Mọi sự lựa chọn khôn hay ngu của thế nhân đều dựa vào 3 thứ gồm: tri thức, hoàn cảnh và thói quen.
-Tri thức là thức phân biệt sự vật có lợi hay hại cho ngã.
-Hoàn cảnh là sự vật đối diện với thức phân biệt
-Thói quen là thức này đã không ngừng phân biệt mọi sự vật đối diện với thức, và trở thành thói quen phân biệt. Thói quen đó mang đầy tính phan duyên.
Cả ba thứ này đều do nghiệp tạo thành, có thể nói “nghiệp vương” là thói quen, tức hành động của thân và thức phân biệt của tâm, được lập đi lập lại trong hiện tại và quá khứ, đã trở thành thói quen sẽ được tiếp nối trong tương lai. Tác dụng của thói quen là phan duyên, cái thức phân biệt cần có cảnh để duyên vào mới phân biệt được, thức này được gọi là vọng tâm hay tâm phan duyên. Lại do tâm phan duyên vọng chấp phân biệt mọi cảnh thành nhị biên để thủ xả tức phân biệt, nên cảnh vốn không nhị biên nay bị tâm phan duyên biến thành khổ lạc nhị biên, cảnh đó được gọi là vọng cảnh, một thứ hư huyễn không thật, như khi ta ngồi trên thuyền, thuyền trôi ta vọng thấy bờ trôi, cảnh “bờ trôi” là vọng cảnh, hay huyễn cảnh, thức phân biệt thấy “bờ trôi” là vọng thức hay vọng tâm.
Như vậy vọng tâm sinh vọng cảnh (huyễn cảnh), rồi huyễn cảnh ấy lại trở ngược làm cho tâm thêm điên đảo, tức đã vọng lại vọng thêm. Nên nói huyễn cảnh là “nghiệp sở”, do đó mới biết huyễn cảnh và huyễn tâm đều do nghiệp vọng thành.
Cả ba thứ tri thức, hoàn cảnh và thói quen của chúng sinh đều đã do nghiệp tạo thành, tất nhiên nghiệp làm chủ và dẫn dắt chúng sinh theo tính phan duyên mọi huyễn cảnh để thủ xả sự vật. Nghiệp này không những dẫn dắt và làm chủ một chúng sinh, mà còn làm chủ luôn cả nhất thiết chúng sinh. Có thể nói rằng “phàm hễ bị nghiệp làm chủ đều gọi là chúng sinh”, và ngược lại hễ sai sử được nghiệp theo chiều hướng chân thật, tất thức phân biệt thành vô phân biệt trí, huyễn cảnh nhị biên trở thành thật cảnh bất động thì gọi là bậc giác ngộ. Đừng quên rằng người giác ngộ chuyển hết mọi nghiệp thành nguyện, hễ nghiệp mạnh tất phát nguyện không thành, ngược lại hễ nguyện mạnh tất mọi nghiệp đều hồi đầu thành nguyện. Thế nên phát đại nguyện là con đường “chuyển nghiệp” duy nhất, vì vậy Liên tông thập nhất tổ mới nói “Nhập đạo yếu môn, phát tâm vi thủ, tu hành cấp vụ lập nguyện cư tiên”. Nguyện không lập làm sao chuyển được nghiệp? Do vậy ta thấy tất cả Bồ tát đều phát đại nguyện. Đaạ nguyện là nguyện độ sinh, tiểu nguyện là chỉ cầu cho bản thân. Không nên lầm lẫn chuyển nghiệp tam ác đạo ra nghiệp nhân thiên với chuyển nghiệp ngũ thú luân hồi thành đại nguyện thoát ly, nói cách khác là chuyển nghiệp thế gian thành xuất thế gian.
Chúng sinh vì không đủ sức được khai thị, vẫn bám víu vào đời sống nghiệp, nên muôn thuở làm chúng sinh, vì không sao phát nổi đại nguyện. Họ vận dụng mọi cái thức phân biệt hay nhất để lựa chọn thủ xả sự vật lợi nhất, trong vòng chi phối của nghiệp lực, nên mọi cái hay nhất hay khôn ngoan này vẫn thuộc về nghiệp vô minh. Họ trau giồi và chỉ bầy nhau cái khôn ngoan đó, cái khôn của nghiệp vô minh, nên gọi đó là cái “khôn ngu. Một cái khôn đầy nguy hiểm cho tha nhân, và chỉ mang đến cho đương sự nhiều quả khổ, ngoài ra cái khôn đó không đủ giải quyết tận căn mọi thứ khổ, mà vì những thứ khổ đó chúng sinh mới phải cần vận dụng hay học hỏi cái “khôn ngu”. Cái khôn này cũng không đủ khôn để nhận ra thật lực của chính nó, là không những không giải quyết được tận căn của những mối bất lợi cho ngã, mà cũng chẳng biết chính xác cái thật bất lợi cho ngã là gì, nên càng ra tay cứu bất lợi càng tạo thêm sâu mối bất lợi cho ngã. Nó lại cũng chẳng nhận ra rằng vì không giải quyết được tận căn mọi bất lợi, nên nó vĩnh viễn tạo tác và chiêu cảm biết bao nghiệp sinh tử. Vì vậy gọi nó là “khôn ngu”.
