Home > Khai Thị Niệm Phật
Niệm Phật Để Thoát Ly Lục Đạo Luân Hồi
Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Chúng ta vừa nghe xong báo cáo của pháp sư Tự Liễu, cũng đã xem xong bài viết, đích thực cảnh tỉnh sâu xa đại chúng hiện diện. Pháp sư thay mặt Phật, thay mặt Tổ sư, đại đức, giáng cho chúng ta một gậy lên đầu. Một gậy này có thể lay tỉnh chúng ta không? Hy vọng đã cảnh tỉnh được. Đương nhiên, số người chưa tỉnh vẫn còn rất nhiều; từ đó mới biết nghiệp chướng của chúng sanh nặng đến cỡ nào. Quan trọng là phải quay lại xét mình thì mới được thọ dụng thực sự. Nếu không thể hồi quang phản chiếu, sự vãng sanh Tịnh Độ ngay trong đời này của chúng ta đích thực là sẽ có vấn đề.

Trong quá trình học tập, chúng tôi thường nhắc tới những thành tựu khoa học, vì sao? Nó có thể giúp chúng ta quán chiếu, giúp chúng ta nhìn thấu, giúp chúng ta buông xuống. Tiến sĩ Phổ Lang Khắc (Max Planck) người Đức đã cho chúng ta biết, Ông ta suốt đời chuyên nghiên cứu vật chất là gì, bí mật của vật chất đã được ông ta phơi bày. Ông ta phát hiện Vi Trung Tử; khi Vi Trung Tử bị bắn bể tan ra, sẽ không còn vật chất gì tồn tại nữa. Nói cách khác, Vi Trung Tử chính là Cực Vi Sắc, Cực Vi Chi Vi được nói trong kinh Phật, đây là vật chất đã đến mức nhỏ nhất, nó không thể bị cắt nhỏ nữa. Nếu bị cắt nữa, sẽ không còn gì hết. Ông đã tìm được ra rồi, vật chất bị cắt nhỏ đến mức không còn gì nữa, lúc đó sẽ thấy gì? Nhìn thấy hiện tượng dao động của ý niệm. Từ đó, chúng ta hoảng nhiên đại ngộ (vỡ lẽ), vật chất từ đâu có? Vật chất có từ ý niệm, vật chất chẳng thật sự tồn tại; đó là một huyễn tướng, giả tướng. Vật chất trên căn bản là không tồn tại, đúng là như vậy.

Ngày nay, hiện tượng vật chất như chúng ta trông thấy chính là điều mà Di Lặc Bồ Tát và đức Phật đã từng nói. Đức Phật hỏi Di Lặc Bồ Tát, trong tâm phàm phu có ý niệm, ngày nay chúng ta khởi lên một niệm, một niệm ấy do bao nhiêu ý niệm vi tế tạo thành? Chúng ta mới phát hiện, một niệm đầu (ý niệm), đơn độc một niệm ấy chắc chắn là không thể nào tưởng tượng nổi, quý vị chẳng có cảm giác gì hết. Bồ Tát Di Lặc trả lời Di Lặc Bồ Tát là chuyên gia về Duy Thức, dùng cách nói hiện thời thì Ngài là một chuyên gia về Tâm Lý Học Phật Giáo. Bồ Tát trả lời cho chúng ta biết: “Một cái khảy ngón tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm”, đây là nói về niệm đầu (ý niệm). Khi chúng ta khởi tâm động niệm, một niệm đầu có bao nhiêu tế niệm? Ba mươi hai ức trăm ngàn tế niệm. Trong thời gian bao lâu? Một khảy ngón tay. “Niệm niệm thành hình”, “hình”tức là hiện tượng vật chất. “Hình đều có Thức”, mỗi hiện tượng vật chất nhỏ bé chính là cái mà khoa học gia gọi là Vi Trung Tử, Phật pháp gọi là Cực Vi Sắc, Cực Vi Chi Vi. Đó là Ngũ Uẩn được nói trong Tâm Kinh. Chúng ta niệm Tâm Kinh đã mấy mươi năm, căn bản là không hiểu Ngũ Uẩn là gì. “Quán Tự Tại Bồ Tát chiếu kiến ngũ uẩn đều là Không”. Ngũ Uẩn là Cực Vi Sắc. Cực Vi Sắc do niệm đầu sanh ra, lại còn tồn tại. Ngày nay, chúng ta dùng “giây đồng hồ”làm đơn vị đo lường thời gian. Mỗi giây có thể khảy ngón tay bao nhiêu lần? Có người nói, lúc trước tôi nghĩ đại khái chừng năm lần, tôi khảy trung bình là năm lần. Người trẻ tuổi hơn tôi, thể lực khoẻ hơn, sức mạnh mẽ hơn, có thể khảy bảy lần. Một niệm đầu này, một khảy ngón tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm. Ba mươi hai ức nhân với trăm ngàn; trăm ngàn là mười vạn, ba mươi hai ức nhân với mười vạn tức là ba trăm hai mươi triệu. Một cái khảy ngón tay, ba trăm hai mươi triệu nhân với bảy là số ý niệm trong một giây đồng hồ, làm sao có vật gì tồn tại trong thời gian ngắn như vậy?

