Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Vang-Sanh-Tinh-Do-Noi-Theo-Y-Nghia-Rot-Rao-Trong-Phat-Phap-Thi-La-Huu-Sanh-Hay-Vo-Sanh...?

Vãng Sanh Tịnh Độ Nói Theo Ý Nghĩa Rốt Ráo Trong Phật Pháp Thì Là Hữu Sanh Hay Vô Sanh...?
Dân Quốc Tịnh Luật Tự sa-môn Tánh Phạm | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

* Hỏi: Cổ đức có nói: “Vãng vô sở vãng, sanh vô sở sanh” (Đi thì chẳng có gì để đi, sanh thì chẳng có gì được sanh), lại còn nói: “Vãng tắc quyết định vãng, sanh tắc quyết định sanh” (Vãng thì quyết định là vãng, sanh thì quyết định là sanh). Lại còn nói: “Sanh thì quyết định sanh, đi thì thật sự chẳng đi”, hoặc “vãng thì có vãng, nhưng sanh thì không sanh”. Rốt cuộc là hữu sanh hay vô sanh?

Đáp: Như trong bộ Vãng Sanh Tịnh Độ Luận Giảng Yếu, Thái Hư đại sư đã nói: “Nói theo Thắng Nghĩa Đế trong Phật pháp, cõi Phật rốt ráo thanh tịnh chính là Nhất Chân pháp giới lìa hết thảy các tướng, lìa hết thảy phân biệt, ngôn thuyết. Nhất Chân pháp giới ấy trọn khắp hết thảy mọi nơi, ai nấy đều vốn sẵn có, nhưng nó chẳng hiển hiện, là vì bị phiền não, nghiệp báo ngăn chướng. Tuy trọn khắp hết thảy mà chẳng tương ứng, rốt cuộc ở trong sanh tử như mộng, như huyễn, lưu chuyển không ngừng. Nếu có thể phá phiền não nghiệp báo mộng huyễn ấy, một niệm giác ngộ, thì ngay trong một niệm liền tương ứng Tịnh Độ. Đấy chính là ý nghĩa vãng sanh ‘vãng vô sở vãng, sanh vô sở sanh’ vậy.

Nếu dựa theo Thế Tục Đế để bàn về vãng sanh thì vãng quyết định là vãng, sanh thì quyết định là sanh. Do cái nhân là tu Tịnh nghiệp, đến khi mạng chung, quyết định lìa khỏi thế giới Sa Bà này mà vãng sanh thế giới Cực Lạc kia.

Nếu gộp chung Thắng Nghĩa Đế và Thế Tục Đế để luận định vãng sanh thì lại có thể nói: ‘Vãng thì không có vãng, sanh thì quyết định sanh’. Do báo thể (bản thể của báo thân) của người vãng sanh chính là A Lại Da Thức, thức ấy trọn khắp hết thảy mọi nơi, chẳng có nơi chốn. Sanh vào trong cõi nước này chính là do nghiệp lực năng sanh (nghiệp lực chi phối sự chuyển sanh) đã chín muồi cho nên cái báo thể (thân do nghiệp báo kết thành) để sanh trong cõi nước này bèn thành tựu. Nếu Tịnh nghiệp sanh vào Tịnh Độ đã chín muồi thì cái báo thể sanh vào Tịnh Độ bèn thành tựu. Vì thế nói ‘vãng thì không vãng, sanh thì quyết định sanh’.

Lại nữa, khi cái báo thể đã thành trong hiện tại chưa xả mạng thì là báo thân trong thế giới này; nếu xả mạng bèn vãng sanh Cực Lạc, tức là trở thành báo thân trong thế giới Cực Lạc. Đấy chính là ‘vãng thì có vãng’, nhưng không có năng sanh (chủ thể sanh về) và sở sanh (cõi nước để sanh về) thực tại, tức là báo thân như mộng huyễn, rốt cuộc là do đâu mà sanh vào Sa Bà, do đâu mà sanh vào Cực Lạc? Nếu là từ tự sanh thì khi chưa sanh, tự thể vẫn còn chưa có, làm sao có thể tự sanh? Nếu là tha sanh (do pháp gì khác mà sanh), thì do đối với tự mà nói là tha, tự đã chẳng sanh, làm sao tha có thể sanh cho được? Nếu chẳng do cái nhân mà sanh thì giống như vô sanh. Trung Luận có nói: ‘Các pháp chẳng tự sanh, cũng chẳng do pháp khác sanh, chẳng cùng, chẳng không nhân, vì thế nói vô sanh’. Do vậy, có thể nói: ‘Vãng thì có vãng, nhưng sanh thì không sanh’.

Đối với bốn câu trên đây, đều chớ nên thiên chấp. Nếu có thể lìa chấp, sẽ có thể tùy thuận cơ nghi mà lập bày, diễn nói”.

Do vậy có thể biết, liên hữu Tịnh Tông chỉ nên tự vấn Tịnh nghiệp của chính mình đã thành tựu hay chưa, chẳng cần phải thắc mắc là hữu sanh hay vô sanh? Tịnh nghiệp là nhân, Tịnh Độ là quả, nhân và quả quyết định chẳng lìa nhau. Pháp môn Tịnh Độ từ hữu sanh mà ngộ vô sanh, nương nhờ y báo và chánh báo của đức Di Đà để hiển lộ tâm tánh của chính mình; do huân tập mà thành tựu, chứng nhập cái mà mình vốn sẵn có. “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, nhất tâm nhị môn, Nhị Đế (Chân Đế và Tục Đế) viên dung, Lý Sự vô ngại vậy!
 
Trích từ: Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề XáChú Giải Giảng Nghĩa
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Chú Giải Giảng Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Tịnh Từ Yếu Nghĩa, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về

Vãng Sanh
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Vãng Sanh Tây Phương
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Cầu Sanh Tịnh Độ Là Tiểu Thừa Hay Đại Thừa...?
Dân Quốc Tịnh Luật Tự sa-môn Tánh Phạm

Đới Ngiệp Vãng Sanh
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam