Home > Khai Thị Phật Học
Đại Đạo Tâm
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Đại chúng quý mến !

Cách đây hơn 10 năm, trong buổi lễ Vu Lan được tổ chức tại Hội trường ở Oslo. Mấy thiếu nữ gia đình Phật tử đi phát hoa hồng cài áo, khi đến trước mặt tôi hỏi "Thưa thầy, thầy cài hoa trắng hay hoa đỏ?", thấy tôi ngập ngừng chưa đáp, một cô giảng nghĩa "thưa thầy, nếu thầy còn mẹ thì chọn hoa hồng, nếu mất mẹ thì chọn hoa trắng", tôi cười đáp "Thầy mất mẹ mà cũng còn mẹ, nên không biết cài hoa mầu gì đây?". Một cô ngạc nhiên hỏi "Tại sao thầy vừa mất mẹ mà vừa còn mẹ?", tôi đáp "Thầy mất biết bao người mẹ trong quá khứ rồi, nhưng mẹ hiện tại và tương lai thì còn. Nay đeo mầu hồng thì bội bạc với mẹ quá khứ, đeo mầu trắng thì vô tình với mẹ hiện tại và tương lai, suy đi nghĩ lại nên đeo cả hai, hay là đừng đeo tốt nhất", mấy cô thiếu nữ này ngẩn ngơ, và rút lui qua thầy bên cạnh.

Đến giờ giảng pháp, đề tài chính là "hoa hồng và hiếu tâm". Tôi mượn ý tưởng vừa rồi làm đề tài giảng.

Nếu người con ngồi "nhìn thật lâu, rồi nói với mẹ rằng,
"mẹ ơi, mẹ có biết hay không là con thương mẹ lắm lắm",
"tình thương lắm này có bất tử không con" mẹ âu yếm hỏi.
"tình thưong này vĩnh hằng, con không bao giờ quên mẹ" con tự tin và hiên ngang đáp.

Khi con đáp lời tưởng như "chân thành" đó khiến cả hai mẹ con sung sướng, cả hai đều "tưởng thật". Thế nhưng "sự thật thường hay phũ phàng", đến khi con chết, nghiệp dẫn con đi khỏi mẹ, đến với mẹ khác, và "từ đó tôi quên người", tôi lại tiếp tục hứa hẹn với mẹ mới "mẹ ơi! mẹ có biết hay chăng, con thương mẹ mãi mãi đó không", và rồi 2 mẹ con mới này lại sung sướng "hôn mê" trong tình mẫu tử "thiêng liêng" nhưng yểu tử.

Dòng thời gian không ngừng trôi chẩy, "đến hẹn lại tới" cái gã cả thế gian chán ghét, lại đến dẫn tôi đến với người mẹ khác, tôi lại quên người mẹ tôi hứa sẽ chẳng bao giờ quên. Tôi đổ lỗi không phải tại tôi bạc bẽo đâu, mà tại gã dẫn đường đã cho tôi lót lòng bằng chén cháo, rồi chẳng hiểu vì sao tôi quên tuốt mọi lời hứa, quên cả mọi người mẹ, quên luôn cả vị cháo, chỉ mang máng nhớ do cháo mà quên, nên vì vậy tôi tập không ăn cháo suốt đời để khỏi rơi vào cái bẫy cháo "vô tình" đó.

Nếu tôi quên "lời tôi hứa" và "mẹ tôi nghe", thì giờ đây, tôi lại tiếp tục ca cái điệp khúc "yêu mẹ lắm" một tình yêu "bất tử" cho khán giả mới nghe. Thế thì hóa ra tôi là kẻ đại bịp hoặc vô trí, nên vứt bỏ những người mẹ tôi đã hứa "không bao giờ quên ngưòi". Ví bằng tôi không vọng ân, chẳng bội thệ, tất nhiên những người mẹ đã mất, không mất trong tôi, lời hứa "thương yêu" kia cũng không trôi theo vị cháo.