Vì vậy, ông Planck kết luận: Trong vũ trụ, trên căn bản là không có vật chất tồn tại. Quý vị cho rằng có vật chất tồn tại, đó là hoàn toàn sai lầm. Lấy câu này đối chiếu với kinh Kim Cang, đức Phật nói “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, ông Planck đã chứng minh rồi đó. Vật chất là giả, chẳng thật. “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”giống như kinh Kim Cang đã nói. Nếu quý vị chấp trước nó thì sai mất rồi; quý vị phân biệt nó là sai mất rồi; quý vị khởi tâm động niệm cũng sai luôn! Thật sự hiểu rõ đạo lý này, người hiểu rõ chân tướng sự thật này, sẽ không đặt điều này trong lòng, phá Thân Kiến sẽ không còn khó khăn nữa. Thân Kiến là cội gốc của hết thảy tội ác.

Bài báo cáo của pháp sư Tự Liễu nói cội gốc của phiền não là Ái, cội gốc của Ái là Ngã (Ta). Đó là gì? Trong Duy Thức gọi đó là thức thứ bảy, thức thứ bảy chính là Ngã Kiến. Căn bản là chẳng có Ngã, lại cứ chấp trước có một cái Ngã. Sau đó, Ngã Ái, Ngã Mạn, Ngã Si khởi lên theo Ngã. Đó là ba gốc rễ của Tham, Sân, Si, phiền não có sẵn từ đời trước. Từ một niệm bất giác, mê mất, Tự Tánh biến thành A Lại Da, A Lại Da do những thứ này tạo thành. Nghiệp Tướng của A Lại Da chứa đựng chủng tử, từ đó, biến hiện thành Mạt Na. Mạt Na là thường tùy tướng của bốn phiền não lớn, Mạt Na chính là bốn thứ: Ngã Kiến, Ngã Ái, Ngã Mạn, Ngã Si. Do vậy, chúng ta phải biết, chúng ta đối phó với Tham như thế nào? Phải buông bỏ Tham. Cốt lõi của Tham là Ái. Khi quý vị nhìn thấu suốt điều này, đã biết nó đều là giả rồi, quý vị mới có thể buông xuống. Ái là phiền não, chẳng phải là điều gì tốt đẹp. Ái là cội gốc của lục đạo luân hồi; nếu không trừ khử Ái, sẽ không thể thoát luân hồi. Ngạo mạn là cội rễ của Sân giận. Hoài nghi là cội rễ của Ngu Si.

