Home > Khai Thị Phật Học
Nghiệp
Hòa Thượng Thích Quảng Độ


(業) Phạm: Karman. Pàli: Kamma. Hán âm: Yết ma. Nghĩa là sự tạo tác, tức chỉ cho những hoạt động của thân tâm như hành vi, hành động, tác dụng, ý chí, hoặc chỉ cho những hoạt động của thân tâm do ý chí sinh ra. Nếu kết hợp với quan hệ nhân quả thì nghiệp là năng lực được hình thành bởi những hành vi từ quá khứ kéo dài đến hiện tại và cho mãi tới vị lai. Ngoài ra, Nghiệp cũng bao hàm tư tưởng nhân quả báo ứng về hành vi thiện ác như khổ vui và tư tưởng luân hồi trong 3 đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Nghiệp vốn là tư tưởng cố hữu của Ấn độ, Phật giáo dùng nó làm căn cứ để khuyên con người nỗ lực hướng tới vị lai.

Trong Phật học, hàm ý và giới thuyết của nghiệp được chia làm 3 loại: Thân nghiệp, Ngữ nghiệp, và Ý nghiệp. Thuyết nhất thiết hữu bộ thuộc Tiểu thừa tiến thêm bước nữa mà giải thích rằng, ý chí trong nội tâm muốn làm 1 việc gì đó gọi là ý nghiệp; còn dùng hành động và lời nói của thân thể để bày tỏ ý chí thì gọi là Thân nghiệp, Ngữ nghiệp (Khẩu nghiệp). Nghiệp cũng còn được chia làm 2 loại là Tư nghiệp và Tư dĩ nghiệp. Tư nghiệp chỉ cho những hoạt động của ý chí; Tư dĩ nghiệp chỉ cho trong Tư nghiệp đã có các hành động. Ở đây, Tư nghiệp đồng với Ý nghiệp, Tư dĩ nghiệp đồng với Thân nghiệp và Ngữ nghiệp. Về bản thể (nghiệp thể, nghiệp tính) của 3 nghiệp thì Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng Ý nghiệp thuộc về tâm pháp (ý chí), còn Thân nghiệp, Ngữ nghiệp thì thuộc về sắc pháp (vật chất). Nhưng Phật giáo Đại thừa và Kinh bộ thì chủ trương tất cả các nghiệp đều thuộc về hoạt động của tâm, đây mới chính là lập trường cơ bản của Phật giáo.Thuyết nhất thiết hữu bộ còn chia Thân nghiệp và Ngữ nghiệp làm 2 loại là Biểu nghiệp và Vô biểu nghiệp.

Biểu nghiệp là nghiệp biểu hiện ra bên ngoài khiến người khác thấy được, còn Vô biểu nghiệp là không hiện bày ra bên ngoài, người khác không thấy được.

Vô biểu nghiệp cũng gọi là Vô biểu sắc, bản thể của nó là 1 loại sắc pháp, khởi lên nghiệp thiện, ác rất mãnh liệt, nhưng về tính chất thì bao hàm cả Thân biểu nghiệp, Ngữ biểu nghiệp và Định. Vô biểu nghiệp được chia làm 3 loại: 1. Luật nghi: Thiện nghiệp do giới, định phát khởi. 2. Bất luật nghi: Ác nghiệp do tập quán phát khởi và có tính quyết đoán rất mạnh. 3. Phi luật nghi phi bất luật nghi: Nghiệp thiện, nghiệp ác tùy lúc mà phát khởi theo tác dụng vô biểu. Thiện vô biểu có tác dụng ngăn ngừa điều ác, ác vô biểu có tác dụng chướng ngại việc thiện, chính do đây mà tính cách hậu thiên của con người được hình thành. Thân nghiệp và Ngữ nghiệp, mỗi nghiệp đều có biểu nghiệp và vô biểu nghiệp, cộng với Ý nghiệp thành là 5 nghiệp. Nếu tạo ác nghiệp, thiện nghiệp thì về sau chắc chắn sẽ chiêu cảm quả báo (dị thục) khổ, vui tướng ứng. Vì có nghiệp nhân cho nên chiêu cảm nghiệp quả. Còn nghiệp vô kí chẳng thiện chẳng ác thì không có sức chiêu cảm quả báo. Về mối quan hệ giữa nghiệp nhân và nghiệp quả thì quan điểm của Thuyết nhất thiết hữu bộ như sau: Nghiệp có liên quan đến 3 đời là nghiệp hiện tại có khả năng trở thành nhân quyết định (thủ quả) dẫn đến quả báo vị lai. Mặt khác, nghiệp từ quá khứ do sức tác dụng mãnh liệt mà mang lại quả báo (dữ quả)trong hiện tại.

