Home > Khai Thị Niệm Phật > Tam-Chung-Sinh-Day-Du-Bao-Tang
Tâm Chúng Sinh Đầy Đủ Bảo Tạng
Hòa Thượng Thích Diệu Liên | Thích Tâm An, Việt Dịch


Sinh đại tàm quý phát tâm chí thành,
Như vậy niệm Phật mới đạt nhất tâm.

Mọi người về đây tham dự Phật thất. Sớm, trưa, chiều đều được nghe khai thị. Nói đến khai thị thật là hổ thẹn, vì tôi không có đủ trình độ, chẳng qua lấy kinh nghiệm tu hành của chính mình mà nói cho chư vị nghe thôi. Nếu chư vị thấy được thì giữ lấy, không được thì bỏ đi. Đương nhiên nếu có sai lầm, xin chư vị chỉ giáo cho.

Hai chữ “khai thị” nghĩa là gì? “Khai” nghĩa là mở, là hiển bày, hiển bày cái gì? Đó là hiển bày bản tâm vốn thanh tịnh nơi mỗi người, mà bản tâm này cùng với chư Phật vốn không khác. Người người trong tâm đều có bảo tạng, không phải chỉ riêng Phật mới có. Chỉ vì bản tâm chúng ta bị trói buộc bởi tham sân, phiền não, nên bảo tạng không thể chiếu soi được. Tuy nó không được phát hiện, nhưng nó vẫn ẩn chứa trong tâm của mọi người, không bao giờ hư hoại. Điều đó thật đáng tiếc cho chúng ta.

Đức Phật có vô lượng trí tuệ. Ngài biết chúng sinh cũng có bảo tạng như Ngài, biết rằng chúng sinh không thể biết được bảo tạng quý báu đó, do đó Đức Phật vì muốn cho chúng sinh khai thị, ngộ, nhập Phật tri kiến nên từ trong Thường Tịch Quang mà hạ sinh đến thế gian, từ bi “khai thị” cho chúng sinh, chỉ cho chúng sinh thấy được bảo tạng quý giá của chính mình. Mỗi chúng sinh trong tâm đều có đầy đủ gia tài quý báu đó, không cần tìm kiếm bên ngoài. Song, phải tự mỗi người thâm nhập, phát huy bản tâm diệu dụng đó. Đức Phật không thể thay thế cho chúng sinh làm hiển lộ chân tâm được.

Chúng ta hiện tại, tuy là chúng sinh đang khổ não, song, chúng ta phải biết rằng bảo tạng của Phật với mình vốn giống nhau. Đức Phật là người đã đạt được bảo tạng, mà tại sao chúng ta vẫn chưa đạt được? Nói ra thật hổ thẹn, chỉ vì chúng ta quá giải đãi, quá lười biếng, không có quyết tâm giải quyết sinh tử, cho nên nói “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc” là vậy. Nếu bạn không tu thì lấy gì để đắc. Chúng ta ngày nay, có đủ thiện duyên nghe được Phật pháp rồi, đã hiểu được lý đạo rồi, cần phải theo đó mà tu hành thì sự hiểu biết Phật pháp mới có lợi ích. Chỉ có tu là tốt, nếu bạn không tu sẽ bị ác nghiệp làm chướng ngại. Cho nên có nói “nghiệp lực không thể nghĩ bàn” là vậy. Song, bạn cần phải biết bên cạnh nghiệp lực đó có Phật lực, lại càng không thể nghĩ bàn hơn. Mọi người niệm Phật không nên sợ nghiệp chướng nặng. Chỉ cần mọi người có tâm thành khẩn tha thiết mà niệm Phật, lão thật lễ lạy, đến một lúc nào đó công phu thành tựu, nhân duyên đầy đủ, quả báo sẽ thành tựu viên mãn.