Chúng ta học tập lời dạy của thánh hiền, quan trọng nhất là không thể hoài nghi. Nhưng ngày nay chúng ta nuôi dưỡng hoài nghi thành thói quen. Khoa học đặt hoài nghi vào hàng đầu, điều đầu tiên khoa học dạy là hoài nghi; không hay không biết, chúng ta đã nhiễm thói quen hoài nghi này. Cho nên vì sao chúng ta không tiến nhập thánh giáo được? Vì chẳng đoạn sạch tâm nghi ngờ. Chúng ta tin, chỉ tin chín mươi chín phần trăm, còn một phần hoài nghi. Không thể coi thường một phần trăm này. Thầy Lý thường nói với chúng tôi: Khi một phần trăm ấy khởi tác dụng, sẽ hủy diệt toàn bộ công phu của quý vị. Chúng ta không khởi lòng nghi đối với thánh giáo là một việc quá khó. Người xưa thì dễ hơn. Do vậy, ngày nay chúng ta vô cùng cảm thán, vì sao khó như vậy? Chẳng có giáo dục vun bồi cội rễ. Giáo dục vun bồi gốc rễ là sự truy cầu của người Trung Hoa thuở xưa, bắt đầu từ thai giáo. Lúc người mẹ mang thai, mắt người mẹ không nhìn vật ác, tai không nghe lời dâm, miệng không nói lời ngạo mạn, người mẹ trì giới, vì sao? Nếu người mẹ có thể làm như vậy, thai nhi sẽ bình thường. Sau khi đứa bé sanh ra, mở mắt ra nó sẽ nhìn, tai nó lóng nghe, nó sẽ luôn học tập, tiếp thu. Cha mẹ phải chăm sóc nó đàng hoàng, những gì phụ diện (xấu ác) đừng để cho nó thấy nghe, đừng để cho nó tiếp xúc. Phải làm như vậy bao lâu? Phải chăm sóc như vậy cho đến lúc nó ba tuổi, tức là một ngàn ngày, đó gọi là giáo dục vun bồi gốc rễ. Vì trẻ con nhận được sự dạy dỗ như vậy, lúc nó lên ba bốn tuổi, sẽ có thể phân biệt tà chánh, thị phi; đối với những thứ bất chánh, nó sẽ bài trừ, sẽ từ chối tiếp nhận. Người xưa có câu ngạn ngữ: “Tam tuế khán bát thập”(ba tuổi xem tám mươi). Cả đời sẽ chẳng thay đổi nhờ gốc rễ được vun bồi sâu dầy.

