Home > Khai Thị Niệm Phật > Chanh-Tin-Chanh-Nguyen-Chanh-Hanh
Chánh Tín Chánh Nguyện Chánh Hạnh
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Tỳ Kheo Thích Minh Định, Việt Dịch


Tín, Nguyện, Hạnh, đây là ba món tư lương của hành giả tu tập pháp môn Tịnh độ.

Thế nào gọi là tư lương? Giống như bạn muốn đi du lịch nơi nào đó thì bạn phải chuẩn bị các thức ăn, đây gọi là Lương. Chuẩn bị tiền bạc, các thứ cần dùng, gọi là Tư.

Tư lương là thức ăn, là tiền bạc, là các thứ cần dùng của bạn. Cũng vậy, người hành giả tu tập pháp môn Tịnh độ, muốn vãng sanh về thế giới Cực lạc thì cũng phải đầy đủ ba món tư lương. Ba món tư lương này chính là lòng tin, phát nguyện và thực hành. Ban đầu, hành giả nhứt định phải phát khởi tín tâm. Nếu như bạn chưa có lòng tin, đó là bạn chưa có duyên với thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà. Nếu bạn đã có lòng tin, nghĩa là bạn đã có duyên. Cho nên, đầu tiên đòi hỏi bạn phải có lòng tin chân thật. Lòng tin ấy là tin vào chính bản thân mình và tin đối tượng mà mình hướng đến, tin nhân, tin quả, tin sự, tin lý.

Vì sao gọi là tin vào bản thân mình? Hành giả tu tập phải tin vào bản thân mình, quyết định rằng, mình có khả năng sanh về thế giới Cực lạc ở Tây phương. Bạn không nên xem nhẹ bản thân mình rằng: “Ôi! Tôi đã tạo ra quá nhiều tội lỗi, tôi không có khả năng sanh về thế giới Cực lạc được!”. Như vậy, tức là bạn không tin vào chính khả năng của mình. Bạn tạo ra nhiều tội lỗi phải không? Nếu tu tập pháp môn này, bạn sẽ gặp nhiều cơ hội tốt đấy! Cơ hội tốt là gì? Đó là có thể mang nghiệp vãng sanh. Những tội lỗi gì mà bạn đã tạo ra đều có thể mang theo đến thế giới Cực lạc, như vậy gọi là mang nghiệp vãng sanh. Thế nhưng mang nghiệp, bạn phải biết rằng nghiệp ấy là Túc nghiệp, tức là những hành động bạn đã gieo tạo trong quá khứ, chứ không phải mang theo nghiệp mới tạo. “Túc” là túc thế, tức là mang theo nghiệp khi bạn còn sanh tiền. Tân nghiệp là những nghiệp tạo ra trong tương lai. Mang theo Túc nghiệp không mang theo tân nghiệp, chính là mang theo những tội lỗi trong quá khứ bạn đã gây nên mà không mang theo những tội nghiệp trong tương lai. Từ những việc làm, những hành vi, những suy nghĩ của bạn, bất luận là đã tạo ra những tội lỗi gì, giờ đây bạn phải sửa đổi những lỗi lầm trong quá khứ của mình, làm lại những việc làm mới, bỏ ác hướng thiện. Như vậy, những tội lỗi của bạn đã gây tạo trước đây, bạn có thể mang theo qua thế giới Cực lạc nhưng không mang theo nghiệp tương lai.

Tin Tha, tức là tin vào đối tượng của mình hướng đến. Bạn tin ở Tây phương có thế giới Cực lạc, thế giới đó cách xa cõi ta bà chúng ta đang sống khoảng mười vạn ức cõi Phật. Trước đây, khi đức A Di Đà chưa thành Phật, ngài làm một vị tỳ kheo tên là Pháp tạng. Bấy giờ, ngài phát nguyện trong tương lai sẽ xây dựng một thế giới Cực lạc. Nếu có chúng sanh trong mười phương phát nguyện muốn sanh về, sống trong cõi nước của ngài thì không cần gì khác, chỉ cần niệm danh hiệu của ngài sẽ được vãng sanh. Những công việc khác đều không bị hao phí, đã không phí tiền, lại không phí sức. Có thể nói, pháp môn này là pháp môn cao nhất, pháp môn tối thượng. Bạn chỉ cần niệm Nam Mô A Di Đà Phật thì có thể vãng sanh đến nước Cực lạc. Đây chính là tin tha.

Vã lại, hành giả phải tin vào nhân quả. Tin Nhân là sao? Tức là tin vào bản thân mình từ xưa đã gieo trồng thiện căn, vì vậy mới có thể gặp được pháp môn này. Giả sử bạn không có thiện căn thì làm sao có thể gặp được nó, cũng không thể gặp được tất cả pháp môn của đức Phật nói ra. Bởi vì bạn có được thiện căn do xưa bạn đã gieo trồng nhân hạnh lành, cho nên đời này gặp được pháp môn Tịnh độ. Tín, nguyện, trì danh này, nếu bạn không tiếp tục vun bồi căn lành thì trong tương lai bạn sẽ không thành tựu được quả vị Bồ đề. Cho nên, bắt buộc bạn phải tin vào nhân quả, tin vào bản thân của bạn xưa nay đã gieo trồng hạt giống Bồ đề, trong tương lai nhất định sẽ gặt được quả giải thoát. Giống như trồng lúa, khi gieo hạt giống vào trong đất rồi, bạn phải chăm bón, tưới nước, hạt giống đó mới có khả năng sanh trưởng.