Phật đản sinh nơi đời chỉ bầy cho chúng sinh thấy cái điên đảo “lấy ngu làm khôn”, càng mong có lợi càng thêm thất lợi, đó chẳng phải là điên đảo đó ư? Bỏ cái “khôn ngu” đó tức lìa bỏ nghiệp lực, bỏ cái “khôn ngu” đó tức không tạo tác thêm nghiệp vô minh, bỏ cái “khôn ngu” đó thì ta và người được an lạc…Dụ như có 3 người rơi xuống giếng sâu, một người chỉ tập trung vào chuyện tìm cách ra khỏi giếng, hai người kia chỉ tranh nhau chỗ tốt hay miếng ăn là chuột bọ trong đáy giếng, mà chẳng bận tâm đến sự thoát ra, hai người này tự cho mình là thực tế khôn ngoan, và chê người kia là ngu si không biết hưởng, thiếu thực tế. Họ chẳng hề biết cái khôn lẩn quẩn trong đáy giếng của họ đã giam họ lâu dài dưới giếng, cái ngu của người muốn thoát ra đã giúp người ấy giảm thiểu thời gian bị giam dưới đáy giếng, và được giải thoát.
Nếu không phải tuyệt đại đa số đều “khôn ngu” thì thế gian này đâu có chút hiểm nghèo, mà là tịnh độ, còn chúng sinh đã thành hiền thánh cả, và Lão tử đã không cần phải bất đắc dĩ mỉa mai “Hạ sĩ văn đạo, đại tiếu chi, bất tiếu bất túc dĩ vi đạo” đám hạ căn nghe đạo thường cười chê, nếu họ không chê cười thì đạo không phải là đạo nữa. Điều này chứng tỏ đạo tức sự thật thường trái với thói quen của con người, tức trái với cái “khôn ngu” của thế nhân. Chê cười đạo tức cho đạo là ngu. Song thánh nhân “ngu khôn”, bởi do cái ngu đó mà đang nghiệp thành nguyện, đang phàm thành Thánh, đang thức thành trí, đang điên đảo thành bất động, đang luân hồi thành giải thoát. Lão tử sử dụng cái ngu “hậu kì thân” mà được “nhi thân tiên”, lại thêm ngu “ngoại kì thân”, ấy mà nhờ thế được “nhi thân tồn”. Thế nhân luôn cho “hậu kì thân” lo cho mình sau cả là ngu, “ngoại kì thân” vứt mình đi chẳng màng nghĩ đến lại càng ngu khó chấp nhận, mà cần phải khôn ngoan “tiên kì thân” mình trước nhất, và “nội kì thân” cái gì cũng phải có ta trong đó mới quan tâm đó là sự khôn ngoan cần thiết, nhưng thực tế cái khôn đó khiến chúng sinh chưa bao giờ như ý, tức được trước thiên hạ, được thiên hạ bảo toàn, mà trái lại chỉ bị thiên hạ cạnh tranh ráo riết, thực là khổ sở mệt mỏi, càng khổ sở càng điên đảo tư duy “vậy mới biết ta càng phải đấu tranh nhiều hơn để được ưu tiên”, nên càng khôn hóa càng ngu. Trái lại thánh nhân càng “ngu những cái khôn đó” lại càng khôn hơn. Đó gọi là thánh nhân biết “ngu cái khôn” của thế nhân để được khôn, còn thế nhân rất “ngu cái khôn” của thánh nhân nên xứng gọi “chí ngu”.