Ngày nay, chúng ta chẳng có gốc rễ này. Một người học Phật, học Giới, đến cuối cùng không thể thọ trì, phá giới, phạm quy củ, chúng ta phải tha thứ người đó. Vì sao? Người đó không có gốc rễ. Giống như xây nhà lầu, khi xây xong, nhưng nền tảng chẳng vững chắc. Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật đã từ bi nói: “Người đời trước chẳng thiện, chẳng biết đạo đức, do chẳng được ai dạy, đâu có gì lạ”. Phải đại từ đại bi tha thứ cho những người ấy, phải khuyến khích họ; điều quan trọng nhất là tự mình phải làm gương tốt cho họ coi. Giống như lão hòa thượng Hải Hiền, cả đời làm gương cho người khác. Ngài cũng được đức Phật Di Đà dặn dò. Tôi tin thọ mạng của Ngài bất quá cũng chỉ là bảy, tám mươi tuổi mà thôi, Ngài sống tới một trăm mười hai tuổi. Đó là đức Phật A Di Đà gia trì, nhất định phải nhờ Ngài tiêu biểu pháp. Sự tiêu biểu pháp cuối cùng là Ngài nhận được cuốn sách có nội dung “Tăng tán thán Tăng”, đó là gì? Đó là để cứu vãn Tịnh Độ. Hiện nay, trong thời đại này, kẻ hủy báng Tịnh Độ rất nhiều, sức mạnh quá lớn, trước nay chưa từng có. Có một pháp sư tặng cho tôi bốn chữ “đại nạn, đại nạn”, nói với tôi rằng đích thực tôi gặp nạn như vậy. Tôi đổi chữ “nạn”thứ tư, sửa thành “đại nạn, đại nhẫn”, phải tu Nhẫn Nhục Ba La Mật, tôi có thể chịu đựng, nhẫn nại. Hoặc đổi thành “đại nhẫn, đại nạn”. Hai chữ “nạn”này, một chữ là “nạn”trong danh từ “khổ nạn”(khó khăn, gian nan), một chữ là “nạn”trong danh từ “tai nạn”, chúng ta mới có thể vượt qua. Nếu chẳng có Nhẫn Nhục Ba La Mật, thì thôi rồi. Không thể khởi tâm oán hận, phải khởi tâm thương xót, vì sao họ làm như vậy? Vì chúng ta đã đánh mất văn hóa truyền thống cả hai trăm năm. Trong một trăm năm đầu sơ sót, cho nên vẫn còn một chút dáng vẻ trong đó, chẳng có người làm thật sự. Một trăm năm thứ nhì, dáng vẻ cũng mất hết, cho nên rất khó khăn. Do vậy, tôi hy vọng các đồng tu học Phật phải nêu gương tốt; đó là phải thật sự hộ trì Phật pháp, khiến cho đại chúng trong xã hội nhìn thấy hình tượng Phật. Hiện nay, Phật chẳng còn nữa, những gì chúng ta biểu diễn chính là đại diện cho hình tượng Phật. Có phải là hình tượng của đức Phật Thích Ca năm xưa hay không? Khi Phật pháp hưng vượng, chúng sanh có phước, khi Phật pháp suy thoái, chúng sanh rất đáng thương. Chúng ta sanh vào thế gian này, được thân người, nghe Phật pháp, được biết đến Tịnh Tông, lại gặp được thiện tri thức chân chánh, đó là điều vô cùng may mắn!

Trước tiên, tôi thường khuyến khích mọi người phải phá bỏ Thân Kiến, đừng chấp trước cái thân này, đừng nghĩ tới mình (Ngã). Tại sao? Khi Thân Kiến phá rồi, Biên Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Thủ Kiến, Tà Kiến đều bị phá, lúc đó mới chứng Sơ Quả. Khi chưa chứng Sơ Quả, trước khi chứng Sơ quả là chưa vào cửa Phật, chúng ta phải biết điều này. Chưa vào cửa Phật mà có thể có thành tựu được không?  Được, đó là do đức Phật A Di Đà từ bi vô tận đã mở ra pháp môn Niệm Phật này cho chúng ta, người chưa chứng Thánh quả cũng được vãng sanh. Nói đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, nếu nói quý vị chẳng đoạn phiền não mà chứng Bồ Đề, quý vị làm không nổi. Có pháp môn nào có chuyện đới nghiệp? Do vậy, lúc tôi tám mươi lăm tuổi, nhìn thấy việc này không được rồi! Chẳng có kinh luận nào, chẳng có pháp môn nào có thể cứu tôi được, chẳng thể giúp tôi thoát ly luân hồi. Tôi quay lại, chuyên hoằng dương kinh Vô Lượng Thọ, chuyên niệm A Di Đà Phật, hoàn toàn buông xuống các pháp môn và kinh luận khác.

