành, thử xem có đại hao hống được hay không?
Tinh thần trọng dục khinh pháp này là tập khí xưa nay của nhất thiết chúng sinh, là chủng tính của hữu tình, nếu không chừa bỏ cái tập khí này thì có học đạo cũng vô ích, và nếu có vào đạo cũng chỉ làm cho đạo lem luốc lây với thân tâm đầy tập khí ô nhiễm, cho nên không phải đông người theo đạo là tốt. Khi quy y mà coi thường Phật pháp, sợ ghi nhớ Phật pháp làm chật bộ não gom chứa dục lạc của mình, nên đào thải không màng ghi nhớ, nói gì đến không quên, những người này không biết một lời dậy của Như lai là kết quả bằng xương máu của ngài đã trải qua trong quá khứ, để hiểu được pháp này, nay chúng ta có "phúc" hơn ngài, khỏi phải hy sinh một cọng lông ngồi thoải mái nghe một cách vô tư những lời pháp kết tinh bằng máu thịt của chư Phật trong quá khứ. Nghe xong muốn lưu giữ trong tâm làm pháp bảo hay ném bỏ xó nào cũng được. chả trách Mạnh tử than, người ta mất con chó, cái búa cây đinh, còn biết đi tìm, vậy mà ta thấy thiên hạ đánh mất tâm mà chẳng thèm tìm, thực coi tâm còn thua con vật hay cây đinh.
Thánh nhân thế hay xuất thế toàn bộ đều là những người trừ bỏ được tập khí tham dục ích kỉ, để trở thành những người xả dục vì người. Phàm phu theo tập khí, thánh nhân trừ tập khí. Phật pháp là đạo giải thoát, do tập khí mà trôi lăn sinh tử, điều này thực dễ minh chứng, bao kiếp và hiện thế chúng ta vẫn đang trôi lăn trên con đường sinh tử, chúng ta người thành công hay kẻ thất bại, đều có một điểm tương đồng qua lời dậy của đức Phật "Với gậy người chăn bò, lùa bò ra bãi cỏ, cũng vậy gìa và chết, lùa người đến tử vong". Vì vậy Phật pháp dậy ta trừ tập khí sinh tử này tức ái và hữu trong thập nhị nhân duyên, tất đoạn được nhân duyên sinh tử. Nếu không y lời Phật dậy tu hành tất mang Phật pháp vào cơn sinh tử, như đức Phật cảnh giác, dùng tâm luân hồi bàn chuyện giác ngộ, thì giác ngộ đó là giác ngộ của luân hồi. Nhiều người học dạo không hiểu như vậy, cứ ngỡ rằng hễ ta ôm kinh hay tượng Phật trong lòng tất sẽ tránh được tử thần và khổ quả, mà không cần phải y giáo phụng hành.
Học Phật để thành sư tử nhi biết hao hống, nên cần y theo tiếng gầm của Sư vương học tập. Vì vậy rất cần y giáo phụng hành và đừng bao giờ cầu học Phật pháp mà đòi hỏi theo tâm ý đầy tập khí của mình.
Trời có ngày mưa ngày nắng, học đạo có lúc thuận lúc nghịch, đại chúng coi như bài này là một ngày trời nắng gắt, sau nhiều ngày mát mẻ. Trời Côn minh đang cần nắng để chặn đứng những cơn mưa làm u ám bầu trời suốt cả tuần nay.
Cầu Phật gia hộ cho tất cả.