Tôi từng hãnh diện và ca ngợi "tình mẹ" bao lần trong bao đời, đồng nghĩa với bấy nhiêu lần tôi đã từng bạc bẽo vong ân "hứa cuội" là "thương mẹ lắm mẹ ơi!", với vô số nạn nhân "mẹ quá khứ" mà giờ đây ngay khi tôi hát lại cái điệp khúc, là lúc tôi vứt bỏ thẳng tay, không cần tìm hiểu "họ ở đâu bây giờ", nhưng tôi vẫn đang lâng lâng cảm nhận tình thương"bao la chân thật" của tôi đối với người mẹ ngồi trước mặt tôi, mà nếu tôi biết nhìn lại quá khư, tất thấy người mẹ hiện tại, sẽ bị quên lãng không thương tiếc, và có thể bị ta giết hại cho "đạo hiếu" của ta trong đời tương lai.

Dù tôi là một Phật tử tin kính đức Phật, song chỉ "kính nhi viễn chi" tinh thần từ bi và trí huệ của Như Lai. Dù tôi được chư Phật chỉ dậy cha mẹ quá khứ đều ở quanh ta, trong mọi đời dưới mọi hình dạng, để báo hiếu, để đền đáp thâm ân, và để không phủi phui lời hứa dạo nào, hãy rải "tình thương mẹ lắm" đến với muôn loài trong đó toàn là cha mẹ con cái và thân bằng quyến thuộc của ta trong quá khứ, ngay cả ở hiện tại, cũng như tương lai. Nhưng tôi vẫn ngại làm vì ý tưởng “họ chỉ là những kẻ xa lạ” mà ta chẳng cần phải bận tâm.
 
Phát tâm phụng sự là tinh thần báo ân kiên cố, không bao giờ vong thất, và như vậy mới thật sự là đại hiếu tử trong đời, không nên thương mẹ hiện tại bằng cách làm thịt mẹ quá khứ, cho mẹ hiện đời xơi, nhân ngày báo hiếu. Ta do vô minh không nhận ra cha mẹ quá khứ, như qua lời dậy của đức Thế Tôn, tất cả những chúng sinh có nhân duyên ân oán, giết hại, ăn thịt lẫn nhau, đều do nhân duyên từ đời trước, nếu ta cứ để cho nghiệp dẫn ta như mục đồng dắt trâu, tất ta cứ ân oán, ăn thịt lẫn nhau, nay hãy phát nguyện không theo nghiệp mà khởi nguyện hành hạnh phóng sinh trai giới, khiến mọi nghiệp "ân oán ba đời" đều bị nguyện này tận diệt. Cảnh giết chém giảm thiểu ở thế gian, nỗi an bình sống lại trong cuộc đời. Hãy vực dậy ngày Vu lan báo ân nhất thiết cha mẹ, không chỉ cha mẹ hiện tại, mà nhất thiết phụ mẫu, để chúng sinh được một ngày không có chém giết, đó là do ân triêm công đức của chư Phật cũng như hàng đồ chúng biết y giáo phụng hành.

Chỉ đeo hoa có nghĩa gì? Khi cánh hồng làm đau lòng mẹ quá khứ, đồng thời tố cáo ta là một gã bất hiếu phụ bạc và bội thệ. Một cánh hoa trắng làm mẹ hiện tại và tương lai tủi nhục là ta coi có mẹ mà như đã chết. Vì nhớ đến tất cả cha mẹ bao đời thay vì cài hoa hãy cài nguyện trong tim, đóa hoa này có năng lực làm đao gươm gãy vụn, chúng sinh sống lại trên dao thớt, địa ngục bếp núc tạm ngừng hoạt động, thế nhân tiễn Diêm chúa về dinh ngài ở vùng sâu vùng xa. Ngày đó không phải là ngày chư Phật và chúng sinh đồng hoan hỷ đó sao? Hãy cài hoa tâm nguyện rồi nói với mẹ rằng "Mẹ ơi! Mẹ có biết hay không? con sẽ độ mẹ như bao người mẹ khác của con ra khỏi biển sinh tử". Đó là tình thương trên cả tình thương, nên không cần nói đến chữ thương, mà hết thẩy cha mẹ đều được hưởng thứ tình thương tối thượng này, từ đây cho đến tận vi lai kiếp.

Cầu chư Phật gia hộ cho tất cả chúng ta cùng cha mẹ ba đời đồng phát bồ đề tâm hoa, đồng sinh tây phương, đồng thành Phật đạo.

Côn Minh 1-10-09.