Quý vị không làm, tôi làm, vì sao? Tôi muốn thoát ly lục đạo luân hồi, chuyện luân hồi này quá khổ sở rồi. Trải qua cuộc chiến của các quân phiệt tranh giành đất đai, cuộc chiến Trung Nhật, và đại chiến thế giới lần hai, tôi đã đích thân chứng kiến. Đức Phật nói Tám Khổ, Ba Khổ chẳng sai chút nào! Tâm muốn xuất ly của tôi mạnh mẽ hơn của quý vị, tôi chịu khổ quá nhiều rồi, xuất gia cũng chịu khổ. Chuyện an ủi duy nhất là đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nêu gương tốt cho chúng ta. Năm xưa, khi đức Phật còn tại thế, Ngài chỉ có ba y và một bình bát, tối ngủ dưới gốc cây, ngày ăn một bữa. Ngày nay, tôi còn sướng hơn Ngài một tí, điều này đáng an ủi lắm! Khi nghĩ tới đức Thế Tôn, tâm tôi bình lặng, Ngài đã nêu một tấm gương tốt nhất cho chúng ta, chúng ta phải học tập theo Ngài.

Dụng công vài ba năm là có thể đạt được, bạn thử nghĩ mà xem, bạn muốn thế giới cực lạc, hay là muốn thế giới ta bà này? Cầu không phải chịu khổ ở cõi ta bà, đến thế giới cực lạc tất cả đều thành hiện thực, đây là sự thật. Tuyệt đối chẳng phải do Phật dụ dỗ chúng ta, Phật không cần thiết phải làm điều này. Lời của Phật chữ chữ câu câu đều là chân thật, không có một câu nào, một chữ nào là gạt người. Chúng ta cần phải thể hội được, chúng ta phải thật làm, do đó duyên chưa chín muồi, cũng tức là thiện căn phúc đức nhân duyên chưa đầy đủ. Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, cũng là nhiều đời nhiều kiếp tu hành, nhưng hầu như chưa trọn vẹn được ba điều kiện này. Trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được, nay gặp được rồi, chúng ta nhất định phải trân trọng cái nhân duyên này. Duyên phận này, nếu không hoài nghi, có thể tin tưởng, chứng tỏ thiện căn đã đầy đủ, chân thật phát nguyện, cõi này tốt như vậy thật sự phát nguyện, tôi nhất định phải đi, đồng nghĩa phước báu hiện tiền rồi.

Thiện căn, phước báu này, là do tích lũy được  từ vô lượng kiếp trong đời quá khứ, nếu không như vậy thì không thể được.

Niệm Phật theo như lời của phàm phu thì niệm càng nhiều càng tốt, bởi vì bạn không niệm Phật nhất định sẽ khởi vọng tưởng. Tất cả nhân ngã thị phi tham sân si mạn đều đến đủ, cho nên nếu không niệm Phật sẽ tạo lục đạo luân hồi. Cũng chính là khuyên bạn không được gián đoạn Phật hiệu. Hải Hiền lão hòa thượng đã làm điều này 92 năm, làm tấm gương cho chúng ta, từ lúc thế độ, sư phụ dạy ngài 1 câu Nam Mô A Di Đà Phật ngài liền một mực niệm đến lúc vãng sanh. Niệm suốt 92 năm không hề gián đoạn, thật sự làm ra tấm gương tốt cho chúng ta cho nên không niệm Phật, thật sự khởi tâm động niệm toàn là lục đạo luân hồi. Niệm A Di Đà Phật, niệm một cách rõ rang, không vọng tưởng, cũng chẳng có vô minh. Câu nói ở phía sau quan trọng, không niệm Phật chính là tạo lục đạo luân hồi, 1 câu này phải nhớ kỹ, bạn xem, chúng ta có cần phải niệm Phật không? không niệm Phật, bạn khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác toàn là lục đạo, rất đáng sợ, niệm A Di Đà Phật, niệm được rõ ràng.

Làm mọi việc thiện dù lớn hay nhỏ tất cả đều hồi hướng trang nghiêm tịnh độ, vào phút lâm chung, 10 niệm hay 1niệm đều có thể vãng sanh. Nhưng có rất nhiều người bệnh vào phút lâm chung bị hôn mê, ngay cả người nhà cũng không nhận ra, làm sao niệm được, nếu muốn phút lâm chung có thể đắc lực, lúc bình thường phải dụng công.