Ở đây, Kinh lượng bộ cho rằng nghiệp tiêu diệt trong khoảnh khắc, nhưng nó đã gieo chủng tử (hạt giống) chiêu cảm quả báo vào trong tâm thức, lại do chủng tử này dẫn sinh ra quả báo. Loại tư tưởng chủng tử này rất giống với thuyết Vô biểu nghiệp của Thuyết nhất thiết hữu bộ. Có nhiều cách phân loại nghiệp, nhưng nói một cách tổng quát thì quả báo trong 1 đời người hoàn toàn do nghiệp dẫn dắt, tức Dẫn nghiệp (khiên dẫn nghiệp, tổng báo nghiệp, dẫn nhân) có sức tác dụng mạnh mẽ và có thể khiến cho người sinh vào 1 cõi nào đó như người, súc sinh hoặc các loài khác... Nếu sinh vào cõi người thì sự khác nhau về các căn, hình lượng, sắc lực trang nghiêm... của mỗi cá thể là do Mãn nghiệp (viên mãn nghiệp, biệt nghiệp) hình thành. Quả báo của Dẫn nghiệp gọi là Tổng báo, quả báo của Mãn nghiệp gọi là Biệt báo, 2 nghiệp này hợp lại gọi chung là Tổng biệt nhị báo. Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng 1 Dẫn nghiệp dẫn sinh ra 1 lần, nhưng lại có rất nhiều Mãn nghiệp để hoàn thành đời sống con người, bởi thế, nhiều nghiệp dẫn sinh 1 đời hoặc 1 nghiệp dẫn sinh nhiều đời là việc tuyệt đối không thể có. Nghiệp lại có 2 loại là Cộng nghiệp và Bất cộng nghiệp. Cộng nghiệp chỉ cho quả báo chung, như núi sông đất đai (thế giới vật lý), vô số sinh vật v.v... Còn Bất cộng nghiệp là quả báo riêng của mỗi sinh vật (như thân thể đẹp, xấu, giàu nghèo, sang hèn v.v...).

Lại nữa, nghiệp có 3 tính chất: Thiện (nghiệp yên ổn) do tâm thiện sinh khởi, Bất thiện (nghiệp không yên ổn) do tâm ác sinh khởi; Vô kí (không thiện không ác) do tâm vô kí sinh khởi. Nghiệp ác chắc chắn sẽ bị trừng phạt, cho nên gọi là Phạt nghiệp(hoặc là phạt), 3 nghiệp thân, khẩu, ý gọi là Tam phạt. Trong 3 nghiệp thì Ý nghiệp quan trọng nhất. Nghiệp được tạo tác qua 1 quá trình suy tư chín chắn rồi mới quyết đoán thực hiện, gọi là Cố tư nghiệp, Cố tác nghiệp (cố ý làm). Ngược lại, nghiệp do lầm lỡ, không cố ý gây ra, gọi là Bất cố tư nghiệp, Bất cố tác nghiệp. Vô kí nghiệp và Bất cố tư nghiệp đều không dẫn sinh quả báo. Cố tư nghiệp được thực hiện với tinh thần tích cực, mạnh mẽ, gọi là Tăng trưởng nghiệp; còn Cố tư nghiệp được tạo tác với tâm yếu ớt, không nhiệt thành thì cùng với Bất cố tư nghiệp gọi chung là Bất tăng trưởng nghiệp. Nghiệp tăng thêm sức mạnh dần dần gọi là Tăng thượng nghiệp, Tăng trưởng nghiệp, trái lại thì gọi là Tạo tác nghiệp.

Nghiệp ác do chúng sinh tạo tác ở cõi Dục thường chiêu cảm quả báo khổ khiến cho 5 thức: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân phải chịu, cho nên gọi là Thân thụ nghiệp. Còn nghiệp thiện do chúng sinh tạo tác ở cõi Sắc (ngoại trừ Sơ thiền thiên) và cõi Vô sắc thường chiêu cảm quả báo vui khiến ý thức hưởng thụ, cho nên gọi là Tâm thụ nghiệp. Thân thụ nghiệp và Tâm thụ nghiệp gọi chung là Nhị thụ nghiệp. Lại nữa, nghiệp thiện mang lại hạnh phúc, nên gọi là Phúc nghiệp, còn nghiệp ác dẫn đến bất hạnh, khổ đau, nên gọi là Phi phúc nghiệp. Thiện nghiệp cũng gọi Bạch nghiệp, ác nghiệp cũng gọi là Hắc nghiệp, còn Vô kí nghiệp thì gọi là Phi hắc phi bạch nghiệp. Lại tùy theo sự chịu báo mau hay chậm mà nghiệp được chia ra 4 loại: Đời này tạo nghiệp, đời này chịu báo gọi là Thuận hiện nghiệp, Thuận hiện pháp thụ nghiệp. Đời này tạo nghiệp, đời sau chịu báo gọi là Thuận sinh nghiệp, Thuận thứ sinh thụ nghiệp. Đời này tạo nghiệp đến đời thứ 3 về sau mới chịu báo gọi là Thuận hậu nghiệp, Thuận hậu thứ thụ nghiệp. Sự chịu báo của 3 thời nghiệp nói trên có thời kì nhất định, cho nên cũng gọi là Định nghiệp. Còn nghiệp mà quả báo không xác định thời gian thì gọi là Bất định nghiệp, Thuận bất định nghiệp. Y cứ vào nội dung quả báo (định hoặc bất định) của Bất định nghiệp, lại có 2 loại khác nhau: Xác định quả báo nhưng không xác định lúc nào thì chịu báo, gọi là Dị thục định thời bất định. Quả báo và thời gian chịu báo đều không xác định, gọi là Dị thục thời câu bất định. Ba thời nghiệp và 2 nghiệp Bất định gọi chung là Ngũ nghiệp. Ba thời nghiệp, mỗi nghiệp chia ra 2 loại là Thời định dị thục định (thời gian xác định, quả báo cũng xác định) và Thời định dị thục bất định (thời gian nhất định, quả báo không nhất định), cộng chung có 6 loại, 6 loại này cộng chung với 2 nghiệp Bất định nói trên thành là 8 nghiệp.