Cái “ngu khôn” nói trên của người trí, được người trí phát triển, sao cho càng lúc càng khôn cái ngu này thâm sâu, gọi đó là “khôn cái ngu”. Vì thế mà Trang tử nói “Trí giả nhược ngu” người trí tựa như kẻ ngu vậy. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhà tiên tri trứ danh của VN cũng thể hiện “ngu cái khôn” qua câu thơ “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao”. Nơi vắng vẻ bởi nơi đó trí “khôn ngu” của thế gian chê bai không thèm đến, nhờ vậy mà vắng vẻ thanh tịnh không dấu vết bất tịnh của trí “khôn ngu”, cứ xem như việc tu tập trí huệ hành thiện đều không phải là nơi vắng vẻ lắm ư?. Còn người khôn thì tranh nhau từng chút “tài sắc danh thực thùy”, nên những chốn ngũ dục đó lắm người “khôn ngu” bu lại tranh dành quyết liệt, bất trạch thủ đoạn, btấ kể hậu quả, bảo sao không đông đảo lao xao, náo nhiệt? Thế chẳng phải cụ Khiêm nhà mình “nhận dại” là một hình thức “ngu cái khôn” đó sao? Đúng như tinh thần “Càn khôn dung ngã tĩnh, thế sự nhậm nhân mang” trời đất dung chứa cái tĩnh của ta, còn thế sự để mặc chúng tự bận buộc. Cũng trong cùng cùng một không gian đất trời mà bậc thánh thì tĩnh mịch nhàn nhã, phàm nhân thì lao xao bận buộc, đó là kết quả của sự lưạ chọn thủ xả từ nơi “khôn hay ngu”. Những người biết “ngu cái khôn” của thiên hạ, biết “khôn cái ngu” của thế gian, đều tịch tĩnh, bất tử và được tôn xưng là hàng thánh. Còn những kẻ biết “khôn cái ngu” của thánh nhân, lại “ngu cái khôn” của trí giả, chung cục đều là dân định cư trong ngũ thú luân hồi, chẳng biết bao giờ mới “xuất thú” được.
Ngài Tăng Triệu một cao đồ lừng danh của Tam tạng pháp sư Cưu Ma La Thập, viết Bát nhã Vô tri luận, đại loại nêu lên tư tưởng Bát nhã vốn vô tri, nói nôm na là trí huệ vốn không có cái biết. Sở dĩ nói như vậy, vì đứng trên quan điểm biết (tri) của chúng sinh mà luận, cái tri của chúng sinh vốn là vọng tri tức vọng thức, là cái biết hư vọng không thật, như thấy hoa đốm trong hư không, thấy trăng trôi qua đám mây, thấy bờ chạy xa thuyền…Trí huệ vốn không có cái thấy biết này, chỉ có ngu nhân vọng biết như vậy. Trên lập trường biết của chúng sinh hay còn gọi là chúng sinh tri kiến. Trí huệ thật sự hoàn toàn là vô tri, hoàn toàn không hề có mảy may cái biết này. Tri kiến chúng sinh này một khi thành “tri” thấy biết, thì trí huệ bị phủ mờ, tức cái thấy chân thật - hư không không hề có hoa đốm, trăng không trôi, bờ không chạy - bị chôn vùi, và thiên hạ bảo người chân trí đó là điên hay tưởng tượng, một hình thức “ngu” dưới cái thấy “khôn” của chúng sinh tri kiến.
Vì vậy khi có người dẫn đứa con bị điên đến nhờ Lão tử chữa. Lão tử nói “Chưa chắc nó điên, có khi cả thiên hạ điên nên thấy nó điên”. Nếu định nghĩa điên tức khác với số đông thì hơi võ đoán, và có thể đúng như lời Lão tử nói. Cần phải định nghĩa điên theo chân lý mà không theo đám đông. Nếu định nghĩa theo chân lý thì người nhận vọng làm chân mới thật sự là người điên. Vậy thì cả thế gian này điên, đức Phật mới gọi chúng sinh là “điên đảo mộng tưởng”.
Điên lấy vọng làm chân nên mới cho ngu là khôn và khôn là ngu, từ đó nghiệp thành hình và trưởng dưỡng qua năm dài tháng rộng, trở thành căn bệnh trầm kha, nan trị nan độ. Những người may mắn hữu duyên nhận được sự khai thị của Như Lai, không còn điên nữa, nên xả bỏ trí khôn của người điên, và trở thành ngu hay điên dưới mắt kẻ điên. Đó gọi là tu tập “ngu cái khôn” và “khôn cái ngu”.
Thế chẳng phải nghèo và ngu là hai đặc điểm của người tu hành trí huệ đó sao? Người có căn cơ cao thượng tất dễ được Như lai khai thị, bằng không thì cũng biến Phật pháp thành thứ “khôn ngu”, không những uổng mất nhân duyên hy hữu với Phật pháp, mà còn thành sư tử trùng ăn thịt sư vương. Vì vậy đại chúng nên trân trọng.
Ngưỡng nguyện nhất thiết chư Phật từ bi xót thương gia hộ khai thị cho muôn loài, đồng nhập Phật tri kiến.
Côn Minh 19/5/09