Hơn nữa, phải tin Sự, tin Lý. Thế nào gọi là tin Sự, tin Lý? Bạn nên biết, đức Phật A Di Đà có nhân duyên lớn đối với hàng chúng ta, ngài nhất định sẽ dẫn dắt chúng ta đến khi thành Phật. Đây là tin vào sự.

Tin vào lý, vì sao chúng ta có nhân duyên lớn với đức Phật A Di Đà? Nếu không có nhân duyên thì chúng ta sẽ không gặp được pháp môn Tịnh độ này. Đức Phật A Di Đà cũng chính là hết thảy chúng sanh, hết thảy chúng sanh cũng chính là đức Phật A Di Đà. Ngài do niệm Phật mà được thành Phật. Vì vậy, hết thảy chúng sanh chúng ta, nếu như có niệm Phật thì cũng có thể thành Phật A Di Đà. Đây là đứng trên lý mà nói.

Có lý, có sự, như vậy chúng ta nương theo lý sự đó để tu hành. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật từng thuyết: “Sự vô ngại pháp giới, lý vô ngại pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới, sự sự vô ngại pháp giới”. Chúng ta có những pháp giới này rồi, đứng trên căn bản tự tánh mà nói thì cùng đức Phật A Di Đà chỉ là một. Do đó, chúng ta có đủ tư cách để thành Phật.

Đức Phật A Di Đà, ngài ở ngay trong tâm của chúng sanh. vì vậy chúng sanh cũng nằm trong tâm của đức Phật A Di Đà. Bởi do mối quan hệ này mà có sự có lý, nhưng đạo lý ấy nhứt định bạn phải tin tưởng, phải hành trì, bạn không thể biếng nhác. Ví như bản thân tôi đây, niệm phật mỗi ngày một tăng, chứ không phải ngày càng giảm.

Trên đã nói về lòng tin, đến đây chúng ta tìm hiểu về Nguyện. Thế nào gọi là Nguyện? Nguyện là lòng mong muốn, tâm nguyện và ý chí hướng tới của bạn. Tâm tưởng của bạn phải như thế mới phát nguyện. Trong kinh thường hay nhắc đến bốn lời nguyện, đó là:

Chúng sanh vô số lượng thề nguyện đều độ khắp
Phiền não không cùng tận thề ngyuện đều dứt sạch
Pháp môn không kể xiết thề nguyện đều tu tập
Phật đạo không gì hơn thề nguyện sẽ chứng lên.

Đây là bốn lời thệ nguyện rộng lớn mà hết thảy chư phật, chư vị Bồ tát trong quá khứ đều y theo bốn lời nguyện này mà thành được quả vị Phật Đà, thành tựu hạnh nguyện của Bồ tát. Hết thảy chư Phật, chư vị Bồ tát trong đời hiện tại cùng tận đời vị lai cũng căn cứ theo bốn lời thệ nguyện này mà chứng thành đạo quả. Nhưng việc phát nguyện, điều đầu tiên đòi hỏi bạn phải có lòng tin kiên cố. Tin có thế giới Cực lạc, tin có Phật Adi Đà, tin vào bản thân mình nhứt định có nhân duyên lớn với đức Phật A Di Đà, vì vậy chúng ta ắt sẽ vãng sanh qua thế giới Cực lạc. Nếu có được tín tâm này rồi, sau đó bạn nên phát nguyện. Khi đã phát nguyện, ắt sẽ được vãng sanh. cho nên mới nói “Nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung”. Đây là do lòng mong muốn của chúng ta, muốn sanh về thế giới Tịnh độ chứ không phải do một ai miễn cưỡng gọi ta đi, không phải có người đến nhất định bắt ta đi cho bằng được. Tuy nhiên, nói đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn chúng ta thì cũng do chính bản thân chúng ta mong muốn được đi, mong muốn được gần gũi với đức Phật A Di Đà, được sanh qua thế giới Cực lạc nên ngài mới đến tiếp dẫn. Hoa nở thấy Phật, là mong đến thế giới cực lạc để được thấy Phật nghe pháp. Nếu có được tâm nguyện ấy rồi, sau đó bạn phải thực hành. Thực hành bằng cách nào? Đó chính là niệm Phật, niệm Nam Mô A Di Đà Phật….giống như cứu lửa cháy đầu, bởi chiếc đầu của mình sắp mất. Có người muốn chặt đầu, do đó phải cấp tốc bảo vệ chiếc đầu của mình.

Niệm Phật chính là thực hiện ba món tư lương Tín, Nguyện, Hạnh này. Đây chính là tư lương, là lộ phí trên hành trình vãng sanh về thế giới Cực lạc. Tư lương chính là lộ phí đi đường, là tiền bạc cần dùng. Ba món tư lương trên, là tiền bạc, là hành trang du lịch, là vé đi đường đến thế giới Cực lạc. Vì vậy, chúng ta cần phải có.