Chỗ y cứ của tác dụng nghiệp là con đường chung dẫn đến quả báo khổ, vui của loài hữu tình, gọi là Nghiệp đạo(Căn bản nghiệp đạo), có 2 loại là Thập thiện nghiệp đạo và Thập ác nghiệp đạo. Vấn đề này, Thuyết nhất thiết hữu bộ, Kinh lượng bộ và Duy thức Đại thừa trình bày có hơi khác nhau. Nghiệp là nhân sinh ra quả báo (dị thục), vì thế cũng gọi là Nghiệp nhân, hoặc Nhân nghiệp. Quả do nghiệp mang lại, gọi là Nghiệp quả, Nghiệp báo. Cái sức dắt dẫn nghiệp quả, gọi là Nghiệp lực. Do nghiệp mà đưa đến quả báo khổ, gọi là nghiệp khổ. Ác nghiệp và phiền não gọi chung là Nghiệp kết, Nghiệp não. Chướng ngại do nghiệp ác sinh ra, gọi là Nghiệp chướng, Nghiệp lụy. Vì nghiệp có khả năng chiêu cảm báo ứng, cho nên cũng gọi là Nghiệp cảm. Nghiệp được tạo tác ở đời quá khứ, gọi là Túc nghiệp, hoặc Tiền nghiệp. Thọ mệnh do túc nghiệp đền trả, gọi là Nghiệp thọ, Nghiệp thụ. Trọng bệnh do nhân của Túc nghiệp gây ra, gọi là Nghiệp bệnh. Những tai ách do ảnh hưởng của túc nghiệp, gọi là Nghiệp ách. Lại vì nghiệp đeo theo con người giống như bóng với hình, cho nên cũng gọi là Nghiệp ảnh.

Nghiệp có năng lực trói buộc chúng sinh ở cõi mê, cho nên gọi là Nghiệp hệ, Nghiệp quyên, Nghiệp phược, Nghiệp thằng. Nghiệp giống như tấm lưới vít kín chúng sinh trong cõi mê, vì thế gọi là Nghiệp võng. Ác nghiệp giống như bụi nhơ, hay làm bẩn thân người nên gọi là Nghiệp cấu, Nghiệp trần. Cũng có chỗ ví dụ tác dụng của Nghiệp ác giống như lửa, ma, giặc, cho nên gọi là Nghiệp hỏa, Nghiệp ma (1 trong 10 loại ma), Nghiệp tặc v.v... Tấm gương, cái cân, cuốn sổ... trong địa ngục dùng để soi rọi, cân lường và ghi chép nghiệp thiện, ác của chúng sinh được gọi là Nghiệp kính, Nghiệp xứng, Nghiệp bạ... Sức của Nghiệp ác mạnh như gió, cho nên gọi là Nghiệp phong. Sức thần thông có được nhờ túc nghiệp, gọi là Nghiệp thong (Báo thông). Nghiệp có năng lực chiêu cảm (quả báo) địa ngục Vô gián, gọi là Vô gián nghiệp. Nghiệp trói buộc hữu tình chúng sinh trong 3 cõi, gọi là Tam giới hệ nghiệp. Nghiệp chiêu cảm quả báo khiến hữu tình chúng sinh sinh vào các cõi trong vị lai, gọi là Nhuận nghiệp, Nhuận sinh nghiệp. Ngoài ra, nghiệp do mình tự tạo, mình chịu quả báo, gọi là Tự nghiệp tự đắc. Chi Hữu trong 12 nhân duyên được gọi là Nghiệp hữu. Sau hết, pháp tu niệm Phật A di đà nguyện cầu vãng sinh Tịnh độ được gọi là Tịnh nghiệp. [X. kinh Tạp a hàm Q.13, 37, 49; kinh Trung a hàm Q.3, 58; kinh Trường a hàm Q.11; kinh Bản sự Q.1; kinh Chính pháp niệm xứ Q.34; Duy thức luận đồng học sao Q.1; Phật pháp khái luận chương 7 (Ấn thuận); Thành Phật chi đạo Ngũ thừa cộng pháp chương (Ấn thuận); Phật học Kim thuyên (Trương trừng cơ); Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận thiên 2 chương 4 (Mộc thôn Thái hiền); Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận thiên 5 chương 5 (Mộc thôn Thái hiền)]. (xt. Nghiệp Đạo).

Trích từ: Phật Quang Đại Từ Điển


Từ Ngữ Phật Học Trong: Nghiệp