Tuyệt đối không được cầu may, hơn nữa còn phải có 3 điều kiện:3 điều kiện này, điều thứ nhất phút lâm chung đầu óc tỉnh táo không mê muội. thứ 2, lâm chung có thiện tri thức nhắc nhở. thứ 3, họ vừa nghe được lập tức tiếp nhận. 3 điều kiện này nếu thiếu 1 thứ đều không thể vãng sanh, vậy thì giây phút lâm chung lại trở về 6 nẻo luân hồi điều này rất đáng sợ.

Đối với hết thảy thiện duyên xứng tâm vừa ý, chúng ta không nên có tơ hào tham luyến, phải nên thấy thấu suốt. Hết thảy ác duyên, chúng ta không muốn gặp, nhưng khi gặp phải, cũng đừng khởi tâm sân giận. Trong xã hội hiện thực, từ sáng tới tối, lúc sáu căn chúng ta tiếp xúc người, sự, vật, chúng ta phải tu hành trong những lúc đó, hạ thủ công phu nơi những thứ đó. Tu công phu gì? Trên căn bản, những thứ đó đều là giả. Vật chất là giả, ý niệm cũng là giả, chẳng có gì là thiệt. Khi quý vị đã thấy thấu suốt rồi, quý vị sẽ buông xuống được, sẽ không nắm chặt những thứ ấy nữa. Nắm chặt những thứ ấy để làm gì? Nắm chặt những thứ ấy, chính là lục đạo luân hồi. Nó tạo ra lục đạo luân hồi, tạo ra thập pháp giới. Chúng ta muốn thoát khỏi lục đạo, thoát khỏi thập pháp giới, phải buông xuống những thứ đó. Buông xuống như thế nào? Phải biết nó đều là giả, một khi thở ra, không hít vào được nữa, có vật gì là của quý vị hay không? Tôi thường khuyên người khác: Quần áo nay chúng ta  đang mặc trên người là của chúng ta; khi không mặc trên người, chẳng còn là của chúng ta nữa. Cái nhà mà tôi đang trú ngụ hiện nay, khi tôi ở đó thì căn nhà ấy là của tôi. Khi tôi rời khỏi căn nhà, căn nhà ấy chẳng còn là của tôi nữa. Tiền tôi mang trong mình là tiền của tôi, còn tiền trong ngân hàng không phải của tôi. Tại sao vậy? Nghĩ như vậy, sẽ rất dễ buông bỏ, chẳng vướng bận. Khi Phật đến muốn cho tôi đi, tôi sẽ lập tức đi theo Ngài, chẳng có chuyện gì vướng mắc hết. Còn vướng bận chuyện gì nữa hay không? Không còn như vậy thì mới có thể ra đi thư thái, an nhiên, tự tại. Do vậy, không thể chẳng biết, không thể không buông xuống! Tổ sư đại đức đau lòng rát miệng khuyên bảo chúng ta, chúng ta phải cảm ơn. Những chuyện xảy ra trong xã hội nhằm biểu diễn cho chúng ta thấy, bất kể là chánh diện, hay phản diện, chúng ta đều cảm ơn, bởi lẽ chúng đều cảnh tỉnh chúng ta trong từng giây từng phút. Hễ có duyên bèn làm, duyên đó tuyệt đối là đem lại lợi ích cho chúng sanh, khiến cho chánh pháp trường tồn. Chuyện lợi ích cho chúng sanh thì chúng ta phải làm. Khi chẳng có duyên, chúng ta không khởi tâm, tùy duyên, chớ không phan duyên. Được như vậy, chúng ta mới được tự tại. Đó gọi là “tâm an, lý đắc”; khi hiểu rõ ràng, hiểu rành rẽ đạo lý rồi, tâm bèn an ổn. Tâm an sẽ chẳng khởi ý niệm nữa.
 

Trích từ: Báo Cáo Tâm Đắc Và Những Lời Khai Thị Vàng Ngọc